Đề thi theo SGK mới, bài Mẹ ơi- đời mẹ của Huy Cận

 

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều
Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng
Mà lòng yêu sống lạ lùng
Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.
“Đắng cay ngậm quả bồ hòn,
Ngậm lâu hoá ngọt!” Mẹ còn đùa vui!
Sinh con mẹ đã sinh đời
Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?
Quanh năm có nghỉ ngày nào!
Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.
Rét đông đi cấy  đi cày
Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.
Bấu1 chân khỏi ngã dốc nhoài
Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.
Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,
Vỉa2 câu chua chát lời thơ truyện Kiều.
Cắn răng bỏ quá trăm điều
Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.
Mẹ là tạo hoá tháng ngày
Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

(Mẹ ơi, đời mẹ… Huy Cận*, 1-1974, www.thivien.net)

Chú giải

 (*) Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) là cây bút hàng đầu của trào lưu Thơ mới, là nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bên cạnh những thi phẩm giàu cảm hứng vũ trụ cho thấy một thế giới nội tâm sâu lắng, ông còn có những bài thơ rất chân thành trong cảm xúc về gia đình.

(1)”Bấu” là động tác bám chặt các đầu ngón chân trên nền đất trơn để cho khỏi ngã.

(2)”Vỉa” là chọn ra được những câu thơ phù hợp nhất với hoàn cảnh, đọc lên mọi người cùng nghe.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ? (0,5 điểm)

Câu 3. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/ chị hãy chỉ ra 04 phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người mẹ được thể hiện trong bài thơ trên? (1,0 điểm)

Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau? (1,0 điểm)

Rét đông đi cấy đi cày
Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.

Câu 6. Qua bài thơ, người con muốn bộc lộ nỗi niềm gì với người mẹ của mình? (0,5 điểm)

Câu 7. Từ nội dung bài thơ, anh/chị rút ra được bài học ý nghĩa gì cho bản thân? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 8. Viết đoạn văn  khoảng 5 – 7 câu trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của tình mẫu tử. (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Mẹ ơi, đời mẹ… được trích dẫn ở trên.

 

————- HẾT ————-

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ THANG ĐIỂM MÔN: NGỮ VĂN 11

Phần  Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Lục bát 0,5
2 Người con – tác giả Huy Cận 0,5
3 Biểu cảm 0,5
4 – Hs nêu đúng, đủ 04 phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người mẹ được thể hiện trong bài thơ (không cần chỉ ra dẫn chứng):

– Yêu thương gia đình, chăm chỉ, giàu đức hi sinh, thủy chung, giàu lòng yêu sống, lạc quan, nhẫn nhịn…

1,0
5 – Chỉ ra biện pháp tu từ: Liệt kê:

+ Rét đông, nóng hè, đường lầy

+ đi cấy, đi cày, đội khoai

Đối: rét đông-  nóng hè/ đi cấy – đi cày

Đảo: rét đông, nóng hè

-Nêu tác dụng:

+ Làm nổi bật hình ảnh người mẹ: Vất vả, tần tảo, dãi dầu mưa nắng. Đồng thời thể hiện nỗi niềm cảm thông, thương xót của người con dành cho mẹ

+ Làm cho đoạn thơ thêm sinh động, giàu sức gợi hình, gợi cảm, nhịp điệu hài hòa.

1,0
6 Qua bài thơ người con muốn bộc lộ: Sự yêu quý; niềm xót thương; sự cảm thông; lòng biết ơn mẹ… 0,5
7 Học sinh được tự do rút ra được 01 bài học có ý nghĩa và liên quan đến nội dung của bài thơ và có sự lí giải phù hợp.

– Bài học: Mỗi người cần phải biết yêu thương mẹ của mình; phải trở thành người con có tấm lòng hiếu thảo, hãy luôn cố gắng bên cạnh mẹ, chăm sóc mẹ của mình khi còn có thể; noi gương mẹ để trở thành con người có những phẩm chất tốt đẹp…

– Lí giải phù hợp như:

+ Vì mỗi người chỉ có một mẹ trên đời, mẹ sinh ra, cho ta sự sống

+ Vì đã mẹ tần tảo, hi sinh vất vả cả đời nuôi dạy ta khôn lớn

+ Vì mỗi ngày ta lớn đồng nghĩa với việc mỗi ngày mẹ dần già, yếu đi…

1,0
8 Ý nghĩa của tình mẫu tử:

– Giúp đời sống tinh thần của ta vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương.

– Tạo điểm tựa tinh thần, tiếp thêm cho ta sức mạnh trước mỗi khó khăn, thử thách.

– Giúp con người biết sống một cuộc sống tốt đẹp, đúng đắn và có ý nghĩa…

HD chấm: HS có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau trên cơ sở đảm bảo ý chính

1,0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Mẹ ơi, đời mẹ….

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau:

2,5
  * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

* Nội dung:

– Đoạn thơ khắc họa hình ảnh người mẹ qua sự cảm nhận của nhà thơ:

+ Cuộc đời khổ cực, lam lũ: sinh con, nuôi con khôn lớn; làm việc sớm khuya, quanh năm; công việc vất vả: rét đi cấy, nắng đội khoai, mưa gánh nước…

+ Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất đáng quý: lạc quan, yêu cuộc sống; thuỷ chung, yêu thương chồng con; chăm chỉ, chịu khó; giàu đức hi sinh…

– Đoạn thơ thể hiện những tình cảm của tác giả với mẹ:

+ Thương cảm, thấu hiểu cho cuộc đời vất vả của mẹ

+ Yêu quý, trân trọng, biết ơn công lao to lớn và những vẻ đẹp tâm hồn của mẹ …

* Nghệ thuật:

– Thể thơ lục bát truyền thống.

– Ngôn từ, hình ảnh thơ giản dị, sinh động, giàu cảm xúc.

– Giọng điệu chân thành và suy tư.

– Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: liệt kê, câu hỏi tu từ…

=> Đánh giá: Đoạn thơ khắc họa hình tượng người mẹ dù cuộc đời lam lũ, vất vả nhưng tâm hồn có nhiều phẩm chất đáng quý tiêu biểu cho số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Qua đó tác giả gửi gắm những tình cảm sâu sắc, chân thành với mẹ cùng tài năng nghệ thuật độc đáo của mình, mang tới cho người đọc những thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử…

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

– Trình bày đầy đủ, nhưng còn đôi chỗ chưa sâu: 1,75 –  2,25 điểm.

– Trình bày còn thiếu ý, chưa sâu sắc : 1,0 điểm – 1,5 điểm.

– Trình bày chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm chính tả nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; biết so sánh, liên hệ; sử dụng lí luận văn học. 0,5
I + II     10

 

 

BÀI VIẾT THAM KHẢO

 

Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ già

Lời ca dao đọng lại biết bao thắm thiết ân tình dành cho người chỉ có một trên đời với mỗi đứa con. Mẹ – tiếng gọi thiêng liêng và đáng trân trọng biết bao! Bởi vậy đã có không ít những vần thơ lấy đề tài, cảm hứng từ con người cao trọng ấy. Một bà bầm, bà bủ trong thơ Tố Hữu, một người mẹ bị ốm của Trần Đăng Khoa,…và người mẹ để lại trong tôi tình cảm sâu đậm là người mẹ trong bài Mẹ ơi, đời mẹ… của Huy Cận.

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều
Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng
Mà lòng yêu sống lạ lùng
Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.
“Đắng cay ngậm quả bồ hòn,
Ngậm lâu hoá ngọt!” Mẹ còn đùa vui!
Sinh con mẹ đã sinh đời
Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?
Quanh năm có nghỉ ngày nào!
Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.
Rét đông đi cấy  đi cày
Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.
Bấu1 chân khỏi ngã dốc nhoài
Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.
Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,
Vỉa2 câu chua chát lời thơ truyện Kiều.
Cắn răng bỏ quá trăm điều
Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.
Mẹ là tạo hoá tháng ngày
Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

 

Trong phiên chợ văn chương đông đúc và náo nhiệt, ta bắt gặp một ngòi bút tài năng và độc đáo, ngòi bút thâu tóm toàn bộ những hạt vàng mà đời rơi vãi để rồi chồng lên những đóa hoa tuyệt sắc, thu hút bao kẻ say mê văn học. Ngòi bút hàng đầu của trào lưu thơ mới, nhà thơ xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại – Huy Cận. Bên cạnh những thi phẩm giàu cảm hứng vũ trụ cho thấy một thế giới nội tâm sâu lắng, ông còn là ông còn có những bài thơ rất chân thành trong cảm xúc về gia đình. Bài thơ Mẹ ơi đời mẹ,… được tác giả thai nghén vào tháng 1 năm 1974 với đề tài về tình mẫu tử. Có lẽ cảm xúc của ông đã tràn đầy, phập phồng trong lồng ngực, để rồi bật ra tạo nên những vần thơ đầy xúc động. Đề tài về người mẹ là đề tài muôn thuở trong thi ca và giờ đây ta lại bắt gặp thêm một trang thơ viết về tình mẫu tử.  Bài thơ là xúc cảm của nhân vật người con với người mẹ của mình, sự thương yêu và thấu hiểu của người con đối với những nỗi vất vả nhọc nhằn và sự vị tha yêu thương hi sinh cao cả của Mẹ. Đó cũng là sự biết ơn vì mẹ đã cho con được sống và cảm nhận yêu thương .

Có người đã từng nói cảm động lòng người trước hết không gì ngoài tình cảmtình cảm là cái gốc của văn chương. Quả thực nhà thơ Huy Cận đã tạo cho tác phẩm của mình cái gốc ấy để rồi ta phải rung cảm trước sự yêu thương, thấu hiểu của người con với những nỗi vất vả nhọc nhằn và sự vị tha, yêu thương, hi sinh cao cả của Mẹ.

Mẹ ơi đời mẹ khổ nhiều

Trách đời Mẹ giận bao nhiêu cho cùng

Mà lòng yêu sống lạ lùng

Mẹ không chút nản thương chồng, nuôi con

Cuộc đời mẹ từ khi có con vô cùng vất vả và gian lao đời mẹ khổ nhiều . Biết bao trách nhiệm mẹ phải gồng gánh trên đôi vai gầy một nắng hai sương, vun đắp và nuôi sống gia đình vậy nhưng mẹ không hề trách cuộc đời bởi phải giận bao nhiêu cho cùng. Mẹ đã vì đứa con, vì gia đình nhỏ của mình, tiếp tục cuộc sống. Có lẽ lòng yêu sống của mẹ là bởi vì đứa con ở nhà được ăn học, được vui chơi, lớn lên trong đầy đủ, là bữa cơm gia đình ấm áp,… Bởi vậy mẹ không phút nản mà kiên cường.

Cuộc đời thật đẹp biết bao nhiêu trong thực tế nhưng cái đẹp nên thơ ấy vẫn lấp lánh những sầu buồn. Chính đứa con cũng đã nhận thấy sự gian lao, vất vả sớm hôm, quanh năm suốt tháng của mẹ

Đắng cay ngậm quả bồ hòn

Ngậm lâu hoá ngọt mẹ còn đùa vui

Mẹ phải hi sinh ngậm đắng nuốt cay để rồi ngậm lâu hoá ngọt, nhận ra trong cái đắng vẫn còn vị ngọt.  Có lẽ bởi với mẹ những gian khổ mẹ phải trải qua tạo cho con cuộc sống no đủ tốt đẹp hơn. Đến đây ta lại nhớ đến câu hát

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào…

Tấm lòng ấy bao la, mênh mông quá, có ai không thể cảm nhận được đây? Lòng ta lại càng thêm vặn thắt khi chứng kiến hàng nghìn đắng cay mẹ phải nhận.

Quanh năm có nghỉ ngày nào,

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy

Rét đông đi cấy đi cày

Nóng hè bãi cát đường lầy đội khoai

Bấu chân khỏii ngã dốc nhoài

Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa

Quanh năm thời gian cứ lặp đi, lặp lại, mẹ vẫn miệt mài làm lụng sớm hôm đến người hao mặt gầy để lo cho con. Dù đông giá rét cũng đi cấy, đi cày, dù cái nắng của hè có khắc nghiệt cũng không ngừng nghỉ dù những ngày mưa có khó khăn đến đâu vẫn lặn lội đi kiếm ăn. Ta thật thương những người mẹ chịu bao cay đắng để nuôi ta khôn lớn. Dù có khó khăn, gian lao, vất vả đến đâu cũng gắng gượng đến cùng. Thật đáng nâng niu và trân trọng!

Có đôi lúc xung đột, cãi vã nhưng vì gia đình mẹ cũng chịu đựng, cho qua.

Giận thầy mẹ chẳng nói thưa

Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều

Đọc đến đây ta bất ngờ khi cũng khám phá ra cái khiến mẹ yêu đời là cái đẹp của nghệ thuật. Những câu Kiều đã đi vào trong đời sống của dân gian như tiếng nói tự nhiên, vô cùng gần gũi. Mượn những câu thơ ấy, mẹ đã nói lên tiếng lòng của một người phụ nữ nhưng không hề làm mất đi cái dịu dàng, đằm thắm, nữ tính của một người phụ nữ. Dù có giận hờn, xung đột nhưng vì tương lai của con mẹ vẫn cắn răng, bỏ qua để đổi lấy tuổi thơ bình yên và hạnh phúc của con em mình. Quả thật, mẹ là người vị tha và bao dung.

Người con không chỉ yêu thương và thấu hiểu mẹ mà khi chứng kiến sự gian lao ấy người con còn biết ơn mẹ vì mẹ đã sinh con ra trên cuộc đời này

Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống mẹ ngồi chán sao?

Với mẹ, nỗi nhọc nhằn ấy là niềm vui là cái đáng quý nhất của đời người bởi mẹ đã tạo ra sự sống đã và đang đảm nhận một trách nhiệm thiêng liêng đó là nuôi dưỡng tình yêu của mình.

Mẹ là tạo hóa tháng ngày

Làm ra ngày tháng sâu dày đời con

Không có kỳ quan nào đẹp bằng mẹ! Mẹ đã thực thi sứ mệnh thiêng liêng của mình sinh ra con trên đời, nuôi dưỡng con nên người. Người con vô cùng biết ơn công sinh thành và dưỡng dục của mẹ bởi mẹ đã làm ra tháng này sâu dày đời con , cho con có cơ hội nhìn thấy mặt trời và cảm nhận cái đẹp, cái đáng sống của trần gian.

Bài thơ là những tình cảm vô cùng chân thành và xúc động của người con dành cho mẹ, từ đó, ta cảm nhận rõ nét hơn hình ảnh người mẹ. Đó là người rất kiên cường, rất cần cù, sẵn sàng hi sinh bản thân để cho con có cuộc sống tốt đẹp, là người phụ nữ dịu dàng nữ tính và tràn đầy vị tha. Không chỉ là người mẹ trong bài thơ mà từ cái vỉa hiện thực nhà thơ khai thác để cho ta hiểu thêm mọi bà mẹ trên đời.

 Tâm nhờ tài mà tỏa sáng vì thế hình thức nghệ thuật là yếu tố không thể thiếu trong mỗi tác phẩm bài thơ. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát rất đỗi bình dị quen thuộc, âm điệu và lời thơ đi sâu và lòng người đọc và thể hiện được mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ngôn ngữ thơ vô cùng tinh tế, mỗi chữ là hạt ngọc buông xuống trong bản thảo, kêu giòn, lấp lánh và tỏa hương hàm súc, cô đọng, giàu sức gợi tả, gợi cảm. Từ bấu là một động tác bám chặt các ngón chân trên nền đất trơn cho ta thấy được sự gắng gượng, gồng mình lên vì con thế nào. Từ vỉa là sự chọn lọc những câu thơ phù hợp với hoàn cảnh đọc lên cho mọi người nghe cho ta thấy chất nghệ sĩ trong người mẹ. Nội dung ấy đã mở ra nơi từ ngữ bài thơ với chất giọng nhẹ nhàng như lời thủ thì bên tai người đọc, dần khắc sâu vào trái tim độc giả. Cách gieo vần chân tạo nhịp điệu cho bài thơ và giúp người đọc dễ thuộc, dễ nhớ. Các biện pháp tu từ trong bài thơ được sử dụng rất phong phú và khéo léo: phép liệt kê, phép đối, ẩn dụ cho ta mở rộng lòng mình để cảm nhận cái hay cái đẹp của bài thơ.

Thời gian biến tóc ta thành hoa lau, nhuộm hồn ta thành lá đỏ, và rồi một ngày sẽ biến hồn ta thành mây trắng lang thang nhưng những gì là thơ, là nghệ thuật thì vẫn mãi trong lòng bạn đọc. Bài thơ Mẹ ơi, đời mẹ…của Huy Cận cho ta bài học về sự thiêng liêng của tấm lòng người mẹ, qua đó càng thêm trân trọng nâng niu những phút giây cạnh mẹ bởi những gì đã qua đi nếu không trân trọng sẽ nuối tiếc cả đời.

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *