Đề theo SGK mới bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư

 ĐỀ VỀ THƠ LỚP 10

(Giới hạn: Thơ Đường luật, thơ mới)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

NẮNG MỚI

                                                                – Lưu Trọng Lư –

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

 

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

 

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

(Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân.NXB Văn học, 2000, tr. 288)

         Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: (0.5 điểm) Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: (0.5 điểm)Theo văn bản, nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 3: (0.5 điểm) Em hãy chỉ ra  những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ nói về hình ảnh người mẹ?

Câu 4: (1.0 điểm) Câu thơ “Nét cười đen nhánh sau tay áo” gợi cho em liên tưởng những điều  gì về người mẹ?

Câu 5: (1.0 điểm) Hãy lí giải những hình ảnh thơ “nắng mới”, “áo đỏ”, “nét cười đen nhánh”?

Câu 6:(1.0 điểm) Theo em, bài thơ gợi lên những xúc cảm gì về hình ảnh người mẹ?

Câu 7: (1.0 điểm) Xác định tâm trạng của nhân vật trữ tình qua bài thơ?

Câu 8: (0.5 điểm) Viết một đoạn văn ngắn ( khoảng từ 5- 7 dòng ) trình bày suy nghĩ của em về tình mẫu tử.

  1. LÀM VĂN: (4.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

 

* Chú thích :

Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 – 10 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam. Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thủa nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ 3 tại Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống. Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1991 Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Các tác phẩm chính Tiếng Thu (1939); Tỏa sáng đôi bờ biển (1959); Người con sông Gianh (1966);Từ đất này (197l)

  • Bài thơ “Nắng mới” được trích từ tập thơ “Tiếng thu” (1939).
  • “me” có nghĩa là mẹ

 

 

Hướng dẫn chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Thể thơ: bảy chữ

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

0.5
2 Nhân vật trữ tình trong bài thơ: tôi

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

0.5
3 Từ ngữ, hình ảnh nói về người mẹ: Mẹ tôi; người còn sống; áo đỏ người đưa; hình dáng; nét cười; tay áo.

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời từ 4 từ ngữ, hình ảnh trở lên : 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời từ 2-3 từ ngữ, hình ảnh : 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

0.5
4 Câu thơ thể hiện vẻ đẹp truyền thống, kín đáo, rạng rỡ, tỏa sáng của người mẹ.

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc tương đương : 0,75 điểm.

– Học sinh diễn đạt chưa sâu sắc nhưng ý tương đương: 0,5 điểm

– Học sinh diễn đạt chưa sâu sắc, chưa đầy đủ: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

1.0
5 Các hình ảnh thơ liên hệ chặt chẽ, hình ảnh này dẫn đến sự xuất hiện hình ảnh kia; tất cả cùng khơi gợi kỉ niệm và tình cảm về mẹ.

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1/2 ý trên: 0.75 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý sâu sắc: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý chưa sâu sắc: 0.25 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng nội dung hợp lí, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc vẫn đạt điểm tối đa.

1.0
6 Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong em cảm xúc nỗi nhớ mong mẹ qua những hình ảnh đẹp đẽ và hiền hậu của mẹ. Qua đó ta thấy người mẹ yêu thương con với tình yêu thương bao la, cao cả có vai trò quan trọng trong cuộc đời của nhà thơ.

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1/2 ý trên: 0.75 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý sâu sắc: 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý chưa sâu sắc: 0.25 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng nội dung hợp lí, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc vẫn đạt điểm tối đa.

1.0
7 Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: tâm trạng buồn nhớ thương da diết, khắc khoải về người mẹ của mình.

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời nội dung phong phú, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc: 0.75 – 1.0 điểm.

– Học sinh bộc lộ được tình cảm về người thân nhưng nội dung chưa phong phú, diễn đạt chưa mạch lạc: 0.25 – 0.5 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0.0 điểm.

Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng nội dung hợp lí, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc vẫn đạt điểm tối đa.

1.0
8 – Xác định đúng cấu trúc đoạn văn nghị luận.

– Viết đúng vấn đề nghị luận: tình mẫu tử.

+ Đây là tình cảm thiêng liêng, quý giá mà mỗi người đều có.

+ Tình mẫu tử thể hiện sự yêu thương, gắn kết giữa con với mẹ. Tình cảm ấy là động lực giúp mỗi người cố gắng trong cuộc sống.

+ Mỗi chúng ta cần trân trọng tình mẫu tử, biết yêu thương, quan tâm tới đấng sinh thành nhiều hơn.

* Hướng dẫn chấm:

– Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn, đúng vấn đề nghị luận, lập luận thuyết phục, diễn đạt mạch lạc. 0,75 – 1.0 điểm.

– Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn, đúng vấn đề nghị luận, lập luận chưa thuyết phục, diễn đạt chưa mạch lạc. 0,5điểm.

– Học sinh viết chưa đảm bảo hình thức, diễn đạt lập luận không thuyết phục: 0,25 điểm

– Học sinh không viết : 0.0 điểm

0.5
II   LÀM VĂN 4.0
     Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.  
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.5
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

0.5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

Mở bài:

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: (Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

–         Chủ đề: Qua nỗi nhớ da diết về mẹ, về kí ức tuổi thơ, tác phẩm

đã khẳng định vẻ đẹp của tình cảm gia đình, tình yêu quê hương xứ sở trong mỗi con người.

-Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình: Bài thơ làm nổi bật hình ảnh bức tranh thiên nhiên nắng mới. Từ đó khơi nỗi nhớ về người mẹ của mình. Qua đó bộc lộ tình cảm thương mến, kính yêu về người mẹ.

-Hình ảnh đặc sắc: “nắng mới”, hình ảnh về người mẹ, hình ảnh “tiếng gà trưa”

– Điểm nhìn của nhân vật trữ tình

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

Sự phát triển của hình tượng chính

– Trong tiếng gà trưa xao xác, kỷ niệm chợt ùa về, đong đầy trong nỗi nhớ
– Từ “nắng mới” trong tựa lại để một lần nữa được chọn đế mở đầu bài thơ như một sợi dây liên khúc, một nhịp cầu nối về quá khứ xa xưa.

→ Dưới con mắt duyên của Lưu Trọng Lư, nắng chỉ là một ảnh hình quen thuộc, soi rọi vào tiềm thức nhà thơ, gọi về những kỷ niệm xa xưa của một thời tươi đẹp. Cộng hưởng với màu sắc mới ấy còn có một âm thanh, cũng quen thuộc và buồn không kém là tiếng gà trưa xao xác não nùng.

–         Kí ức về mẹ trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”:

“Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười”: nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ về mẹ.

Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết: “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc, đó là hình ảnh của những người mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương, chịu thương chịu khó. Mẹ hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ với đầy đủ nét duyên dáng, hiền từ.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Hai từ láy gợi âm nhiều hơn gợi tả “xao xác”, “não nùng”.

Lời thơ viết giản dị, tự nhiên, không một chút cầu kỳ, gọt rũa

→ Kỷ niệm ùa về, lung linh trong màu nắng mới, đánh thức dậy trong tâm hồn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa.
+ “Những ngày không” phải chăng là những ngày ấu thơ, khi tác giả còn nhỏ, lòng chưa vướng bận điều gì. “Những ngày không” ấy đã in dấu một kỷ niệm hay hình ảnh một người nào?

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

-Về nghệ thuật: Bài thơ mang giọng điệu nhẹ nhàng, da diết, cách gieo vần liền và vần chân tạo tính nhạc cho những câu thơ. Ngôn ngữ thơ giản dị, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ tạo nên sự gần gũi, thân thuộc.

Thông điệp rút ra từ bài thơ: Bài thơ là nỗi nhớ của nhân vật trữ tình đối với người mẹ của mình; thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thuận của người Việt Nam.

-“Nắng mới” là tiếng  lòng yêu thương, biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành, khơi gợi bao cảm xúc trong lòng độc giả yêu thơ.

KB:

Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

2.0
 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.5
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

TỔNG 10

 

Bài viết tham khảo

 

Phương Lựu đã từng có quan niệm: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình”. Có lẽ vì thế mà mỗi tác phẩm văn chương đều mang một dấu ấn riêng biệt của người sáng tác. Cùng là “nắng mới” nhưng nắng mới trong thơ Hàn Mặc Tử là “nắng mới lên” , một vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi đón chào ngày mới. Còn trong thơ của Lưu Trọng Lư lại là “nắng mới hắt bên song”, một ánh nắng ấm áp, giản dị đậm màu sắc của vùng quê Bắc Bộ:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song

…………………………………

Trong ánh trưa hè trước giậu phơi”

 

Lưu Trọng Lư là người con của Quảng Bình, xuất thân trong gia đình nho học, thơ ca của ông dung dị và gian đơn nhưng đậm sâu da diết. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận định: “ Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng,không biết chọn chữ, không chịu khó gọt rũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên trang giấy”. Chính là “Nắng mới”,nhà văn để lòng mình hòa với ánh nắng và trải tràn trên trang giấy mà chìm vào kỉ niệm thủa ấu thơ bên hình dáng người mẹ mến thương. Chủ đề của bài thơ là nỗi nhớ da diết về mẹ, về kí ức tuổi thơ, tác phẩm đã khẳng định vẻ đẹp của tình cảm gia đình, tình yêu quê hương xứ sở trong mỗi con người. Nhà thơ diễn tả nỗi nhớ bằng mạch cảm xúc làm nổi bật hình ảnh bức tranh thiên nhiên nắng mới. Từ đó khơi nỗi nhớ về người mẹ của mình. Qua đó bộc lộ tình cảm thương mến, kính yêu về người mẹ. Nhà thơ để nhân vật trữ tình tự bộc bạch mạch cảm xúc của mình như những lời tâm sự, trăn trở, trìu mến nhớ về mẹ, về kỉ niệm thiếu thời bên mẹ. Ânr sau đó  là tình yêu đối với quê hương, gia đình sậu nặng.

Hình ảnh nắng mới khơi gợi nguồn cảm xúc về kí ức: “nắng mới”, “gà trưa” là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với làng quê Việt Nam. Những hình ảnh bình dị, gần gũi bắt đầu từ những hình ảnh quá đỗi quen thuộc này. Từ “nắng mới” trong tựa lại để một lần nữa được chọn đế mở đầu bài thơ như một sợi dây liên khúc, một nhịp cầu nối về quá khứ xa xưa. Có thể nói, dưới con mắt duyên của Lưu Trọng Lư, nắng chỉ là một ảnh hình quen thuộc, soi rọi vào tiềm thức nhà thơ, gọi về những kỷ niệm xa xưa của một thời tươi đẹp. Cộng hưởng với màu sắc mới ấy còn có một âm thanh, cũng quen thuộc và buồn không kém là tiếng gà trưa xao xác não nùng:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không”

Kết hợp với cách sử dụng từ ngữ độc đáo từ hắt” diễn tả ánh sáng xuyên qua song cửa. Gợi không gian hiu hắt, vắng lặng.Từ láy “xao xác”, “não nùng” diễn tả âm thanh xao động. Tiếng gà nhấn mạnh sự vắng lặng của không gian, lấy động để tả tĩnh. Cách ngắt nhịp 2/2/3 thể hiện cảm xúc trầm buồn, nhớ thương. Kết hợp từ thông thường là “buồn rười rượi” nhưng tác giả đảo từ “rượi” lên trước từ “buồn” nhằm nhấn mạnh nỗi buồn tê tái, khôn nguôi. Từ láy “chập chờn” thể hiện những hình ảnh trong quá khứ dần hiện lên trong tâm trí của nhân vật trữ tình.

“Tiếng gà trưa” đánh thức cả bầu trời kỉ niệm trong nhà thơ. Và kỉ niệm sâu đậm nhất chính là kỉ niệm về người mẹ. bằng tình cảm yêu mến, gắn bó với gia đình, với người mẹ kính yêu của nhân vật “tôi” bộc lộ qua nỗi nhớ thương về hình bóng người mẹ từ miền kí ức tuổi lên mười: ẩn hiện trong màu đỏ trước giậu phơi, trong “nét cười đen nhánh sau tay áo”. Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết: “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc, đó là hình ảnh của những người mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương, chịu thương chịu khó. Mẹ hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ với đầy đủ nét duyên dáng, hiền từ. Bài thơ là nỗi nhớ của nhân vật trữ tình đối với người mẹ của mình; thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thuận của người Việt Nam.

Về nghệ thuật, Nắng mới là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho hình thức Thơ mới, sử dụng thể thơ bảy chữ; từ ngữ giản dị, gần gũi, gợi cảm mang màu sắc Bắc Bộ; giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết; sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ,…đã lột tả tất cả những tiếng  lòng yêu thương, biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành, khơi gợi bao cảm xúc trong lòng độc giả yêu thơ. Cũng chính lối viết này, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã khẳng định được nét riêng độc đáo của mình trên thi đàn văn học Việt Nam. Bàn về phong cách của Lưu Trọng Lư nhà phê bình Hoài Thanh có viết “Dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc nỗi buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ vương vấn trong trí óc tôi hàng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa  là công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cũng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.

Khép lại bài thơ, Lưu Trọng Lư để ngoài bút tràn lan trên trang giấy và tâm trí người đọc về tình cảm của nhân vật trữ tình hướng về kí ức tuổi thơ, về người mẹ kính yêu, bài thư đánh thức tình cảm thiêng liêng về gia đình, quê hương, xứ sở trong mỗi chúng ta; khắc sâu bài học đạo đức truyền thống của người Việt Nam – Yêu thương gia đình, nguồn cội bằng những hình ảnh thơ trong trẻo, tươi sáng; giọng thơ tha thiết tình cảm; khẳng định tài năng của người cầm bút đúng như nhận định của Lép – Tôn – xtôi: “Một tác  phẩm nghệ thuật phải lf kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”

 

 

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *