Đề thi HSG môn văn tỉnh Ninh Bình ngày thi 7/3/2023

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH BÌNH

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

 

 

(Đề thi có 02 trang)

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN – THPT

Ngày thi: 07/3/2023

(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề)

 

 

 

 

Họ, tên thí sinh: ………………………………………….

Số báo danh: ………………………………………………

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

có con người sống mà như qua đời

 

có câu trả lời biến thành câu hỏi

có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

 

có cha có mẹ có trẻ mồ côi

có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

 

có cả đất trời mà không nhà ở

có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

 

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

 

có thương có nhớ có khóc có cười

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi

1992

                                  (Đồng dao cho người lớn, Trích tập thơ Đồng dao cho người lớn –                                          Nguyễn Trọng Tạo, NXB Văn học, Hà Nội, 1994)

Thực hiện các yêu cầu:

            Câu 1: Chỉ ra tác dụng của điệp từ trong văn bản trên.

            Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu thơ có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi?

            Câu 3: Hai câu thơ sau gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

            Câu 4: Nêu thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản.

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

            Câu 1 (2,0 điểm):

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hậu quả của hiện tượng con người sống mà như qua đời trong xã hội hiện nay.

 

Câu 2 (5,0 điểm):

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân viết:

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Và:

Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

            – Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

          Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

            – Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

            Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.24, tr.31)

Anh/Chị hãy cảm nhận hai đoạn trích trên; từ đó, liên hệ đến chi tiết đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới ở phần kết truyện và nhận xét về chiều sâu phản ánh hiện thực của truyện ngắn Vợ nhặt.

 

————-Hết————–

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TỈNH NINH BÌNH

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

 

 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN – THPT

 (Đáp án gồm có 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1

(0,75 điểm)

Tác dụng của điệp từ trong văn bản:

– Tạo âm hưởng hài hoà, nhịp nhàng cho bài thơ; tạo lối diễn đạt mới mẻ, sinh động, giàu hình tượng.

– Nhấn mạnh tính chất phức tạp, đa chiều, chứa đựng những mâu thuẫn và nghịch lí của cuộc sống.

– Thể hiện sự suy ngẫm, băn khoăn, trăn trở của nhà thơ về những vấn đề nhân sinh.

0,75
2

(0,75

điểm)

Câu thơ có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi được hiểu:

Cánh rừng là ẩn dụ cho sự tồn tại hữu hạn nhưng có ý nghĩa, có giá trị đối với đời sống.

– Câu thơ khẳng định: những sự tồn tại như vậy dù chỉ ngắn ngủi nhưng sẽ luôn được người khác tưởng nhớ đến (vẫn xanh trong tôi), vẫn sống trong trái tim và tấm lòng của mọi người.

0,75
3

(1,0 điểm)

Hai câu thơ đã gợi nhiều suy nghĩ:

– Hai câu thơ khẳng định quy luật tất yếu của cuộc sống, dù như thế nào, cuộc sống vẫn diễn ra, vẫn tiếp tục; con người vẫn nên sống lạc quan, say mê, yêu đời.

– Đây là quan điểm tích cực, sâu sắc, đem đến cho mỗi người bài học về cách sống, lối sống. Khi chúng ta thấu hiểu quy luật cuộc sống, sống hết mình, biết trân trọng giá trị cuộc sống thì có thể phát triển bản thân, tạo nên cuộc sống có ý nghĩa.

1,0
  4

(0,5 điểm)

– Thí sinh có thể đưa ra nhiều thông điệp khác nhau theo quan điểm cá nhân, đảm bảo hợp lí và thuyết phục.

– Một số gợi ý:

+ Cần sống tích cực, say mê, nhiệt huyết.

+ Cần sống cống hiến, mang lại giá trị cho cuộc đời.

+ Phải biết nâng niu, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

0,5
II   LÀM VĂN 7,0
   

 

 

 

 

 

 

 

 

1

(2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hậu quả của hiện tượng con người sống mà như qua đời trong xã hội hiện nay.  
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hậu quả của hiện tượng con người sống mà như qua đời trong xã hội hiện nay.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:

– Giải thích: sống mà như qua đời là tình trạng sống vô nghĩa, sống chỉ là tồn tại, lãng phí cuộc sống.

– Bàn luận:

Tình trạng sống này gây ra nhiều hậu quả:

+ Với mỗi người, lối sống trên khiến con người trở nên ỷ lại, lười biếng, trì trệ, vô cảm; phá vỡ các mối quan hệ; thậm chí là “chết” về tâm hồn và nhân tính.

+ Với cộng đồng xã hội, lối sống này ảnh hưởng đến những người xung quanh, làm phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

– Bài học: rèn luyện lối sống tích cực, phát triển bản thân và cống hiến cho cộng đồng.

1,0
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Thí sinh có những suy nghĩ, cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, lời văn sinh động, hấp dẫn.

0,25
 

 

 

 

 

 

2

(5,0 điểm)

Cảm nhận về hai đoạn trích; từ đó, liên hệ đến chi tiết đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới ở phần kết truyện và nhận xét về chiều sâu phản ánh hiện thực của truyện ngắn Vợ nhặt.  
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

– Giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn trích.

– Liên hệ đến chi tiết kết truyện và nhận xét về chiều sâu phản ánh hiện thực của truyện.

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt”, vấn đề nghị luận. 0,5
* Cảm nhận về hai đoạn trích:

– Đoạn trích thứ nhất:

+ Nội dung: Bức tranh năm đói

++ Không gian: tối tăm, mù mịt, đậm mùi tử khí.

++ Người chết: không ngày nào không có người chết, xác chết la liệt, như ngả rạ, xóm ngụ cư như trở thành khu nghĩa địa.

++ Người sống: tha hương cầu thực, lang thang phiêu bạt, tìm kiếm sự sống, bị đẩy đến đường cùng ranh giới giữa sự sống và cái chết.

=> Bức tranh nạn đói ở một xóm ngụ cư nhưng cũng mang ý nghĩa tiêu biểu cho nhiều vùng quê trên khắp cả nước; mang ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ, lên án tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với nhân dân ta, đất nước ta.

+ Nghệ thuật: ngôn ngữ giàu hình tượng; thủ pháp liệt kê, so sánh; giọng điệu thương cảm, xót xa.

– Đoạn trích thứ hai:

+ Nội dung: Bữa ăn ngày đói trong gia đình Tràng.

++ Bữa cơm ngày đói: đầy tủi hờn, thê thảm với món cháo cám đắng chát vốn không phải là thức ăn cho con người. Bữa cơm chào đón nàng dâu mới càng cho thấy tình trạng khốn cùng, kiệt quệ của gia đình.

++ Vẻ đẹp của tình người: bà cụ Tứ yêu thương, chăm lo cho các con, lạc quan, vui vẻ, động viên tinh thần con cái; Tràng nâng niu, vun vén cho gia đình; người vợ nhặt trân trọng, thấu hiểu tấm lòng của người mẹ, đồng cảm, chia sẻ cùng gia đình vượt qua cơn đói khát.

=> Giữa đói khát cùng cực, tình người là ánh sáng thắp lên niềm hi vọng, là động lực và sức mạnh để những con người khốn khổ vượt qua cơn bão táp của thời đại. Đây là giá trị nhân đạo sâu sắc, cũng là chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

+ Nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, mang đậm tính khẩu ngữ; sử dụng các từ láy giàu giá trị tạo hình; nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật…

– Đánh giá chung. Có thể theo hướng:

Đoạn trích thứ nhất là góc nhìn toàn cảnh về nạn đói, đoạn trích thứ hai là một điểm ấn tượng về tình trạng đói khát trong một gia đình lao động nghèo. Nổi bật nhất vẫn là hình ảnh người lao động với những phẩm chất tốt đẹp (tình yêu thương, tinh thần lạc quan). Qua đó, thấy được tấm lòng của nhà văn Kim Lân đối với người nông dân nghèo.

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,25

*Liên hệ với chi tiết “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” và nhận xét về chiều sâu phản ánh hiện thực của tác phẩm:

– Hai đoạn trích nói đến tình cảnh khốn cùng và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Chi tiết kết truyện đã hé mở tương lai, sự đổi đời của họ, đó là khi người nông dân giác ngộ, đi theo cách mạng và đứng lên đấu tranh, giành lại sự sống cho mình.

– Chiều sâu phản ánh hiện thực của tác phẩm:

+ Phản ánh chân thực, sống động, đầy ấn tượng về hiện thực nạn đói khủng khiếp.

+ Khám phá hiện thực đời sống tâm hồn sâu kín của những người lao động nghèo khổ: dù hoàn cảnh bi đát, thê thảm đến đâu họ vẫn luôn có niềm tin và khát vọng hướng về sự sống và ánh sáng.

 

 

0,25

 

 

 

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

———Hết———-

 

 

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NINH BÌNH

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

 

 

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN – THPT

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn chấm gồm có 02 trang)

 

 

 

 

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG
  2. Cán bộ chấm thi cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm và Đáp án – Thang điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, cán bộ chấm thi cần linh hoạt trong quá trình chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo.
  3. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; làm tròn đến hai chữ số thập phân.
  4. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
  5. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1 (0,75 điểm)

Thí sinh trả lời chính xác như Đáp án: 0,75 điểm.

– Thí sinh trả lời 02 ý: 0,5 điểm.

– Thí sinh trả lời 01 ý/ trả lời lan man, không rõ ý: 0,25 điểm.

– Thí sinh trả lời sai/không trả lời: không cho điểm.

Câu 2 (0,75 điểm)

– Thí sinh trả lời như Đáp án : 0,75 điểm.

– Thí sinh trả lời được ý 2/ trả lời hai ý nhưng không rõ : 0,5 điểm.

– Thí sinh trả lời ý 1: 0,25 điểm.

– Thí sinh không trả lời/trả lời sai: không cho điểm.

(Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cần đảm bảo các ý cơ bản).

Câu 3 (1,0 điểm)

– Thí sinh trả lời đủ ý như Đáp án: 1,0 điểm.

– Thí sinh trả lời được 01 ý: 0,75 điểm.

– Thí sinh trả lời được 02 ý nhưng diễn đạt lan man: 0,5 điểm.

– Thí sinh trả lời được 1 ý, nhưng không trọn vẹn, diễn đạt lan man: 0,25 điểm.

(Thí sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, cần đảm bảo ý cơ bản).

Câu 4 (0,5 điểm)

– Thí sinh trả lời 01 thông điệp thuyết phục, hợp lí/ trả lời 01 thông điệp hợp lí, có lí giải:  0,5 điểm.

– Thí sinh trả lời được 01 thông điệp nhưng không rõ ràng, thiếu thuyết phục/ trả lời từ 02 thông điệp trở lên:  0,25 điểm.

– Thí sinh trả lời sai/ không trả lời: không cho điểm.

  1. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

  1. Đối với yêu cầu a, b: chấm như Đáp án
  2. Đối với yêu cầu c:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ hậu quả của tình trạng “con người sống mà như qua đời” ; có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng;  dẫn chứng tiêu biểu: 1,0  điểm.

– Lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục; dẫn chứng không tiêu biểu: 0,75 điểm.

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục; không có dẫn chứng: 0,5 điểm.

– Đoạn văn viết lan man, không rõ ý: 0,25 điểm.

  1. Đối với yêu cầu d:

Bài làm có nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (khoảng 05 lỗi): không cho điểm.

  1. Đối với yêu cầu e: chấm như Đáp án

Câu 2 (5,0 điểm)

  1. Đối với yêu cầu a: chấm như Đáp án.
  2. Đối với yêu cầu b:

-Thí sinh xác định đúng vấn đề nghị luận: 0,5 điểm

– Thí sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề cần nghị luận; 0,25 điểm.

  1. Đối với yêu cầu c:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: 0,25 điểm; giới thiệu vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

– Cảm nhận về hai đoạn trích: 2,25 điểm.

+ Đoạn trích thứ nhất: 0,75 điểm.

++ Thí sinh phân tích đủ ý, sâu sắc, rõ ràng, mạch lạc: 0,75 điểm.

++ Thí sinh phân tích những nét chính về nội dung, nghệ thuật, biết cách triển khai ý: 0,5 điểm.

++ Thí sinh phân tích chung chung, chưa rõ ý: 0,25 điểm.

++ Thí sinh chép lại đọan văn/ không làm bài: không cho điểm.

+ Đoạn trích thứ hai: 1,25 điểm

++Thí sinh phân tích đủ ý, sâu sắc, rõ ràng, mạch lạc: 1,0 điểm -1,25 điểm.

++ Thí sinh phân tích những nét chính về nội dung, nghệ thuật, biết cách triển khai ý: 0,75 điểm.

++ Thí sinh phân tích chung chung, chưa rõ ý: 0,25 điểm – 0,5 điểm

++ Thí sinh chép lại đọan văn/ không làm bài: không cho điểm.

+ Đánh giá chung: 0,25 điểm (chấm như Đáp án)

– Phần nhận xét: 0,75 điểm

+ Thí sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm.

+ Thí sinh trả lời được ý 2/ trả lời 02 ý nhưng không rõ ràng, mạch lạc: 0,5 điểm.

+ Thí sinh trả lời được ý 1/ trả lời 02 ý nhưng không trọn vẹn, diễn đạt lan man: 0,25 điểm.

  1. Đối với yêu cầu d:

Bài làm có nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (khoảng 10 lỗi): không cho điểm.

  1. Đối với yêu cầu e:

Thí sinh biết vận dụng kiến thức lí luận văn học, lịch sử văn học trong quá trình phân tích, biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật đóng góp của Kim Lân; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng, phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ, văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

-Thí sinh đáp ứng được 03 tiêu chí trở lên: 0,5 điểm.

-Thí sinh đáp ứng được 01 tiêu chí/02 tiêu chí: 0,25 điểm.

 

———-Hết———

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *