Đề thi HSG môn văn lớp 12 năm học 2023

 

SỞ GD&ĐT LÂM ĐỒNG

TRƯỜNG THPT BẢO LỘC

           ĐỀ CHỌN HS GIỎI NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 12

Thời gian làm bài 90 phút, không kể thời gian phát đề

Họ và tên học sinh: ……………………………………………………… Lớp ………  

 

CÂU 1 (8.0 điểm)

Đọc truyện ngắn:

Một viện bảo tàng được lát đá cẩm thạch rất tinh tế và ngay chính giữa sảnh ngự một bức tượng cẩm thạch khổng lồ. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây đều trầm trồ trước bức tượng cẩm thạch lộng lẫy này.

       Đêm nọ, đá cẩm thạch nói với tượng cẩm thạch.

       Đá: Này tượng, như thế là không công bằng đâu nhé. Thật là bất công! Tại sao mọi người tới đây đều giẫm lên tôi trong khi họ ngước mắt ngưỡng mộ cậu?

       Tượng: Đá thân mến, cậu có nhớ rằng chúng ta đều sinh ra từ một mỏ đá không?

       Đá: Đúng vậy! Chính điều đó lại càng làm tớ thấy bất công hơn. Chúng ta sinh ra từ một mỏ nhưng lại được đối xử khác nhau. Bất công làm sao!

       Tượng: Rồi cậu có còn nhớ ngày mà nhà điêu khắc đẽo cậu nhưng cậu từ chối không để các dụng cụ đó đẽo gọt lên mình không?

       Đá: Đúng thế, tớ vẫn nhớ […].

       Tượng: Rồi thì ông ấy quyết định từ bỏ cậu và bắt đầu làm việc trên mình tớ. Tớ hiểu ngay rằng mình sẽ khác biệt sau những nỗ lực của ông ấy. Tớ không từ chối các dụng cụ. Thay vào đó, tớ chịu đựng đau đớn khi những dụng cụ đó gọt giũa vào thân mình.

       Đá: Ừ…

       Tượng: Cậu thân mến, đó là cái giá của mọi thứ trong cuộc sống. Vì cậu quyết định bỏ cuộc giữa chừng, cậu không thể oán trách vì sao hôm nay người ta lại giẫm lên cậu.

(Bạn chỉ sống có một lần, Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2018, tr.90, 91)

Bạn nghĩ gì sau khi đọc câu chuyện?

CÂU 2 (12.0 điểm)

            Andre’ Chenien từng khẳng định: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ”. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua những bài thơ và đoạn thơ sau:

“Ôi hoa triêu nhan

      Dây gàu vương hoa bên giếng

      Đành xin nước nhà bên”

(Chi-ô – Chiyo, Nhật Chiêu dịch, Ba-sô và thơ hai-cư, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 314)

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đứng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

(Trích “Vội vàng” của Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB GD, 2007)

Câu 1 (8 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài và nêu suy nghĩ của bản thân.

– Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.

– Hành văn gãy gọn, khúc chiết, có sức truyền cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết sạch đẹp.

Yêu cầu về kiến thức:

* Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần thể hiện cách hiểu đúng về câu chuyện:

Đá cẩm thạchtượng cẩm thạch ẩn dụ cho hai kiểu người trong xã hội:

+ Đá cẩm thạch đại diện cho kiểu người không chịu rèn luyện mình qua khó khăn gian khổ, không tạo ra được giá trị của bản thân.

+ Tượng cẩm thạch đại diện cho kiểu người chấp nhận thử thách đau đớn để rèn luyện bản thân, từ đó tạo nên được giá trị to lớn cho chính mình.

– Hai hình tượng đá cẩm thạchtượng cẩm thạch gửi gắm thông điệp: Để thành công, tỏa sáng và được thừa nhận giá trị cần trải qua quá trình khổ luyện kiên trì, công phu, chấp nhận đau đớn và trả giá. Con người biết đối diện vượt qua khó khăn vươn lên sẽ thành công, né tránh lùi bước trước khó khăn sẽ thất bại.

Lưu ý:

Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về câu chuyện miễn là bài viết đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, lôgic; giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm; trân trọng những bài sáng tạo và có cảm xúc thật sự.

Biểu điểm

– Điểm 7 – 8:             Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, văn lưu loát; ý sâu sắc, sáng tạo; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.

– Điểm 5 – 6:             Đáp ứng được phần lớn những yêu cầu trên, văn trôi chảy, mạch lạc, dẫn chứng có chọn lọc, còn vài sai sót nhỏ.

– Điểm 3 – 4:             Hiểu đúng vấn đề đặt ra nhưng ý chưa sâu sắc, còn mắc vài lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2:             Hiểu vấn đề còn mơ hồ, ý sơ sài, văn chưa được mạch lạc.

– Điểm 0:                   Hiểu sai lạc đề hoặc để giấy trắng.

Câu 2 (12 điểm)

II.1. Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; vận dụng tốt các thao tác lập luận giải thích, bình luận, phận tích…; bố cục rõ ràng mạch lạc, diễn đạt trong sáng không mắc lỗi chính tả dùng từ, đặt câu…Khuyến khích bài viết có ý sáng tạo.

II.2. Yêu cầu về kiến thức

HS có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

Giải thích

– Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ: Các yếu tố nghệ thuật, hình thức ngôn ngữ, phương tiện biểu đạt … làm nên cái vỏ bên ngoài của câu thơ.

– Trái tim mới làm nên thi sĩ: Tâm hồ, tình cảm của nhà thơ làm nên nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.

– Bài thơ hay phải hội tụ cả hai yếu tố trên. Nhà thơ khi viết tác phẩm phải là sự cộng hưởng của cảm xúc và tài năng nghệ thuật mới đưa tác phẩm và thông điệp từ tác phẩm đến người đọc và sống mãi với thời gian.

Chứng minh

– HS cảm nhận được cái hay, cái đẹp của 2 tác phẩm ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật; hiểu thông điệp từ tác phẩm và lập luận để làm rõ ý kiến trong đề bài.

Đánh giá, nâng cao

– Khẳng định lại tính đúng đắn của ý kiến.

Biểu điểm

– Điểm 11 – 12:         Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, khuyến khích bài làm có hiểu biết, suy nghĩ, cảm thụ sâu sắc, sáng tạo.

– Điểm 9 – 10:           Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, diễn đạt khá tốt, văn mạch lạc, trong sáng, còn mắc vài sai sót nhỏ.

– Điểm 7 – 8:              Hiểu và nắm được yêu cầu đề, bố cục mạch lạc, văn có cảm xúc, có thể vẫn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 5 – 6:              Hiểu và nắm được yêu cầu đề tuy chưa đáp ứng hết yêu cầu nhưng vẫn làm rõ trọng tâm, còn vài sai sót nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 3- 4:               Hiểu đề song khai thác chưa sâu, còn lúng túng khi giải quyết vấn đề, không xoáy được trọng tâm, diễn đạt còn lủng củng.

– Điểm 1 – 2:             Bài làm chỉ nêu được một vài kiến thức về tác phẩm song lan man, mắc khá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0 :                  Hiểu sai lạc đề, diễn đạt kém hoặc để giấy trắng.

Lưu ý:

– Hướng dẫn chấm chỉ mang tính gợi ý, khi chấm giám khảo cần có sự thống nhất chung về biểu điểm cụ thể.

– Trân trọng những bài làm sáng tạo, có tính chất phát hiện vấn đề của HS và những bài làm có cảm xúc văn chương thật sự.

– Điểm tổng cộng làm tròn đến 0.25.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *