Đề thi HSG chương trình SGK mới, đề số 15

Đề tham khảo số 15:

SỞ GD& ĐT

TRƯỜNG THPT ………..         

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG

MÔN: NGỮ VĂN

   Thời gian: 120 phút 

    Ngày thi: 14/10/2023

Câu 1 (8,0 điểm)

Con tàu Titanic huyền thoại đã chìm vào đáy đại dương, để lại sau lưng …

Đó là những món nợ, những món tiền đầu tư, những món tiền bảo hiểm… Để cho chúng ta thấy tiền bạc cũng chẳng thể cho người ta cảm giác an toàn.

Đó là những bài học về sự tự mãn, khi con người bồng bột nghĩ rằng có thể chiến thắng tự nhiên và tuyên bố Titanic “không bao giờ chìm”…

Đó là những nỗi đau, khi hàng nghìn con tim, hàng trăm gia đình bị mất mát.

Đó còn là hiệu lệnh của thuyền trưởng vào thời khắc tàu chuẩn bị chìm giữa đại dương:

“Hãy để phụ nữ và trẻ em lên trước!”.

Khi hiệu lệnh đó vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm những điếu thuốc và hút. Nhiều hành khách lặng đi, không muốn chứng kiến sự chia li của các gia đình. Dù là người nổi tiếng hay kẻ vô danh, những hành khách dũng cảm đã tuân theo và họ để lại một di sản to lớn.” (Dẫn theo http://Báo mới.com/Những di sản đồ sộ sau vụ chìm tàu Titanic số ra ngày 06/01/2016)

Người viết cho rằng: Tàu Titanic đã để lại nhiều bài học nhưng có một di sản tinh thần sâu sắc vượt lên trên tất cả mà ngày nay chúng ta vẫn lựa chọn và theo đuổi. Theo em, di sản ấy là gì? Hãy viết một bài luận để thể hiện suy nghĩ của em về di sản tinh thần đó.

Câu 2: (12.0 điểm)

Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và con người

(Theo Nhà văn nói về môn Văn- Văn học và tuổi trẻ– NXB GD, 2015)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự trải nghiệm và những hiểu biết về văn học trong chương trình Ngữ văn THPT, hãy làm sáng tỏ vấn đề trên .

                                 ——————–HẾT——————–

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2023-2024

MÔN NGỮ VĂN

Câu Yêu cầu cần đạt Điểm
Câu 1   8,0
  I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của học sinh; đòi hỏi học sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kỹ năng tạo lập văn bản, khả năng bày tỏ thái độ và chủ kiến của mình để làm bài.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc.

II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:

  1. Thông điệp đã trở thành di sản tinh thần.

– Thông điệp: Hãy để phụ nữ và trẻ em lên trước. Đó là hiệu lệnh được phát ra vào thời khắc nghiệt ngã, khi tàu bắt đầu chìm, số lượng thuyền cứu hộ có hạn. Sinh mệnh con người chỉ còn được tính bằng giờ phút và lương tri bị thử thách.

– Ý nghĩa của thông điệp: Hiệu lệnh đó trở thành một thông điệp, một di sản tinh thần sâu sắc. Về bản chất, hiệu lệnh này yêu cầu mọi người trên con tàu thực hiện một nghĩa cử cao đẹp ưu tiên quyền sống cho phụ nữ, cho trẻ em, những người yếu đuối, bé nhỏ.

2.0
  2. Bàn luận: Đây là di sản tinh thần giàu ý nghĩa nhân văn.

– Thể hiện tình yêu thương, lòng dũng cảm, sự hy sinh và tinh thần hào hiệp.

+ Vì nó được phát ra vào cảnh huống gieo neo, khi con tàu bị chìm. Nhiều người đã tuân theo và hy sinh mặc dù không ai có quyền yêu cầu người khác phải từ bỏ sinh mạng của mình. Không có một logic nào về mặt thế lực hay kinh tế để những con người vốn khỏe mạnh và giàu có hơn lại nhường chỗ cho những người yếu hơn được sống.

+ Nó chứng tỏ vào thời khắc khủng khiếp, lương tri đã chiến thắng sức mạnh ghê gớm của cái chết. Nó thể hiện tinh thần hào hiệp đặc biệt của con người. Nó chỉ có thể xuất phát từ trái tim rộng lượng, quả cảm và một nền tảng ứng xử văn hóa lịch thiệp, đoàn kết. Nó khiến giờ phút kinh hoàng không có cảnh “sống chết mặc bay”, “phải ai tai nấy”, chỉ còn lại là những lời yêu thương.

– Để lại những bài học về nỗi  đau và sự mất mát lớn lao.  Bởi lẽ:

+ Phụ nữ và trẻ em là phái yếu. Họ là hiện thân cho cái đẹp, cái trẻ dại, yếu đuối, non nớt. Trong đời sống xã hội, họ là đối tượng thường chịu nhiều bất công, thiệt thòi. Do đó, dù bất kể hoàn cảnh nào họ là đối tượng cần được tôn trọng, cần được yêu thương bảo vệ, bênh vực.

+ Và trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh hướng tới xây dựng những điều tốt đẹp của nhân loại thì việc đấu tranh để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, để đòi quyền được bảo vệ cho trẻ em vẫn là một trong những nhiệm vụ, lí tưởng nhân văn lớn mà cả thế giới đều theo đuổi. Nó là thước đo để đánh giá một xã hội văn minh, có lương tri.

+ Tuy nhiên, tôn trọng, ưu tiên, bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn là một cuộc chiến vô cùng gian nan. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc phải đấu tranh chống lại sức mạnh bạo hành, những trật tự phi lí lấy mạnh nạt yếu, những thành kiến coi thường phụ nữ  bám rễ sâu trong lòng xã hội. “Ưu tiên, phụ nữ, trẻ em” chỉ thực sự được xây dựng trên nền tảng văn hóa giáo dục nhân văn, dân chủ, người với người biết đoàn kết, biết sống vì người khác.

4.0
3. Bài học nhận thức và hành động

Từ nhận thức và trải nghiệm riêng, học sinh cần bày tỏ quan điểm của chính mình về chính kiến và định kiến:

– Bài học từ tàu Titanic vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc, hiệu lệnh “để phụ nữ và trẻ em lên trước” cho chúng ta biết nếu con người có lòng trắc ẩn, tình yêu thương thì có thể hi sinh cả mạng sống của bản thân cho những người không quen biết. “Con người không thể tàn lụi vì con người còn lòng trắc ẩn, tình yêu…” ( W.Faulkner).

– Nhưng thực tế  trong lịch sử và đến tận hôm nay, đâu đó chúng ta vẫn phải đau lòng chứng kiến những nạn bạo hành đối với phụ nữ, những đối xử bất công với trẻ em. Chúng ta cần lên án, đấu tranh chống lại tất cả tội ác đối với phụ nữ và trẻ em.

– Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay và mai sau là tiếp tục là biến hiệu lệnh “để phụ nữ và trẻ em lên trước” thành một nguyên tắc, một chuẩn mực trong hành xử giữa người với người.

2,0
Câu 2 *Yêu cầu chung:

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lý luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

       * Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục. Cần đảm bảo một số ý chính sau:

1/. Giới thiệu vấn đề nghị luận 1.0
2/. Giải thích ý kiến

* Cắt nghĩa ý kiến:

– Văn chương là một loại hình nghệ thuật bao gồm các sáng tác dùng ngôn từ nghệ thuật để phản ánh cuộc sống con người.

Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và chiều sâu đáng kinh ngạc: văn chương thầm lặng đem đến cho người đọc  những trải nghiệm mà  một cuộc đời khó lòng thấu trải hết. Nó giúp người đọc thỏa mãn nhu cầu nếm trải sự sống muôn hình vạn trạng. Đến với văn học ta không chỉ khám phá, nhận thức hiện thực mà còn cảm nhận, hiểu biết tư tưởng, tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhân loại và chính mình.

Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người:

+Vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người: sự phát hiện của nhà văn về những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong thế giới tâm hồn con người, có tác động tích cực đối với con người, cuộc đời. Người đọc sẽ nhận ra ý nghĩa của văn chương với tâm hồn mình từ chính điều này.

+ Nếu người đọc chủ động tìm kiếm cái đẹp ẩn kín, tiềm tàng cũng như nhận ra sự thể hiện những vẻ đẹp sâu thẳm trong hình tượng nghệ thuật ở tác phẩm thì sẽ nhận ra được những thông điệp thẩm mĩ sâu xa.

+ Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn: tác phẩm văn học đem lại con người vui trong sáng, thánh thiện, làm nảy nở trong tâm hồn ta những cảm xúc cao đẹp, hướng ta đến những phẩm chất tốt đẹp mang tính nhân văn.

* Cơ sở lý luận:

– Văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống một cách tổng hợp, toàn vẹn trong mọi quan hệ đa dạng, phức tạp, tập trung khám phá chiều sâu khôn cùng của tâm hồn con người.

– Văn học có sứ  mệnh cao cả bởi tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần con người: văn học làm giàu thêm nhận thức của con người về thế giới xung quanh, về chính bản thân mình; văn học bồi đắp, nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn con người -> khiến con người trở nên hoàn thiện, người hơn, sống tốt hơn.

– Văn học luôn đồng hành với nhân loại, có vị trí không thể thay thế thay thế được trong đời sống của con người.

3.0
3/. Làm sáng tỏ ý kiến

Thí sinh được tự do lựa chọn một số tác phẩm mà mình yêu thích để thấu hiểu vấn đề. Tuy nhiên, đây không phải là cảm nhận toàn bộ tác phẩm mà cần tập trung vào hai phương diện:

-Chỉ ra các thông điệp nghệ thuật, những trải nghiệm về cuộc sống, số phận, nhân cách hay chiều sâu tâm hồn con người trong tác phẩm. Từ tác phẩm, khám phá những điều mới mẻ trong cái bình thường, phát hiện chân lí sâu xa trong những điều giản dị.

– Từ việc phát hiện cái Đẹp sâu xa của nội dung tác phẩm ở những vệt sáng, nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của nhân vật, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm mà nhận ra giá trị nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn con người của tác phẩm. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả muôn đời của văn chương nghệ thuật.

VD: Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân; Chí Phèo của Nam Cao,…

 

6.0

4/. Bình luận ý kiến

– Ý kiến là lời tâm sự, chia sẻ của một người cầm bút luôn yêu quý và trân trọng văn chương, chỉ ra sứ mệnh cao cả của văn chương với con người.

– Ý kiến là định hướng để người đọc tìm hiểu, tiếp cận tác phẩm trong chiều sâu tư tưởng của nó.

– Bồi dưỡng tình yêu, niềm say mê văn học nói riêng, tình nhân ái, tư tưởng sống đẹp cho bạn đọc nói chung.

 

2.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *