Đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ Văn – Trường THPT Số 2 Bảo Thắng Lào Cai

 

TRƯỜNG THPT SỐ 2 BẢO THẮNG
TỔ NGỮ VĂN
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm có 01 trang, 02 câu)

Câu 1 (8,0 điểm)
Hãy thù ghét
mọi lao tù
nơi thân ta rữa mục,
 mọi thói quen
nếp nghĩ – mù lòa!
Hãy sống như
           những con tàu
            phải lòng
           muôn hải lý,
mỗi ngày
bỏ
sau lưng
nghìn hải – cảng – mưa – buồn!
(Bài thơ Việt Bắc – Trần Dần)
Suy nghĩ của anh/chị về lẽ sống được gợi ra từ đoạn thơ trên.
Câu 2 (12,0 điểm) 
 Bàn về giá trị đích thực của nghệ thuật, GS Lê Huy Bắc cho rằng: “Nghệ thuật chỉ đạt đến đỉnh cao của nó khi được chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời”. 
Còn nhà thơ Tố Hữu cho rằng: “Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của anh/chị, hãy bình luận về hai ý kiến trên.
………………..HẾT…………………
 
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
 
Họ và tên thí sinh…………………………………..Số báo danh………………………….
Chữ kí của giám thị 1…………………………..Chữ kí của giám thị 2………………….

TRƯỜNG THPT SỐ 2 BẢO THẮNG
TỔ NGỮ VĂN
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đáp án gồm có 04 trang)
  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong chỉnh thể, trân trọng những bài viết có ý kiến và giọng điệu riêng
– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách, có những kiến giải khác nhau, kể cả không có trong Hướng dẫn chấm miễn là hợp lý và có sức thuyết phục.  
– Tổng điểm toàn bài là 20,0 cho lẻ đến 0,5 điểm.     

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu1: (8 điểm)
I.Về kĩ năng:
     Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội. Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi các loại, chữ viết rõ nét, sạch đẹp.
II.Về kiến thức:
     Bài viết thể hiện vốn sống thực tế, các dẫn chứng làm rõ luận điểm cần tiêu biểu, cụ thể, có sức thuyết phục, tránh dẫn chứng chung chung. Diễn đạt tốt, khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo.
   Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1.Về nội dung:

Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn 0,5
2 Giải thích thông điệp đoạn thơ 1,5
– Các hình ảnh ẩn dụ:
+ Ao tù (cuộc sống quẩn quanh tù hãm), thói quen nếp nghĩ mù lòa (cách nghĩ, cách làm thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt), nghìn hải cảng mưa buồn (nơi trú ngụ của nỗi buồn, sự trì trệ)
+ Những con tàu phải lòng muôn hải lý: Khát vọng lên đường đến với những chân trời rộng mở
=> Gợi ra hai thế giới đối lập: một thế giới tù hãm, trì trệ – nơi sẽ giết chết con người bằng nỗi buồn và sự vô nghĩa; một thế giới của khát vọng sôi nổi, của ý chí và quyết tâm lên đường đến với những chân trời rộng mở.
– Điệp từ “Hãy”: nêu lên yêu cầu khẩn thiết, cần thực hiện ngay.
=>  Đoạn thơ đưa ra những lời khuyên về lẽ sống với con người:
+ Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt.
+ Hướng tới một lẽ sống tích cực: sống có khát vọng đến với những chân trời mới, biết vượt qua mọi nỗi đau buồn, luôn lạc quan, sôi nổi.
0,250,25
0,25
0,25
0,5
3 Bình luận, chứng minh 4,0
Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt vì:
– Đó là cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa, giết chết ước mơ, khát vọng của con người.
– Nếu ai cũng sống như vậy, xã hội cũng trở nên trì trệ, không phát triển.
Phải có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn vì:
– Con người sẽ có ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thành công.
– Biết phát huy tận độ những khả năng của mình để vươn lên, cống hiến cho xã hội.
– Cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn
(Học sinh dùng dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, đắt giá để chứng minh)
1,0
1,0
1,0
1,0
4 Bàn luận, mở rộng vấn đề 1,0
– Biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt không có nghĩa là bất mãn với hiện thực.
– Sống có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn không có nghĩa là trốn chạy thực tại.
0,5
0,5
5 Bài học nhận thức và hành động  0,5
HS rút ra những bài học nhận thức và hành động đúng đắn, sâu sắc, nhân văn, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.
– Nhận thức được đây là lẽ sống cần thiết
– Bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao tri thức, hiểu biết để thực hiện lẽ sống trên.
0,250,25
6 Khái quát vấn đề: Đúng, lắng đọng, có chiều sâu. 0,5

 

7 Sáng tạo
Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
0,25
8 Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
0,25

 
Câu 2. (12.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Làm tốt kiểu bài nghị luận bàn về một vấn đề văn học với việc vận dụng kết hợp các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận. Bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, mượt mà, lí lẽ sắc sảo, không mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

  1. Về kiến thức

Trên cơ sở những hiểu biết về tác phẩm Văn học, học sinh có thể có những cách kiến giải khác nhau, song cần đảm bảo các ý chính:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
 

Ý Nội dung Điểm
1 Giới thiệu được vấn đề nghị luận một cách rõ ràng, chính xác, hấp dẫn. 0,5
2 Giải thích nhận định 2,0
* Ý kiến 1:
 – Văn học là nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực xã hội, khám phá đời sống con người thông qua những hình tượng văn học.
– “Đỉnh cao” là sự phát triển cao nhất, thành tựu rực rỡ nhất.
– “Chắt lọc từ những nỗi đau” ở đây lại là những đau khổ, bế tắc của con người trước những vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc.
–> Nhận định của GS Lê Huy Bắc đã khẳng định giá trị của văn học nghệ thuật là sự phản ánh những vấn đề có tính chất nhân văn sâu sắc: Nỗi đau khổ, bi kịch của con người để làm cho người gần người hơn
* Ý kiến 2:
Nghệ thuật: Một hình thái xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, bao gồm nhiều loại hình: kiến trúc, hội họa, âm nhạc… 
Ở đây, Tố Hữu đề cập đến loại hình nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ: Văn chương.
Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người: Văn học chứa đựng giá trị thẩm mĩ, hướng tới cái đẹp và là những câu trả lời cho những câu hỏi, băn khoăn của con người.
– Nghệ thuật thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên: Văn chương tác động đến thế giới tinh thần của con người, làm đời sống tinh thần thêm phong phú, hướng con người đến các giá trị chân thiện mĩ.
-> Ý kiến đề cập đến giá trị, chức năng của văn học, hướng con người đến những giá trị tinh thần cao đẹp.
* Như vậy 2 ý kiến đều bàn đến giá trị, chức năng văn chương, sức lan tỏa tác động của tác phẩm chân chính đến với thế giới tâm hồn, tình cảm của con người.
1,0
1,0
3 Bình luận về nhận định 4,0
* Khẳng định 2 ý kiến đều xác đáng, không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau.
* Lý giải:
Ý kiến 1:
+ Chất liệu của văn học được lấy từ chính đời sống xã hội, do đó có thể coi văn học chính là tấm gương phản chiếu rõ nét cuộc sống xã hội, về con người ở phương diện bề sâu, cái bản chất.
+ Văn học là bức tranh đa diện của cuộc sống, đó không chỉ là những gì đẹp đẽ, hoàn mĩ mà còn được tạo nên bởi chính nỗi đau, sự thống khổ, bi kịch của con người.
+ Văn học đã đi sâu khám phá vào phần sâu kín nhất bên trong con người để phát hiện ra những nỗi đau thầm kín nhưng dai dẳng trong mỗi con người.
+ Chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời, văn học có thể đồng cảm và trân trọng với những vẻ đẹp từ những giọt nước mắt, xoa dịu nỗi đau của con người, tạo thêm động lực để con người có thể vượt qua những khó khăn, uất ức của bản thân để vươn lên sống mạnh mẽ, sống ý nghĩa.
+ Ý kiến 2:
– Văn học là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, kết tinh sự khám phá mới mẻ, sự lý giải sâu sắc của nhà văn về bản chất đời sống và con người. Do đó, văn chương làm giàu có thêm những hiểu biết của con người ở phạm vi rất rộng lớn, thay đổi, cải thiện đời sống tinh thần, tình cảm của con người, khiến nó trở nên phong phú, sâu sắc, thấu đáo.
– Thông qua thế giới hình tượng, tác phẩm văn học chân chính mang đến những bài học, triết lý nhân sinh sâu sắc, gửi gắm tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng của nhà văn đối với con người và cuộc sống, hướng con người đến các giá trị chân thiện mĩ, do đó mà nâng con người lên, giúp con người hướng thượng, hướng thiện.
Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ bởi sáng tạo ra cái đẹp là mục đích cứu cánh của văn học, văn học không chỉ miêu tả phản ánh cái đẹp của cuộc sống mà còn sáng tạo những phương thức phản ánh (ngôn từ, hình tượng) mang tính thẩm mĩ cao, khơi dậy mĩ cảm nơi người đọc.
0,750,75
0,5
0,75
0,75
0,5
4 Chứng minh  2 nhận định 4,0
Học sinh lựa chọn được tác phẩm văn học phù hợp để phân tích, chứng minh. Khi phân tích cần làm rõ:
– Chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời, văn học có thể đồng cảm và trân trọng với những vẻ đẹp từ những giọt nước mắt, xoa dịu nỗi đau của con người, tạo thêm động lực để con người có thể vượt qua những khó khăn, uất ức của bản thân để vươn lên sống mạnh mẽ, sống ý nghĩa.
 – Nội dung tư tưởng của tác phẩm văn chương đã đem đến những câu trả lời gì về con người, cuộc sống nhờ đó thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần, nâng cao con người lên như thế nào? Vì sao đó là những câu trả lời mang tính thẩm mĩ?
5 Bàn luận mở rộng, nâng cao vấn đề 1,0
– Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau. Kết hợp cả 2 ý kiến ta có cái nhìn toàn diện về giá trị, chức năng của văn học. 
– Hai ý kiến là kim chỉ nam cho người sáng tác để tạo nên giá trị đích thực của tác phẩm và định hướng người tiếp nhận để cảm nhận được hết giá trị ấy.
+ Với nhà văn: phải có tâm, có tài để có thể giúp người đọc khám phá, lý giải hiện thực đồng thời đặt ra những câu hỏi cho người đọc cùng suy ngẫm về giá trị sống…
+ Với người đọc: Phải suy ngẫm, chiêm nghiệm về những bài học mà tác phẩm gửi gắm, phải biết đặt ra câu hỏi cho chính mình và cho cuộc đời.
0,5
0,5
6 Khái quát được vấn đề lắng đọng, có chiều sâu. 0,5

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *