ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN BỘ GIÁO DỤC | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020
ĐỀ SỐ 9 Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
- ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:
- Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).
– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay. Theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2020.
– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.
- Nội dung:
– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.
– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.
– Trong phần Làm văn:
+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.
+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019, và đề minh họa 2020. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.
- RA ĐỀ THEO ĐỊNH HƯỚNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ:
- ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(…). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.
Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.
Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.
Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác.
(Trích Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2. Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là gì?
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân?
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên? Vì sao?
- LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật người “vợ nhặt” (thị) trong truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân (1).
- Theo Sách Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục 2019)
———————————————
HƯỚNG DẪN GIẢI
Nội dung | Điểm |
ĐỌC – HIỂU | 3,00 |
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ Phương thức nghị luận. | 0,50 |
Câu 2:
Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là: + Ta biết về trách nhiệm của bản thân. + Ta biết cho đi hơn là nhận lại. + Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. + Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình. – Thí sinh chỉ ra được dưới 02 biểu hiện. – Thí sinh chỉ ra được từ 02 biểu hiện trở lên. |
0,50
0,25 0,50 |
Câu 3:
Ý kiến: “Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân” được hiểu là: – Khi ta có thể chỉ biết về quyền của mình có nghĩa: có thể ta chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi, muốn được nhận (mà chưa nghĩ đến cho), điều đó chứng tỏ ta mới chỉ lớn về thể chất, về tuổi tác chứ ta chưa trưởng thành. – Khi ta biết về trách nhiệm của bản thân ta sẽ phải sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. -> Ý nghĩa của sự trưởng thành: vừa biết sống cho mình và sống vì người khác, dung hòa giữa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm,… |
1,00
|
Mức điểm:
– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. |
1,00 |
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. | 0,75 |
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày | 0,50 |
– Thí sinh trình bày còn sơ sài, qua loa | 0,25 |
– Thí sinh không làm được gì, làm sai | 0,00 |
Câu 4:
Học sinh tự do nêu quan điểm, có thể nêu theo 3 hướng: – Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình – Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình – Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lí do. Đa số sẽ theo hướng đồng tình, gợi ý cụ thể: Đồng tình với quan điểm: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Vì: + Khi ta biết tình nguyện tức là ta biết chia sẻ những khó khăn, những yêu thương. Đó là cách làm đầy thêm niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người. + Tình nguyện bao giờ cũng gắn với hành động tự nguyện, sẽ làm cho cuộc sống xung quanh trở nên tốt đẹp có ý nghĩa hơn. + Bản thân trưởng thành cả trong trái tim và suy nghĩ, biết sống có trách nhiệm, biết thấu cảm với từng số phận, từng mảnh đời mà ta chứng kiến, trải qua, thêm yêu cuộc sống mình có, và trân trọng mọi điều mình có được. – Cần phê phán những bạn trẻ ngại tham gia hoạt động tình nguyện, luôn đắn đo, sợ thiệt hơn. |
1,00 |
Mức điểm:
– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. |
1,00 |
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. | 0,75 |
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. | 0,50 |
– Thí sinh trình bày còn sơ sài, qua loa. | 0,25 |
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. | 0,00 |
LÀM VĂN | 7,00 |
Câu 1: | 2,00 |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ; học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề đời sống con người: về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống. |
0,25
0,25
|
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau: | 1,00 |
* Giải thích vấn đề:
Những thử thách là điều không bao giờ thiếu trong cuộc sống của mỗi con người nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết vượt qua thử thách. – Thử thách: là những yếu tố gây khó khăn, cản trở đến việc thực hiện một công việc, một kế hoạch, một mục tiêu nào đó mà buộc con người ta phải vượt qua. – Vượt qua những thử thách: là quá trình con người dùng nghị lực, khả năng của chính mình để vượt qua những tình huống, những việc làm khó khăn, gian khổ nhằm đạt được thành công trong cuộc sống. |
0,25 |
* Bàn luận | 0,50 |
– Con người luôn luôn phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống, lao động, học tập và trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Không có ai sống mà không phải đối diện với những thử thách trong cuộc đời. | 0,10 |
– Việc vượt qua thử thách có ý nghĩa rất lớn lao đối với cuộc sống của mỗi con người:
+ Mỗi lần vượt qua những thử thách là một lần chúng ta được trải nghiệm, giúp ta hình thành những bài học kinh nghiệm, bồi đắp vốn sống. + Thử thách và vượt qua thử thách khơi dậy những năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người, giúp ta khám phá và khẳng định giá trị của bản thân. + Vượt qua thử thách góp phần tôi rèn bản lĩnh, hình thành những phẩm chất như: niềm tin, nghị lực, sự kiên trì, dũng cảm,… Từ đó, giúp con người trưởng thành hơn và có cơ hội thành công hơn, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội. ( Học sinh đưa ra được một vài dẫn chứng phù hợp) |
0,20 |
– Thực tế cuộc sống, có rất nhiều người đã vượt qua những thử thách để đến với thành công, góp phần thúc đẩy sự bình ổn, sự phát triển của xã hội.(có thể liên hệ với sự ứng xử tích cực của con người trước dịch Covid -19) | 0,10 |
– Phê phán những người gặp thử thách là nản lòng, chùn bước, không có ý chí vượt qua mọi gian nan, thử thách. (có thể liên hệ với sự ứng xử tiêu cực của 1 bộ phận nhân dân trước dịch Covid -19 đơn cử như thử thách nhỏ đeo khẩu trang, ở yên một chỗ, giãn cách xã hội) | 0,10 |
* Bài học nhận thức và hành động
– Thử thách là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Con người cần phải biết đương đầu và vượt qua thử thách thì mới có thể tồn tại, phát triển và hướng tới thành công. – Cần tôi rèn ý chí, nghị lực;luôn luôn rèn luyện để có sức mạnh, cả về vật chất lẫn tinh thần; cần lạc quan và dũng cảm đối mặt với thử thách; biến khó khăn, thử thách thành cơ hội; cần dám nghĩ, dám làm và dám vượt qua những thử thách để thực hiện ước mơ và khát vọng. |
0,25
|
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 |
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25 |
Câu 2: | 5,00 |
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề. | 0,25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nhân vật người “vợ nhặt” (thị) trong truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân. | 0,25 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các nội dung sau: | 3,75 |
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật.
– Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. “Vợ nhặt” là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. – Truyện ngắn này chỉ xoay quanh 3 nhân vật chính của một gia đình thuộc xóm ngụ cư đó là: anh cu Tràng, bà cụ Tứ và nhân vật thị – vợ nhặt của Tràng. Tuy không miêu tả thật nhiều nhưng nhân vật người “vợ nhặt” vẫn là nhân vật quan trọng để nhà văn Kim Lân chứng tỏ tài, tâm của một nhà văn lớn. Vẻ đẹp của nhân vật người “vợ nhặt” chính là vẻ đẹp một người phụ nữ nghèo khổ bị cuộc sống đói khát dồn đến đường cùng nhưng giàu lòng ham sống, tin yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc và biết hướng tới tương lai tươi đẹp. |
0,50 |
2. Triển khai cụ thể nhân vật người vợ nhặt (thị): | 2,75 |
* Giới thiệu khái quát trước khi phân tích, chứng minh,…
– Tác phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Viết truyện này, Kim Lân không chỉ dừng lại ở phản ánh chân thực nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn tiến lên một bước nữa nhằm khắc họa nét đẹp tâm hồn người lao động, đặc biệt là người phụ nữ. – Ngay cái tên truyện cũng gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị. Gắn với nhan đề, nhân vật người “vợ nhặt” được khắc họa sống động, theo lối đối lập giữa bề ngoài và bên trong, ban đầu và về sau. Chính thế nên vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật trong tinh thế bi đát càng chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần hoàn thiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm. |
0,25 |
* Những đặc điểm chính của nhân vật người “vợ nhặt” | 2,50 |
– Hoàn cảnh, lai lịch:
+ Đầu tác phẩm, Kim Lân miêu tả thị với hoàn cảnh, lai lịch éo le, có lẽ cũng giống như bao người đang dở sống dở chết trong nạn đói năm 1945. Thị là nạn nhân tiêu biểu của nạn đói. -> Người phụ nữ này không có tên. Nhà văn gọi chị là “người đàn bà”, là “thị”, “cô ả”. -> Hoàn cảnh của thị gắn với con số không tròn trĩnh: đã không tên rồi, lại còn không quê quán, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không nhan sắc, không lòng tự trọng… – Ngoại hình: Cuộc sống đói khát cùng cực càng tô đậm sự xấu xí, thô thiển của thị: “Áo quần tả tơi như tổ đỉa”, người “gầy sọp”, ngực lép nhô ra, “trên cái khuôn mặt xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”… |
0,25 |
– Phẩm chất:
+ Khái quát: Khác với Tràng và nhất là bà cụ Tứ, nhà văn không miêu tả nhiều về tâm lí thị, bởi như ông tâm sự, muốn tạo ra ấn tượng về sự xa lạ ở nơi thị, đồng thời phản chiếu tâm trạng thị qua cái nhìn của Tràng và bà cụ Tứ. Nhưng chỉ qua một vài cử chỉ, lời nói, hành động trong những chi tiết, sự việc cụ thể, thị vẫn hiện lên với đời sống tâm lí ấn tượng. (Phân tích hành động, cử chỉ, lời nói, … của thị để thấy được vẻ đẹp cũng như tâm lí của nhân vật) |
0,25 |
+ Hành động sà vào miếng ăn của thị là thô thiển, trơ trẽn, không có tự trọng nhưng lại cho thấy thị ham sống mãnh liệt:
-> Lần đầu, chị ta xuất hiện trước mắt Tràng với cách nói năng đối đáp tỏ ra bạo dạn. Chị quen Tràng bởi câu hò chơi cho đỡ nhọc của anh và những lời chòng ghẹo của mọi người. Khi nghe Tràng hò : Muốn ăn cơm trắng mấy giò này – Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì và bị mấy cô bạn đẩy vai chòng ghẹo… thị cười như nắc nẻ, cong cớn nói với Tràng: Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy ? Thị lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, đùa bỡn với anh và liếc mắt cười tít làm cho anh Tràng thích lắm. Chuyện chỉ có thế và Tràng cũng quên ngay. -> Lần sau, Tràng vừa trả hàng xong đang ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tình thì thị ở đâu sầm sầm chạy đến, chao chát, chỏng lỏn, sưng sỉa trách anh: “Điêu! Người thế mà điêu ! Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt”. Gặp lại chị ta, Tràng không nhận ra vì chị ta khác quá. Còn thị chủ động chạy đến, đứng trước mặt anh để đòi “nợ ăn” rồi được Tràng gợi ý, mắt lập tức sáng lên, thị “cắm đầu ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc”. Giữa sự lựa chọn nghiệt ngã: hoặc chết đói để giữ sĩ diện, hoặc bỏ lòng tự trọng sang một bên, bám víu lấy để được sống, thị đã chọn cách thứ hai. -> Ý nghĩa của hành động: ->> Hành động trơ trẽn, không có liêm sỉ, tự trọng của thị giữa lúc cái đói, cái chết kề bên thấy nỗi đau đớn, tủi nhục của con người, từ đó tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đã biến giá trị con người trở nên vô cùng rẻ rúng. ->> Nhưng cũng chính tình cảnh trớ trêu này Kim Lân làm bật lên vẻ đẹp con người bên trong của thị- một vẻ đẹp rất nhân bản. Đó là lòng ham sống mãnh liệt. |
0,25 |
+ Hành động thị chủ động làm người “vợ nhặt” của Tràng cho thấy thị không chỉ có lòng ham sống mà còn khao khát một mái ấm gia đình, khát vọng hạnh phúc…
-> Chưa hết, người đàn bà này vì đói quá để theo không về làm vợ một người đàn ông xa lạ chỉ bằng một câu nói tầm phơ tầm phào. Và cốt truyện cũng chỉ xoay quanh sự kiện “nhặt vợ” bất ngờ và trớ trêu của anh Tràng. Nhà Tràng chỉ có hai mẹ con ở cái xóm nghèo ven chợ. Là dân ngụ cư nên Tràng bị khinh rẻ. Đã thế, anh ta vừa luống tuổi lại vừa thô kệch, xấu trai nên ế vợ. Trong hoàn cảnh bình thường, Tràng không thể cưới được vợ, ấy vậy mà giữa nạn đói khủng khiếp, anh ta lại “nhặt” được “vợ” một cách tầm phơ tầm phào, chẳng cần phải cưới xin gì. -> Đúng là trơ trẽn, không biết xấu hổ đến thế là cùng. Nhưng kì thực, thị là một số phận đáng thương. Cái đói không chỉ để lại dấu tích ghê gớm trên hình hài, trang phục mà còn làm biến dạng, méo mó nhân cách con người. -> Nhưng hành động đó lại cho thấy rõ tâm lí của thị là vứt bỏ tự trọng, danh dự để được sống, để có nơi nương dựa, sống cuộc sống đúng nghĩa của con người. Cận kề bên cái chết, người đàn bà không hề buông xuôi sự sống. Trái lại, thị vẫn vượt lên trên cái thảm đạm để dựng xây mái ấm gia đình. Niềm lạc quan yêu sống, khao khát hạnh phúc của thị chính là một phẩm chất rất đáng quý. |
0,25 |
+ Trên đường theo Tràng về nhà, thị đã có sự thay đổi cả bên ngoài lẫn bên trong.
-> Bên ngoài: Thị chuyển biến trong cử chỉ, hành động: Thị “rón rén, e thẹn, đầu cúi xuống, chân bước díu vào nhau” khi đi qua xóm ngụ cư, trên đường về nhà Tràng. Ở đây, ta chỉ thấy một cô gái hiền hậu, biết ý tứ và ngượng ngùng một chứ không còn cái “cong cớn” vô duyên như lúc mới gặp. -> Bên trong: Dáng vẻ ấy cũng cho thấy chị ta vừa xấu hổ, tủi nhục lại vừa lo lắng, phấp phỏng, xấu hổ. Tủi nhục vì dẫu có lâm vào bước đường cùng thì chị ta cũng không sao tránh khỏi tiếng xấu là “đàn bà theo giai” trong xã hội cũ đầy rẫy những định kiến nặng nề lúc đó. Còn lo lắng, phấp phỏng vì không biết liệu cái anh chàng mà chị đánh liều theo về làm vợ này có giúp chị thoát khỏi chết đói và những người trong gia đình anh ta có thông cảm mà chấp nhận chị hay không? Chuyện làm “vợ” đến với chị quá bất ngờ khiến lòng chị không yên. Bên cạnh dáng điệu phởn phở khác thường của Tràng, vẻ e thẹn, ngượng ngập, tủi hổ trong cái dáng đi lầm lũi, chiếc nón rách che nghiêng của thị lại càng nổi bật. |
0,25 |
+ Về tới nhà Tràng, nhìn cảnh nhà Tràng thị không khỏi buồn tủi, thất vọng, …
-> Thấy cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại, trong nhà, niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất, thì chị ta không khỏi chán ngán, thất vọng: Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài. Hóa ra gia cảnh của anh chàng mới ban trưa còn vỗ vỗ vào túi khoe rích bố cu là thế này đây! Chị còn biết làm sao được nữa? Việc đã rồi ! Thất vọng, buồn tủi, chua xót quá nên mặc cho Tràng lăng xăng, đon đả, chị ta nhếch mép cười nhạt nhẽo. Tràng mời ngồi, chị ta chỉ ngồi mớm xuống mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần. -> Hành động, cử chỉ này ẩn chứa rất nhiều sự tủi hổ, lo lắng “trăm mối tơ vò” cho quyết định của bản thân mình… Nghệ thuật miêu tả kĩ càng, tỉ mẩn của Kim Lân ở chi tiết tưởng như rất bình thường này khiến người đọc phải chú ý. |
0,25 |
+ Buổi sáng đầu tiên khi về làm vợ Tràng, thị trở thành một con người hoàn toàn khác so với trước khi trở thành người “vợ nhặt” của Tràng.
-> Trong cảnh ra mắt mẹ Tràng, thị được Tràng khẳng định “nhà tôi”, “chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau”, đặc biệt thị được bà cụ Tứ chấp nhận bằng cả tấm lòng thấu cảm, chứa chan tình người. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, được quan tâm, an ủi, yêu thương, được nghe những lời chí lí chí tình đầy tin yêu, hy vọng vào cuộc sống hôn nhân tốt đẹp trong tương lai của mẹ chồng, có lẽ là một trong những lí do chị nhanh chóng thay đổi. Thị là một con người hoàn toàn khác khi trở thành người vợ, người con dâu trong gia đình. -> Thay đổi trong hành động, ngôn ngữ: Thị dậy sớm, quét tước dọn dẹp, sân nhà sạch sẽ, gánh nước đổ đầy ang, nấu cơm và cư xử, nói năng đúng mực với mẹ chồng bằng tiếng “vâng” ngắn gọn lễ phép. Thị đã trở thành người vợ đảm, người con dâu biết lo toan việc nhà. Đó là hành động vun vén, xây dựng cho tổ ấm gia đình của mình. Có bàn tay săn sóc của chị, căn nhà tồi tàn, tăm tối của mẹ con Tràng như sáng sủa, gọn ghẽ hẳn ra. Sự sống đã trở về với người, với cảnh. -> Từ hành động, dáng vẻ của thị đem đến cảm nhận mới mẻ về thị từ phía Tràng. Sự thay đổi ấy khiến Tràng không khỏi ngạc nhiên: Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. |
0,50
0,25 |
-> Ý nghĩa:
->> Có được không gian xây dựng mái ấm hạnh phúc này nhờ mối quan hệ tốt đẹp của mẹ con Tràng với thị dựa trên cơ sở của lòng tốt, tình người và niềm khao khát hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống mãnh liệt. Người đàn bà vô danh khi đã trở thành vợ Tràng ngay lập tức trở thành người xây tổ ấm. Chính chị đã đem lại niềm vui và sinh khí cho mẹ con Tràng. ->> Nhân vật của Kim Lân đặc biệt là ở chỗ đó không chỉ dám khao khát sống khao khát yêu thương, hạnh phúc khi cái chết kề bên mà còn hành động xây dựng hạnh phúc. Ý thức xây dựng hạnh phúc trong tình cảnh này thật đáng trân trọng biết chừng nào! |
0,25 |
+ Trong bữa cơm:
-> Nét đẹp bên trong của người vợ nhặt còn thể hiện qua một chi tiết rất nhỏ. Trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, khi mẹ chồng đưa cho bát chè cám, hai con mắt chị ta thoảng tối lại, nhưng ngay sau đó, chị điềm nhiên và vào miệng. Đây là một chi tiết rất đắt, thể hiện sự tinh tế trong nhận thức và sự khéo léo trong cách cư xử của người đàn bà tưởng như vô học ấy. Chị hiểu ra cơ sự của mẹ con Tràng nhưng chị không muốn làm mất đi niềm vui của người mẹ chồng già nua, tội nghiệp. Bà đang mừng vì cuối cùng thằng con trai vừa nghèo vừa xấu vừa đứng tuổi của mình cũng đã có vợ, dẫu rằng đó chì là cô vợ nhặt. -> Điều đặc biệt thú vị là trong bữa ăn ấy, người nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này lại là một bà cụ gần đất xa trời ; còn người nói đến phong trào đấu tranh chống thuế, phá kho thóc của Nhật, chia cho người đói lại chính là chị “vợ nhặt” – người đàn bà không tên trong tác phẩm. Hình ảnh từng đoàn những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp và lá cờ đỏ bay phấp phới hiện lên trong tâm trí của Tràng báo hiệu sắp có một sự đổi thay ghê gớm. Hình ảnh ấy là một luồng gió mạnh xô đi, cuốn đi ám khí ngột ngạt của câu chuyện đáng buồn này. -> Người vợ nhặt của Tràng còn là một người phụ nữ thông minh, thức thời, là tác nhân quan trọng để làm thay đổi tình cảm, nhận thức của Tràng. Chị không chỉ đem đến tình yêu, hạnh phúc cho người đàn ông nghèo này mà còn đem đến cho anh những thông tin về sự thay đổi của thời cuộc qua câu chuyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật, chia cho người đói…Chính thị cũng là người giúp cho Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ chọn. |
0,50 |
3. Đánh giá khái quát:
– Nhân vật: Có thể nói, thị không chỉ ham sống mà còn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc. Đến với Tràng tuy vội vã nhưng là một quyết định đúng đắn. Thị đã thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống tối tăm của gia đình Tràng. Dẫu sống trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng thị vẫn ngời lên nét đẹp tâm hồn đáng quý, khao khát được sống và được hạnh phúc, luôn hướng về tương lai với niềm tin vào cuộc sống. – Nghệ thuật: Nhân vật người vợ nhặt đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật của Kim Lân. Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo cùng với cách kể chuyện tự nhiên hấp dẫn, dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị chắt lọc và giàu sức gợi; người “vợ nhặt” được khắc học sinh động, ấn tượng, thể hiện tâm lí và vẻ đẹp tinh tế. – Ý nghĩa tư tưởng: Nhân vật thị nói riêng, truyện ngắn “Vợ nhặt” nói chung là một minh chứng tiêu biểu có ý nghĩa tố cáo, lên án tội ác tày trời của Nhật – Pháp đã gây ra nạn đói khủng khiếp đẩy nhân dân ta vào cảnh lầm than, không được sống đúng nghĩa là một con người. Đặc biệt qua đây, nhà văn Kim Lân đã khẳng định: ngay trong đói khổ, hoạn nạn, kề bên cái chết, con người vẫn hướng về sự sống., tin tưởng ở tương lai, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đó cũng là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. |
0,50 |
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp | 0.25 |
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.50 |