Đề minh họa chuẩn môn Ngữ Văn 2020 theo hướng tinh giản – Đề số 10

ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN  BỘ GIÁO DỤC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020

ĐỀ SỐ 10

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:
  2. Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay. Theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2020.

– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.

  1. Nội dung:

– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.

– Trong phần Làm văn:

+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.

+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019, và đề minh họa 2020. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.

  1. RA ĐỀ THEO ĐỊNH HƯỚNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ:
  2. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

TỰ SỰ

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy

Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.

 

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

 

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận  ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.

 

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

Đâu chỉ dành cho một riêng ai.

(Nguyễn Quang Hưng)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Câu 2. Anh/ chị hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ sau:

                                  ” Hạnh phúc cũng như bầu trời vậy

                                     Đâu chỉ dành cho một riêng ai”

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa hai câu thơ sau:

                                  ” Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

                                    Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả trong hai câu thơ sau? Lí giải vì sao?                              

” Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

                                              Chắc gì ta đã nhận ra ta”

  1. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm): Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về sự tròn tâm trong những điều rất nhỏ giữa cuộc sống của con người?

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng kể từ khi gặp “người đàn bà” (thị) ở truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân? (1)

  • Theo Sách Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục 2019)

————————————————-

HƯỚNG DẪN GIẢI

 

Nội dung Điểm
I. ĐỌC, HIỂU 3,0
Câu 1:

– Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật/ Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

 

0,5

Câu 2:

– Biện pháp tu từ so sánh: Hạnh phúc cũng như bầu trời vậy.

– Tác dụng:

+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, khiến cho câu thơ thêm phần sinh động, hấp dẫn người đọc.

+ Nhà thơ muốn nhấn mạnh hạnh phúc là của tất cả mọi người, các dân tộc trên thế giới này. Ai cũng có quyền được xây dựng, được hưởng hạnh phúc.

+ Hạnh phúc luôn hiện hữu ở bên cạnh ta, nhưng không ai ôm hạnh phúc riêng mình, chỉ có thể cảm nhận hạnh phúc khi tương tác, chia sẻ, kết nối với người khác, với cộng đồng, với vạn vật. Càng nhiều người hạnh phúc thì “bầu trời hạnh phúc” càng rộng lớn.

0,75

0,25

0,50

 

 

 

Câu 3:

Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật được:

Ý nghĩa hai câu thơ:

“Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”

– “Đất” – nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho hạt nảy mầm. Đất “ấp ôm” tạo điều kiện cho muôn hạt nảy mầm, con những chồi non ham sống muốn sinh trưởng, phát sẽ phải tự lực vươn lên tìm “ánh sáng”.

– Cuộc sống này không dành riêng cho một ai mà cho tất cả chúng ta.Thành công, hạnh phúc luôn ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến.

– Vì vậy, muốn có cuộc sống thành công tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ, có khát vọng chính đáng và hành động tích cực, phải luôn biết nỗ lực vươn lên, vượt qua những gian nan, thử thách, làm chủ cuộc đời…

0,75

 

 

 

 

0,25

 

 

0,25

 

0,25

Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

0,75
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,50
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,25
– Thí sinh trình bày quá sơ sài, qua loa. 0,15
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 4:

Học sinh tự do nêu quan điểm, có thể nêu theo 3 hướng:

– Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình.

– Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình.

– Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lí do.

Phần nhiều thí sinh sẽ đồng tình. Dưới đây là gợi ý hướng đồng tình.

1,0

 

 

Gợi ý cụ thể:

Chẳng hạn khẳng định: Tôi (em) đồng tình với quan điểm của tác giả đưa ra trong hai câu thơ:

“Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta”

 

0,25

 

 

 

– Bởi vì:

+ “Đường đời trơn láng” tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, không có trở ngại, khó khăn.

+ Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức, gian khổ thì không đến được đích. Cuộc sống càng ngày càng khắc nghiệt hơn, căng thẳng như trong một vòng đua nước rút vậy. Điều quan trọng là phải tự mình học được cách đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, lấy đó làm động lực rèn luyện bản thân ngày càng vững vàng, trưởng thành trước sóng gió để về đích nhanh nhất có thể. Với một tâm thế sẵn sàng, luôn tự tin vào khả năng vượt qua của mình, ắt hẳn bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều và dễ dàng tìm ra cách để giải quyết những vấn đề khó khăn đó.

+ Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình, thấy được sức mạnh tiềm ẩn và khả năng của mình để cuối cùng trưởng thành hơn, đi đến thành công … (có liên hệ)

 

0,25

 

0,25

 

 

 

 

 

 

 

0,25

Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

1,00
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,75
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,50
– Thí sinh trình bày còn sơ sài, qua loa. 0,25
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 1: 2,00
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ; học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề đời sống con người: sự tròn tâm từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống của con người.

0,25

 

0,25

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về sự tròn tâm từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống của con người. Có thể triển khai theo hướng sau: 1,00
* Giải thích vấn đề:

– Sự tròn tâm: Tâm hiểu theo nghĩa hẹp là tình thương, những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, nghĩa rộng là toàn bộ tinh thần, tình cảm, trí tuệ, ý chí, niềm tin và khát vọng hướng về những điều tốt đẹp, có ý nghĩa …Tròn tâm là dành tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất, tinh thần mạnh mẽ nhất, tràn đầy nhiệt huyết khác hẳn với thái độ qua loa, thờ ơ, cho xong việc…

– Những điều rất nhỏ: những điều bình thường từ cử chỉ, lời nói, việc làm… trong đời sống thường ngày của mỗi người.

– Con người chân chính luôn có tinh thần cầu tiến, luôn vươn lên hoàn thiện bản thân bắt đầu từ bên trong tâm hồn gắn với những điều nhỏ bé, bình thường nhất trong đời sống.

0,25
* Bàn luận: ( phần thân đoạn ít nhất phải có một dẫn chứng phù hợp) 0,50
– Sự tròn tâm trước cuộc đời là con đường khơi dậy tiềm năng, ý chí, sức mạnh bên trong con người dẫn đến thành công, giúp con người vượt qua mọi gian truân, thử thách. 0,10

 

– Sự tròn tâm cũng ảnh hưởng to lớn đến cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Sự tròn tâm tạo cảm giác vui vẻ, nhẹ nhàng, vô tư lợi trong mỗi việc làm nhỏ; không quá đau buồn trước mất mát hay gục ngã khi khó khăn, thất bại; hạnh phúc trước thành công của người khác; sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm… 0,15

 

– Tại sao phải và nên tròn tâm từ những điều rất nhỏ? Mọi điều to lớn, vĩ đại bắt đầu từ việc nhỏ, hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên; ngược lại những việc nhỏ đôi khi lại chưa bao điều vĩ đại, lớn lao; vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách, tư tưởng của con người biểu hiện trong cử chỉ, lời nói, hành động nhỏ…; Những người có biểu hiện lệch lạc, sai trái dù rất nhỏ ở lời nói, hành vi cũng xuất phát tự tâm không tròn.

– Sẽ ra sao nếu cuộc sống của con người thiếu sự tròn tâm từ những điều rất nhỏ? Và thực tế có rất nhiều hậu quả đến từ sự không “tròn tâm” từ việc nhỏ đã gây hậu quả nghiêm trọng (HS có thể liên hệ với những ứng xử sai lệch của một số người gây hiệu quả nghiêm trọng trong dịch Covid-19)

0,25

 

 

 

 

 

 

* Bài học nhận thức và hành động

– Sự tròn tâm luôn cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người. Sự tròn tâm từ những điều rất nhỏ của mỗi người trong cuộc sống thường ngày sẽ nhân lên lên yêu thương, hạnh phúc, thành công, văn minh và sự dân chủ, công bằng, giàu mạnh cho xã hội, đất nước.

– Con người hoàn toàn có thể thay đổi đời sống để thành công, hạnh phúc chỉ cần chủ động, sống tích cực từ trong tâm.  Mỗi ngày, mỗi người cần có ý thức tự hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện từ thể chất, đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, trong đó quan trọng hơn cả là đời sống tâm hồn, nhân cách bởi đó là nguồn cội của hạnh phúc và thành công.

0,25

 

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
Câu 2: 5,00
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng kể từ khi gặp “người đàn bà” (thị) ở truyện ngắn “Vợ nhặt”- Kim Lân. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các nội dung sau: 3,75
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật.

– Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. “Vợ nhặt” là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông.

– Với truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Trang nghèo, xấu trai, lại là dân ngụ cư, đang trong tình trạng “ế vợ”, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết cận kề lại “nhặt” được vợ, có vợ theo. Tình huống éo le này là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm lí, tâm trạng, hành động của các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện. Truyện xoay quanh ba nhân vật (Tràng, bà cụ Tứ- mẹ Tràng và người “vợ nhặt” của Tràng) có những diễn biến hành động, tâm lí sinh động, tinh tế, gắn với tình huống trên. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất trong người đọc có lẽ chính là diễn biến tâm lí nhân vật Tràng kể từ khi gặp “người đàn bà” (thị).

0,50
2. Diễn biến tâm trạng Tràng 2,75
* Giới thiệu khái quát trước khi phân tích, chứng minh,…

– Tác phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Viết truyện này, Kim Lân không chỉ dừng lại ở phản ánh chân thực nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn tiến lên một bước nữa nhằm khắc họa nét đẹp tâm hồn người lao động. Đó là trong cảnh đói khát, cận kề bên miệng vực của cái chết, những người lao động Việt Nam không nghĩ đến cái chết mà luôn hướng về sự sống, ánh sáng, hạnh phúc, tương lai. Đó là chất người kì diệu, là khát vọng sống mạnh mẽ của con người Việt Nam đã khơi nguồn cảm hứng cho Kim Lân sáng tác nên thiên truyện ngắn đặc sắc này.

– Vài nét về hoàn cảnh, lai lịch, ngoại hình… của Tràng

Tràng là một gã trai nghèo khổ, cái nghèo khổ đến tột cùng. Cái nghèo ấy hiện hữu trong “chiếc áo nâu tàng”, cái nhà Tràng thì “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổm nhổm những búi cỏ dại”, và Tràng chỉ là người kéo xe bò thuê. Đến cái tên cũng thể hiện sự thô kệch, nghèo khó: Tràng – một dụng cụ dùng trong nghề mộc. Ngòi bút của Kim Lân đã vô cùng sống động khi khắc họa bức chân dung của Tràng: “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra”, bộ mặt thô kệch, thân hình to lớn, vạp vạm, cái đầu thì trọc lốc … Dưới ngòi bút của Kim Lân Tràng hiện lên như một bức chân dung vẽ vội, một hình hài mà tạo hóa đẽo gọt, quá ư sơ sài, cẩu thả. Không chỉ xấu xí, nghèo khổ, ở tầng lớp cùng đinh mà Tràng còn là người dở tính, “hắn có tật vừa đi vừa nói”, “hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ thỉnh thoảng còn ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch”.

0,25
* Diễn biến tâm trạng Tràng kể từ khi gặp “người đàn bà” (thị) 2,50
Trước tình huống “nhặt” vợ, tâm lý của Tràng diễn biến thành những chặng sau. Và qua năm chặng đó, ta thấy Tràng là một thân phận thấp hèn nhưng lại là một chú rể thực sự hạnh phúc, giữa hoàn cảnh cùng cực của cuộc sống hắn thật sự “nên người”, hội tụ nhiều vẻ đẹp đáng quý. 0,25
– Chặng một: từ lần gặp đầu tiên đến khi quyết định dẫn thị (người “vợ nhặt”) về nhà.

+ Tràng đến với người vợ nhặt trong một quyết định vừa tầm vơ tầm phào, liều lĩnh, bởi ban đầu chủ tâm Tràng hò một câu cho đỡ nhọc:

“Muốn ăn cơm trắng với giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”

Mọi sự mời mọc nhất nhất là đùa, về phía cô vợ nhặt, bàn đầu chủ yếu cũng là đùa. Tràng cũng quên nhanh cảnh cười tít với thị khi đẩy xe bò thóc cùng mình. Lần thứ gặp thứ hai, “vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến”, thi sưng sỉa trách giận hắn, một lát sau Tràng mới nhớ ra. Rồi với sự hào phóng Tràng đã đãi thị ăn bốn bát bánh đúc. Chuyện lại tiến thêm một bước mới khi Tràng nói đùa còn thị theo thật. Tràng nói “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng  lên xe rồi cùng về”.

+ Dù là câu nói đùa nhưng ẩn chứa tâm lí luôn khao khát tổ ấm gia đình của người đàn ông khốn khổ ấy.

+ Tràng mới đầu cũng “chợn, nghĩ” trước tình cảnh thực tại, thóc gạo có nuôi thân nổi qua tao đoạn này không lại còn đèo bòng. Nhưng rồi ngay sao đó hắn tặc lưỡi: ”Chậc, kệ!” quyết định chấp nhận thị- một quyết định có vẻ như đùa đối với sự kiện trọng đại của đời người.

è Chi tiết này cho thấy vẻ đẹp tính cách trong tâm lí của Tràng:

-> Tâm lí của người lao động nghèo nhưng tốt bụng, thương người, không nỡ từ chối một người đàn bà xa lạ rơi hoàn cảnh cùng đường phải theo không một người xa lạ là Tràng đây.

->  Song hoàn cảnh ấy, cái tặc lưỡi của Tràng là một sự táo bạo liều lĩnh. Cũng có nghĩa Tràng khao khát hạnh phúc và luôn có ý thức sẵn sàng xây dựng hạnh phúc. Tràng đã “liều” đưa người đàn bà xa lạ về nhà,  dám đánh cuộc với cái đói, cái chết đang bủa vây kia để đi biến khao khát hạnh phúc đời thường thành hiện thực. Và như thế khao khát hạnh phúc và ý thức xây dựng hạnh phúc mãnh liệt trong Tràng đã vượt lên tất cả và bất chấp tất cả.

0,50
– Chặng hai: Trên đường dẫn thị về nhà:

Diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng là những cảm xúc tự đắc, hồi hộp xen lẫn niềm vui, hạnh phúc khi “nhặt” được vợ.

+ Hạnh phúc tạo niềm vui lớn cho Tràng , nhà văn Kim Lân nhắc ta nhớ đến hình ảnh đôi mắt của Tràng lúc này sáng lên lấp lánh, nụ cười tủm tỉm. Đó là ánh mắt nụ cười của con người đang sống trong cảm giác hạnh phúc. Lần đầu tiên đi bên cạnh người đàn bà, Tràng lấy làm hãnh diện vô cùng, mốn nói một câu cho thật tình tứ nhưng chẳng biết nói thế nào thành ra những câu đối đáp với vợ trở nên cộc lốc, nhát gừng, rời rạc.  Bởi Tràng vốn thô kệch, nhưng quan trọng là hạnh phúc đến với Tràng quá bất ngờ. Tràng đã sống trong cảm giác hạnh phúc: “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở”.

+ Kim Lân đã chọn được một từ chân quê nhưng rất chính xác “phớn phở” để diễn tả tâm trạng sung sướng, hồ hởi, hân hoan được biểu lộ ra ngoài gương mặt nhân vật.

+ Khi chứng kiến hình ảnh những người dân ngụ cư tò mò quan sát sự xuất hiện của mình với người đàn bà lạ, Tràng lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh vênh tự đắc. Càng về gần nhà thì dường như chất men tình say sưa trong Tràng càng ngấm nhiều hơn và trở thành cái nghĩa tình hết sức thấm thía: “Trong một lúc, hình như Tràng quên hết những cảnh sống khổ cực ê trề…trong lòng hắn lúc đó chỉ còn lại cái nghĩ tình giữa hắn và người đàn bà đang đi bên cạnh. Có cái gì mới mẻ, lạ lắm “ở người đàn ông nghèo khổ này”.

+ Cũng trên đường về nhà, hình tượng Tràng cũng được nhà văn Kim Lân khắc họa rất chân thực, người đàn ông ấy hình như cũng có cái nhìn bối rối khi thấy người dân xóm ngụ cư quan tâm. Nhưng có lẽ, cùng với niềm vui hạnh phúc, người ta bắt gặp ở Tràng một người đàn ông đã trưởng thành, chững trạc, điều đó bộc lộ ở cách ứng xử. Tràng khoe chai dầu mới mua bằng hai hào với lí do “vợ mới vợ miết cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ”. Lời nói giản dị nhưng chứa đựng trong đó bao nhiêu nhận thức, tình cảm của nhân vật: có được vợ một cách dễ dàng nhưng không vì thế mà hắn coi thường vợ, ngược lại vẫn trân trọng, trân trọng theo cách của Tràng.

0,50
– Chặng 3:  Dẫn thị vào nhà và giới thiệu người “vợ nhặt” xin phép mẹ.

+ Dẫn thị vào nhà, ban đầu Tràng vừa đon đả, cởi mở tạo không khí vừa “ngượng nghịu”, nhất là có tâm lý lo âu, hồi hộp. “Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân ” ngóng đợi mẹ về. Hắn nhìn trộm vào trong nhà, để ý thị. Tràng vẫn còn tâm lý nghi hoặc, bàng hoàng. Nhìn cô vợ ngồi ngay giữa nhà mà Tràng vẫn không thể tin là vợ mình. “Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?” Có lẽ hạnh phúc giữa năm đói như một điều xa xỉ, cầm nắm ở trong tay mà vẫn không tin đó là sự thật.

+ Tại sân, thấy mẹ, Tràng như một đứa trẻ, reo lên: “U đã về đấy!….sao u về muộn thế! Làm tôi đợi nóng cả ruột”. Nhưng sau thoáng lo âu hồi hộp ấy,

Tràng lấy lại được sự bình tĩnh cần thiết, giới thiệu vợ với mẹ bằng một câu ý nghĩa “kìa nhà tôi nó chào u”. Thấy mẹ vẫn chưa hiểu Tràng lại nói: “nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ…chẳng qua nó cũng là cái số cả…” Bằng câu nói ấy, Tràng đã xác định rõ ràng mối quan hệ của mình với người phụ nữ xa lạ kia. Không chỉ vậy câu nói còn lý giải mối quan hệ với vợ là duyên số – một cách lý giải của một người từng trải, chín chắn, chững chạc.

+ Câu nói chứa chan tình mẫu tử, tình người của mẹ (“Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”) đã làm “Tràng thở đánh phào một cái” như cất được trái núi lo toan.

0,25
– Chặng bốn: Buổi sáng hôm sau

+ Những cảm xúc hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc lẫn lộn Tràng dần chuyển sang ý thức được hạnh phúc bản thân. Con người mong hạnh phúc đến và hạnh phúc đến lượt nó có thể làm thay đổi con người. Trước hạnh phúc Tràng như lột xác, lần đầu tiên, anh ta sống trong một cảm giác rất người: “bỗng nhiên hắn thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Hắn đã có một gia đình, hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy…”. Bây giờ hắn mới thấy “hắn nên người”. Hạnh phúc gia đình hiện hữu gắn liền với ý thức xây dựng hạnh phúc và niềm tin vào tương lai hạnh phúc gia đình sinh sôi, phát triển.

+ Hai chữ “nên người” hạ xuống như một điểm nhấn xác nhận sự biến đổi về chất ở Tràng. Cái gốc của sự biến đổi ấy chính là gia đình. Nó là nền tảng của xã hội, là căn cốt của nhân tính. Tràng phục sinh nhân tính nhờ vươn tới ý thức về gia đình.

+ Song chi tiết đắt nhất của Kim Lân không phải ở đó mà có lẽ là ở câu văn này: “ Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn là một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Hai chữ “xăm xăm” gợi lên bao nhiêu là hăm hở, háo hức trong bước chân của Tràng tìm đến hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng hơn đấy là dấu hiệu một bước ngoặt lớn ở Tràng. So với cái dáng “ngật ngưỡng” ở mở đầu tác phẩm, hành động xăm xăm này là một đột biến không chỉ dáng đi mà còn là thay đổi cả số phận, tính cách của Tràng: từ đau khổ sang hạnh phúc, từ ngây dại sang ý thức. Nàng Kiều xưa từng “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Gót chân đến với hạnh phúc của Kiều táo bạo thế mà cứ chênh vênh, đơn độc khiến cho người đọc lo lắng bởi chỉ có một mình giữa đêm trăng trung cổ. Còn cái “xăm xăm” của Tràng mới vững khỏe, tự tin làm sao, bởi Tràng có cả một gia đình. Và đó là cái xăm xăm của con người trong hạnh phúc.

0,50
– Chặng năm: Trong bữa cơm

+ Khi nghe người “vợ nhặt” nói chuyện Việt Minh phá kho thóc của Nhật chia cho người đói trên mạn Bắc Giang, Thái Nguyên, nhớ lại hình ảnh đoàn người kéo nhau trên đê Sộp, đằng trước là lá cờ đỏ sao vàng to lắm, Trang hiểu ra chuyện, “ bỗng thấy tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu”. Vì có lẽ anh từng sợ, từng tránh xa, từng không hiểu ý nghĩa hành động của họ.

+ Và từ giây phút đó, hình ảnh này không rời tâm trí Tràng. “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Lá cờ đỏ – hình tượng thoáng qua ấy khi được đặt vào đoạn kết mang bao sức nặng về tư tưởng và nghệ thuật cho thiên truyện. Nếu vắng chi tiết này tác phẩm sẽ xa lối kết cấu khép của văn học hiện thực phê phán. Cái kết thúc truyện này đã gieo vào lòng người đọc niềm tin mãnh liệt rằng Tràng  cùng dân chúng sẽ có cuộc đổi đời tươi sáng dưới sự dẫn đường của lá cờ đỏ kia. Sự có mặt của chi tiết nghệ thuật này khiến cho câu chuyện có một cái kết mở nhờ thế thiên truyện đã đóng lại. Nhưng số phận nhân vật vẫn tiếp tục được vận động theo hướng lạc quan, đi lên chứ không bế tắc như anh Pha của Nguyễn Công Hoan, chị Dậu của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao… Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã vẫy lên như một tín hiệu đổi đời, một tương lai tươi sáng. Anh Tràng đã nghĩ tới sự đổi thay cho dù vẫn chưa ý thức thật đầy đủ nhưng điều đó thật đáng quý.

0,50
* Đánh giá khái quát: 0,50
– Với những diễn biến tâm lí, tâm trạng tinh tế kể từ khi gặp “người đàn bà” (thị), nhân vật Tràng là hình tượng tiêu biểu của người lao động nghèo, tốt bụng và cỏi mở, luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc…

– Nghệ thuật: Nhân vật này đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật của Kim Lân. Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo cùng với cách kể chuyện tự nhiên hấp dẫn, dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị chắt lọc và giàu sức gợi; Tràng được khắc học sinh động, ấn tượng, thể hiện tâm lí và vẻ đẹp tinh tế.

– Ý nghĩa tư tưởng:  Nhân vật Tràng nói riêng, truyện ngắn “Vợ nhặt” nói chung là một minh chứng tiêu biểu có ý nghĩa tố cáo, lên án tội ác tày trời của Nhật – Pháp đã gây ra nạn đói khủng khiếp đẩy nhân dân ta vào cảnh lầm than. Đặc biệt qua hình tượng nhân vật Tràng, Kim Lân còn khẳng định hiện thực cuộc sống có ngột ngạt, tăm tối đến đâu thì sự sống vẫn trỗi dậy, vươn lên mãnh liệt, con người vẫn cố gắng vật lộn với hoàn cảnh để khẳng định tư cách Người ngời sáng của mình. Nhà văn Kim Lân đã khẳng định: ngay trong đói khổ, hoạn nạn, kề bên cái chết, con người vẫn hướng về sự sống., tin tưởng ở tương lai, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đó cũng là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

 
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp 0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.50

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *