Đề minh họa chuẩn môn Ngữ Văn 2020 theo hướng tinh giản – Đề số 15

ĐỀ MINH HỌA CHUẨN 2020 THEO HƯỚNG TINH GIẢN  BỘ GIÁO DỤC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2020

ĐỀ SỐ 15 – (GIANG 07)

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỊNH HƯỚNG RA ĐỀ:
  2. Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

– Trong đó, câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay. Theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2020.

– Trong phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu.

  1. Nội dung:

– Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31.3.2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 – 6; học sinh khá đạt 7 – 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

– Phần Đọc hiểu trong đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn trích, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề.

– Trong phần Làm văn:

+ Đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.

+ Ở câu nghị luận văn học, nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì I lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GDĐT, mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019, và đề minh họa 2020. Và đây là đơn vị kiến thức nhỏ (không phải toàn bộ tác phẩm), phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút.

  1. RA ĐỀ THEO ĐỊNH HƯỚNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ:
  2. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Nước Mỹ hùng mạnh với tầu vũ trụ lên mặt trăng, tầu ngầm vượt đại dương, tên lửa vượt châu lục, quốc gia giàu nhất thế giới nhưng cũng bị virus Covid làm cho thất điên bát đảo. Nước Ý xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải thì hơn 18. 000 người chết. Phi thuyền, tầu ngầm, tên lửa hạt nhân,… dường như không địch nổi những con virus vô hình và biến đổi chủng loại không lường. Các nền kinh tế thị trường hùng mạnh cũng bị khủng hoảng. Giá dầu lao dốc. Hơn 10 triệu ngườ lao động ở Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đang điên đảo bởi những con Covid vô hình. “WTO dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh hơn nhiều so với mức 12,6% của khủng hoảng 2009”

Virus Covid 19 không từ một ai, từ công dân hạng bét đến thượng lưu quý tộc. Thái tử Charles con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II, người kế vị ngài vàng nước Anh cũng dương tính virus corona. Phó tổng thống Iran và hàng hoạt quan chức cao cấp của đất nước tấm thảm bay cũng nhiễm Covid từ đầu tháng 3. Mới nhất, Covid đã kịp làm cho ông Matt Hancock – Bộ trưởng Y tế Anh và ngài Boris Johnson – Thủ tướng Anh dương tính virus corona phải tự cách ly. Loài người bị những virus vô hình quật cho tơi bời, chẳng biết về sau có ngạo nghễ coi mình là Chúa tể của muôn loài với cái nghĩa quyền sinh quyền sát không.

 Chưa bao giờ tiềm năng, sức mạnh cũng căn tính dân tộc yếu kém của các quốc gia hiển lộ, phơi bày như “chiến tranh chống virus Covid” hiện nay. Chính phủ, quốc gia nào chủ quan, bỏ qua thời cơ vàng, thụ động chống dịch thì bị trả giá nặng nề. Chính phủ, quốc gia nào chủ động tổ chức phòng chống ngay từ đầu, quyết liệt thì bớt đau thương.

Chủng loài virus corona mới này đến từ đâu, mà cả gan xâm lược đánh phá loài người? Dĩ nhiên, chúng không đến từ hành tinh khác. Chúng đến từ trái đất. Cuộc chiến này không phải “chiến tranh giữa các vì sao”, mà trận tuyến là hai giống loài trên địa cầu này: Con người và virus Covid. Giặc Covid lại bình đẳng gây bệnh cho bất cứ cá thể nào, quốc gia nào. Chúng không ưu ái nước lớn, mà cũng chẳng bạc đãi nước nhỏ. Trong cuộc chiến này, các cường quốc không có quyền áp đặt luật chơi với virus Covid, như đã từng áp đặt, chia chác lãnh thổ, tài nguyên trên lưng nước nhỏ.

(https://vietnamnet.vn – “Loài người có bớt ngạo mạn?” (trích) – Sương Nguyệt Minh)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1: Chỉ ra phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong  đoạn trích trên.

    Câu 2: Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào về việc “Virus Covid 19 không từ một ai”?

    Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: Giặc Covid lại bình đẳng gây bệnh cho bất cứ cá thể nào, quốc gia nào?

    Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Chính phủ, quốc gia nào chủ động tổ chức phòng chống ngay từ đầu, quyết liệt thì bớt đau thương ? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề: Sự nguy hại của Virus Covid 19 đối với đời sống con người?

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

(trích “Sóng” – Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2019)

————————————————————

HƯỚNG DẪN GIẢI

 

Nội dung Điểm
I. ĐỌC, HIỂU 3,0
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản trên: Phong cách ngôn ngữ báo chí/báo chí. 0,50
Câu 2:

Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng sau về việc Virus Covid 19 không từ một ai:

– Từ công dân hạng bét đến thượng lưu quý tộc.

– Thái tử Charles con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II, người kế vị ngài vàng nước Anh cũng dương tính virus corona.

-Phó tổng thống Iran và hàng hoạt quan chức cao cấp của đất nước tấm thảm bay cũng nhiễm Covid từ đầu tháng 3.

– Mới nhất, Covid đã kịp làm cho ông Matt Hancock – Bộ trưởng Y tế Anh

– Ngài Boris Johnson – Thủ tướng Anh dương tính virus corona phải tự cách ly.

0,50

 

Mức điểm: Dựa vào văn bản, thí sinh tìm ra nội dung câu hỏi yêu cầu.

– Thí sinh nêu ra đầy đủ, rõ ràng, chuẩn xác bốn dẫn chứng trở lên.

 

0,50

– Thí sinh nêu ra dưới bốn dẫn chứng. 0,25
– Thí sinh nêu ra dưới hai dẫn chứng 0,15
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 3:

Thí sinh trình bày sự hiểu của bản thân về câu: Giặc Covid lại bình đẳng gây bệnh cho bất cứ cá thể nào, quốc gia nào.

– “Giặc Covid”  (Covid 19) đang hoành hoành trên thế giới. Loại vius này không tha một ai, bình đẳng gây bệnh cho tất cả mọi kiểu người. Ai cũng có thể bị nhiễm vius này dù là người giàu hay nghèo, già hay trẻ, gái hay trai, da trắng hay da màu. Khắp các châu lục, từ các nước đang phát triển đến các cường quốc lớn trên thế giới đều bị virus Covid làm cho thất điên bát đảo.  Chúng không ưu ái nước lớn, mà cũng chẳng bạc đãi nước nhỏ.

– Ý nghĩa: Câu văn cảnh báo hiểm họa khôn lường của vius Corona; có tác dụng nhắc nhở cảnh tỉnh mọi người, mọi quốc gia không được thờ ơ, chủ quan, phải tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm,  sát cánh cùng nhau phòng chống, đẩy lùi, tiêu diệt dịch Covid 19….

1,00
Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

 

1,00

– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai. 0,75
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,50
– Thí sinh trình bày quá sơ sài, qua loa. 0,25
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
Câu 4:

Thí sinh tự do nêu quan điểm, lí giải hợp lí, thuyết phục, làm rõ vấn đề, có thể nêu theo 3 hướng:

– Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình.

– Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình.

– Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lí do.

Đa số HS sẽ theo hướng đồng tình:

1,00
Gợi ý:

– Chẳng hạn khẳng định: Tôi (em) đồng tình với quan điểm của tác giả đưa ra trong câu: Chính phủ, quốc gia nào chủ động tổ chức phòng chống ngay từ đầu, quyết liệt thì bớt đau thương.

– Vì: Trên thực tế…

+ Đại dịch Covid 19 đang hoành hành trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt, nhất là cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Đáng chú ý là những chính phủ, quốc gia nào không chủ động, quyết liệt tổ chức phòng chống đại dịch này ngay từ đầu thì mức độ đau thương càng lớn. Mỹ, Trung Quốc và các nước phát hiển ở Châu Âu như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức hùng mạnh như thế nhưng vì chậm trễ, không quyết liệt, có phần chủ quan lúc đầu nên đã bị Virus làm cho “thất điên bát đảo”. Số người tử vong vì virus Covid 19 ở các nước này cũng đứng đầu thế giới.

+ Ngược lại, chính phủ, quốc gia nào chủ động tổ chức phòng chống ngay từ đầu, quyết liệt thì bớt đau thương, tiêu biểu nhất chính là nước Việt Nam của chúng ta. Quốc tế đánh giá cao Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành “ngọn hải đăng” về cách làm với nguồn lực hạn chế; ca ngợi Việt Nam là “người dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống virus nCoV”. Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời, hạn chế mức thiệt hại ít nhất, đặc biệt đến nay chưa có người chết vì Covid 19 (tính đến thời điểm giải đề này 24/4/2020).

+ …

 
Mức điểm:

– Thí sinh trình bày đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi câu sai, dùng từ.

1,00
– Thí sinh trình bày đầy đủ, có vài chỗ còn lủng củng, không mắc lỗi câu sai, dùng từ. 0,75
– Thí sinh trình bày khá đầy đủ, có mắc sai xót nhỏ trong trình bày. 0,50
– Thí sinh trình bày còn sơ sài, qua loa. 0,25
– Thí sinh không làm được gì, làm sai. 0,00
II. LÀM VĂN 7,00
Câu 1: 2,00
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ; học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề đời sống con người: Sự nguy hại của Virus Covid 19 đối với đời sống con người

0,25

 

0,25

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về : Sự nguy hại của Virus Covid 19 đối với đời sống con người. Có thể triển khai theo hướng sau: 1,00
* Giới thiệu, giải thích vấn đề:

Đại dịch Covid 19 đang hoành hành trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt cho con người. …

0,25
* Bàn luận: Sự nguy hại của Virus Covid 19 ( phần thân đoạn ít nhất phải có một dẫn chứng phù hợp) 0,50
– Gây ra cảnh đau thương, mất mát, lo lắng trên toàn cầu. Có những ngày xem tivi nhìn thấy người chết vì Covid 19 như “ngả rạ”, số người nhiễm, số người chết tăng lên hàng giờ- một sự đau thương mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được.

– Hủy hoại con người:  COVID-19 gây ra có ảnh hưởng trên khắp các cơ quan nội tạng người. Các công trình nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ bị tổn thương phổi lâu dài. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh chưa dừng lại ở đó, người bị nhiễm Covid 19 có thể bị tổn thương tim và não, …

– Tổn thất kinh tế:  Virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19 đang giáng một đòn nặng vào nền kinh tế toàn cầu với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, vượt xa các trận dịch trước đây. Đại dịch không chỉ làm ảnh hưởng đến các ngành đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, hàng không dân dụng, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải… mà còn ảnh hưởng rất lớn đến giới công nghệ quốc tế, nông nghiệp, ngư nghiệp cũng ảnh hưởng nặng nề. – – Tác động đến xã hội:

+ Lao động, việc làm, gia tăng thất nghiệp: Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ kéo theo việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gấy áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.  Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.

+ Giảm thu nhập, nhất là người nghèo. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. ILO ước tính, sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người).

– Tác động đối với nhiều lĩnh vực cụ thể khác như giao thông vận tải, đặc biệt là du lịch.

– Tác động đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước và đối tác trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn.Việc phân biệt đối xử với những người đến từ vùng dịch bệnh và công dân của các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ có tác động xấu đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước. Những diễn biến liên quan đến dịch bệnh có thể làm cho “chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn” giữa các quốc gia, dân tộc; giữa các khu vực và châu lục với nhau. Đây là vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều do liên quan đến sự khác biệt về chính sách, chủ trương, biện pháp xử lý khủng hoảng và chống dịch bệnh của từng nước. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề này còn khó khăn, phức tạp và lâu dài hơn cả việc xử lý vấn đề kinh tế do tác động của dịch bệnh. (tiêu biểu quan hệ Mĩ- Trung)

Giáo dục, đào tạo: Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành giáo dục – đào tạo của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp.

– …

 
* Rút ra bài học nhận thức vài hành động

Đại dịch Covid-19 đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với thế giới. Hãy nghiêm túc, trung thực, tự giác và tuyệt đối không được chủ quan. Cuộc chiến chống lại “giặc Covid 19” thành bại bắt đầu từ mỗi người. Mọi người, mọi nhà và toàn thế giới đã và đang chung tay, đoàn kết, huy động sức mạnh toàn diện trong cuộc chiến này chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi.Tôi tin rằng một ngày không xa chúng ta sẽ tiếp tục “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”.

0,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
Câu 2: 5,00
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, Thân bài triển kha74  i được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận hai khổ thơ đầu của bài thơ “Sóng”- Xuân Quỳnh 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các nội dung sau: 3,75
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận

– Xuân Quỳnh được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất  trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vừa nồng nhiệt, táo bạo, vừa thiết tha, say đắm, dịu dàng, hồn nhiên giàu trực cảm mà lắng sâu những trải nghiệm suy tư, mãnh liệt khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị…

– “Sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha của người phụ nữ trước cuộc đời được sống, được yêu đúng nghĩa, chân thành, tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thủy. Những vẻ đẹp trên của tâm hồn người con gái đang yêu được thể hiện rõ nét ngay từ hai khổ đầu (trích dẫn đoạn thơ).

0,50
2. Cảm nhận đoạn thơ 2,75
* Khái quát chung trước khi cảm nhận cụ thể đoạn thơ:

– Thật vậy, tiếng lòng của nhân vật trữ tình trong “Sóng” cũng là tiếng lòng của biết bao người con gái luôn da diết trong tình yêu và khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ được sáng tác vào năm 1967 trong chuyến đi vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là một trong những vần thơ xuất sắc nhất viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

– Bài thơ có hai hình tượng “sóng” và “em”. Hai hình tượng này lúc phân tách, soi chiếu vào nhau, lúc nhập hòa làm một trong một cái tôi trữ tình duy nhất là Xuân Quỳnh. Vì thế có thể nói rằng hai hình tượng này tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nhìn chung bài thơ được tổ chức theo lối kết cấu vừa song hành vừa trùng phức. Song hành để thấu tỏ, trùng phức để khẳng định những khát khao cháy bỏng trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.

– Đoạn thơ gồm 8 dòng thơ cũng chính là hai khổ đầu của bài thơ “Sóng”. Bao trùm đoạn thơ là những nét tương đồng của “sóng” và “em”: cung bậc, trạng thái phong phú, đầy bí ẩn; có khát vọng vươn xa, thoát khỏi những gì nhỏ hẹp, tầm thường…

0,25
* Cảm nhận chi tiết đoạn thơ 2,50

– Khổ 1:

1,50
+ Hai câu thơ đầu của khổ 1 diễn tả trạng thái, cung bậc phong phú, phức tạp, đầy bí ẩn của “sóng” và tâm trạng người con gái đang yêu:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

-> Bằng hình thức đối lập và cách ngắt nhịp 2/1/2 đều đặn tả nhịp điệu con sóng khi trào lên lúc lắng xuống nhịp nhàng. Xuân Quỳnh đã phát hiện ra những đặc tính đối cực của những con sóng ngoài biển khơi. Sóng “dữ dội”, “ồn ào” là khi biển động phong ba, bão tố; còn khi trời yên bể lặng thì sóng lại “dịu êm”, lặng lẽ”, dịu dàng, êm ả. Những đối cực này lúc rõ ràng khi khó đoán, thất thường và đầy bí ẩn.

-> Nghệ thuật ẩn dụ: Sóng là ẩn dụ cho tâm hồn người con gái đang yêu. Mượn hình tượng “sóng”, người phụ nữ đang yêu đang tự nhận thức về những biến động trong lòng mình, đang chân thành bộc bạch mà không hề giấu giếm những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú, vừa phức tạp của một tâm hồn đang khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen, khi dịu hiền, sâu lắng. Những trạng thái này đối lập, phức tạp, thất thường đấy nhưng lại thống nhất vì đều được “chảy” ra từ trái tim yêu chân thành, mãnh liệt.-> Những cung bậc tình cảm đó của người con gái đã được Puskin – nhà thơ Nga thế kỉ XIX đề cập đến trong bài thơ “Sao mà anh ngốc thế”:

0,75

 

 

 

0,25

 

 

 

 

 

0,25

                                     “Em bảo anh đi đi

                                       Sao anh không đứng lại

                                       Em bảo anh đừng đợi

                                       Sao anh vội về ngay?

                                      Lời nói gió thoảng bay

                                      Đôi mắt huyền đẫm lệ

                                      Sao mà anh ngốc thế

                                      Chẳng nhìn vào mắt em!”

Bản chất người con gái khi yêu là vậy, luôn mâu thuẫn, nghịch lí, đầy bí ẩn.

 
-> Thêm nữa, cách sắp xếp từ ngữ rất tinh tế của Xuân Quỳnh (không phải là “Dữ dội và ồn ào- Dịu êm và lặng lẽ”; cũng không phải là “Dịu êm và dữ dội- Lặng lẽ và ồn ào”) cũng đã góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp nữ tính, lắng sâu của người phụ nữ trong tình yêu => vẻ đẹp muôn đời của người phụ nữ trong tình yêu. 0,25
+ Hai câu sau của khổ 1: Sang hai câu sau, “sóng” và “em” lại có một hành trình vượt thoát khỏi những gì nhỏ hẹp, chật chội, tầm thường:

                                        “Sông không hiểu nổi mình

                                          Sóng tìm ra tận bể”

-> “Sông” và “bể” đều là không gian tồn tại của sóng nước. Nhưng sông nhỏ hẹp, biển thì rộng bao la. Những con sóng phức tạp, đối nghịch, đầy bí ẩn ở trên không chấp nhận sự chật hẹp, tầm thường và thiếu sự đồng cảm (Sông không hiểu nổi mình) đã chủ động tìm đến biển rộng bao la, đến với môi trường đích thực của nó. Nghệ thuật nhân hóa đã làm cho sóng trở thành một sinh thể có hồn, có tính cách, bãn lĩnh.

-> Ở đây, “sóng” tiếp tục là ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp. Trái tim ấy luôn hướng đến cái cao cả, sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để tìm đến  một tình yêu đích thực, để tâm hồn được đồng điệu, được thấu hiểu, sẻ chia…

0,50
-> Hai câu thơ, thể hiện quan niệm mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu: Người phụ nữ dám yêu, dám chủ động, tự tin và minh bạch quyết liệt đi tìm tình yêu đích thực của đời mình (không cam chịu, nhẫn nhục và phụ thuộc như người phụ nữ xưa => cần có điểm nhấn ở đây). 0,25
– Khổ 2: Sóng và tình yêu muôn đời bất diệt. 1,00
+ Khổ thứ hai, nhà thơ đã phát hiện ra quy luật của sóng cũng là quy luật muôn đời của tình yêu con người                                       

                                         “Ôi con sóng ngày xưa

                                          Và ngày sau vẫn thế

                                          Nỗi khát vọng tình yêu

                                          Bồi hồi trong ngực trẻ”

-> Đứng trước biển khơi rộng lớn bao la, nữ sĩ phát hiện mối tình bất tử giữa sóng và bờ. Thán từ “ôi” cùng những từ chỉ thời gian như “ngày xưa” (quá khứ), “ngày sau” (tương lai), “vẫn thế” đã thể hiện niềm sung sướng của nữ sĩ khi phát hiện quy luật của “sóng” là quy luật của sự vĩnh hằng. Con sóng ngày xưa, ngày

0,50
 sau vẫn thế – nghĩa là một hành trình xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai, sóng lúc nào cũng thế, mãi mãi “ru khúc tình ca” với biển trong “mối tình thủy chung”, bất diệt.

-> Cũng như sóng, khát vọng tình yêu là bất diệt. Sóng muôn đời không thay đổi thì tình yêu sẽ mãi mãi song hành cùng với con người và khát vọng tình yêu cũng sẽ là khát vọng muôn đời của con người, nhất là tuổi trẻ. Những từ “khát vọng”, “bồi hồi” và hình ảnh “trong ngực trẻ” đã diễn tả thật mãnh liệt một trái tim với những nhịp đập dồn dập vì khát khao yêu cháy bỏng. Bao nhiêu thế kỉ qua, con người đã đến với tình yêu, đã sống mà không thể thiếu tình yêu và sẽ còn yêu chừng nào còn tồn tại, thậm chí yêu cả “khi chết đi rồi”…

 

 

 

0,25

-> Trong ca dao, trai gái ngày xưa cũng đã từng khao khát như thế:

                                      “Thấy anh như thấy mặt trời; 

                                 Chói chang khó ngó, trao lời khó trao”. 

                                                                               (Ca dao)

-> Trong văn học trung đại, nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du cũng vì tiếng sét ái tình mà đã vượt lên lễ giáo phong kiến, dù đêm hôm nhưng vẫn “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến tình tự cùng Kim Trọng. Còn ông hoàng tình yêu Xuân Diệu – đại diện cho tiếng nói của Phong trào Thơ mới – cũng đã từng da diết cháy bỏng trong tình yêu: “Làm sao sống được mà không yêu; Không nhớ, không thương một kẻ nào”. Bốn câu thơ cho thấy nữ sĩ Xuân Quỳnh đã diễn tả đúng tâm trạng của những người khi bắt gặp vầng sáng chói lóa của tình yêu. Sức mạnh của tình yêu bao giờ cũng mạnh hơn tất cả, nồng nàn, bất diệt.

0,25
3. Nhận xét, đáng giá khái quát:

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh, ta thấy hai hình tượng “sóng” và “em” vừa tương đồng vừa bổ sung soi chiếu vào nhau để làm rõ tình cảm, khát vọng của nhân vật trữ tình. Sóng hiển hiện không chỉ bởi hình ảnh mà còn hiển hiện qua âm điệu. Âm điệu của bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng là âm điệu của những con sóng trên biển cả, là nhịp của những con sóng lòng trong trái tim thi sĩ. Âm điệu đó được tạo nên bởi hai yếu tố chính: thể thơ năm chữ và cách tổ chức ngôn từ, hình ảnh thể hiện tâm trạng bùng cháy ngọn lửa mãnh liệt của người con gái trong tình yêu. Giọng điệu ấy cũng chính là giọng điệu tâm hồn của thi nhân. Giọng thơ tha thiết, hình ảnh, từ ngữ giàu sức liên tưởng, cùng với nghệ thuật xây dựng hình tượng ẩn dụ đích đáng “sóng” đã làm nên sức hấp dẫn riêng của đoạn thơ, bài thơ.

0,50

0,25

– Qua hình tượng sóng và trên cơ sở khám phá sự tương đồng giữa “sóng” và “em”, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một nhà thơ nữ đã lấy sóng để bộc lộ chân thành, mạnh mẽ mà đầy nữ tính về trạng thái, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là một trái tim yêu thiết tha, nồng nàn, đầy phức tạp, nghịch lí và đầy khá vọng vươn xa, chủ động vượt thoát khỏi những gì nhỏ nhẹp, tầm thường, “na ná tình yêu” để tìm đến tình yêu đích thực. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu ở đây vừa truyền thống vừa hiện đại. 0,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp 0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.50

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *