VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
TIẾNG CHỔI TRE
– Tố Hữu –
(1)
Những đêm hè Khi ve ve Đã ngủ Tôi lắng nghe Trên đường Trần Phú Tiếng chổi tre Xao xác Hàng me Tiếng chổi tre Đêm hè Quét rác…
(2) Những đêm đông Khi cơn dông Vừa tắt Tôi đứng trông Trên đường lặng ngắt Chị lao công Như sắt Như đồng Chị lao công Đêm đông Quét rác… |
(3) Sáng mai ra Gánh hàng hoa Xuống chợ Hoa Ngọc Hà Trên đường rực nở Hương bay xa Thơm ngát Đường ta Nhớ nghe hoa Người quét rác Đêm qua. Nhớ em nghe Tiếng chổi tre Chị quét Những đêm hè Đêm đông gió rét Tiếng chổi tre Sớm tối Đi về Giữ sạch lề Đẹp lối Em nghe! (Trích Thơ Tố Hữu, NXB Văn học, H, 2007) |
Chú thích:
- Tố Hữu (1920 – 2002) là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông theo sát những chặng đường lớn của cách mạng Việt Nam và thể hiện lẽ sống lớn, những tình cảm lớn của người công dân, người chiến sĩ cách mạng đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với Bác Hồ, … Thơ Tố Hữu mang giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà tính dân tộc.
- Bài thơ “Tiếng chổi tre” ra đời vào tháng 6 năm 1960, in trong tập “Gió lộng”. Tập thơ gồm những bài thơ được Tố Hữu sáng tác từ năm 1955 tới năm 1961.
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 2: Bài thơ viết về đề tài gì?
Câu 3: Liệt kê một số từ ngữ miêu tả khung cảnh xuất hiện của chị lao công.
Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 phép tu từ xuất hiện ở khổ thơ thứ 2.
Câu 5: Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhà thơ thể hiện qua bài thơ.
Câu 6: Nêu hiệu quả của cách ngắt nhịp trong bài thơ.
Câu 7: Những câu thơ “Tiếng chổi tre/Sớm tối/Đi về” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 8: Hãy trình bày một số hành động cần thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1 (0,5 điểm): Nhân vật trữ tình trong bài thơ: nhân vật “tôi”.
Câu 2 (0,5 điểm): Bài thơ viết về đề tài: người lao động.
Câu 3 (0,5 điểm): Một số từ ngữ miêu tả khung cảnh xuất hiện của chị lao công: những đêm hè khi ve ve đã ngủ, những đêm đông lạnh ngắt, đêm đông gió rét… (0,5 điểm)
Câu 4 (1,0 điểm): Phép tu từ xuất hiện ở khổ thơ thứ 2.
So sánh: chị lao công như sắt, như đồng.
Tác dụng:
-Tăng tính sinh động, gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo lối diễn đạt mới mẻ.
– Khắc họa vẻ đẹp khỏe khoắn, rắn rỏi, bền bỉ của chị lao công. Qua đó, nhà thơ thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca.
Câu 5 (1,0 điểm): Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhà thơ thể hiện qua bài thơ:
– Bài thơ đã thể hiện thái độ, tình cảm: chia sẻ, thấu hiểu nỗi vất vả của chị lao công; ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của chị lao công, người lao động bình thường, giản dị.
– Đây là thái độ đúng đắn, tích cực, thể hiện một cái nhìn sâu sắc về những nghề nghiệp trong xã hội
Câu 6 (1,0 điểm): Hiệu quả của cách ngắt nhịp trong bài thơ.
– Cách ngắt nhịp trong bài thơ:
+ Nhà thơ không ngắt nhịp ở mỗi dòng mà sử dụng các dòng thơ ngắn, thay đổi số tiếng ở mỗi dòng, dòng ngắn nhất 2 tiếng, dòng dài nhất 4 tiếng. Cấu trúc nhịp ở các đoạn có khi lặp lại, có khi biến đổi.
+ Một số dòng thơ có ngắt nhịp ở trong dòng thì đều là nhịp ngắn.
– Hiệu quả của cách ngắt nhịp:
+ Tạo nhịp điệu cho lời thơ, âm thanh của tiếng chổi quét rác khi gần khi xa, vọng lên đều đặn, cất lên thành khúc nhạc của công việc lao động lặng lẽ, giản dị. Đồng thời, cách ngắt nhịp góp phần tạo nên hình thức diễn đạt độc đáo cho bài thơ.
+ Mô phỏng nhịp của động tác quét rác của người lao công. Những nhát chổi khi ngắn khi dài, nhịp nhàng, bền bỉ được tái hiện một cách sinh động; phản chiếu sự chăm chỉ, cần mẫn, nỗ lực của người lao động.
+ Cách ngắt nhịp của bài thơ thể hiện sự chăm chú lắng nghe và thái độ hết sức cảm thông, rất mực trân trọng của nhà thơ đối với người lao động.
Câu 7 (1,0 điểm): Suy nghĩ về những câu thơ:
-Những câu thơ là hình ảnh tiếng chổi tre trong thời gian, cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người lao động chăm chỉ, không kể nắng mưa, ngày đêm, âm thầm cống hiến, đóng góp cho cuộc sống.
– Những câu thơ đó có giá trị sâu sắc, lớn lao: mang lại nhận thức sâu sắc về sự vất vả của những công việc lao động; nhắc nhở mỗi người về sự trân trọng, biết ơn những con người lao động bình thường, giản dị.
Câu 8 (0,5 điểm): Một số hành động cần thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường:
+ Phân loại rác, bỏ rác đúng nơi qui định
+ Sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa
+ Tích cực tham gia các chiến dịch/phong trào làm sạch cảnh quan môi trường.
+ Phê phán, lên án các hành vi xả rác bừa bãi
….
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tiếng thơ của ông gần gũi, giản dị mà sâu sắc. “Tiếng chổi tre” là một trong số những bài thơ nổi tiếng của ông, thể hiện một góc nhìn vừa quen, vừa lạ về một công việc lao động thầm lặng.
Thân bài:
* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả
Tố Hữu (1920 – 2002) là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ ông theo sát những chặng đường lớn của cách mạng Việt Nam và thể hiện lẽ sống lớn, những tình cảm lớn của người công dân, người chiến sĩ cách mạng đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với Bác Hồ, … Thơ Tố Hữu mang giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà tính dân tộc.
* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm.
Bài thơ “Tiếng chổi tre” ra đời vào tháng 6 năm 1960, in trong tập “Gió lộng”. Bài thơ viết theo thể thơ tự do.
* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm
– Giá trị nội dung, tư tưởng của bài thơ:
+ Hai khổ thơ đầu khắc họa khung cảnh làm việc của chị lao công, từ đó toát lên công việc cực nhọc, vất vả nhưng cũng làm ngời sáng tư thế khỏe khoắn, bền bỉ, sự cần mẫn, cống hiến âm thầm của người nữ lao công; qua đó thể hiện tấm lòng đồng cảm và sự yêu mến, trân trọng, ngợi ca của tác giả dành cho chị lao công nói riêng, dành cho những con người lao động bình dị đang lặng thầm đóng góp cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới nói chung.
+ Khổ thơ cuối miêu tả khung cảnh buổi sáng tươi đẹp sau những đêm làm việc miệt mài của những người lao công và thông điệp của tác giả.
=>Nhà thơ không chỉ ngợi ca tác dụng thiết thực và lợi ích của việc quét rác, tấm gương lao động cần mẫn, tư thế rắn rỏi, bền bỉ của người công nhân quét rác mà còn muốn nhắn gì chúng ta những điều sâu rộng hơn. Các từ ngữ “chị quét… giữ sạch lề”, “đẹp lối” không chỉ mang nghĩa đen mà còn ngầm nhắc tới việc giữ gìn một nếp sống, một hướng đi sáng sủa, lành mạnh, tươi đẹp của mỗi con người, của toàn xã hội. Từ “hoa” lặp lại ba lần, trong đoạn thơ gợi ta liên tưởng đến một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc mà trước đó người đọc như đi từ con đường đêm khuya lạnh lẽo đến con đường đầy sắc màu và hương thơm, “Nhớ nghe” lời nhắn nhủ thật tha thiết xoáy sâu vào tâm trí người đọc, người nghe. “Giữ sạch lề đẹp lối em nghe” có nghĩa ta cần tôn trọng, giữ gìn cái sạch sẽ mà chị lao công đã quét dọn. Hay đúng hơn là ta phải biết tôn trọng, giữ gìn xã hội mới mà ông cha ta đã từ trong đau khổ gian nan tạo dựng cho ngày hôm nay.
– Giá trị nghệ thuật của bài thơ
+ Chủ thể trữ tình: Xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng “tôi”;
+ Thể thơ tự do, cách ngắt nhịp độc đáo, gieo vần liên tiếp;
+ Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị;
+ Xây dựng hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ: hình tượng chị lao công và tiếng chổi tre; hình ảnh thơ gần gũi, đời thường mà giàu cảm xúc;
+ Các phép tu từ: điệp ngữ (“chị lao công”, “tiếng chổi tre”, “đêm hè”, “đêm đông”, “quét rác”, “nhớ nghe hoa”, “nhớ em nghe”, “em nghe”, …), nhân hóa, so sánh, …
+ Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.
- Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.
“Tiếng chổi tre” là một bài thơ bắt nguồn từ cuộc sống gần gũi. Song hình tượng thơ lại rất hào hùng, nhạc điệu thơ mạnh mẽ, ý thơ sâu sắc. Đây là một bài thơ đích thực, là một khúc ca lao động ca ngợi con người mới.
Bài viết tham khảo:
Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tiếng thơ của ông gần gũi, giản dị mà sâu sắc. “Tiếng chổi tre” là một trong số những bài thơ nổi tiếng của ông, thể hiện một góc nhìn vừa quen, vừa lạ về một công việc lao động thầm lặng.
Tố Hữu (1920 – 2002) là lá cờ đầu của văn học Cách mạng Việt Nam. Thơ ông theo sát những chặng đường lớn của cách mạng Việt Nam và thể hiện lẽ sống lớn, những tình cảm lớn của người công dân, người chiến sĩ cách mạng đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với Bác Hồ, … Thơ Tố Hữu mang giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà tính dân tộc. Bài thơ “Tiếng chổi tre” ra đời vào tháng 6 năm 1960, in trong tập “Gió lộng”. Bài thơ viết theo thể thơ tự do.
Hai khổ thơ đầu khắc họa khung cảnh làm việc của chị lao công, từ đó toát lên công việc cực nhọc, vất vả nhưng cũng làm ngời sáng tư thế khỏe khoắn, bền bỉ, sự cần mẫn, cống hiến âm thầm của người nữ lao công. Bài thơ được mở đầu bằng những âm thanh của tiếng chổi được ghi âm lại: Những đêm hè/Khi ve ve/Đã ngủ/ Tôi lắng nghe/Trên đường Trần Phú…Năm câu, cấu trúc nhịp 3/3/2/3/4 như những nhát chổi đưa qua đưa lại, nhát dài, nhát ngắn, nhịp nhàng. Ba câu tiếp theo lại chuyển nhịp mau lẹ hơn và nghe như ngắn dần, nhỏ, xa dần.Tiếng chổi tre/Xao xác/ Hàng me Rồi nó dội lên, nhắc lại nhịp cũ 3/2/2 và đổi âm bằng hai thanh cao sắc ở cuối đoạn: Tiếng chổi tre/Đêm hè/Quét rác. “Tiếng chổi tre, đêm hè” nghe nôn nao, xao xuyến cả lòng người. Đó là khúc nhạc của công việc lao động âm thầm cần mẫn, lặp lại đơn giản nhưng có cái gì thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Âm thanh của tiếng chổi quét rác đã cất lên thành nhạc trong ngôn ngữ thơ, nhạc, trong cảm xúc của tác giả. Đoạn thơ tiếp theo lại chuyển ngôn ngữ trong thanh sang ngôn ngữ tượng hình… nhịp thơ vẫn ngắn gọn, theo từng nhát chổi nhưng cấu trúc có phần biến đổi: 3/3/2 3/4/3/2/2 và 3/2/2. Những đêm đông/Khi cơn dông/Vừa tắt…“Những đêm đông” đầu và “đêm đông” cuối đã biểu hiện một cuộc gặp gỡ lặng thầm cảm động giữa nhà thơ và chị lao công. Con đường lặng ngắt. Nhà thơ “đứng trông” cũng lặng im không nói. Những hình ảnh thơ nói lên bao nhiêu điều “chị lao công như sắt, như đồng”. Tư thế của chị lao công rắn rỏi, hiên ngang quá ! Không gian cứ mở rộng thời gian cứ trôi xuôi. Cơn dông nổi lên, rồi con đông tắt lịm, đêm hè rồi đêm đông… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết ra sao, chị cũng không rời vị trí, không buông lơi công việc chị vẫn làm việc một cách âm thầm. Chị đã “quét” sạch đi những rác rưởi bề bộn trên đường ta qua lại hằng ngày.
Khổ thơ cuối miêu tả khung cảnh buổi sáng tươi đẹp sau những đêm làm việc miệt mài của những người lao công và thông điệp của tác giả. Khổ thơ mở ra hình ảnh con đường vào buổi sáng rực rỡ hoa tươi và những lời nhắn nhủ tha thiết của nhà thơ: Sáng mai ra/Gánh hàng hoa/Xuống chợ/Hoa Ngọc Hà… Chính hình ảnh con đường rực nở hoa tuơi và hương bay ngan ngát của một ngày mới trong lành, tinh khiết cho ta hiểu được công lao to lớn, diệu kỳ của những bàn tay lao động âm thầm quét rác đêm qua. Vì thế mấy lời nhắn gửi cuối bài thơ cất lên nhẹ nhàng mà nghe thấm thía tận đáy lòng. Nhớ nghe hoa/Nhớ em nghe…Điệp từ “nhớ” được lặp lại như lời nhắc nhở ân cần, thủ thỉ mỗi lúc mỗi khơi sâu, vang vọng mãi không ngừng. Nhà thơ không chỉ ngợi ca tác dụng thiết thực và lợi ích của việc quét rác, tấm gương lao động cần mẫn, tư thế rắn rỏi, bền bỉ của người công nhân quét rác mà còn muốn nhắn gì chúng ta những điều sâu rộng hơn. Các từ ngữ “chị quét… giữ sạch lề”, “đẹp lối” không chỉ mang nghĩa đen mà còn ngầm nhắc tới việc giữ gìn một nếp sống, một hướng đi sáng sủa, lành mạnh, tươi đẹp của mỗi con người, của toàn xã hội. Từ “hoa” lặp lại ba lần, trong đoạn thơ gợi ta liên tưởng đến một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc mà trước đó người đọc như đi từ con đường đêm khuya lạnh lẽo đến con đường đầy sắc màu và hương thơm. “Nhớ nghe” lời nhắn nhủ thật tha thiết xoáy sâu vào tâm trí người đọc, người nghe. “Giữ sạch lề đẹp lối em nghe” có nghĩa ta cần tôn trọng, giữ gìn cái sạch sẽ mà chị lao công đã quét dọn. Hay đúng hơn là ta phải biết tôn trọng, giữ gìn xã hội mới mà ông cha ta đã từ trong đau khổ gian nan tạo dựng cho ngày hôm nay.
Bài thơ còn đẹp ở những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Chủ thể trữ tình xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng “tôi” đầy thấu hiểu và chia sẻ. Thể thơ tự do, cách ngắt nhịp độc đáo, gieo vần liên tiếp; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị. Bài thơ cũng xây dựng hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ: hình tượng chị lao công và tiếng chổi tre; hình ảnh thơ gần gũi, đời thường mà giàu cảm xúc. Các phép tu từ: điệp ngữ (“chị lao công”, “tiếng chổi tre”, “đêm hè”, “đêm đông”, “quét rác”, “nhớ nghe hoa”, “nhớ em nghe”, “em nghe”, …), nhân hóa, so sánh, …được kết hợp nhuần nhuyễn. Đặc biệt giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết như càng thấm sâu vào long người.
“Tiếng chổi tre” là một bài thơ bắt nguồn từ cuộc sống gần gũi. Song hình tượng thơ lại rất hào hùng, nhạc điệu thơ mạnh mẽ, ý thơ sâu sắc. Đây là một bài thơ đích thực, là một khúc ca lao động ca ngợi con người mới.