Câu 1: (8 điểm)
Có một gã khổng lồ đang say ngủ trong mỗi con người. Khi gã khổng lồ đó thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra. (Frederick Faust)
(Dẫn theo Ba người thầy vĩ đại, Robin Sharma, Nguyễn Xuân Hồng dịch, NXB Lao động, 2017, tr.127)
Từ ý kiến trên, anh/chị hãy chia sẻ suy nghĩ về một gã khổng lồ trong con người.
Câu 2: (12 điểm)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được một lúc ba điều ấy, đối với các thi sĩ vẫn là điều bí mật”.
Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy làm rõ ý kiến trên..
Câu 1 (8 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm rõ ý kiến, suy nghĩ của bản thân.
– Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.
– Hành văn gãy gọn, khúc chiết, có sức truyền cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết sạch đẹp.
- Yêu cầu về kiến thức:
* Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
2.1. Giải thích
– Một gã khổng lồ đang say ngủ: cách diễn đạt hình ảnh, chỉ một trong những năng lực, phẩm chất có sức mạnh lớn lao vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người (học sinh có thể nêu những năng lực, phẩm chất khác nhau, ví dụ như: sự sáng tạo, sự dũng cảm, sự chủ động dấn thân, sự tự tin, sự quyết liệt theo đuổi mục tiêu, tình yêu thương…)
– Khi gã khổng lồ đó thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra: khi một trong những năng lực, phẩm chất tiềm ẩn trên được đánh thức, bộc lộ, con người có khả năng làm được nhiều điều kì diệu, phi thường, làm thay đổi chính bản thân mình và cuộc sống xung quanh.
à Ý kiến khẳng định, khích lệ mỗi người biết khơi dậy, đánh thức những năng lực, phẩm chất tiềm ẩn để tạo nên những thành quả, biến chuyển kì diệu, phi thường trong cuộc sống.
2.2. Bình luận
* Khẳng định sự đúng đắn, sâu sắc của ý kiến. Lý giải bằng những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục:
– Năng lực, phẩm chất của con người được hình thành, bồi đắp dần theo hành trình sống, quá trình trưởng thành. Trong đó, có những năng lực, phẩm chất tiềm ẩn, chưa được bộc lộ.
– Có những hoàn cảnh, điều kiện thử thách mà ta tưởng mình không thể vượt qua, đòi hỏi sự bộc lộ của những năng lực, phẩm chất đặt biệt.
– Khi những năng lực, phẩm chất ấy được bộc lộ, đánh thức, sẽ có những phép màu kì diệu xảy ra, như: những thành công tốt đẹp, những giá trị xuất sắc, những kì tích đỉnh cao, những bước ngoặt thay đổi lớn lao, những tác động và lan tỏa mạnh mẽ…
* Chia sẻ suy nghĩ về một gã khổng lồ trong con người:
Vì đây là dạng đề mở, nên học sinh có thể lựa chọn các năng lực, phẩm chất khác nhau. Tuy nhiên, học sinh cần làm rõ được vấn đề trọng tâm: năng lực, phẩm chất tiềm ẩn ấy là gì? Được đánh thức trong hoàn cảnh nào? Khi năng lực, phẩm chất đó được đánh thức, con người có thể làm được những điều kì diệu gì?
(Học sinh đưa ra được những dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng để làm sáng tỏ. Khuyến khích học sinh chia sẻ gắn với trải nghiệm của bản thân.)
Lưu ý:
Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về ý kiến trên miễn là bài viết đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, lôgic; giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.
- Câu 2 (12 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết làm bài nghị luận văn học: phân tích, bình luận một nhận định văn học.
– Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, cảm nhận sâu sắc.
– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, văn có hình ảnh, giàu cảm xúc.
- Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể có nhiều cách lập luận khác nhau để thể hiện rõ ý kiến cá nhân về nhận định ở đề bài.
2.1. Giải thích và bình luận
– Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Giản dị là một yêu cầu không thể thiếu trong thơ. Thơ không cần cái vẻ hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài để đánh lừa độc giả, để che đậy sự trống rỗng, vô hồn ở bên trong.
– Thơ giản dị trước hết biểu hiện ở cảm xúc của thi nhân, cảm xúc phải chân thật thì tự nó sẽ gợi nên thơ. Thơ tự đến khi thi nhân sống hết mình với bao nhiêu cảm xúc trong lòng.
– Thơ giản dị nhưng không gắn liền với sự giản đơn, hời hợt, tầm thường. Nó phải như là thứ ánh sáng được lọc qua bảy sắc màu rực rỡ. Đó là những vần thơ thật cô đọng và hàm súc.
– “Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, trái tim mới là thi sĩ”. Thơ hay là thơ phải làm cho người ta xúc động tận đáy lòng, khiến tâm hồn người đọc phải hòa nhịp với trái tim thi sĩ.
– Có xúc động mãnh liệt, có tâm huyết với từng dòng chữ, từng lời thơ của mình buông ra trên tờ giấy trắng thì nhà thơ mới có thể viết nên những dòng thơ bất tử. Thơ chỉ đến khi trái tim thi sĩ xúc cảm dâng trào mãnh liệt.
– Thơ không chấp nhận sự xúc động hời hợt, thoáng qua mà nó phải vươn tới sự ám ảnh. Vậy thế nào là sự ám ảnh trong thơ? Đó là một vấn đề không đơn giản đối với người nghệ sĩ.
– Một câu thơ, bài thơ ám ảnh phải là một câu thơ, bài thơ để lại trong tâm hồn ta những xúc động sâu xa, có thể là niềm vui rạo rực, có thể là nỗi buồn mênh mang, nhưng tất cả đều đầy ấn tượng.
– Một câu thơ ám ảnh phải là một câu thơ có nhiều sức gợi, nó kết thúc trên ngôn từ nhưng linh hồn bài thơ, câu thơ thì vẫn ngân nga mãi trong tâm hồn người đọc.
2.2. Phân tích và chứng minh
– Dẫn chứng cần bám sát các vấn đề giải thích.
– Nêu và phân tích vừa đủ, không sa đà.
*Học sinh có thể chọn những dẫn chứng khác, miễn là đúng phạm vi tư liệu và biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề một cách thuyết phục.
- Lưu ý:
– Hướng dẫn chấm chỉ mang tính gợi ý, khi chấm giám khảo cần có sự thống nhất chung về biểu điểm cụ thể.
– Việc chi tiết hóa điểm số (nếu có) phải bảo đảm không làm sai lệch điểm mỗi ý và được thống nhất trong tổ chấm.
– Trân trọng những bài làm sáng tạo, có tính chất phát hiện vấn đề của HS và những bài làm có cảm xúc văn chương thật sự.
– Điểm tổng cộng làm tròn đến 0.25.
……………………………..Hết……………………………..