Đề HSG: Thơ là do cái tình sinh ra và đó phải là tình cảm chân thật

TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ       ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG TỈNH LỚP 11
                                                                             NĂM HỌC 2018 -2019   
                                                                                MÔN: NGỮ VĂN
                                                      Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
 
I.ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)    
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…
            Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá: Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã  trao nhầm đối tượng. 
(…) Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi…
          (Trích“ Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã – Nguồn www.vietgiaitri. com, 04/6/2015)
Câu 1 ( 0,5 điểm): Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2 ( 0,5 điểm): Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào để khẳng định“Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá”?
Câu 3(2,0 điểm): Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì trong hai câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi”? Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ đó?
Câu 4(2,0 điểm): Thông điệp rút ra từ đoạn trích trên?
 
II.LÀM VĂN ( 14.0 điểm)
 
Câu 1(4.0 điểm)
 Những giọt sương lặn vào trong lá cỏ
Qua nắng gắt, qua bão tố
Vẫn giữ được cái trong lành đầy sức mạnh
Vẫn long lanh bình thản trước vầng dương
(Sự bùng nổ của mùa xuân – Thanh Thảo)
Suy nghĩ của anh (chị) về bài học cuộc sống được gợi ra từ đoạn thơ trên.
 
Câu 2 (10.0 điểm)
Bàn về thơ, nhà lí luận phê bình nổi tiếng của Trung Quốc, Viên Mai đã nói:
                   “ Thơ là do cái tình sinh ra và đó phải là tình cảm chân thật”
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Tự tình (Bài II) của Hồ Xuân Hương. Từ đó so sánh với Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du để thấy được cái cái riêng của tình cảm chân thật trong thơ.                                                 
………………………………….Hết…………………………………….
 
– Thí sinh không sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
 
HƯỚNG DẪN CHẤM
 

Câu Nội dung Điểm
I. Đọc hiểu 6.0
1 Phương thức biểu đạt chính là nghị luận. 1.0
2 – Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng sau: “Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai;về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân; một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã  trao nhầm đối tượng”để khẳng định“Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá” 1.0
3 Học sinh trả lời được một trong ba phép tu từ sau:
* Biện pháp tu từ: Điệp ngữ (Đừng để khi) ; điệp cấu trúc ngữ pháp (lặp CTNP); đối lập (tia nắng…đã lên><giọt lê….rơi).
* Tác dụng: – Điệp ngữ ; điệp cấu trúc ngữ pháp: Tạo âm hưởng nhịp nhàng, cân đối. Nhấn mạnh, khuyến khính mọi người hãy từ bỏ những ưu phiền để sống vui vẻ, hòa nhịp với thế giới xung quanh…
– Đối lập: Làm nổi bật sự trái ngược giữa ngoại cảnh với tâm trạng con người, nhằm khích lệ con người từ bỏ những ưu phiền, hướng đến cuộc sống vui tươi, ý nghĩa….
2.0
4 Hs có thể trả lời nhiều cách như : Sống như thế nào để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ; đứng dậy sau khi vấp ngã để có cuộc sống tươi đẹp trong tương lai; có niềm tin vào cuộc sống…… 2.0
II Làm văn 4.0
1. I. Yêu cầu về kĩ năng:
– Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội
– Đáp ứng các yêu cầu về văn phong.Bố cục chặt chẽ, dẫn chứng phù hợp.
– Đây là kiểu đề mở về một hiện tượng thiên nhiên, HS cần mở rộng liên tưởng đến các vấn đề cuộc sống và con người. HS có thể làm theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình nhưng phải có thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
0.5
  II. Yêu cầu về kiến thức

  1. Giải thích ý nghĩa của đoạn thơ:

– Hình ảnh giọt sương nhỏ bé, rất đỗi mong manh, khiêm nhường nhưng lại tiềm ẩn sức mạnh bền bỉ, mãnh liệt, dù nắng gắt, bão tố giọt sương ấy vẫn long lanh, bình thản trước vần dương.
– Những gợi mở liên tưởng, rút ra bài học: Giữa cuộc đời đầy chông gai, sóng gió, con người vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, vẫn thiết tha yêu đời, vẫn cháy bỏng niềm tin và hi vọng, giữa muôn vàn khó khăn, khốc liệt của hoàn cảnh, cái đẹp vẫn đơm hoa, sự sống vẫn nảy mầm…
2. Bày tỏ suy nghĩ của bản thân
– Những gợi mở, liên tưởng từ hiện tượng thiên nhiên đưa đến cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống, về con người, về cái đẹp… Cuộc sống luôn chứa đựng những bất ngờ, lý thú, luôn ẩn chứa vẻ đẹp bình dị mà thanh cao.
– Cái đẹp trong tâm hồn con người được lên hương từ cuộc sống chính là hạt nọc lung linh, sáng ngời, thánh thiện biết bao mà mỗi chúng ta cần biết nâng niu.
-Hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại là hai mặt của một con đường chúng ta đang đi, mỗi người cần phải bình tĩnh, không nên buông xuôi, chán nản, nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách…
3. Bài học nhận thức và hành động
Nhận thức: những câu thơ của Thanh Thảo chứa những triết lí nhân sinh sâu sắc
Hành động:  – Phải luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, không nên chán nản, bi quan..
– Bình tĩnh, tự tin, có ý chí, nghị lực vươn lên…
– Luôn khiêm nhường, giản dị trong cuộc sống…

 
0.5
 
 
 
 
 
 
 
2.5
 
 
 
 
 
 
 
 
0.5
2 I. Yêu cầu về kĩ năng:
    HS hiểu đúng yêu cầu của đề, nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ rõ ràng, hành văn mạch lạc..
 
0.5
  II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giải thích nhận định
“Thơ là do cái tình sinh ra”: nguồn gốc của hồn thơ là cảm xúc. Cảm xúc là điểm khởi đầu để sáng tạo nên thơ ca, nghệ thuật.
Tình cảm trong thơ “phải là tình cảm chân thật”: thơ là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ chân thành, tự nhiên. Đó là niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ hay hạnh phúc…
=> Nhà lí luận phê bình văn học Viên Mai đã khẳng định vai trò của tình cảm trong thơ. Đọc thơ ta như được tiếp xúc trực tiếp với những cảm nhận, tâm sự, nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Những tình cảm, cảm xúc ấy càng chân thành thì càng dễ khơi dậy sự đồng cảm của bạn đọc. Sức hấp dẫn và sự tồn tại của thơ cũng bắt nguồn từ đấy.
2. Làm sáng tỏ vấn đề qua bài thơ “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương
Học sinh tự do trình bày theo ý riêng của mình nhưng cần phải đảm bảo các ý sau:
– Giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ Tự tình (2)
+ Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của VHTĐ VN.Bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Thơ bà là tiếng nói đòi quyền sống, là niềm khao khát sống mãnh liệt. Đặc biệt là những bài thơ Nôm của bà là cảm thức về thời gian tinh tế, tạo nền cho tâm trạng, bộc lộ tâm sự và cái tình của nữ sĩ.
+ Tự tình (2) nằm trong chùm thơ Tự tình của HXH, tập trung thể hiện sự cảm thức về thời gian và tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ.
– Phân tích bài thơ “Tự tình 2” để thấy được:
+ Tâm trạng vừa buồn tủi vừa, xót xa, vừa phẫn uất trước duyên phận.
+ Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của HXH: trong buồn tủi vẫn gắng gượng vượt lên duyên phận éo le nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch. Bài thơ thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân văn.
+ Tài năng của HXH qua việc sử dụng từ ngữ giàu giá trị tạo hình, giàu sức biểu cảm, sử dụng phép đảo ngữ, phép đối, cách xây dựng hình ảnh vừa gợi cảnh thiên nhiên, vừa bộc lộ tâm trạng…
3. Liên hệ, so sánh với  Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
Học sinh tự do trình bày theo ý riêng của mình nhưng cần phải đảm bảo các ý sau:
– Từ nỗi buồn trước lẽ biến thiên dâu bể của cuộc đời, Nguyễn Du đã tìm đến và chia sẻ với Tiểu Thanh, người con gái tài sắc nhưng bất hạnh bằng sự đau đớn, xót xa và niềm cảm thông sâu sắc.
– Từ sự đồng cảm với nỗi đau của người xưa, thi nhân đã tự cảm thương cho chính mình và những con người tài hoa cùng cảnh ngộ. Không chỉ dừng lại ở việc tìm lời giải đáp cho thuyết “tài mệnh tương đố” đẩy con người vào những nỗi oan khiên lạ lùng mà còn gửi lời tìm sự tri âm của hậu thế.
4. Đánh giá chung
– Giống:
+ Cả hai bài thơ đều thể hiện tình cảm và cảm xúc mãnh liệt về phận người, đặc biệt là người phụ nữ – kiếp tài hoa bạc mệnh.
+Đều thể hiện tài năng, bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật và tinh thần nhân đạo của các nhà thơ.
– Khác:
+ Bài thơ Tự tình 2, tác giả tự nói lên nỗi lòng của chính mình, thân phận mình với hai tâm trạng vừa buồn tủi, xót xa vừa phẫn uất trước duyên phận.
+ Bài Đọc Tiểu Thanh kí là sự đồng cảm với nỗi đau, sự bất hạnh của người xưa và khát khao tri âm của hậu thế.
– Những tâm sự, tình cảm được thể hiện trong hai bài thơ đều bắt nguồn từ trái tim yêu thương của những con người có trái tim nhân đạo và tư tưởng tiến bộ. Điều đó không chỉ làm nên nét riêng trong chủ nghĩa nhân đạo của HXH, Nguyễn Du mà còn tạo được sự đồng cảm mãnh liệt nơi bạn đọc cùng sức sống lâu bền cho tác phẩm. Chúng ta hôm nay vẫn luôn trăn trỏ về những vấn đề trọng đại, những câu hỏi nghiêm túc mà Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đã đặt ra.
 
– Nhận định của Viên Mai hoàn toàn đúng đắn. Nó không chỉ là tiêu chí đánh giá một tác phẩm mà còn nêu ra những yêu cầu đối với người sáng tác, đồng thời định hướng cho việc cảm thụ và tiếp nhận các tác phẩm thơ.
 
 
1.5
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
4.0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2.0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2.0
  Ghi chú:1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả
 

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *