Đề HSG Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người

UBND TỈNH LAI CHÂU

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 10 NĂM HỌC 2022 – 2023

         

          Môn thi: Ngữ văn

          Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

          Ngày thi: 03/4/2023

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong bài chia sẻ trên báo Vnexpress.net, tác giả Thân Hạnh Nga viết:

[…] Trong suốt những năm phổ thông, tôi học cách trả lời tốt các câu hỏi, nhưng không bao giờ học cách đặt câu hỏi.

[…] Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sang Đức làm trợ lý nghiên cứu cho hai nhà nhân chủng học (anthropologists). Lần đầu tiên tôi được đồng nghiệp chỉ cho rằng, đặt câu hỏi là bước cơ bản để trở thành một nhà nghiên cứu. Họ khuyến khích tôi đặt những câu hỏi từ rất đơn giản, ví dụ “định nghĩa của từ này là gì?”, “trong bối cảnh như vậy việc gì sẽ xảy ra?” cho đến những câu phức tạp cần miêu tả dài dòng. Tôi bắt đầu chú ý đến cách đồng nghiệp hỏi tại các buổi họp và hội thảo.

[…] Tôi học nghệ thuật đặt câu hỏi qua thử nghiệm và cả sai lầm, bằng cách đi thực địa lúc đi làm nghiên cứu, và hiện giờ là qua việc phỏng vấn rất nhiều ứng viên xin việc. Nhưng tôi vẫn ước rằng mình đã được học kỹ năng này sớm hơn, trong gia đình, ở trường phổ thông hoặc thậm chí ở trường đại học.”

(https://vnexpress.net/hoc-cach-dat-cau-hoi-4566307.html)

Từ chia sẻ trên, anh/chị có suy nghĩ gì về việc đặt câu hỏi

Câu 2 (12,0 điểm)

“Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người.”

                               (Nguyên Ngọc, Báo Văn nghệ số ra ngày 21/10/1987)

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng trải nghiệm văn học hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.

 

——————-Hết —————–

– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

  – Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

 

UBND TỈNH LAI CHÂU

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 10

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn thi: Ngữ văn

(Đáp án – thang điểm gồm có…trang)

 

Câu 1: (8,0 điểm)

Câu ý Nội dung Điểm
 

 

1

  Trong bài chia sẻ trên báo Vnexpress.net, tác giả Thân Hạnh Nga viết:

“[…]  Trong suốt những năm phổ thông, tôi học cách trả lời tốt các câu hỏi, nhưng không bao giờ học cách đặt câu hỏi.

[…] Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sang Đức làm trợ lý nghiên cứu cho hai nhà nhân chủng học (anthropologists). Lần đầu tiên tôi được đồng nghiệp chỉ cho rằng, đặt câu hỏi là bước cơ bản để trở thành một nhà nghiên cứu. Họ khuyến khích tôi đặt những câu hỏi từ rất đơn giản, ví dụ “định nghĩa của từ này là gì?”, “trong bối cảnh như vậy việc gì sẽ xảy ra?” cho đến những câu phức tạp cần miêu tả dài dòng. Tôi bắt đầu chú ý đến cách đồng nghiệp hỏi tại các buổi họp và hội thảo.

[…] Tôi học nghệ thuật đặt câu hỏi qua thử nghiệm và cả sai lầm, bằng cách đi thực địa lúc đi làm nghiên cứu, và hiện giờ là qua việc phỏng vấn rất nhiều ứng viên xin việc. Nhưng tôi vẫn ước rằng mình đã được học kỹ năng này sớm hơn, trong gia đình, ở trường phổ thông hoặc thậm chí ở trường đại học.

(https://vnexpress.net/hoc-cach-dat-cau-hoi4566307.html)

Từ chia sẻ trên, anh/chị có suy nghĩ gì về việc đặt câu hỏi.

 
  a. Yêu cầu về kĩ năng:

Học sinh nắm được kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội. Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài và nêu suy nghĩ của bản thân. Bố cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, lí lẽ dẫn chứng hợp lí. Hành văn mạch lạc, khúc chiết, có sức truyền cảm, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, chữ viết sạch sẽ.

 
  b. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những suy nghĩ riêng hợp lí vẫn được chấp thuận. Về cơ bản, bài làm cần làm rõ được các ý chính sau:

 
1 Nêu vấn đề cần nghị luận. 0,5
2  Giải thích 1,0
  “Đặt câu hỏi”:

+ Nghĩa đen: “Đặt câu hỏi” là nói ra điều mình băn khoăn với mong muốn được giải đáp.

– Nghĩa bóng: “Đặt câu hỏi” là nhu cầu nhận thức, khám phá, lí giải  trước các vấn đề của cuộc sống. “Đặt câu hỏi” là biểu hiện của quá trình tư duy.

=> Chia sẻ của tác giả Thân Hạnh Nga đặt ra vấn đề sự cần thiết của việc “đặt câu hỏi” trong cuộc sông.

0,5

 

0,5

3  Bàn luận và chứng minh 4,5
  * Việc “đặt câu hỏi” giúp con người khám phá tri thức của nhân loại.

– Cuộc sống rộng lớn lại luôn biến động không ngừng với những đổi thay mà nhận thức của con người lại có hạn. Những điều ta biết là chỉ là hạt cát giữa sa mạc, việc đặt câu hỏi cho những điều chưa biết cũng chính là quá trình mở rộng tư duy, khởi đầu của hành trình thu nạp kiến thức

– Đặt ra các câu hỏi là tiền đề thôi thúc ta tìm hiểu, hành động, trải nghiệm để khám phá được bản chất của cuộc sống, khám phá những qui luật và giá trị cuộc sống.

– Thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh con người được khám phá bằng chính những câu hỏi. Lịch sử nhân loại đi lên chính nhờ những câu hỏi không ngừng, những thắc mắc dường như không có hồi kết của con người…

(Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp để chứng minh)

1,5
  * Việc đặt câu hỏi giúp con người còn khám phá ra chính bản thân mình.

– Đặt ra câu hỏi cho chính mình là cách con người tự nhận thức bản thân. Sự truy vấn ráo riết với chính bản thân mình là cơ sở để hiểu mình, hiểu người, là động lực để con người hoàn thiện bản thân, vươn tới một cuộc sống thật sự có ý nghĩa. Những câu hỏi như: Ta là ai? Sứ mệnh cuẩt giữa cuộc đời là gì?…luôn là những câu hỏi phổ quát của mà mỗi con người ở mọi thời đại cần đặt ra và tìm kiếm câu trả lời.

– Biết cách đặt câu hỏi giúp con người khám phá ra nhiều điều mới mẻ, xóa bỏ những định kiến của chính mình và mọi người.

– Việc biết cách đặt câu hỏi là sự thể hiện của khả năng quan sát và đánh giá vấn đề tốt, biết quan tâm đến mọi người cũng như cuộc sống xung quanh mình.

 (Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp để chứng minh)

1,5
  * Câu hỏi chỉ có giá trị khi con người biết cách đặt câu hỏi

Không phải ai cũng biết đặt những câu hỏi thật sự có giá trị bởi có những câu hỏi hết sức ngớ ngẩn, có những câu hỏi chẳng mang lại lợi ích thiết thực nào. Những câu hỏi thể hiện trí tuệ, đặt ra những vấn đề cần thiết cho đời sống nó phải là kết quả của quá trình nung nấu, nghiền ngẫm về một vấn đề nào đó thật chín muồi.

– Cần đặt câu hỏi ở mọi khía cạnh: là gì, như thế nào, tại sao, khi nào?…để tìm ra bản chất vấn đề.

1,5
4  Mở rộng vấn đề 1,0
  – Trên thực tế, có người ngại hỏi, không dám hỏi. Đó là biểu hiện tiêu cực của việc lười tư duy, biểu hiện của sự thiếu tự tin, ngại sai, ngại bộc lộ những thiếu sót của bản thân.

– Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, robot, trí tuệ nhân tạo gần như có thể đưa ra mọi câu trả lời nhanh chóng và chính xác; để phát triển, con người không chỉ cần biết trả lời mà quan trọng là biết cách đặt câu hỏi cho những vấn đề đang phát sinh, đặt câu hỏi hướng tới những vấn đề của tương lai.

– Việc đặt ra những câu hỏi cần song song với nỗ lực tìm kiếm câu trả lời, hành động và sáng tạo, nhằm giải quyết các vấn đề không ngừng phát sinh trong đời sống.

0,25

 

 

0,25

 

 

 

 

0,5

5 Bài học nhận thức và hành động 0,5
  – Tích cực rèn luyện tư duy phản biện, không ngừng đặt câu hỏi cho cho chính mình, cho người khác cũng như trước các vấn đề của cuộc sống. Đồng thời,  nỗ lực tìm kiếm câu trả lời.

– Khuyến khích những người xung quanh đặt câu hỏi và tìm câu trả lời.

0,25

 

 

0,25

6 Khẳng định vấn đề cần nghị luận 0,5
    * Lưu ý:Nếu học sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà hợp lí thuyết phục thì vẫn được giám khảo đánh giá cho điểm.  
TỔNG ĐIỂM CÂU 1 8,0

 

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Câu Ý                                          Nội dung Điểm
2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  ·        * Yêu cầu về kĩ năng

– Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học, xác định được trọng tâm của đề, vận dụng các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

– Biết cách triển khai nội dung của đề, có luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, hành văn trong sáng, sáng tạo, giàu cảm xúc.

 
  ·        * Yêu cầu về kiến thức

·        Trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về lí luận văn học và những kiến thức thuộc phạm vi đề bài, học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau, miễn là làm rõ được các ý chính sau:

 
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận 0,5
2 Giải thích ý kiến 1,0
  Nghệ thuật: Chỉ phạm trù lớn, bao gồm cả văn học và các ngành nghệ thuật khác. 0,25
Tính người: Là phẩm chất, tính cách, bản chất của con người. 0,25
“Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi tính người cho con người”: có nghĩa là nghệ thuật chân chính bao giờ cũng khám phá, phản ánh vẻ đẹp nhân bản, nhân văn nhằm cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người.

=> Ý kiến của Nguyên Ngọc muốn đề cao chức năng của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng: Luôn mang thiên chức cao cả là phản ánh, ngợi ca vẻ đẹp nhân tính của con người; có chức năng nhân đạo hóa con người, giúp con người hoàn thiện hơn, sống tốt đẹp hơn.

0,5

 

 

 

 

3 Bàn luận 2,5
  – Xuất phát từ cơ sở lí luận về bản chất của nghệ thuật: Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng vươn tới các giá trị: Chân – Thiện – Mĩ, nhằm phục vụ cho những nhu cầu chính đáng của con người.

– Nhà văn là người có thiên chức cao cả. Qua tác phẩm, nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình nhằm giúp người đọc có sự nhận thức sâu sắc và toàn vẹn về cuộc sống. Đồng thời góp phần bồi dưỡng tâm hồn, giúp con người sống tốt hơn.

– Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó nói lên tiếng nói của tâm hồn con người, thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca, bảo vệ con người.

– Để “níu gữa mãi tính người cho con người”, tác phẩm văn học luôn  cất lên tiếng nói đấu tranh với cái xấu, cái ác, những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên con người; đồng thời khẳng định, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người; cảm thông, thấu hiểu, trân trọng những ước mơ khát vọng chính đáng của con người…

– Nội dung ấy được thể hiện thông qua những hình thức nghệ thuật độc đáo, có tính thẩm mĩ. Bạn đọc khi tìm đến một tác phẩm văn học bao giờ cũng muốn trải lòng mình ra, thấm thía với những trang văn chan chứa tình người, tình đời của nhà văn.

0,5

 

 

0,5

 

 

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

 

 

0,5

 

 

4 Chứng minh 6,0
  Học sinh tự chọn tác phẩm trong văn học để phân tích làm sáng tỏ vấn đề nghị luận nhưng cần đảm bảo các ý sau:

– Về nội dung:

+ Tác phẩm văn học đã khám phá, phản ánh vẻ đẹp gì của con người?

+ Tác phẩm văn học có vai trò trong việc đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tàn bạo và cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, giúp con người có sự nhận thức, thay đổi, hoàn thiện bản thân như thế nào?

– Về nghệ thuật: Tác phẩm đã vươn tới, hướng về, níu giữ mãi mãi tính người cho con người bằng những hình thức nghệ thuật như thế nào?

 

 

4,0

 

 

 

 

2,0

5 –         Đánh giá, mở rộng vấn đề 1,5
  – Ý kiến của Nguyên Ngọc đã góp phần khẳng định giá trị lớn lao của văn học nghệ thuật đối với đời sống nhân sinh; trở thành phương châm, nguyên tắc sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính.

– Ý kiến còn đặt ra yêu cầu cho người sáng tác: nhà văn phải có tầm nhìn sâu rộng, có tư tưởng nhân văn, tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

– Quan điểm này cũng trở thành tiêu chí đánh giá văn học đối với bạn đọc: tác phẩm nghệ thuật chân chính là tác phẩm tôn vinh con người.

0,5

 

 

0,5

 

0,5

6 Khẳng định vấn đề cần nghị luận 0,5
TỔNG ĐIỂM CÂU 2 12,0

 

  1. Tổng điểm toàn bài: 20 điểm (điểm chấm không được làm tròn, điểm từng ý nhỏ nhất 0,25 điểm).
  2. Lưu ý:

– Điểm bài thi là tổng điểm của các câu thành phần. Thang điểm toàn bài là 20 điểm, không được làm tròn (điểm lẻ từng ý trong một câu nhỏ nhất là 0,25).

– Thí sinh làm bài bằng cách khác, lập luận chặt chẽ, lôgic vẫn cho điểm tối đa.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *