Đề HSG: Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong

Đề tham khảo số 31:

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Câu 1 (8 điểm)

Nhà văn Mỹ Henry David Thoreau từng khuyên rằng: “Hãy tự tin tiến bước theo hướng của ước mơ. Hãy sống cuộc đời bạn đã mường tượng.”

Nhưng ngạn ngữ Nga lại có câu: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể.” Anh/Chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về hai câu nói trên?

Câu 2 (12 điểm)

Bàn về thơ, nhà thơ Ấn Độ R.Tagore viết: “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản   ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”.

Bằng những kiến thức và qua một số bài thơ đã được học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

————-HẾT————-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm.

HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG:
    • Đề bài gồm 2 câu: câu 1 là bài Nghị luận xã hội; câu 2 là bài Nghị luận văn học. Đề bài có sự tích hợp kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của học
    • Giám khảo cần nắm nội dung bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát. Chú ý khuyến khích các bài viết có cảm xúc, có ý riêng, sáng tạo.
    • Thí sinh có thể trình bày, triển khai ý theo nhiều cách khác nhau, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
  2. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:

Câu 1 (8 điểm)

1.  Yêu cầu về kĩ năng:

  • Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
  • Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
  • Biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác

bỏ,…).

  • Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính

tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

2.  Yêu cầu về nội dung:

  • Giải thích các ý kiến: (2.0 điểm)

a.  Câu nói của nhà văn Mỹ Henry David Thoreau: (1.0 điểm)

  • Đề cập đến ước mơ của mỗi con người trong cuộc sống, ước mơ là điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới và đạt được.
  • Câu nói trên chính là lời động viên, khích lệ con người sống phải biết ước mơ, phải có khát khao, hoài bão, có như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa.

b.  Câu của ngạn ngữ Nga: (1.0 điểm)

  • Điều ta ước muốn: là những khát vọng, ước mơ của con người.
  • Điều ta có thể: là những gì nằm trong khả năng của bản thân.

 Ý nghĩa của câu ngạn ngữ: Con người cần chọn cách sống thực tế, phù hợp với khả năng của mình, để không rơi vào viễn vông.

 Hai câu nói tưởng chừng như đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, là lời khuyên đối với con người trong cuộc sống: để thành công và hoàn thiện chính mình, con người cần biết kết hợp giữa thực tại, khả năng của bản thân với ước mơ, hoài bão, khát vọng.

  • Phân tích, chứng minh, bàn luận: (4.0 điểm)

a.  Câu nói của nhà văn Mỹ Henry David Thoreau:

  • Mỗi một con người tồn tại trên cõi đời này phải có riêng cho mình ước mơ, hi vọng, lí tưởng và mục đích sống của đời mình.
  • Ước mơ của mỗi người trong cuộc đời cũng thật phong phú: có những ước mơ nhỏ bé, bình dị, có những ước mơ lớn lao, cao cả; có những ước mơ vụt đến rồi vụt đi.
  • Ước mơ là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên, sống có mục đích, có tương lai, hạnh phúc, cũng như câu nói: “Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn.
  • Cuộc đời sẽ tẻ nhạt, vô nghĩa biết bao khi con người sống không có ước mơ, khát vọng.
  • Để ước mơ lớn lên, trưởng thành, con người cần phải vượt qua bao thăng trầm, vinh nhục, thậm chí phải nếm mùi cay đắng, thất bại. Nếu con người kiên trung với ước mơ, khát vọng, lí tưởng của mình thì họ sẽ đạt được điều mà mình mong muốn.
  • Có những ước mơ thật nhỏ bé, bình dị nhưng con người cũng khó có thể đạt được: Những em bé bị mù, những em bé bị tật nguyền do chất độc màu da cam, những em bé mắc bệnh tim, ung thư máu, những căn bệnh hiểm nghèo,… vẫn hằng ấp ủ những ước mơ, hi vọng. Nhưng cái chính là họ không bao giờ để cho ước mơ của mình lụi tàn hoặc mất đi.
  • Ước mơ sẽ không đến với những con người sống không lí tưởng, thiếu ý chí, nghị lực để vươn lên, lười biếng, ăn bám,…

b.  Câu của ngạn ngữ Nga:

  • Mặt đúng của vấn đề: Nêu ra một quan niệm sống tích cực, đem lại niềm vui, niềm tin cho mọi người.

+ Nếu “ước muốn” quá cao xa, không phù hợp với khả năng của bản thân thì việc làm không có kết quả. Từ đó, con người sẽ chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống.

+ “Điều ta có thể” là sống theo những điều làm được trong khả năng của mình thì công việc có kết quả. Vì vậy, con người sẽ có niềm tin, phát huy năng lực đóng góp cho xã hội.

  • Biểu hiện và tác dụng của lối sống theo “điều ta có thể”: dễ dàng đạt được thành công nhờ biết được năng lực của bản thân, đặt ra các mục tiêu hợp lí; cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.
  • Mặt khác: không nên phủ nhận tầm quan trọng của những khát vọng, ước mơ đối với mỗi con người trong cuộc sống…
    • Bài học nhận thức và hành động: (2.0 điểm)

a.  Phê phán:

  • Những người không dám ước mơ, hay không đủ ý chí, nghị lực mà nuôi dưỡng ước mơ của mình.
  • Hiện tượng chạy theo ảo vọng, thiếu thực tế; hoặc luôn tự bằng lòng, thiếu ý chí vươn lên.

b.  Bài học nhận thức và hành động:

  • Mỗi người chúng ta hãy có cho mình một ước mơ, hi vọng. Nếu ai đó sống không có ước mơ, khát vọng thì cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa biết nhường nào.
  • Cần phấn đấu, nỗ lực học tập và rèn luyện để biến ước mơ thành hiện thực.
  • Cần xác định lối sống thực tế, nắm bắt hạnh phúc trong thực tại.
  • Cần có khát vọng, ước mơ nhưng không được xa rời, thoát li thực tế,…

3.  Biểu điểm:

  • Điểm Giỏi (7 – 8): Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Quan điểm rõ ràng, thể hiện góc nhìn riêng với tư duy sắc sảo. Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng và lí lẽ thuyết phục. Có sáng tạo, cá tính trong hình thức và nội dung bài làm. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát.
  • Điểm Khá (5 – 6): Đáp ứng khá các yêu cầu trên. Quan điểm rõ ràng, lập luận (lí lẽ, dẫn chứng) ở mức khá thuyết phục. Bố cục rõ ràng, có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
  • Điểm Trung bình (4): Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên. Vấn đề bàn luận chưa sâu sắc. Lí lẽ, lập luận trung bình. Còn mắc một số lỗi về dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
  • Điểm Yếu – Kém (<4): Chưa hiểu hoặc hiểu chưa rõ các yêu cầu của đề; vấn đề nghị luận chưa sát với đề; bố cục, lập luận chưa hợp lí; bài viết quá sơ sài hoặc lan man; còn mắc khá nhiều lỗi về dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
  • Điểm 0: Bỏ giấy trắng.

 

Câu 2 (12 điểm)

1.  Yêu cầu về kĩ năng:

  • Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.
  • Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

Biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt nắm vững thao tác phân tích, chứng minh  để làm sáng rõ vấn đề.

  • Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

2.  Yêu cầu về nội dung:

  • Giải thích: (2.0 điểm)
  • Nụ cười nước mắt: là những trạng thái cảm xúc của tâm hồn, là niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ… Đó là những cung bậc, sắc thái phong phú đa dạng của tâm hồn, là biểu hiện của thế giới “bên trong” con người.
  • Phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong: là cảm xúc đã đến độ chín, cao hơn, là sự thống nhất giữa cảm xúc và lí trí, giữa tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. Thơ là tình nhưng không phải là những cảm xúc hời hợt mà là lí trí đã chín muồi, nhuần nhuyễn. Bài thơ nào cũng gói ghém bên trong một chiều sâu suy nghĩ, tư tưởng, chứa đựng ít nhiều chân lí của cuộc đời.

Câu nói của Tagore đã nêu chính xác bản chất, đặc trưng của thơ là sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ.

  • Lí giải vì sao thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong: (3.0 điểm)
  • Vì văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, không phải đơn giản là mô phỏng, sao chép, miêu tả sự vật bên ngoài, các sự kiện xảy ra mà là sự tái tạo thông qua thế giới chủ quan của người nghệ sĩ.
  • Do đặc trưng của thơ ca: Nói đến thơ là nói đến cảm xúc, nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động của chủ thể trữ tình, bằng những xúc cảm mãnh liệt. Tình cảm mãnh liệt ở đây không phải là những khóc cười ồn ào bên ngoài mà là sự rung động mãnh liệt ở bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn. Nhà thơ phải sống rất sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe các xao động, đau đớn, sướng vui với những xúc động nội tâm. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc.
  • Chứng minh: (5.0 điểm)
  • Thí sinh cần lấy được dẫn chứng tiêu biểu (một số bài thơ đã học trong chương trình 12) và phân tích một cách thuyết phục để làm sáng tỏ các khía cạnh của vấn đề nghị luận.
    • Đánh giá, bình luận: (2.0 điểm)
    • Câu nói của Tagore đã nêu chính xác đặc trưng nội dung của thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, là những rung động rất sâu ở bên trong tâm hồn nhà thơ, là tấc lòng, tư tưởng tình cảm mà thi sĩ kí thác, gửi gắm. Đó không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà là tình cảm nảy sinh từ những tiếp xúc với cuộc sống, là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ, gắn liền với sự tự ý thức của nhà thơ về mình và cuộc đời.
    • Thơ là kết quả của sự thăng hoa cảm xúc, là sự kết tinh vốn văn hoá, thể hiện cái nhìn về cuộc đời và biểu hiện những trạng thái xúc cảm của nhà thơ.
    • Tình cảm trong thơ phải là tình cảm lớn, cao đẹp, cao thượng, mang tư tưởng sâu sắc, thấm nhuần chất nhân văn, mang giá trị Chân- Thiện- Mĩ… thì thơ mới có sức vang động trong lòng người, tạo nên sức sống lâu bền.
    • Ý kiến của Tagore mới chỉ nhấn mạnh đến đặc trưng nội dung của thơ là tình cảm đã được ý thức, mang đậm tính cá thể mà chưa đề cập đến đặc trưng hình thức của thơ. Thơ là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu… Sự hoàn thiện từ bên trong cần được biểu hiện bằng sự hoàn thiện của hình thức nghệ thuật để có thơ hay.

3.  Biểu điểm:

Điểm Giỏi (10 – 12): Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Kiến thức lí luận chắc, hiểu sâu về vấn đề, trình bày được các ý sâu sắc và phong phú. Phân tích sâu, kĩ, có cảm xúc các tác phẩm phù hợp để nêu bật vấn đề.

Có sáng tạo, cá tính trong hình thức và nội dung bài làm. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, nêu bật luận đề, luận điểm; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có thể còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ.

  • Điểm Khá (7 – 9): Đáp ứng khá các yêu cầu của đề. Hiểu vấn đề, chọn được một số tác phẩm phù hợp để làm rõ vấn đề nhưng ý chưa phong phú, phân tích chưa thật kĩ, văn chưa cảm xúc; bố cục hợp lý, lập luận tương đối chặt chẽ, có thể còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm Trung bình (6): Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề. Hiểu vấn đề nhưng ý chưa sâu, chưa phong phú. Có chú ý nêu bật luận điểm nhưng phân tích tác phẩm chưa sâu, chưa kĩ. Bố cục hợp lý, lập luận tương đối chặt chẽ, còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm Yếu (4 – 5): Bài làm ít ý, chưa chú ý làm rõ luận đề. Phân tích sơ sài, ít dẫn chứng. Lập luận tạm được, còn mắc nhiều lỗi về dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
  • Điểm Kém (1 – 3): Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề, sa vào việc phân tích chung về tác phẩm; chọn và phân tích tác phẩm để chứng minh thiếu thuyết phục, bố cục không hợp lý, diễn đạt còn hạn chế,…
  • Điểm 0: Bỏ giấy trắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *