SỞ GD VÀ ĐT NAM ĐỊNH
Trường THPT Nghĩa Minh |
ĐỀ THI THỬ HỌC SINH GIỎI SỐ 12
Môn: Ngữ văn 12 Thời gian làm bài: 150 phút |
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”.
(“Thường dân” – Nguyễn Long)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Theo hiểu biết của anh / chị thì “thường dân” là gì ?
2. Anh / chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu thơ:
“Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì” ?
3. Tác giả bày tỏ thái độ như thế nào đối với người thường dân qua bài thơ ?
4. Anh / chị có hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả về người thường dân được thể hiện trong bài thơ không ? Lí giải ?
-
LÀM VĂN (12,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày quan điểm của anh / chị về chủ đề: Hạnh phúc là khi được làm một con người bình thường.
Câu 2(10.0đ): Nghị luận văn học:
Nhà văn Pháp Buy – phông từng phát biểu:
Một nhà văn lớn quyết không thể chỉ mang một con dấu.
(Dẫn theo: Lí luận văn học, tập 3 – Phương Lựu (chủ biên),
NXB Đại học sư phạm, 2009, tr.90)
Bằng hiểu biết của bản thân về văn học, anh/chị hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.
- PHẦN ĐỌC HIỂU
1. “Thường dân” là những người dân bình thường, không chức vị, không danh phận trong xã hội.
2. Câu thơ:
“Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì” ?
Có thể hiểu là:
– “Khi làm cây mác cây chông”: khi có chiến tranh, người dân xông pha nơi trận tuyến để bảo vệ đất nước.
– “Khi thành biển cả”: nói đến sức mạnh to lớn của nhân dân
– “khi không là gì”: khi hòa bình, người dân lại trở về với cuộc sống đời thường, là những con người không tên không tuổi, “không ai nhớ mặt đặt tên”.
3. Tác bày tỏ thái độ như thế nào đối với người thường dân qua bài thơ ?
Tác giả bày tỏ thái độ vừa trân trọng, tự hào, vừa thương cảm đối với những người thường dân.
4. Anh / chị có hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả về người thường dân được thể hiện trong bài thơ không ? Lí giải ?
Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải hợp lí. Tham khảo:
– Đồng tình
– Lí giải: Tác giả đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc về tâm tính, vai trò của người thường dân trong mọi hoàn cảnh của đất nước - PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh / chị về chủ đề: Hạnh phúc là khi được làm một con người bình thường.
Tham khảo một số gợi ý sau:
– Một con người bình thường là một con người không bị ràng buộc bởi danh phận, chức vị xã hội
– Khi làm một con người bình thường, chúng ta chỉ phải thỏa mãn những điều kiện sơ đẳng, căn cốt của một con người
– Khi làm một con người bình thường, chúng ta ít bị danh vọng, quyền lực, dư luận chi phối
– Khi làm một con người bình thường, chúng ta ít phải đóng những vai kịch khác nhau trên sân khấu cuộc đời, do đó chúng ta sẽ vui hơn, thanh thản hơn.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận |
2. Giải thích ý kiến
– con dấu: + Vật dụng tạo ra những dấu hiệu riêng để phân biệt giữa các tổ chức, cá nhân với nhau. + Ẩn dụ chỉ nét riêng, độc đáo, đậm nét, mang tính bản quyền của mỗi tác giả thể hiện trong sáng tác của họ. Đó chính là cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật của nhà văn. – không thể chỉ mang một con dấu: phong cách nghệ thuật của nhà văn không phải, không thể là bất biến mà cần có sự vận động, đổi mới, phát triển đa dạng. => Ý kiến của Buy – phông nhấn mạnh: Nhà văn lớn là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, không thể trộn lẫn; những nét phong cách đó vừa ổn định, thống nhất lại vừa đa dạng, phong phú, mới mẻ. |
3. Bình luận
– Vì sao nhà văn cần có phong cách riêng? + Do văn học nghệ thuật là hoạt động sáng tạo có tính chất cá thể. Nếu cá tính của nhà văn mờ nhạt, không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì tác phẩm sẽ không có chỗ đứng trong đời sống văn học. + Do mong muốn khẳng định cái tôi sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ ý thức được rằng việc tạo lập được một thế giới nghệ thuật mới mẻ, riêng biệt, độc đáo chính là cống hiến có giá trị của bản thân với cuộc đời, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho xã hội. – Vì sao phong cách của một nhà văn cần có sự đổi mới, phát triển phong phú, đa dạng + Cũng do đặc trưng của văn học nghệ thuật, nếu việc lặp lại người khác là điều tối kị thì lặp lại chính mình cũng là điều độc giả khó chấp nhận: “Nếu như đó là một nhà văn cũ đã quen thuộc, thì câu hỏi không phải Anh ấy là người như thế nào? mà sẽ là: Nào, anh có thể cho tôi thêm một điều gì mới?” (L. Tônxtôi) + Do thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng nghệ thuật, năng lực sáng tạo của nhà văn có sự biến đổi nên phong cách nghệ thuật của nhà văn cũng vận động, đổi mới theo. + Do ít nhiều chịu sự chi phối của phong cách thời đại nên phong cách nhà văn cũng có sự vận động, biến đổi. – Sáng tạo vừa là yêu cầu, vừa làm nên vị trí danh dự của nhà văn, sức sống lâu bền của nhà văn trong lòng độc giả. Sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả làm nên tính phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của các nền văn học. Và sự vận động, đổi mới của phong cách tác giả chính là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của lịch sử văn học. |
4. Chứng minh, phân tích
– Thí sinh có quyền lựa chọn một hoặc một số tác giả lớn trong hoặc ngoài chương trình để phân tích, chứng minh, nhưng phải thực sự là tác giả tiêu biểu, phù hợp với vấn đề cần nghị luận. – Trong quá trình phân tích, chứng minh cần làm rõ: + Tác giả đó có phong cách nghệ thuật độc đáo như thế nào. + Sự vận động, đổi mới, phát triển trong phong cách nghệ thuật của tác giả đó. – Ví dụ: Nguyễn Tuân + Những điểm ổn định, nhất quán trong phong cách Nguyễn Tuân: ++ Quan sát, khám phá và diễn tả thế giới nghiêng về phương diện văn hóa thẩm mĩ; ++ Quan sát, khám phá và diễn tả con người nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sĩ; ++ Quan niệm cái đẹp là những hiện tượng gây ấn tượng sâu đậm, đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ. ++ Sử dụng thể văn tùy bút hết sức phóng túng với nhân vật chính là “cái tôi” rất mực tài hoa uyên bác. ++ Văn Nguyễn Tuân giàu hình ảnh, nhạc điệu với một kho từ vựng phong phú, chính xác; nhiều tìm tòi mới lạ trong cách dùng từ, đặt câu. + Sự vận động, đổi mới, phát triển trong phong cách Nguyễn Tuân: ++ Trước cách mạng: quan niệm cái đẹp chỉ có trong quá khứ và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng, thuộc thời trước còn vương sót lại; tìm cảm giác mạnh ở quá khứ, ở chủ nghĩa xê dịch, đời sống trụy lạc…; thể văn tùy bút thiên về diễn tả nội tâm của “cái tôi” chủ quan. ++ Sau cách mạng: cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại cũng như tương lai và tài hoa có thể có cả ở nhân dân đại chúng; tìm cảm giác mạnh ở những phong cảnh đẹp, hùng vĩ của thiên nhiên đất nước và những thành tích của nhân dân trong chiến đấu và xây dựng; thể văn tùy bút có pha chất kí với bút pháp hướng ngoại để phản ánh hiện thực, ghi chép thành tích chiến đấu, xây dựng của nhân dân. |
5. Đánh giá, mở rộng, nâng cao
– Ý kiến hoàn toàn đúng đắn. Nghệ sĩ lớn là người sở hữu phong cách nghệ thuật độc đáo một cách đa dạng, bền vững mà luôn luôn đổi mới. – Ngoài sự ổn định, độc đáo, phong phú, mới mẻ, phong cách nghệ thuật còn cần có phẩm chất thẩm mĩ, phải đem đến cho người đọc sự hưởng thụ thẩm mĩ dồi dào trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Nếu không có phẩm chất này, sự thể hiện của nhà văn trên trang giấy chỉ là sự quái gở chứ không phải là cá tính sáng tạo. – Ý kiến có ý nghĩa định hướng sâu sắc cho cả người sáng tác và người tiếp nhận văn học: + Với nhà văn: Câu nói có ý nghĩa nhắc nhở người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải luôn chú ý hình thành và xây dựng phong cách nghệ thuật của riêng mình, luôn “làm mới” phong cách đó trong lòng độc giả, từ đó có những đóng góp riêng trên nhiều phương diện cho văn học, tạo nên một nền văn học phong phú, giàu giá trị cho dân tộc… + Với người đọc: Câu nói có ý nghĩa định hướng cho người tiếp nhận một tiêu chí quan trọng để thẩm bình các tác phẩm văn chương, để đánh giá một tác giả: nhà văn tài năng nhất định phải có phong cách nghệ thuật độc đáo, mới mẻ và phong phú, đa dạng. |