Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn THPT, đề số 29

Đề tham khảo số 29:

SỞ GD&ĐT

TRƯỜNG THCS VÀ THPT ….

KỲ THI CHỌN HSG VÒNG TRƯỜNG

NĂM HỌC 2023-2024

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.

Câu 1 (8.0 điểm)

Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là chè bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy.

Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…

(Chia sẻ của Trần Nhất Hoàng – cựu thành viên ban nhạc Bức Tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập).

Anh/ Chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng được nói đến trong đoạn trích trên bằng một bài viết.

Câu 2 (12,0 điểm)

Khi giới thiệu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nhà văn Lê Văn Trương có viết:

Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.

(Tư liệu văn học lớp 11 – tập 1 – NXB Giáo dục – 2001 – trang 224)

Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

————- Hết ————-

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

SỞ GD&ĐT

TRƯỜNG THCS VÀ THPT ….

ĐÁP ÁN KỲ THI CHỌN HSG VÒNG TRƯỜNG

NĂM HỌC 2023-2024

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

.

I.  LƯU Ý CHUNG

  • Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
  • Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo

II.   ĐÁP ÁN

Câu                     Nội dung Điểm
1 Trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng được nói đến trong đoạn trích trên bằng bài viết 8,0
* Yêu cầu về kĩ năng:

–  Biết cách viết bài văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

–   Bài văn có bố cục mạch lạc; lập luận chặt chẽ; dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lẽ phải. Dưới đây chỉ là những định hướng cơ bản:

 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

– Điểm 1.0 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.

– Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.

– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

1.0
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

– Điểm 1.0: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

– Điểm 0.5: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

1.0
c) Triển khai vấn đề: Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ vàđưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động

– Điểm 3.5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:

* Giải thích ý kiến:

–    Thế nào là thực phẩm bẩn (là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

–    “Tính ích kỷ, hẹp hòi” là bản tính chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, lợi ích của người khác.

-> Đoạn trích trên đã nói đến thực trạng một bộ phận người dân khi sản xuất, vì tính ích kỷ, hẹp hòi và độc ác nên chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho thực phẩm mình dùng, còn thực phẩm đem bán, cho thì không quan tâm.

-> Đoạn trích trên là lời chia sẻ đầy xót xa của cựu thành viên ban nhạc Bức Tường- Trần Nhất Hoàng về hiện tượng biến chất trong lương tâm của những người làm nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nhu cầu vật chất cho xã hội. Đó là sự lo lắng sâu sắc trước thái độ không màng đến sức khỏe người tiêu dùng thực phẩm. những người nông dân hàng ngày vẫn tạo ra hàng nghìn, hàng tỉ tấn “ thực phẩm bẩn” làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

* Bàn luận vấn đề

Bàn luận thực trạng về thực phẩm bẩn và tính ích kỷ, hẹp hỏi của một bộ phận  người trong xã hội.

“Trên thực tế, không chỉ có người dân sản xuất nhỏ lẻ để bán mà còn có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, những thực phẩm độc hại cung cấp cho người tiêu dùng nhằm thu lợi. Bộ phận người này chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho những thực phẩm mà mình sử dụng hàng ngày còn coi thường chất lượng của sản phẩm đem bán, tiêu thụ.” (dẫn chứng).

Bàn luận về nguyên nhân và hậu quả của thực trạng nói trên. 
–    Nguyên nhân khiến những người tiêu dùng không quan tâm sức khỏe của người khác chính là vấn đề lợi nhuận. Vì lợi nhuận nên khi trồng trọt, chăn nuôi họ thường sử dụng các loại chất kích thích, các hóa chất độc hại thì cây trồng vật nuôi sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh, nhanh thu lợi.

Đi liền mục đích lợi nhuận chính là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.

–    Hậu quả của việc chỉ nghĩ đến bảo vệ mình và xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác là tình trạng mọi người đang tìm cách giết hại lẫn nhau, vì “chúng ta không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”.

–    Trong phần này, nên lấy dẫn chứng từ những sự việc gây phẫn nộ như tiêm thuốc siêu nạc, thuốc an thần, tiêm thuốc chất salbutamol… là nguyên nhân gây ra biến tướng về mặt sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân của bệnh ung thư.

– Giải pháp

+  Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội

+  Tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước.

+  Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình

* Bài học nhận thức và hành động: rút ra bài học cho bản thân mình,

– Nêu cao ý thức tự giác trong việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho mình và cho người khác

– Lên án những kẻ chạy theo lợi ích trước mắt, xem thường sức khỏe, tính mạng người khác…

Những bài học này cần đưa ra một cách tự nhiên, chân thành, tránh sáo rỗng, hô khẩu hiệu

– Điểm 2.5: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.

– Điểm 1.5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 1.0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

3.5
d) Sáng tạo

– Điểm 1.5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0.75: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (1.0 điểm):

– Điểm 1.0: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0.5: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

1.0
2 Trình bày hiểu biết của mình và làm sáng tỏ ý kiến của nhà văn Lê Văn

Trương khi giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo: Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình.

(Tư liệu văn học lớp 11– tập 1- NXB Giáo dục- 2001- trang 224)

12.0
* Yêu cầu về kĩ năng:  
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng
để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi
chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp,
chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác
nhau, tuy nhiên cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

– Điểm 1.5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.

– Điểm 0.75: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.

– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

1.5
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

– Điểm 1.5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

– Điểm 0.75: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.

– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

 
c) Triển khai vấn đề: Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ vàđưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động

– Điểm 4.5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:

4.5
a. Giải thích:  
Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái  
người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả:  
+ Nam Cao không bắt chước, không đi theo những công thức, những lối  
mòn đã có sẵn.  
+ Nhà văn cũng không uốn cong ngòi bút chiều theo thị hiếu của độc giả  
đương thời lúc đó đang rất say sưa với những tiểu thuyết lãng mạn.  
–    Nam Cao đã bước chân vào làng văn với những cạnh sắc riêng:

+ Nam Cao đã tự mình tìm ra một lối đi riêng, đó chính là sự sáng tạo không ngừng, vốn được chính nhà văn coi như bản chất cốt lõi của nghệ thuật.

+ Sự sáng tạo của nhà văn thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật

–   Nghĩa cả câu: Lời nhận xét của nhà văn Lê Văn Trương khẳng định bản lĩnh, phong cách nghệ thuật độc đáo và những sáng tạo của Nam Cao so

với văn chương đương thời.

 
b. Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo ( Nam Cao):  
b.1. Những sáng tạo ở phương diện nội dung, tư tưởng:  
Nhà văn chọn một đề tài không mới là viết về người nông dân trước Cách

mạng tháng Tám nhưng Nam Cao đã có những sáng tạo và lối đi riêng. Tác giả đã khơi tìm tận đáy nỗi đau tột cùng của con người khi bị hủy hoại nhân hình, nhân tính. Từ đó, nhà văn khẳng định nỗi khổ lớn nhất của con người không phải là sự thiếu thốn về vật chất mà là nỗi khổ về tinh thần khi bị đồng loại ruồng bỏ.

–   Tác giả phát hiện, ngợi ca và trân trọng, nâng niu những phẩm chất cao quý của người nông dân. Ông luôn đặt niềm tin sâu sắc vào nhân tính tốt đẹp của con người sẽ không bao giờ bị mất đi dù trong mọi hoàn cảnh:

+ Vẻ đẹp phẩm chất của Chí Phèo: có những ước mơ bình dị, giàu lòng tự trọng, khát khao hạnh phúc lứa đôi, khát vọng được làm người lương thiện, có tinh thần phản kháng.

+ Vẻ đẹp phẩm chất của Thị Nở: giàu tình thương, có trái tim nhân hậu, khao khát tình yêu và hạnh phúc.

–   Qua tấn bi kịch và số phận bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho số phận cùng cực của người nông dân lương thiện: làm thế nào để những người lao động chất phác

được sống một cuộc sống xứng đáng là người trong xã hội đầy bất công.

 
b.2. Những sáng tạo trên phương diện nghệ thuật:  
– Nhà văn xây dựng được những nhân vật điển hình:

+ Chí Phèo: điển hình cho một bộ phận người nông dân bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.

+ Bá Kiến: điển hình cho tầng lớp cường hào, ác bá trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.

+ Thị Nở: điển hình cho những người phụ nữ có ngoại hình xấu xí nhưng luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp bên trong.

– Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo.

Giọng điệu trần thuật vừa đa dạng vừa thống nhất :

+ Đa dạng: vừa hài hước, mỉa mai, vừa trang nghiêm, triết lí, có đoạn lại rất trữ tình.

+ Thống nhất: thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của Nam Cao, bên ngoài thì lạnh lùng, tàn nhẫn, bên trong lại nặng trĩu yêu thương.

 
– Ngôn ngữ :

+ Phong phú, sống động, uyển chuyển, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người nông dân.

+ Ngôn ngữ độc thoại và đối thoại rất tự nhiên mà sắc sảo.

 
c. Đánh giá, nâng cao:

–   Nhận định của Lê Văn Trương thật đúng đắn, sâu sắc, giúp người đọc hiểu thêm về phong cách sáng tác độc đáo và những sáng tạo của Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo. Từ đó thêm yêu mến, trân trọng tài năng, tấm lòng cao cả của nhà văn.

–  Nhận định cũng đặt ra yêu cầu cho người nghệ sĩ khi sáng tạo văn chương và định hướng cho bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm:

+ Với người nghệ sĩ: muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, in đậm dấu ấn cá nhân, phải mang tới cho độc giả những cảm thức mới mẻ về cuộc đời và con người.

+ Với bạn đọc: cần đọc sâu, hiểu thấu những ý đồ mà người nghệ sĩ gửi gắm thông qua mỗi hình tượng, để từ đó phát hiện ra cái hay, cái độc đáo,

khác lạ trong tác phẩm.

– Điểm 3.0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.

– Điểm 1.5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 1.0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

 
d) Sáng tạo

– Điểm 2.5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 1.5: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2.5
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (1.5 điểm):

– Điểm 1.5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0.75: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

1.5

———-HẾT———-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *