Đề HSG sách mới, nghị luận 2 ý kiến bàn về thơ

Đề tham khảo số 19:

SỞ GD & ĐT

TRƯỜNG ………………..

ĐỀ THI THAM KHẢO

HỌC SINH GIỎI VĂN – THPT

Thời gian: 180 phút

ĐỀ BÀI

1/ Câu 1 (8 điểm)

BỨC TRANH TUYỆT VỜI

Một họa sĩ suốt đời mơ ước vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: “Điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người”.

Họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời: “Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào; mang đến nụ cười cho kẻ khóc than; làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu”.

Cuối cùng họa sĩ gặp một người lính mới từ trận mạc trở về. Được hỏi, người lính trả lời: “Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp”.Và họa sĩ đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi có thể cùng lúc vẽ niềm tin, hòa bình và tình yêu?”.

…Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt của các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông tràn hạnh phúc và bình an. Họa sĩ đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là “Gia đình”.

(Theo Phép nhiệm màu của đời, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh)

Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về bài học cuộc sống?

 

2/ Câu 2 (12 điểm)

Bàn về thơ có ý kiến: Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ. Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng: Gốc của thơ là tình cảm.

Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ những nhận định trên.

————————Đề thi có 02 câu———————

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1- nghị luận xã hội

Nội dung yêu cầu

Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.

– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.

– Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về nội dung

(Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách trình bày khác nhau, nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau):

Ý nghĩa của câu chuyện

– Cuộc sống có nhiều giá trị tinh thần, nhiều gam màu tuyệt đẹp làm nên bức tranh đa sắc nhưng tuyệt vời nhất, kì diệu nhất vẫn là bức tranh “Gia đình”.

  1. Bàn luận (Những suy nghĩ gợi lên từ câu chuyện):

– Mỗi người có một cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp cuộc sống (niềm tin, tình yêu, hòa bình…)

– Tuy nhiên gia đình là nơi hội tụ, kết tinh mọi giá trị, mọi vẻ đẹp, mọi điều kì diệu nhất trên thế gian này. Bởi:

+ Gia đình là điểm tưạ vững chãi nhất (là chốn nương thân, là nơi trở về, là bầu trời bình yên, là nơi nhen lên niềm tin và hi vọng…)

+ Gia đình là thế giới của tình yêu thương (tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ…)

+ Là nơi tâm hồn, cuộc đời mỗi người được nuôi dưỡng lớn khôn, trưởng thành (gia đình là bệ đỡ của niềm đam mê, thăng hoa sáng tạo và chinh phục ước mơ…)

  1. Bài học rút ra

– Mỗi người cần nhận ra giá trị thực của cuộc sống nằm ở gia đình. Từ đó có ý thức “tô vẻ cho bức tranh gia đình” mình những gam màu phù hợp.

– Không nên theo đuổi những điều viển vông, phù phiếm, xa vời mà đánh mất điều trân quý giản dị nằm trong chính chúng ta, trong mỗi gia đình.

@ Cho điểm:

– Điểm 7-8: Hiểu sâu sắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, sáng tạo, có kiến thức phong phú.

– Điểm 5-6: Hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi diễn đạt.

– Điểm 3-4: Hiểu đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.

– Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết lan man, chưa chú ý trình bày suy nghĩ về vấn đề đặt ra. Diễn đạt còn nhiều lỗi.

– Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn về nội dung và phương pháp.

B/ Câu 2 – Nghị luận văn học

Yêu cầu về kĩ năng (1đ)

– Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.

– Diễn đạt tốt; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về nội dung (11,0đ)

(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách nhưng cần hướng tới nội dung cơ bản sau):

Giải thích (3đ)

– Thơ hay là bữa tiệc ngôn từ: ý nói cái hay của bài thơ trước hết là nhờ cái hay của ngôn từ (sống động, phong phú…), giống như sự hấp dẫn của những ”món ăn” ngon bằng ngôn từ.

– Gốc của thơ là tình cảm: nhấn mạnh tư tưởng tình cảm là then chốt quyết định giá trị của một bài thơ.

– Hai ý kiến là hai cách định nghĩa về thơ có sự nối tiếp những quan niệm trước đó. Một bên khẳng định sức mạnh của thơ là ở ngôn từ, một bên khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở tư tưởng, tình cảm chứ không phải ở ngôn từ.

Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề (6đ )

– Nói thơ hay là bữa tiệc ngôn từ bởi vì: một bài thơ ngôn ngữ trúc trắc, sáo rỗng, tầm thường thì không thể gọi là thơ hay. Ngược lại, bài thơ hay là khi nó bày ra trước độc giả một “bữa tiệc ngôn từ”, với những ngôn từ được nhà thơ công phu lựa chọn, tổ chức, biến nó từ lời bình thường trở thành nghệ thuật {vừa thể hiện tâm hồn thi nhân; vừa chính xác hàm súc; vừa có dấu ấn riêng của tác giả..}. (HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)

– Gốc của thơ là tình cảm bởi vì: thơ là chuyện của tâm hồn, của lòng người cho nên việc thể hiện tất cả mọi vui buồn trong cuộc đời là một nhu cầu bức thiết của thơ. Hơn nữa tình cảm ấy thường tiêu biểu, điển hình, khơi dậy trong trái tim người đọc những rung động sâu xa, những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời. (HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)

– Mỗi ý kiến đều xác đáng nhưng chưa toàn diện, chưa khái quát được đặc trưng thơ ca vì:

+ Nếu người nghệ sĩ chỉ chú ý rèn câu đúc chữ mà không chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm thì sáng tác thơ ca chỉ là những kỹ xảo vờn vẽ, là lối thơ chuộng hình thức.

Thơ ca chỉ neo đậu vững chắc trong bạn đọc khi nó có nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện độc đáo.

+ Gốc của thơ là tình cảm, sức sống của thơ là tư tưởng, nhưng các nhà thơ từ xưa đến nay nếu không muốn lặp lại người khác và lặp lại chính mình thì quá trình sáng tác đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm đến “bữa tiệc ngôn từ”.

(HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ)

Mở rộng, nâng cao ( 2đ)

– Tác phẩm đích thực là sự kết hợp của hai yếu tố trên {bữa tiệc ngôn từ và tình cảm} mới có thể tạo nên sự xuất thần cho thơ.

– Nhà thơ không ngừng trải nghiệm lắng nghe rung cảm của đời để tạo được cái gốc tình cảm cho thơ, và không ngừng mài dũa để thực sự trở thành bậc thầy về ngôn từ.

– Người tiếp nhận phải sáng suốt linh hoạt, không nên cực đoan trong tiếp nhận một quan niệm mà đi đến phủ nhận những quan điểm còn lại.

———————–HẾT———————–

———————————————————————–

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *