Đề HSG: Đặc trưng cơ bản của thơ và quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ

Đề tham khảo số 20:

SỞ GD VÀ ĐT

KỲ THI CHỌN HOC SINH GIỎI CẤP THPT

NĂM HỌC 2023-2024

ĐỀ THAM KHẢO

(Đề thi có 01 trang)

Môn: NGỮ VĂN

Ngày thi: …/…/2023

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1. (6,0 điểm)

     Xưa kia có một anh thợ cắt đá hay bất mãn với cuộc sống. Ngày nọ, anh ta gặp một lái buôn và kinh ngạc trước những món đồ tuyệt vời của ông ta. Anh thợ cắt đá nói: “Ước gì tôi trở thành một lái buôn!”. Lạ lùng thay điều ước của anh ta trở thành hiện thực.

     Không lâu sau, anh ta nhìn thấy một đám rước đi ngang qua gian hàng nhỏ của mình. Nhác thấy vị hoàng tử ăn mặc lộng lẫy, anh ta nói: “Ước gì tôi trở thành hoàng tử!”. Và anh ta lại được toại nguyện.

     Nhưng chỉ vài ngày sau, khi bước chân ra khỏi hoàng cung, anh ta cảm thấy rất khó chịu với cái nắng chói chang, oi bức của mùa hè. “Hoàng tử cũng không thể mát mẻ dưới ánh nắng mặt trời sao?”, anh ta rên rỉ: “Ước gì mình là mặt trời!”. Điều ước này cũng được như ý.

     Anh ta vui sướng làm mặt trời cho tới một ngày, một đám mây bay đến che khuất trần gian bên dưới. “Đám mây này che khuất tầm nhìn của mình, ước gì mình trở thành một đám mây.”

     Một lần nữa anh ta được thỏa nguyện và vui vẻ bay đi đến khi gặp một ngọn núi mà anh ta chẳng thể nào vượt qua được. Anh ta nói: “Ngọn núi này còn vĩ đại hơn ta, ước gì mình là một ngọn núi!”.

     Là một ngọn núi cao to nhìn xuống con người phía dưới, anh ta cảm thấy cuối cùng mình cũng được hài lòng. Nhưng một ngày nọ, người thợ cắt đá trèo lên sườn núi và bắt đầu đập vào anh ta để lấy đá ra. Anh ta chẳng thể làm gì được: “A! Cái con người bé nhỏ kia còn mạnh mẽ hơn cả mình. Ước gì mình trở thành anh thợ cắt đá!”.

     Vậy là vòng tròn kết thúc. Giờ đây anh thợ cắt đá biết rằng anh ta chỉ luôn hạnh phúc khi là chính mình. Anh ta sẽ không bao giờ được chưng diện như một hoàng tử, chiếu sáng như mặt trời hoặc vươn cao như ngọn núi, nhưng anh ta hạnh phúc khi được là chính mình.

                   (Theo Sự màu nhiệm của lòng quan tâm, NXB Phụ nữ, Hà Nội 2007)

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Hãy là chính mình.

Câu 2. (14,0 điểm)

Bàn về thơ, PGS.TS. Lê Quang Hưng viết: Khi nhà thơ thành thực đi đến tận lòng mình thì sẽ gặp trái tim nhân loại, sẽ chạm tới nỗi lòng của bao người. Dường như thơ càng “riêng” thì lại càng dễ thành “của chung”.

(Lê Quang Hưng, Những quan niệm những thế giới nghệ thuật văn chương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.63)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào?  Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ  ý kiến trên.

—— Hết ——

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt HDC, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, có chất văn.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu Nội dung Điểm
 

 

1

“Xưa kia có một anh thợ cắt đá hay bất mãn với cuộc sống…nhưng anh ta hạnh phúc khi được là chính mình.”

(Theo Sự màu nhiệm của lòng quan tâm, NXB Phụ nữ, Hà Nội 2007)

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Hãy là chính mình.

 

 

6,0

  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sống là chính mình. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:  
* Khái quát nội dung câu chuyện 0,5
–  Câu chuyện kể về những trải nghiệm khác nhau của anh thợ cắt đá luôn bất mãn với cuộc sống của mình. Sau khi được sống trong hoàn cảnh của những người, những sự vật mơ ước, anh mới nhận ra bản thân chỉ hạnh phúc thực sự khi được sống là chính mình – cuộc đời một anh thợ cắt đá.

–   Câu chuyện gợi cho chúng ta bài học nhân sinh sâu sắc: chúng ta chỉ hạnh phúc thực sự khi là chính mình.

 
* Giải thích 0,5
– Là chính mình: sống với đúng hoàn cảnh, điều kiện, năng lực, sở trường, niềm đam mê của bản thân, sống đúng với những gì mình có,…  
* Bàn luận 3,5
–   Trong cuộc sống, mỗi người có một năng lực, một cá tính, một vốn tri thức, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống và niềm đam mê khác nhau. Với những gì mình có, chúng ta sẽ tìm cho mình một con đường đi riêng, làm một công việc, định ra một đích đến phù hợp nhất với mình. Khi học tập, lao động và sáng tạo đúng với những gì mình có, mình yêu thích thì chúng ta sẽ đạt được thành quả tốt nhất, sẽ có niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thanh thản cho bản thân, có động lực để vươn lên trong cuộc sống,…

–   Nếu không sống đúng với chính mình thì sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, lao lực, chán chường, không có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thanh thản. Thành quả lao động không cao, không có nhiều đóng góp, thậm chí còn có thể gây nên những tổn thất cho bản thân và xã hội, sẽ mất đi niềm tin vào cuộc sống.

–  Sống là chính mình không đồng nghĩa với việc cố chấp, bảo thủ, chỉ biết mình, tách biệt với mọi người xung quanh, hoặc không cố gắng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những cột mốc cao hơn trong cuộc sống.

–   Để được sống là chính mình mỗi người đều cần có sự nhận thức sâu sắc về bản thân, có lòng dũng cảm và thái độ sống tích cực,…

–  Phê phán những người tự ti, không tin tưởng vào bản thân, không nhận thức đúng về giá trị của mình, sống chìm đắm trong ảo tưởng,….

Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh phải đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu, toàn diện, xác đáng để làm rõ vấn đề.

 
* Bài học nhận thức và hành động 0,5
Thí sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp với bản thân và chuẩn mực đạo đức xã hội.  
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,25
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
 

 

 

2

   Bàn về thơ, PGS.TS. Lê Quang Hưng viết: Khi nhà thơ thành thực đi đến tận lòng mình thì sẽ gặp trái tim nhân loại, sẽ chạm tới nỗi lòng của bao người. Dường như thơ càng “riêng” thì lại càng dễ thành “của chung”.

(Lê Quang Hưng, Những quan niệm những thế giới nghệ thuật văn chương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.63)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng

tỏ ý kiến trên.

 

 

 

14,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết thúc được vấn đề. 0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc trưng cơ bản của thơ và quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp tốt các lí lẽ, dẫn chứng, đánh giá khái quát vấn đề nghị luận. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:  
* Giải thích 1,5
–   Thơ: là một thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình, thể hiện tâm trạng, cảm xúc thẩm mĩ của tác giả thông qua hệ thống ngôn ngữ hàm súc, cô đọng, giàu hình ảnh, nhịp điệu.

–   Thành thực đi đến tận lòng mình: những cảm xúc chân thành, mãnh liệt nhất của tâm hồn mình.

–   Riêng, chung: là hai trạng thái của cảm xúc trong thơ. Riêng chính là tình cảm cá nhân, sự cá thể hóa cảm xúc của thơ, còn chung là tiếng nói đồng cảm, đồng điệu với bao tâm hồn trong thơ, là sự gặp gỡ nỗi lòng của bao người.

=> Ý kiến trên đề cập đến đặc trưng cơ bản của thơ và quá trình sáng tạo của người

nghệ sĩ: Thơ xuất phát từ cảm xúc riêng, thành thực nhất của người sáng tác, nhưng gặp gỡ cảm xúc của nhiều tâm hồn thơ, là của chung của nhiều thế hệ người đọc.

 
* Lí giải ý kiến 2,5
Khẳng định tính đúng đắn trong nhận định của PGS.TS. Lê Quang Hưng.  
– Nhà thơ cần thành thực đi đến tận lòng mình:

+ Thơ ca thuộc phương thức trữ tình, lấy cảm xúc làm điểm tựa, bén rễ từ tình cảm chân thực của người làm thơ.

+ Khi sống thành thực với cảm xúc, tâm hồn nhà thơ mới thăng hoa một cách mãnh liệt nhất, nhà thơ mới có thể nói lên những điều sâu thẳm nhất của tâm hồn mình.

+ Cảm xúc của nhà thơ càng thành thực đến tận lòng mình thì thơ càng hay, càng tạo được sự rung cảm nơi người đọc, sẽ gặp trái tim nhân loại, sẽ chạm tới nỗi lòng của bao người. Nếu không, thơ chỉ là sự lắp ghép ngôn từ hoa mĩ, những cảm xúc giả dối,… không thể tìm được tiếng lòng đồng điệu nơi người đọc.

Thơ càng “riêng” thì lại càng dễ thành “của chung”

+ Tính riêng của thơ là cảm xúc riêng, góc nhìn riêng, cách cảm riêng của người nghệ sĩ, là yêu cầu khắt khe của thơ ca, nghệ thuật và bạn đọc.

+ Từ cái riêng ấy, thơ ca phải chạm được vào cái chung của nhân loại, phải trở thành tiếng lòng chung của nhiều người.

+ Thơ ca càng riêng, càng độc đáo càng dễ thành của chung, tức là càng được đón đợi, nhận được nhiều sự tri âm đồng điệu.

+ Thơ biểu hiện những cảm xúc, nỗi niềm riêng tư của người nghệ sĩ. Những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người và cuộc đời. Những sáng tác đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người.

 
* Chứng minh 7,0
Trong quá trình bàn bạc, luận giải thí sinh cần biết kết hợp lựa chọn và phân tích cảm nhận một số tác phẩm thơ tiêu biểu, mới mẻ, giàu sức thuyết phục để làm sáng tỏ quan điểm của PGS.TS. Lê Quang Hưng:

–   Nhà thơ cần thành thực đi đến tận lòng mình thì sẽ gặp trái tim nhân loại, sẽ chạm tới nỗi lòng của bao người.

–  Thơ càng “riêng” thì lại càng dễ thành “của chung”.

 
* Đánh giá, nâng cao vấn đề 1,0
–   Nhận định của Lê Quang Hưng khẳng định vai trò quan trọng của hai yếu tố: sự thành thực và nét riêng trong cảm xúc của nhà thơ trong quá trình sáng tạo.

–   Ý kiến đặt ra bài học quan trọng đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tác: Sống thật với chính mình, có những tình cảm phong phú, cao đẹp, biết mở rộng tâm hồn mình trước cuộc đời, con người; đồng thời phải là những nghệ sĩ ngôn từ, tạo ra được dấu ấn phong cách nghệ thuật độc đáo, mới mẻ.

+ Đối với người đọc: Biết cảm nhận, thấu hiểu và trân trọng những tâm tư, tình cảm, tiếng lòng mà nhà thơ gửi gắm trong mỗi vần thơ, để từ đó bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mình, tri âm và đồng sáng tạo với nhà văn.

 
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,5
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,5
                             Tổng điểm 20,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *