SỞ GD VÀ ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT LÊ LAI
|
ĐỀ THI KHẢO SÁT HS GIỎI LỚP 12
NĂM HỌC 2023 -2024 Môn: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 150 phút (Đề thi gồm có 02 trang) |
PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Napoleon – người chinh phục cả thế giới – đã nói: “Những ngày hạnh phúc thực sự của tôi gộp lại chưa được một tuần”, còn Helen Keller – người phải gánh chịu ba tầng khuyết tật: mù, câm, điếc – lại nói: “Cuộc đời tôi không có một ngày nào là không hạnh phúc.”
Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác. Không bám víu vào sự đánh giá hay thương hại của người khác, chỉ có chủ kiến của riêng mình mới sản sinh ra sự mãn nguyện và lòng biết ơn, điều này sẽ dẫn tới hạnh phúc.
Có khi nào tự bản thân bạn đã thấy hài lòng và vui vẻ rồi, nhưng để thuận mắt “người thứ ba” không rõ chân tướng mà bạn cứ phải nhìn trước ngó sau? Nỗi bất mãn ngày một lớn dần của bạn có phải xuất phát từ việc quá bận tâm đến người khác không?
Tất nhiên, không thỏa mãn với hiện tại, luôn buộc chính mình phải phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống là một phẩm chất hết sức quý giá đối với sự trưởng thành của bản thân. Bên cạnh đó, cũng có giả thuyết cho rằng ý niệm bản ngã của chúng ta vốn giống như một chiếc gương tạo nên từ sự đánh giá và công nhận của người khác. Nhưng cần phải tự do, không bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác, như thế mới có thể tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc…
Tôi xin hỏi:
Hôm nay, bạn là chủ nhân của hạnh phúc bản thân, hay nô lệ của ánh mắt người đời?
Triết lý sống của riêng bạn là gì? Bạn có đủ dũng khí để biến triết lý đó thành sự thật?
(Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, Rando Kim, Kim Ngân dịch,
NXB Hà Nội 2016, tr.249-250)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1(1,0 điểm):Theo tác giả, điều gì khiến con người tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc?
Câu 2(1,5 điểm):Những câu hỏi mà người viết đặt ra trong đoạn trích hướng tới mục đích gì?
Câu 3(1,5 điểm):Vì sao tác giả cho rằng: “Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác”?
Câu 4 (2,0 điểm):Nêu triết lí sống của riêng anh/chị và lí giải vì sao chọn triết lí ấy?
II.PHẦN LÀM VĂN (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm):
“Hôm nay, bạn là chủ nhân của hạnh phúc bản thân,hay là nô lệ của ánh mắt người đời?”
Từ trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận trả lời câu hỏi trên.
Câu 2 (10,0 điểm):
Trong Mấy ý nghĩ về thơ, Nguyễn Đình Thi viết: “Cái kì diệu ấy của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu, trong nhạc của thơ. Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắctrắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai… Nhạc của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhạc điệu bên trong, một thứ nhạc của hình ảnh, của tình ý, nói chung là của tâm hồn.”
(Ngữ văn 12,Tập một, NXBGD 2016, tr.58-59)
Anh/chị hãy lắng nghe nhạc điệu bên ngoài và nhạc điệu bên trong của bài thơ “Tây Tiến”[1] (Quang Dũng).Từ đó, hãy chia sẻ kinh nghiệm lắng nghe tiếng nhạc kì diệu của thơ.
HƯỚNG DẪN CHẤM
(Hướng dẫn có 08 trang) |
ĐỌC – HIỂU (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (1,0 điểm):
Theo tác giả, điều khiến con người tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc là : tự do, không bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác.
* Lưu ý: Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 2 (1,5 điểm): Những câu hỏi mà người viết đặt ra trong đoạn trích hướng tới mục đích:
-Thể hiện sự suy tư, trăn trở của tác giả về hạnh phúc thật sự của con người.(0,75 điểm)
-Tăng tính đối thoại với người đọc về vấn đề cần bàn luận.(0,75 điểm)
* Lưu ý:Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 3 (1,5 điểm): Tác giả cho rằng: “Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác”vì :
– Mỗi con người đều có chủ kiến về giá trị bản thân và quan niệm riêng về hạnh phúc.nên không thể áp đặt quan niệm của bản thân với quan niệm của người khác.(1,0 điểm)
– Những lời bình phẩm tùy tiện có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm nhận về hạnh phúc của người khác.(0,5 điểm)
* Lưu ý:Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 4 (2,0 điểm):
– HS nêu triết lí sống của riêng mình nhưng không ngược với chuẩn mực đạo đức và pháp luật (0,5 điểm)
– Lí giải: (1,5 điểm)
+ Lí giải hợp lí, thuyết phục, sâu sắc về vấn đề (1,5 điểm)
+Có ý thức lí giải hợp lí(1,0 điểm)
+Có ý thức lí giải nhưng còn chung chung, sơ sài(0,5 điểm)
+Không lí giải thì không cho điểm.
VD: Hãy sống thật với chính mình.
Vì:
- Sống là chính mình, ta mới được là mình, được làm điều mình thích, được sống trọn vẹn với cảm xúc, đam mê, lí tưởng, hoài bão, khát vọng của bản thân.
- Nếu sống không được là chính mình ta sẽ đẽ trở thành kẻ giả tạo hoặc rất mệt mỏi để cố làm vừa lòng người khác. Khi ấy, hạnh phúc mà ta có được cũng không phải là hạnh phúc trọn vẹn.
- LÀM VĂN (14,0 ĐIỂM)
Câu 1 (4,0 điểm):
Yêu cầu chung:
– Học sinh biết viết một đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo dung lượng.
– Lập luận rõ ràng, có sức thuyết phục
– Diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, có giọng điệu riêng.
Yêu cầu cụ thể:
-Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:HS nêu câu trả lời riêng của bản thân:
+Hoặc thấy mình là chủ nhân của hạnh phúc bản thân .
+ Hoặc thấy mình là nô lệ của ánh mắt người đời.
+Hoặc ý kiến khác.
– Triển khai vấn đề cần nghị luận:HS vận dụng phối hợp các thao tác lập luận và trải nghiệm của bản thân để bày tỏ quan điểm riêng một cách hợp lí, thuyết phục, sâu sắc theo những cách khác nhau. Sau đây là một số định hướng:
+ Nếu bạn là chủ nhân của hạnh phúc bản thân:
++Ý nghĩa: Là chủ nhân của hạnh phúc cá nhân, bạn được chủ động kiến tạo cuộc sống cho mình; được sống là chính mình, được sống thật với những cảm xúc, giá trị, tài năng vốn có; khám phá và phát huy được tiềm năng của bản thân, làm những điều mình thích; cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.
++ Bài học:Để trở thành chủ nhân của hạnh phúc bản thân, mỗi người cần xác định cho mình mục đích, lí tưởng sống cao đẹp; đặt hạnh phúc cá nhân trong mối quan hệ với hạnh phúc cộng đồng.
++ Là chủ nhân của hạnh phúc bản thân nhưng mỗi người cũng cần đặt mình dưới ánh mắt người đời để ta soi vào, nhận diện và hoàn thiện bản thân, khi đó hạnh phúc mới thực sự trọn vẹn.
+ Nếu bạn là nô lệ của ánh mắt người đời:
++ Là nô lệ của ánh mắt người đời, bạn không chủ động được cuộc sống của mình; cách nhìn, cách suy nghĩ, đánh giá, thái độ, cảm xúc của người khác sẽ chi phối bản thân bạn; khiến bạn đánh mất chính mình , trở thành cái bóng của người khác.
++ Để không trở thành nô lệ dưới con mắt người đời, con người cần có bản lĩnh, có chính kiến, chủ động trong suy nghĩ, công việc…
+Ý kiến riêng:HS nêu kiến giải riêng một cách hợp lí, thuyết phục.
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 3,5 – 4,0: Viết đoạn văn có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt tốt.Có giọng điệu riêng.
– Điểm 2,75 – 3,25: Viết đoạn văn có sức thuyết phục, biết cách lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo về ý. Diễn đạt rõ ràng.
– Điểm 2,0 – 2,5: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn, triển khai được vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0,25 – 1,75: Viết đoạn văn còn nhiều hạn chế về ý tứ, về lập luận, về diễn đạt.
– Điểm 0: Làm sai hoặc không làm.
Câu 2 (10,0 điểm)
Yêu cầu chung:
– Biết cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
– Bố cục bài mạch lạc, chặt chẽ.
– Biết cách phối hợp linh hoạt các thao tác lập luận, kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận.
– Diễn đạt lưu loát, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc.
Yêu cầu cụ thể:HS có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là một gợi ý:
I.Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
-Giới thiệu nhận định của Nguyễn Đình Thi, tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến.
- Giải thích ý kiến (1,5 điểm)
1.1. Giải thích :
–Nhạc điệu bên ngoài: là nhạc điệu được tạo nên bởi cách tổ chức các yếu tố ngôn ngữ: thể thơ, thanh điệu, vần điệu, cách ngắt nhịp …
– Nhạc điệu bên trong: là nhạc điệu của tâm hồn nhà thơ, được tạo nên bởi hình ảnh, tình ý .
à Nội dung ý kiến: Nguyễn Đình Thi khẳng định nhạc điệu là yếu tố làm nên điều kì diệu của ngôn ngữ thơ. Nhạc điệu của thơ là sự phối hợp giữa nhạc điệu bên trong và nhạc điệu bên ngoài.
1.2.Cơ sở: Nhận định của Nguyễn Đình Thi bắt nguồn từ đặc trưng của thơ (Thơ là một hình thức sáng tác văn học thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm “Thi trung hữu nhạc”).
III.Lắng nghe nhạc điệu trong Tây Tiến –Quang Dũng (6,0 điểm)
1.Nhạc điệu bên ngoài(2,0 điểm ): HS biết cách chọn lọc DC, phân tích để làm sáng tỏ vấn đề.
– Thể thơ: Thể thơ thất ngôn mang âm hưởng trầm hùng, cổ kính làm sống lại thể hành cổ xưa.
– Cách gieo vần: Bài thơ được gieo vần vừa liên tiếp vừa gián cách,với những âm mở (ơi, chơi vơi, hơi, trời, khơi…) đặt cuối các câu thơ tạo âm hưởng ngân dài, vang xa.
– Cách sử dụng từ ngữ:
+ Từ láy:Những từ láy: chơi vơi,thăm thẳm, chiều chiều, đêm đêm,đong đưa… như những nốt nhạc luyến láy, hồi hoàn, da diết.
+ Từ Hán-Việt: đoàn binh, biên cương, viễn xứ, khúc độc hành… gợi âm hưởng hào hùng, bi tráng, trang trọng, thiêng liêng của một khúc tráng ca.
– Cách phối thanh điệu: Phối hợp nhịp nhàng giữa các thanh bằng – trắc: thanh trắc mang âm hưởng rắn rỏi, gân guốc, trúc trắc đan xen là những thanh bằng mang âm hưởng nhẹ nhàng, êm đềm, mênh mang.
– Nhịp điệu: ngắt nhịp linh hoạt4/3, 2/2/3 … cùng với nghệ thuật đối xứng tạo nên bản hòa âm Tây Tiến.
àNhạc điệu bên ngoài đưa Tây Tiến trở thành bản nhạc ngôn ngữ, hội tụ những đặc sắc trong nghệ thuật biểu hiện nhạc tính trong thơ.“Đọc Tây Tiến, có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng”-Xuân Diệu.
Nhạc điệu bên ngoài là yếu tố hình thức đầu tiên lôi cuốn và lay thức người đọc, là chiếc chìa khóa giúp người đọc khám phá nhạc tính của một thi phẩm.
- Nhạc điệu bên trong (3,5 điểm):HS biết cách chọn lọc DC, phân tích để làm sáng tỏ vấn đề.
2.1. Nhạc điệu hào hùng, bi tráng (1,5 điểm):
– Hào hùng : Cảm xúc mãnh liệt về một thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, hoang sơ vừa dữ dội, khắc nghiệt ; cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp lí tưởng của người lính Tây Tiến.
– Bi tráng: Sự đồng cảm với những gian khổ của đời sống chiến trường; ca ngợi sự hi sinh bi tráng, khẳng định sự bất tử của người lính Tây Tiến.
2.2.Nhạc điệutrữ tình,lãng mạn(2,0 điểm):
– Trữ tình: Nỗi nhớ da diết bao trùm, trải dọc bài thơ như những tia hồi quang về miền kí ức; cảm xúc bâng khuâng, man mác về một thiên nhiên miền Tây thơ mộng, trữ tình.
– Lãng mạn: Cảm xúc nhớ nhung, khắc khoải về những kỉ niệm ấm tình quân dân; cảm xúc nồng nàn, xao xuyến về những khoảnh khắc lãng mạn; tâm hồn đa tình, hào hoa của người lính Tây Tiến.
à Lắng nghe nhạc điệu trong thơ ta thấy âm vang tâm hồn thi sĩ, hòa nhịp cùng tiếng lòng nhà thơ trước cuộc đời: “Thơ là tiếng lòng”- Diệp Tiếp.
Nhạc điệu bên trong là yếu tố để lại dư âm trong lòng người đọc, làm nên sức sống cho thi ca.
3.Sự hòa điệu giữa nhạc điệu bên ngoài và bên trong (0,5 điểm):
– Nhạc điệu bên ngoài là nhịp cầu nối để người đọc bước vào thế giới nhạc điệu bên trong tâm hồn thi sĩ. Nhà thơ đã tìm thấy ở nhạc điệu bên ngoài một hình thức biểu hiện mang xúc cảm thẩm mĩ. Tác phẩm thơ giá trị và có sức sống lâu bền phải là sự cộng hưởng của hai điệu nhạc ấy.
– Qua nhạc điệu trong thơ người đọc thấy được cái tài và tình của người nghệ sĩ.
- Đánh giá, bàn luận (1,0 điểm):
– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi ngắn gọn nhưng rất xác đáng, đã khẳng định được đặc trưng cơ bản của thơ. Ý kiến trên là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu của một nhà lí luận phê bình văn học và rung động thơ, thực tiễn sáng tác của một thi sĩ.
– Ý kiến là bài học cho người sáng tác thơ, đồng thời có tác dụng định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận thơ.
- IV. Chia sẻ kinh nghiệm lắng nghe tiếng nhạc kì diệu của thơ(1,0 điểm):
HS có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hợp lí, thuyết phục, sâu sắc. Tham khảo một số gợi ý:
-Cần tìm hiểu về đặc trưng của thơ và nhạc điệu trong thơ.
-Từ “nghe” nhạc điệu bên ngoài để “lắng” vào thế giới nhạc điệu trong tâm hồn nhà thơ.
-Cần có sự đồng điệu giữa người tiếp nhận thơ và người sáng tác thơ.
-Biết lắng nghe nhạc điệu của cuộc sống quanh ta để lắng nghe nhạc điệu trong thơ, ngược lại qua nhạc điệu trong thơ để rung động với những giai điệu của cuộc sống.
Lưu ý : HS nêu được từ 2 ý trở lên cho 1,0 điểm.
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 8,0 – 10,0: Bài làm có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, sâu sắc, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp, biết liên hệ, so sánh, mở rộng và chia sẻ kinh nghiệm phù hợp, sâu sắc. Diễn đạt tốt, có giọng điệu riêng.
– Điểm 7,0 – 7,75: Bài viết có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý, lập luận khá chặt chẽ, biết chia sẻ kinh nghiệm phù hợp. Diễn đạt rõ ràng.
– Điểm 5,0 – 6,75: Đảm bảo bố cục bài văn, triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Chia sẻ kinh nghiệm chung chung.Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt.
– Điểm 3,5 – 4,75: Bài làm còn nhiều hạn chế về ý, về lập luận, về diễn đạt. Không biết chia sẻ kinh nghiệm.
– Điểm 0,25 – 3,25: Bài làm còn mắc quá nhiều lỗi về kiến thức, về kĩ năng, không hoàn chỉnh.
– Điểm 0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài.
Lưu ý:
+Người chấm tránh đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá.
+ Khuyến khích những bài có kết cấu, ý tưởng sáng tạo, kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục.
+Thang điểm trên đây ghi điểm tối đa cho mỗi phần. Nếu thí sinh chưa đáp ứng được những yêu cầu về kĩ năng làm bài, chỉ phân tích tác phẩm, không có định hướng thì không cho điểm tối đa.
[1]Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục 2016