TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN CAO BẰNG TỈNH CAO BẰNG ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
LỚP 10 (Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)
|
Câu 1 (8,0 điểm)
Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề: Sống là chuyển động và hành động .
Câu 2 (12.0 điểm)
Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà thơ Nga, Mai-a-côp-xki đã viết:
“Phải tốn cả nghìn cân quặng chữ
Chỉ thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.”
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên bằng một vài dẫn chứng cụ thể.
______________________________Hết_______________________________
Người thẩm định Người ra đề
Nguyễn Thị Hoàn
ĐT 0912 127 154
HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kỹ năng
– Biết cách làm một bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
– Bố cục rõ ràng; diễn đạt trong sáng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ; lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Yêu cầu về kiến thức
Đây là dạng đề mở. Thí sinh có quyền tự do trình bày những suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Về cơ bản cần đạt được một số yêu cầu sau:
- Đặt vấn đề hợp lí (0,5 điểm)
- Giải thích luận đề (1,5 điểm):
– Sống là gì?
– Sống là chuyển động nghĩa là như thế nào?
– Sống là hành động nghĩa là như thế nào?
– Vấn đề cần bàn luận: Hành động sống tích cực, chủ động và năng động của con người, nhất là thanh niên để làm chủ cuộc đời, làm chủ tương lai.
- Bàn luận vấn đề (4,0 Điểm):
- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến:
– Con người trong cuộc sống luôn luôn phải có sự chuyển động, thay đổi về mọi mặt: tư duy, nhận thức, hành động, kỹ năng ứng xử … để làm thay đổi chính bản thân.
– Hành động là hệ quả tất yếu của chuyển động để tác động tích cực vào cuộc sống.
Như vậy, ý kiến trên là những phương châm sống đúng đắn và cần thiết đối với nhận thức và hành động của con người. Trong cuộc sống, cần kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này.
- Bàn luận mở rộng vấn đề:
– Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhịp độ phát triển khẩn trương hơn đòi hỏi con người phải liên tục chuyển động cho kịp với quỹ đạo cuộc sống. Trái lại nếu không chuyển động con người đễ trở thành kẻ tụt hậu, lạc lõng, cuộc sống trở nên vô ích, vô nghĩa. Tuy nhiên, sự chuyển động phải mang tính chất tích cực, lành mạnh, khác xa với lối ứng xử “gió chiều nào che chiều ấy”, a dua, xu thời (Dẫn chứng thực tế minh họa)
– Cuộc sống phức tạp với rất nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi con người phải hành động phù hợp với tinh thần sẵn sàng nhập cuộc, nắm bắt thời cơ thực hiện những kế hoạch trước mắt, điều chỉnh những kế hoạch lâu dài, tạo dựng một tương lai bền vững, củng cố niềm tin lạc quan vào cuộc đời. Tuy nhiên, phải là hành động đúng đắn với mục đích, động cơ tốt đẹp, phù hợp chuẩn mực đạo đức và lẽ sống của cộng đồng. Cần tránh những hành động toan tính, vị kỉ, tham vọng, chà đạp lên đạo lí, đốt cháy giai đoạn gây tác hại cho bản thân và mọi người. Mặt khác cũng cần khắc phục lối sống thụ động, trông chờ, ỷ lại, không hành động gì, sống mờ nhạt … (Dẫn chứng thực tế minh họa)
- Bài học và liên hệ b¶n th©n (2,0 ®iÓm)
– Khẳng định ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đối với việc tu dưỡng, phấn đấu của con người nói chung và của thanh niên hiện nay nói riêng.
– Bài học cho bản thân: luôn có sự chuyển động không ngừng về mọi mặt để nâng cao nhận thức và chọn phương châm sống tích cực; hành động nhạy bén để không bỏ lỡ cơ hội
– Chỉ có chuyển động và hành động tích cực mới phát huy hết vai trò năng động, tích cực, làm chủ mọi tình huống, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của cuộc sống và thời đại.
Câu 2 (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Nắm được cách làm bài nghị luận một ý kiến bàn về văn học: Vận dụng kiến thức làm rõ một nhận định
– Bố cục chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, dẫn chứng chọn lọc.
- Yêu cầu về kiến thức
HS có thể diễn đạt, lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng bài viết cần có các ý sau:
- Đặt vấn đề hợp lí (0,5 điểm)
- Giải thích ý kiến nhận định (2,0 điểm)
– Ngôn ngữ của tác phẩm văn học là ngôn ngữ của đời sống, của toàn dân đã được nhà văn, nhà thơ lựa chọn, trau chuốt, mài giũa để trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, có sức biểu đạt tinh tế, hàm súc.
– Muốn ngôn ngữ đạt đến trình độ nghệ thuật, người nghệ sĩ phải lao động công phu, chắt lọc từ ngàn cân quặng chữ để thu về một chữ mà thôi nhưng một chữ ấy phải đạt đến độ quí giá, hội tụ tính chính xác, tính hình tượng, tính truyền cảm, tính hàm súc, là “nhãn tự” làm rung động tâm hồn và trái tim người đọc ở muôn thế hệ.
– Như con ong hút nhụy hoa làm mật ngọt, người nghệ sĩ văn chương miệt mài tinh luyện ngôn ngữ để nhả ra những sợi tơ lòng giàu sức ngân rung, tìm được niềm cộng hưởng sáng tạo của độc giả .
=> Ngôn ngữ nghệ thuật là kết quả của khả năng quan sát tinh tế, nhạy bén, vốn sống phong phú và trình độ sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của người nghệ sĩ, có vai trò quan trọng làm nên giá trị và sức sống của tác phẩm văn chương.
=> Ý kiến bàn về công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, có giá trị như một sự đúc kết kinh nghiệm sáng tác đồng thời là sự định hướng cho người đọc trong quá trình đọc hiểu giá trị của tác phẩm văn chương cần chú ý phát hiện vai trò của ngôn ngữ, nhất là những “nhãn tự”.
- Chứng minh ý kiến bằng một vài dẫn chứng tự chọn (8,0 điểm)
3.1. Giai thoại “thôi xao” trong văn chương kể về việc Giả Đảo (Trung Quốc) suy ngẫm để chọn một từ đắt cho câu thơ: Tăng thôi nguyệt hạ môn/ Tăng xao nguyệt hạ môn
3.2. Tài năng sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong các đoạn trích tác phẩm Truyện Kiều:
* Đoạn trích “Trao duyên”:
– “Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
– “Duyên này thì giữ, vật này của chung”
=> Ngôn ngữ chính xác và giàu giá trị biểu cảm
* Đoạn trích “Những nỗi lòng tê tái”;
– “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
– “Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”.
=> Ngôn ngữ sáng tạo giàu giá trị gợi hình và biểu cảm.
.v.v…
- Tài năng sử dụng ngôn ngữ của Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ”:
– Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng.
=> Ngôn ngữ có tính hình tượng, giàu cảm xúc.
3.4. Tài năng sử dụng ngôn ngữ của Huy Cận trong bài thơ “Tràng giang”:
– “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
=> Ngôn ngữ giàu hình ảnh và sức gọi cảm
v.v….
- Bình luận ý kiến (1,0 điểm)
Ý kiến chính xác, đề cao vai trò lao động nghệ thuật của những ngưòi nghệ sĩ tâm huyết, tài năng. Vì:
– Quá trình lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ là sự lao tâm khổ tứ sàng lọc kho ngôn ngữ để thu về một chữ mới mẻ, đem đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ và nhân văn.
– Một chữ ấy phải thích hợp với đề tài và đối tượng miêu tả, với ngữ cảnh, đem đến hiệu quả nghệ thuật cao, làm rung động triệu triệu trái tim bạn đọc..
- Kết luận bài văn hợp lí (0,5 điểm)
BIỂU ĐIỂM;
Câu 1:
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, diễn đạt mạch lạc, văn có cảm xúc, dẫn chứng tiêu biểu
– Điểm 5 – 6,5: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu của đề, diễn đạt mạch lạc, văn có cảm xúc, dẫn chứng tiêu biểu
– Điểm 3 – 4,5 : Đáp ứng một nửa yêu cầu của đề, diễn đạt tương đối tốt, còn mắc một số lỗi.
– Điểm 1 – 2,5: Bài có ý nhưng sơ lược, dẫn chứng chưa chọn lọc, mắc nhiều lỗi.
– Điểm 0: Lạc đề hoặc không làm bài.
Câu 2:
– Điểm 11 – 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, diễn đạt mạch lạc, văn có cảm xúc, dẫn chứng tiêu biểu
– Điểm 9 – 10,5: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu của đề, diễn đạt mạch lạc, văn có cảm xúc, dẫn chứng tiêu biểu
– Điểm 7 – 8,5 : Đáp ứng cơ bản yêu cầu của đề, diễn đạt tương đối tốt, còn mắc một số lỗi.
– Điểm 5 – 6,5: Đáp ứng một nửa yêu cầu của đề, phân tích chưa sâu, còn mắc một số lỗi.
– Điểm 3 – 4,5: Bài có ý nhưng sơ lược, dẫn chứng chưa chọn lọc, mắc nhiều lỗi.
– Điểm 1 – 2,5: Ý sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả.
– Điểm 0: Lạc đề hoặc không làm bài.