Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 Hà Nội

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI

   TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN

ĐỀ XUẤT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI – ĐBBB 2015

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Câu 1 (8 điểm)

Ngày 03/01/2015, tờ báo Ap của Mỹ có đăng tải thông tin: Một chiếc máy bay Piper PA-34 loại nhỏ chở một gia đình 5 người đã rơi ở Kentucky nước Mỹ. Bốn người đã thiệt mạng, chỉ duy nhất bé gái Sailor Gutzler 7 tuổi còn sống sót. Em đã tự thoát khỏi hiện trường, vượt qua hai bờ đê và một con lạch trong bóng tối với điều kiện thời tiết đóng băng để đến nhà người dân cách đó khoảng 1 km để xin được giúp đỡ.

Ngày 12/01/2015, tờ báo Dân trí của Việt Nam đưa tin: Một nhóm sinh viên đi thám hiểm núi Bà Đen, Tây Ninh, Đông Nam Bộ. Trên đường leo lên đỉnh núi, một số bạn bị mệt, bị bong gân nên tâm lý hoang mang, lo sợ. Các bạn sinh viên này đã phải gọi điện nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Trong đêm hôm ấy, hơn 100 người đã đi tìm và đưa sinh viên xuống núi an toàn.

Anh, chị suy nghĩ gì về hai câu chuyện tóm tắt ở trên? Trình bày suy nghĩ của mình bằng một bài văn nghị luận.

Câu 2 (12 điểm)

“Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay” (Xuân Diệu).

Trình bày suy nghĩ của anh, chị về nhận định trên. Phân tích một vài bài thơ trung đại để làm sáng tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

……………..HẾT……………..

Người ra đề

Trần Thị Phương

SĐT: 0936496936

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

ĐỀ XUẤT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI – ĐBBB 2015

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
Câu 1 1 Xác định vấn đề: kỹ năng sống, khả năng tự lập của giới trẻ Việt Nam trong sự đối sánh với thế giới. Người Việt trẻ thiếu rất nhiều kỹ năng sống, khả năng tự lập, tự giải quyết vấn đề.  

1,0

2

3

Phân tích vấn đề  
– Khái niệm: kỹ năng sống là một tập hợp những kỹ năng mà con người có được thông qua quá trình học tập, lĩnh hội, đem kiến thức học được ứng dụng vào thực tế cuộc sống để xử lý những vấn đề, câu hỏi, tình huống cụ thể trong đời sống.

Được trang bị kỹ năng sống, con người có bản lĩnh và tự tin để đương đầu, ứng biến, vượt qua mọi tình huống, nghịch cảnh. Ngược lại, sự thiếu hụt kỹ năng sống sẽ khiến con người hoang mang lo sợ khi gặp thử thách, không có khả năng xoay xở giải quyết tình huống và hình thành tâm lý sợ hãi, chùn bước trước khó khăn.

 

1,0

– Hiện trạng: qua 2 ví dụ của đề bài, HS đưa thêm những ví dụ khác trong cuộc sống xung quanh của người Việt, so sánh với thế giới (VD: cách cư xử của người Nhật trước thảm họa; học sinh tiểu học Hàn Quốc được học cách đối phó với tai nạn tại Trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp Seoul, …) để thấy: Người Việt trẻ thiếu hụt nhiều kỹ năng sống cần thiết nhất, tối thiểu nhất trong cuộc sống như: tự phục vụ, tự sinh tồn, tự ứng phó thậm chí là tự suy nghĩ, tự trình bày ý kiến cá nhân, khả năng sáng tạo…  

2,0

– Hậu quả: đưa lại thói xấu chung cho người Việt trẻ và cả cộng đồng: không biết tự giải quyết tình trạng khó khăn của bản thân, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, không tự chịu trách nhiệm, sống dựa dẫm ỷ lại phụ thuộc, …  

1,0

– Nguyên nhân:

+ sự bao bọc của gia đình vô tình hình thành tâm lý thụ động, dựa dẫm

+ tư duy giáo dục chú trọng vào kiến thức sách vở vô tình làm hổng khuyết sự tự chủ trong hành vi

+ thói quen suy nghĩ của người Việt: không tin tưởng nên cũng không tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tự phát triển.

 

1,0

 

 

  3 – Phương hướng giải quyết: từ góc độ học sinh, nên tự rèn luyện, tự học những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng học tập và làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, …

– Liên hệ thực tế, bản thân, rút ra bài học.

2,0
Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 6: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 3 – 4:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 1 – 2: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

 

Câu 2

1 Giải thích  
– Ý kiến của Xuân Diệu nêu lên một cách khái quát yêu cầu của người đọc thơ đối với thơ ca:

+ Nguồn gốc của thơ ca: “Thơ phải xuất phát từ thực tại”: thơ được sinh ra từ trong hiện thực, cuộc đời → cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong cuộc sống: “Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”.

+ Nội dung của thơ ca phải thể hiện “một tâm hồn, một trí tuệ”: thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng của thi nhân để rồi đưa tình cảm, tư tưởng đó đến với môi người đọc. Thơ ca chính là tiếng nói của một cái tôi cá nhân với cuộc đời.

+ Nghệ thuật sáng tạo thơ ca “càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”: Thơ ca phải mang dấu ấn sáng tạo và thể hiện phẩm chất riêng biệt của thi nhân.

=> Tóm lại: đối với Xuân Diệu, một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, sâu sắc, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật để đem lại giá trị thẩm mĩ.

 

 

 

 

3,0

 
2 Chứng minh – Bình luận  
a. Cuộc sống là điểm xuất phát, là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú, là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật. Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa từ mảnh đất thực tế của thời đại mình. Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu không bắt nguôn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát li thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời bởi khi ấy, thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý “nghệ thuật vị nhân sinh” của mình.

HS đưa dẫn chứng cụ thể, phù hợp

 

 

 

2,5

b. Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng hiện thực đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy cần thấy rằng, thơ ca là cuộc đời nhưng không phải sự sao chép máy móc, mà phải được cảm nhận, thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Thơ ca là hình ảnh của đời sống tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính đời sống, tình cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy, nếu thơ không có tư tưởng, tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng nhạt nhẽo, vô vị, tầm thường, chỉ là sự làm xiếc ngôn từ vụng về, chẳng thể đánh lừa được người đọc.

HS đưa dẫn chứng cụ thể, phù hợp

 

2,5

c. Vẻ đẹp của thơ ca còn được đánh giá ở hình thức thể hiện. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, vì vậy thơ ca cũng đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, “càng cá thể, càng độc đáo càng hay”. Nhờ khả năng sáng tạo tuyệt vời mà các thi nhân luôn tìm ra những cách nói mới từ những điều đã cũ. Nếu không có sáng tạo, không có phẩm chất riêng thì tác phẩm và tác giả sẽ không thể tồn tại trong văn chương. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ,…

HS đưa dẫn chứng cụ thể, phù hợp

 

2,5

   

3

Mở rộng:

Bài học đối với người sáng tác và người tiếp nhận thơ ca.

– Nhà thơ: trau dồi vốn sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo.

– Bạn đọc: tiếp nhận tác phẩm bằng toàn bộ thế giới tinh thần của mình trên tinh thần đối thoại, đồng sáng tạo với nhà thơ.

 

1,5

Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

 

Trần Thị Phương

SĐT: 0936496936

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *