2017 Đề nguồn DHBB K11 tỉnh đề đề xuất DH 2017 (Van11_HY) Hưng Yên

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HƯNG YÊN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

 

 

(Đề thi gồm 01 trang)

ĐỀ ĐỀ XUẤT THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI- ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC: 2016 – 2017

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Câu 1 (8 điểm)

Có ý kiến cho rằng “Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống. Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”

Suy nghĩ của anh/ chị về câu nói trên

Câu 2 (12,0 điểm)

          Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: “Nó cắt ra một mảnh nhỏ của hiện thực, đặt mảnh ấy vào trong những giới hạn nào đó, nhưng nhờ vậy tác phẩm sẽ bung ra như một cú nổ làm mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều” (Julio Cotázar, Về truyện ngắn và truyện cực ngắn, Hoàng Ngọc Tuấn dịch).

Anh chị hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên qua một vài truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

         

————— Hết —————

 

Người ra đề: Đỗ Thúy Phương

SĐT: 0984385816

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯNG YÊN

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ ĐỀ XUẤT THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI – ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

NĂM HỌC: 2016 – 2017

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

Câu 1: (8 điểm)

  1. Kĩ năng

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí

– Biết cách kết hợp các thao tác nghị luận để thuyết phục người đọc, người nghe.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch  lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế mắc lỗi…

  1. Kiến thức.

Thí sinh có nhiều cách khác nhau để triển khai vấn đề nhưng về cơ bản cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

  1. Giải thích

Thở dài: Thái độ bi quan, chán nản, tuyệt vọng, buông xuôi

Vươn vai sống: Chỉ sự lạc quan, nỗ lực vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh chán nản, tuyệt vọng.

Bùn: Tượng trưng cho những sai lầm, khó khăn, thất bại… hay  bất hạnh, khổ đau trong cuộc sống

Nắng: Tượng trưng cho những gì tốt đẹp, tươi sáng

=> Câu nói đã đề xuất một thái độ sống tích cực: dù có rơi vào hoàn cảnh nào cũng không bi quan, ngược lại phải luôn lạc quan, nỗ lực hết mình. Với thái độ sống tích cực ấy những thất bại, khổ đau… chỉ là những vật cản tạm thời, là quá khứ đã qua,  chờ đợi họ ở phía trước là những thành công, là tương lai tươi sáng

  1. Bình luận

Thái độ sống lạc quan là cần thiết vì:

– Cuộc sống luôn chưa đựng những khó khăn, thử thách, những bất hạnh, khổ đau…vì vậy nên coi đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống.

– Trước những thất bại, khổ đau… chỉ thái độ lạc quan  mới giúp ta bình tĩnh, lý trí tỉnh táo để đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân, chỉ có thái độ sống lạc quan mới giúp ta vượt qua những tai ương  để tiến về phía trước. Ngược lại, nếu cứ chìm đắm trong buồn bã, tuyệt vọng, con người sẽ gục ngã, đầu hàng số phận….

– Lạc quan là một đức tính tốt cần được rèn luyện vì khi con tim và khối óc không vướng buồn  sầu sẽ làm cuộc sống nhẹ nhàng, hạnh phúc và thêm phần ý nghĩa

…….

  1. Mở rộng

– Phê phán những con người không cố gắng vượt qua những buồn nản của bản thân, dễ dàng buông xuôi trước hoàn cảnh.

– Lạc quan trong cuộc sống là cần thiết nhưng lạc quan phải luôn đi liền với hành động  thiết thực, cụ thể và một ý chí vững vàng chứ không phải là sự né tránh những khó khăn, thử thách…

  1. Rút ra bài học cho bản thân

III. Biểu điểm

Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.

Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt

Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

Câu 2: (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng:

– Làm tốt bài nghị luận về đặc trưng của thể loại truyện ngắn; thể hiện tốt năng lực vận dụng tri thức lí luận văn học và năng lực cảm thụ thẩm mĩ; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, bình luận, chứng minh…; hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

          Trên cơ sở nắm vững đặc trưng của thể loại truyện ngắn và kiến thức về một vài truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945, thí sinh có thể trình bày bài viết theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1.Giải thích.

Truyện ngắn: Thể loại tự sự cỡ nhỏ, “thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người” (Từ điển thuật ngữ văn học).

– Truyện ngắn được coi như “lát cắt của đời sống”. Nó không có khả năng bao chứa toàn bộ hiện thực đời sống hay những mảng hiện thực rộng lớn mà chỉ là những “mảnh nhỏ” được “đặt trong giới hạn nhất định”.

– Tuy vậy, từ một hình thức trần thuật ngắn gọn, truyện ngắn có khả năng khái quát lên các vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về con người và xã hội; nó chứa đựng sức khai phóng tiềm tàng đến kinh ngạc bung ra như một cú nổ, từ một mảnh nhỏ mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều.

Ý kiến trên đã khẳng định một đặc trưng quan trọng về khả năng phản ánh hiện thực của truyện ngắn: đây là thể loại có sức chứa lớn với khả năng bùng nổ và phản ánh hiện thực rộng hơn nhiều lần hiện thực được phản ánh trực tiếp trong tác phẩm.

  1. Bình luận

          Đây là ý kiến đúng đắn, khẳng định được một phương diện cơ bản trong đặc trưng phản ánh hiện thực của truyện ngắn:

+ Truyện ngắn chỉ là những mảnh nhỏ của hiện thực đời sống, nó luôn chịu giới hạn của dung lượng; số nhân vật, sự kiện; cốt truyện thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế…

+ Song thực tế, từ một lát cắt nhỏ, truyện ngắn có thể giúp bạn đọc thấy cả một đời thảo mộc, từ một mảnh nhỏ, truyện ngắn vẫn sức khái quát những mảng hiện thực rộng lớn, thể hiện chiều sâu bản chất của đời sống xã hội.

+ Làm được điều đó là nhờ khả năng xây dựng các chi tiết có dung lượng lớn, lựa chọn hình tượng nghệ thuật, kết cấu giàu ý nghĩa, lối hành văn mang ẩn ý tạo cho tác phẩm chiều sâu không nói hết…

  1. Chứng minh:

– Thí sinh chọn và phân tích một vài truyện ngắn trong số các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 để làm sáng tỏ vấn đề đang bàn luận. Chú ý làm nổi rõ cả hai đặc điểm: cắt ra một mảnh nhỏ của hiện thựcmở ra một hiện thực rộng hơn rất nhiều lần.

  1. Mở rộng, đánh giá tổng kết

– Đặc trưng trong khả năng phản ánh hiện thực giúp phân biệt truyện ngắn và các thể loại khác – nhất là tiểu thuyết.

– Người sáng tác và bạn đọc luôn cần chú ý tới độ căng hiện thực trong tác phẩm, từ mảnh nhỏ của hiện thực mà suy ngẫm về hiện thực rộng hơn nhiều lần…

III. Biểu điểm:

– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo.

– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 8-9:  Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, tri thức lí luận văn học nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

* Lưu ý chung: Khi chấm bài, giám khảo vừa bám sát đáp án và biểu điểm, vừa linh hoạt; trân trọng những suy nghĩ riêng của thí sinh nếu thấy hợp lí, thuyết phục.

                                                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *