2017 Đề nguồn DHBB K11 ĐỀ DUYÊN HẢI MÔN VĂN 112017 (1)

 

 

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

NĂM 2017

Thời gian làm bài: 180 phút

( Đề thi gồm 01 trang)

 

 

Câu 1 (8,0  điểm)

Adora Svitak – nữ diễn giả và hoạt động xã hội Mỹ sinh năm 1997 – khẳng định:

Những người trẻ đừng bao giờ chờ đợi phải tới lúc lớn, lúc học xong mới có thể làm gì đó để thay đổi thế giới.

Hãy đặt mình vào vị trí của người đối thoại để tranh luận với Adora Svitak và bày tỏ quan điểm cá nhân của anh/chị về lời khẳng định trên.

 

Câu 2 (12,0  điểm)

Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có một truyện ngắn hay, có ý kiến cho rằng: Viết ra không khó, cái khó là tìm được những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi. Ý kiến khác lại cho rằng: Điều quan trọng không phải là câu chuyện được kể, mà là cách kể.

Anh/chị hiểu như thế nào về hai ý kiến trên? Hãy bày tỏ quan điểm của mình qua việc phân tích một truyện ngắn tự chọn thuộc giai đoạn văn học Việt Nam 1930 – 1945.

 

——– HẾT ——–

 

Người ra đề: Lương Tuyết Mai

Sđt: 0987414617

 

HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN 11

Câu 1. (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh biết cách vận dụng kĩ năng làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

  1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Những người trẻ cần sống có trách nhiệm đối với xã hội bằng những hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp.

  1. Bày tỏ suy nghĩ về vấn đề cần nghị luận

HS có thể bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến của Adora Svitak nhưng lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục, biết kết hợp giữa việc đưa luận điểm với phân tích dẫn chứng trong thực tế cuộc sống.

Dưới đây là thí dụ về một hướng triển khai cụ thể:

+ Những người trẻ có thể làm gì đó để thay đổi thế giới mà không cần chờ tới lúc lớn, lúc học xong bởi đó chính là cách tạo ra tiếng nói của riêng mình, từ đó góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là con đường giúp mỗi người trẻ từng bước trưởng thành..Nếu cứ đợi đến lúc học xong, ta có thể trở nên ỷ lại, thụ động, thiếu kiến thức thực tế…

+ Biểu hiện: chung tay hành động trước những vấn đề toàn cầu (môi trường, biến đổi khí hậu..);  hành động để chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh; tham gia các hoạt động đoàn thể…

+ Làm gì đó để thay đổi thế giới nhưng không vì thế mà sao nhãng việc học tập, hoặc làm những việc quá khả năng của mình, hoặc vi phạm những chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật…

  1. Bài học

– Học sinh tự liên hệ, rút ra bài học về nhận thức và hành động của bản thân.

III. Cách cho điểm:

7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.

5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, không có sai sót lớn về diễn đạt.

3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi.

1 – 2 điểm: Hiểu vấn đề lơ mơ; mắc quá nhiều lỗi.

Câu 2. (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, biết lựa chọn tác phẩm tiêu biểu, biết phân tích, cảm thụ để làm sáng tỏ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

– Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  1. Giải thích hai ý kiến

– Ý kiến thứ nhất: Từ việc nêu cách hiểu về các cụm từ những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi, học sinh cần khái quát được nội dung chính của ý kiến này là nhấn mạnh vai trò của nội dung tư tưởng trong việc tạo nên giá trị của một truyện ngắn.

– Ý kiến thứ hai: Học sinh giải nghĩa được các cụm từ câu chuyện được kể và cách kể, từ đó khái quát nội dung của ý kiến này là nhấn mạnh đến vai trò của hình thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trần thuật trong việc tạo nên nét đặc sắc cho một tác phẩm truyện ngắn.

  1. Trình bày suy nghĩ về hai ý kiến

– Học sinh có thể đồng tình với một trong hai ý kiến, cũng có thể đồng tình với cả hai bởi thực chất hai ý kiến này không hoàn toàn đối lập loại trừ nhau mà chỉ là những cách nói nhấn mạnh, bổ sung cho nhau để giúp ta nhận thức rõ hơn về giá trị thực sự của một tác phẩm truyện ngắn. Dù bày tỏ quan điểm theo hướng nào, học sinh cũng cần có những luận giải phù hợp, chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

– Ý kiến thứ nhất đề cao vai trò của nội dung tư tưởng, bởi đó là yếu tố quan trọng trong truyện ngắn. Không giống như tiểu thuyết, truyện ngắn là một lát cắt của đời sống, một khoảnh khắc đầy ý nghĩa mà nhà văn lựa chọn để chuyển tải thông điệp của mình. Vì vậy lựa chọn câu chuyện đáng kể và chắt lọc những tư tưởng mới mẻ nhân văn là điều tạo nên sức hấp dẫn đáng kể cho truyện ngắn.

– Ý kiến thứ hai nhấn mạnh vai trò của hình thức nghệ thuật, bởi cách kể câu chuyện như thế nào cũng là một vấn đề then chốt tạo nên cái hay cho truyện ngắn. Cùng một cốt truyện, một chủ đề, nhà văn sáng tạo tình huống, sắp đặt trình tự kể, lựa chọn ngôi kể, giọng điệu, linh hoạt điều chỉnh tốc độ kể nhanh hay chậm, phối hợp đa dạng các điểm nhìn trần thuật…Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó sẽ tạo nên sự lôi cuốn cho câu chuyện, đưa người đọc vào thế giới nghệ thuật riêng biệt mà nhà văn sáng tạo nên.

– Hai yếu tố trên thực ra thống nhất và gắn bó với nhau vô cùng chặt chẽ. Nội dung tư tưởng sâu sắc bao giờ cũng chỉ được làm nổi bật khi nó được chuyển tải qua một hình thức phù hợp. Và ngược lại, nếu hình thức nghệ thuật độc đáo hấp dẫn nhưng câu chuyện kể và tư tưởng của nhà văn cũ kĩ sáo mòn hoặc thậm chí lệch lạc thì sức sống của tác phẩm truyện ngắn đó cũng không thể bền lâu…

  1. Phân tích một truyện ngắn tự chọn để làm sáng tỏ quan điểm của bản thân.

– Học sinh có thể lựa chọn bất kì truyện ngắn nào trong chương trình thuộc văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945  và phân tích theo định hướng lý luận như trên để làm rõ quan điểm của mình. Tránh phân tích lan man dài dòng không cần thiết hoặc diễn xuôi văn bản.

  1. 4. Đánh giá, mở rộng vấn đề:

– Yêu cầu đối với người sáng tác: Để tạo nên một truyện ngắn hay, nhà văn cần phải biết đi sâu vào đời sống để tìm hiểu và khai phá chất liệu hiện thực, từ đó chắt lọc những tư tưởng lớn lao giàu ý nghĩa nhân văn, mang tinh thần thời đại; đồng thời không ngừng lao động và sáng tạo để tạo nên sự hài hòa cân xứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật…

– Yêu cầu đối với người tiếp nhận: Người đọc cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc tiếp nhận những giá trị nội dung tư tưởng  và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện ngắn, làm giàu cho đời sống tâm hồn và thị hiếu thẩm mỹ của mình.

III. Cách cho điểm:

– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Diễn đạt giàu chất văn, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, phân tích sâu sắc.

– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc liệt kê dẫn chứng đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 1-3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu thuật kể dẫn chứng. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.

———-Hết———-

Người soạn đáp án: Lương Tuyết Mai

                                                                      Sđt: 0987414617

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *