2017 Đề nguồn DHBB K11

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG 

———————        

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

KÌ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2016-2017

MÔN THI: NGỮ VĂN. LỚP 11

Ngày thi: 15 tháng 4 năm 2017

Thời gian làm bài: 180 phút                                      

(Đề thi gồm 01 trang)

 

Câu 1: (8,0 điểm)

Suy nghĩ của anh/chị về câu nói của Thomas Jefferson – Tổng thống Mỹ, tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ:

            “Với xu hướng, hãy bơi theo dòng; với nguyên tắc sống, hãy vững như bàn thạch 

 

Câu 2 (12 điểm):

         Nhà văn Phạm Thị Hoài cho rằng: “Những truyện ngắn hay – theo cảm nhận của tôi – thường gắn với thơ (…). Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ thơ và người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn xuôi, bề ngoài mang tính cha mà bên trong mang tính mẹ”.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ ý kiến trên qua một truyện ngắn tự chọn thuộc chương trình Ngữ văn lớp 11.

– Hết –

Người ra đề: Nguyễn Thị Lê Nguyệt – 01252.111.176

 

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG 

———————        

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN THI: NGỮ VĂN. LỚP 11

Ngày thi: 15 tháng 4 năm 2017

Thời gian làm bài: 180 phút                                      

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn chấm có 05 trang)

  1. Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất của kỳ thi là để chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có những ý tưởng mới mẻ, cách trình bày sáng tạo.

– Việc chi tiết hoá hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý, được thống nhất trong tổ chấm thi và được trưởng ban chấm thi duyệt.

– Điểm toàn bài lẻ đến 0,25.

  1. Hướng dẫn chấm từng câu

Câu 1 (8 điểm)

  1. a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (1 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  2. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (1 điểm): Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Quan điểm sống, cách sống
  3. c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (5,0 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

 

Nội dung cần đạt Điểm
Nêu vấn đề: Quan điểm sống, cách sống 0.5
Giải thích, cắt nghĩa:

Với xu hướng, hãy bơi theo dòng: cập nhật, vận dụng, theo kịp những xu hướng phát triển chung của nhân loại, của thời đại

Với nguyên tắc sống, hãy vững như bàn thạch: kiên định, vững vàng với những nguyên tắc sống, với những kế hoạch, khát vọng, niềm tin của bản thân mình.

– Câu nói đưa ra 1 quan điểm sống: con người nên linh hoạt, cập nhật những xu hướng mới của thời đại nhưng luôn luôn giữ vững nguyên tắc sống và niềm tin của bản thân.

1.0

 

 

Bàn luận, đánh giá:

– Bày tỏ được thái độ, đánh giá của cá nhân người viết về quan điểm được nêu ra trong câu nói; thấy được tính chất tiến bộ, tích cực của quan điểm:

+ Linh hoạt, mềm dẻo, thích ứng được với xu hướng chung của thời đại là 1 yếu tố cần thiết, quan trọng của thành công. Xu hướng chung của thời đại cung cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của cá nhân; thành tích của cá nhân phù hợp với xu hướng cũng được ghi nhận, được khẳng định.

+ Nhưng cần vững vàng, kiên định với những nguyên tắc sống của bản thân đã đặt ra, đã hướng tới. Mỗi con người có ý nghĩa, có giá trị thực sự khi xác định được rõ ràng và bảo vệ, giữ gìn được những nguyên tắc, những định hướng cho cuộc đời mình.

– Bàn luận, xem xét vấn đề ở góc độ tích cực:

+ Theo xu hướng chung không có nghĩa là a dua, đua theo

+ Vững như bàn thạch trong giữ gìn nguyên tắc sống không có nghĩa là khư khư bảo thủ, chối bỏ cái tốt, cái hay

– Hiểu sâu, hiểu toàn diện ý kiến: Con người cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, cũng cần có những nguyên tắc không thay đổi. Chính sự hài hòa ấy mới giúp con người thật sự trưởng thành, thành công, không bị tụt hậu, cũng không hòa tan, đánh mất mình.

(Lấy được dẫn chứng và phân tích, chứng minh vấn đề: có thể khẳng định ý nghĩa của quan điểm bằng chính cuộc đời của tác giả: Thomas Jefferson: Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ, tác giả Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ)

2.0

1.0

 

 

 

 

 

 

 

0.5

 

 

 

0.5

 

 

 

 

Bài học nhận thức và hành động

– Nêu được những suy nghĩ và nhận thức của mình về ý nghĩa vấn đề tác động tới cá nhân; nêu được định hướng, quan điểm của mình sau khi hiểu rõ về vấn đề.

– Xác định được những việc sẽ làm, cần làm của bản thân để học tập, vận dụng.

1

0.5

 

0.5

Đánh giá vấn đề

Đánh giá ý nghĩa của quan điểm sống đã bàn luận/Nêu ý nghĩa việc bàn luận về vấn đề

0,5
  1. d) Sáng tạo (0,5 điểm): Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  2. e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

Câu 2 (12 điểm)

  1. a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (1 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  2. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (1 điểm): Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Một quan điểm, cách định nghĩa về giá trị truyện ngắn
  3. c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (8,0 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

 

Nội dung cần đạt Điểm
Nêu vấn đề: Một quan điểm, cách định nghĩa về giá trị truyện ngắn 0.5
Giải thích, cắt nghĩa:

– Truyện ngắn: Là một thể loại thuộc phương thức tự sự, phản ánh đời sống thông qua các chi tiết, sự kiện, nhân vật, tình huống nào đó, được kể lại bởi một người kể chuyện nhất định, qua đó bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả về đời sống nhân sinh.

– Truyện ngắn hay: là truyện ngắn có giá trị đã được thẩm định, đánh giá

– Thơ: là một thể loại thuộc phương thức trữ tình, lấy việc bộc lộ thế giới tình cảm, cảm xúc của con người làm nội dung chủ đạo.

– Cách diễn đạt giàu hình ảnh với ý nghĩa dễ hiểu, dễ liên tưởng nhưng lại độc đáo: Nếu 1 đứa trẻ giống cả cha và mẹ thì truyện ngắn cũng có những đặc điểm được tạo ra bởi đặc điểm của văn xuôi và thơ.

→ Nhận định của Phạm Thị Hoài đề cập đến tính chất giao thoa đặc biệt của truyện ngắn và thơ.

1.0

0. 5

 

 

 

 

 

0.25

 

0.25

 

Bàn luận:

– Ý kiến đúng, thể hiện sự suy ngẫm, cảm nhận, trải nghiệm của Phạm Thị Hoài với tư cách một người đọc – một nhà văn.

+ Bề ngoài truyện ngắn tất yếu “mang tính cha”, tức là những đặc điểm thông thường của một truyện ngắn, như: dung lượng ngắn, thường ít nhân vật, ít sự kiện, cốt truyện thường chỉ xoay quanh một tình huống nhất định, một “lát cắt của cuộc sống”, nhưng ở đó, bản chất con người, cuộc đời hiện lên rõ nét nhất.

+ Ở bề sâu và để tạo nên giá trị, những truyện ngắn hay lại là những đứa con “mang tính mẹ thơ”, tức là có chất thơ. Chất thơ thường bộc lộ ở nội dung (giàu tình cảm, cảm xúc, chú trọng chiều sâu tâm trạng, tâm lí nhân vật) và nghệ thuật (ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, kết cấu theo dòng tâm trạng…).

– Sự giao thoa ấy mang lại cho truyện ngắn một giá trị đặc biệt:

+ Cùng với khả năng miêu tả, tái hiện của ngôn từ văn xuôi, tác phẩm sẽ có thêm khả năng bộc lộ, giãi bày, biểu cảm tinh tế của thơ

+ Khung cảnh, nhân vật không chỉ được tái hiện ở vẻ ngoài, ở bề mặt, ở cái nhìn thấy, mà còn được phản ánh, khắc họa ở bề sâu, ở thế giới nội tâm phức tạp, đa dạng – cái không nhìn thấy nhưng làm nên sức sống

+ Chất thơ lấp lánh sẽ làm dịu lại, tinh tế hơn sự thô tháp, trần trụi của văn xuôi; tạo cho người đọc cái nhã thú được thưởng thức nghệ thuật một cách chân thực, thích thú nhất

– Quan niệm của Phạm Thị Hoài không mới, bởi sự giao thoa giữa các thể loại văn học là hiện tượng khá phổ biến và tất yếu:

+ Chỉ riêng với truyện ngắn, đã có truyện ngắn – sử thi (truyện ngắn mang khả năng phản ánh của những trường ca hào hùng); truyện ngắn  – tiểu thuyết (truyện ngắn mang sức nén của tiểu thuyết trường thiên);  truyện ngắn – kịch (truyện ngắn có kết cấu như một xung đột kịch, giàu kịch tính)

+ Cùng là loại hình sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ, khả năng lớn lao của thứ chất liệu phi vật thể đặc biệt này cũng làm cho sự phân chia thể loại chỉ có tính chất tương đối, còn giữa các thể loại luôn có sự xâm nhập lẫn nhau

+ Bên trong mỗi nhà văn đều có một nhà thơ, thể hiện ở cái Tâm trong tư tưởng, trong cách nhìn nhận con người và cuộc đời. Sự nhạy cảm, tinh tế, giàu cảm xúc của người nghệ sĩ cũng tạo ra chất thơ cho tác phẩm.

– Mở rộng:

+ Không có, và cũng không cần một tỉ lệ cụ thể nào về chất thơ trong một tác phẩm truyện. Người nghệ sĩ cần có sự tiết chế, sử dụng hợp lí.

+ Chất thơ không phải là yếu tố duy nhất để làm nên giá trị truyện ngắn

(Lấy được dẫn chứng để làm sáng tỏ các ý, các mục)

2.0

0.5

 

 

 

 

 

 

 

0.75

 

 

 

 

 

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

 

 

0.25

Chứng minh:

* Thí sinh lựa chọn 01 truyện ngắn hay giàu chất thơ trong chương trình lớp 11 để làm sáng tỏ vấn đề. VD: “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam); “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân); “Chí Phèo” (Nam Cao)

* Hướng phân tích: Cần có các ý:

– Giới thiệu tác giả – tác phẩm (chú trọng vào giới thiệu đặc điểm văn phong tác giả, giá trị tác phẩm ở những phương diện có liên quan đến chất thơ trong truyện)

– Truyện ngắn đó “bề ngoài mang tính cha”  – văn xuôi như thế nào?

+ Dung lượng (ngôn ngữ, lượng nhân vật, không gian, thời gian…)

+ Tình huống, cốt truyện, sự kiện, chi tiết đặc sắc

+ Hình tượng/nhân vật

+ Giọng kể, người kể, điểm nhìn trần thuật

(Chú ý làm rõ các đặc trưng thể loại truyện ở tác phẩm. Khẳng định giá trị tác phẩm ở góc độ này)

– Truyện ngắn đó “bên trong mang tính mẹ” – thơ ra sao?

+ Chất thơ ở nội dung: khai thác, diễn tả sâu sắc những cung bậc tình cảm, cảm xúc, tâm trạng … của tâm hồn nhân vật /miêu tả bức tranh thiên, khung cảnh tinh tế/cái tình của nhà văn trước con người, cảnh ngộ, khung cảnh

+ Chất thơ ở hình thức nghệ thuật: ngôn ngữ (hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu…), giọng điệu, kết cấu…

(Biết cách lựa chọn và làm rõ đặc điểm ở những phương diện mà tác phẩm có. Khẳng định sự cộng hưởng của nó làm nên giá trị của tác phẩm)

 

3.5

 

 

 

0.5

 

1.5

 

 

 

 

 

 

1.5

Đánh giá

– Nhận định đã nêu 1 quan điểm, cơ sở hợp lí để đánh giá giá trị truyện ngắn

– Nêu ra một yêu cầu với nhà văn: nhận biết được sự quan trọng, cần thiết của chất thơ trong những đứa con truyện ngắn của mình

– Cũng là đưa ra một định hướng cho người tiếp nhận trong việc thưởng thức và đánh giá giá trị tác phẩm

0,5

 

  1. d) Sáng tạo (0,5 điểm): Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  2. e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *