Đề đọc hiểu Củ khoai nướng, NLXH bàn về lòng tự trọng của con người trong cuộc sống

     ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ HỌC KỲ 1 (2023 – 2024)

MÔN: NGỮ VĂN   LỚP: 11

(Thời gian làm bài: 90 phút)

  ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Sau trận mưa rào vòm trời như được rửa sạch, trở nên xanh và cao hơn. Đã chớm hè nhưng trời vẫn lành lạnh, cái lạnh làm người ta hưng phấn và chóng đói. Thường Mạnh đi học về là đi thả trâu. Tối mịt cậu rong trâu về, đầu tưởng tượng đến một nồi cơm bốc khói nghi ngút.

[…] Chợt Mạnh phát hiện ra một đám mầm khoai đỏ au, mập mạp, tua tủa hướng lên trời. Kinh nghiệm đủ cho cậu biết bên dưới những chiếc mầm là củ khoai lang sót. Với bất cứ đứa trẻ trâu nào thì điều đó cũng tương đương với một kho báu. Nó bị sót lại từ trước Tết và bây giờ nó sẽ rất ngọt. Để xem, anh bạn to cỡ nào? Không ít trường hợp bên dưới chỉ là một mẩu khoai. Nước miếng đã kịp tứa khắp chân răng khi cậu tưởng tượng đến món khoai nướng. Ruột nó trong như thạch. Những giọt mật trào ra, gặp lửa tạo một thứ hương thơm chết người, nhất là khi trời lại lành lạnh thế này. Thật may là mình đem theo lửa – cậu lẩm bẩm. […].

Mạnh đã có việc để làm, mà lại là một việc làm người ta háo hức. Trong chốc lát đống cành khô bén lửa và đợi đến khi nó chỉ còn lớp than hồng rực Mạnh mới vùi củ khoai vào. Cậu ngồi im lắng nghe một sự dịch chuyển vô cùng tinh tế dưới lớp than, cùi trắng muốt đang bị sức nóng ủ cho thành mật. Từng khoảnh khắc với Mạnh lúc này trở nên vô cùng huyền diệu. Rồi có một mùi thơm cứ đậm dần, cứ quánh lại, lan tỏa, xoắn xuýt. Cậu nhớ lại có lần bà kể, nhờ đúng một củ khoai nướng mà ông cậu thoát chết đói và sau đó làm nên sự nghiệp. Chuyện như cổ tích nhưng lại có thật. Nào, để xem sau đây cậu sẽ làm nên công trạng gì.

Chợt cậu thấy có hai người, một lớn, một bé đang đi tới. Ông già ôm theo bọc tay nải còn cậu bé thì cứ ngoái cổ lại phía làng. Cậu nhận ra hai ông cháu lão ăn mày ở xóm bên. Hôm nay, chẳng có phiên chợ sao ông cháu lão cũng ra khỏi nhà nhỉ. Vài lần giáp mặt cậu bé và thấy mặt mũi nó khá sáng sủa. Bố mẹ nó chết trong một trận lũ quét nên nó chỉ trông cậy vào người ông mù lòa.

Mạnh lén trút ra tiếng thở dài khi ông cháu lão ăn mày đã đến rất gần. Có thể thấy rõ cánh mũi lão phập phồng như hà hít tìm thứ mùi vị gì đó. Cậu bé vẫn câm lặng, thỉnh thoảng lén nhìn Mạnh.

– Mùi gì mà thơm thế – ông cậu bé lên tiếng – Hẳn ai đang nướng khoai. Ngồi nghỉ một lát để ông xin lửa hút điếu thuốc đã cháu.

Ông lão lần túi lấy gói thuốc lào. Thằng bé giúp ông tháo khỏi lưng chiếc điếu nhỏ xíu. Mùi khoai nướng vẫn ngào ngạt và Mạnh đành ngồi chết gí, không dám động cựa. Chỉ khi ông lão nhờ, cậu mới cúi xuống thổi lửa. Chà, ông cháu lão mà ngồi dai là củ khoai cháy mất. Đã có mùi vỏ cháy. Lửa sẽ lấn dần vào cho đến khi biến củ khoai thành đen thui mới thôi. Dường như đoán được nỗi khó xử của Mạnh, ông lão bảo:

– Tôi chỉ xin lửa thôi…

Mạnh như bị bắt quả tang đang làm chuyện vụng trộm, mặt đỏ lên. Nhưng ông lão mắt lòa không thể nhìn thấy còn cậu bé ý tứ nhìn đi chỗ khác.

– Thôi, chào cậu nhé. Ta đi tiếp đi cháu!

Ông lật đật đứng dậy, bám vào vai cậu bé, vội vã bước. Cậu bé lặng lẽ nhìn Mạnh như muốn xin lỗi vì đã làm khó cho cậu. Cái nhìn đĩnh đạc của một người tự trọng, không muốn bị thương hại khiến Mạnh vội cúi gằm xuống. Ôi, giá như có ba củ khoai, chí ít cũng là hai củ. Đằng này chỉ có một… Mạnh thấy rõ tiếng chân hai ông cháu xa dần. Nhưng chính khi ấy, khi củ khoai nóng hổi, lớp vỏ răn lại như từng gợn sóng nằm phơi ra trước mắt Mạnh, thì nỗi chờ đón háo hức lúc trước cũng tiêu tan mất. Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một việc làm đáng hổ thẹn nào đó. Dù Mạnh có dối lòng rằng mình chẳng có lỗi gì sất nhưng cậu vẫn không dám chạm vào củ khoai… Hình như đã có người phải quay mặt đi vì không dám ước có được nó. Có thể ông nội cậu đã từng nhìn củ khoai nướng cho ông làm nên sự nghiệp bằng cái cách đau đớn như vậy.

Mặc dù rong trâu về từ chiều nhưng mãi tối mịt Mạnh mới vào nhà. Giờ đây mới là lúc cậu sống trọn vẹn với cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá. Cậu nhắm mắt lại mường tượng giây phút cậu bé kia mở gói giấy báo ra. Nửa củ khoai khi đó sẽ khiến cậu ta liên tưởng đến phép lạ, có thể lắm chứ! Và rồi cậu thấy lâng lâng đến mức chính mình tự hỏi liệu đây có phải là giấc mơ?

                                 (Trích Củ khoai nướng” – Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh- xuất bản 2002)

*Chú thích:

  1. Tác giả: Tạ Duy Anh có tên khai sinh là Tạ Việt Dũng, sinh ngày 9/9/1959 quê ở Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là cây bút trẻ trong thời kì đổi mới.

– Qua hơn 20 năm cầm bút, Tạ Duy Anh vẫn luôn luôn trăn trở tìm cách đổi mới từ duy, quan niệm nghệ thuật, làm mới tác phẩm từ nội dung tới hình thức, từ ngôn ngữ tới cấu trúc. Tạ Duy Anh tiếp nối những dòng văn đầy trăn trở nhưng cũng đầy tính nhân văn.

  1. Tác phẩm: Củ khoai nướng nằm trong tập “Truyện ngắn chọn lọc” – Tạ Duy Anh.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1(0,5đ). Xác định ngôi kể trong đoạn trích?

Câu 2.(0,5đ) Nêu chủ đề của đoạn trích?

Câu 3.(0,5đ) Nhân vật chính trong đoạn trích là ai?

Câu 4. (0,5đ) Vì sao cậu bé Mạnh lại có “cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”?

Câu 5.(1,0đ) Chi tiết nào trong đoạn trích để lại ấn tượng sâu sắc nhất với anh/chị?

Câu 6.(1,0đ)Anh/Chị hãy lý giải hành động của ông lão ăn mày trong câu văn sau:“Ông lật đật đứng dậy, bám vào vai cậu bé, vội vã bước.”

Câu 7.(1,0đ) Đánh giá tình cảm và thái độ của tác giả với nhân vật Mạnh?

Câu 8. (1,0đ) Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân.

PHẦN II. VIẾT (4.0 điểm)

Từ đoạn trích truyện Củ khoai nướng ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 đến 500 chữ) bàn về lòng tự trọng của con người trong cuộc sống.

===========Hết===========

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

1 Ngôi Kể: Ngôi thứ ba 0,5
2 Chủ đề: Lòng yêu thương con người. 0,5
3 Nhân vật chính trong đoạn trích là cậu bé Mạnh 0,5
4 Cậu bé Mạnh lại có “cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”vì đã chia sẻ một phần khoai nướng cho chú bé ăn mày. 0,5
5 Chi tiết trong đoạn trích để lại ấn tượng sâu sắc nhất:

– Cậu bé Mạnh tìm được một củ khoai lang còn sót lại trên ruộng khi đi chăn trâu.

– Cậu  bé Mạnh đã chia sẻ một phần khoai nướng với cậu bé ăn mày.

 

1.0
6 Lý giải hành động của ông lão ăn mày trong câu văn sau:“Ông lật đật đứng dậy, bám vào vai cậu bé, vội vã bước.”

– Hai ông cháu vội vã rời đi để tránh cho Mạnh cảm thấy khó xử. Hai ông cháu ăn xin đói khổ mà đầy sự tự trọng, ý tứ.

1,0

 

7  Đánh giá tình cảm và thái độ của tác giả với nhân vật Mạnh: Đồng cảm, yêu mến 1,0
    8 Thông điệp ý nghĩa qua đoạn trích:

HS có thể rút ra nhiều bài học khác nhau (phù hợp chuẩn mực đạo đức và pháp luật), GV linh hoạt cho điểm, dưới đây là gợi ý tham khảo:

– Trong cuộc sống cần có lòng yêu thương, sự sẻ chia giữa con người và con người.

– Không nên phân biệt đối xử, luôn có sự tôn trọng với mọi người xung quanh mình dù có thể họ là những người bất hạnh, kém may mắn.

– Bài học về lòng tự trọng, ứng xử trước khó khăn thử thách của cuộc sống

1.0
II   LÀM VĂN 4.0
Từ đoạn trích truyện Củ khoai nướng ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về lòng tự trọng của con người trong cuộc sống.  
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Nghị luận về lòng Tự trọng của con người thể hiện trong ngữ liệu ở phần đọc hiểu, trong cuộc sống.

0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
*Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận. 0.5
*Phân tích và đánh giá:

Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm:

* Lòng tự trọng của con người được thể hiện trong đoạn trích truyện Củ khoai nướng

– Câu chuyện nói về diễn biến tâm trạng của cậu bé Mạnh xoay quanh hình ảnh củ khoai nướng. Từ tâm trạng nôn nao, háo hức đến tâm trạng tủi hổ khi cậu đối mặt với hai ông cháu ăn xin đói khổ, chính sự tự trọng, ý tứ của hai ông cháu khiến cho Mạnh phải cúi gằm xuống, tâm trạng cậu trở nên bối rối, xấu hổ.

– Cậu áy náy, ân hận vì không thể chia sẻ củ khoai cho hai ông cháu, cậu trách mình, dằn vặt bởi suy nghĩ: “Có thể ông nội cậu đã từng nhìn củ khoai nướng bằng cách đau đớn như vậy”. Cuối cùng cậu cả thấy vui vẻ, thoải mái khi đã chia sẻ củ khoai nướng với hai ông cháu ăn xin.

– Nhân vật Mạnh là một cậu bé có lòng tự trọng, có tấm lòng lương thiện, vị tha, biết yêu thương và quan tâm đến những người gặp khó khăn.

– Hai ông cháu ăn xin đói khổ nhưng mọi hành động của họ đều thể hiện sự tự trọng, ý tứ.

* Lòng tự trọng của con người trong cuộc sống:

– Biểu hiện của lòng Tự trọng:

+ Lòng tự trọng là một trong những đức tính cao quý của con người, mà mỗi chúng ta đều cần phải có phẩm chất đó. Lòng tự trọng là coi trọng danh dự, phẩm chất, nhân cách của bản thân và những người xung quanh ta. Người có lòng tự trọng sẽ biết bảo vệ lòng tự trọng của mình.

+ Hằng ngày khi chúng ta giao tiếp với người khác, khi chúng ta làm việc, một người có lòng tự trọng được thể hiện qua việc được đối xử công bằng, tôn trọng. Trong học tập, lòng tự trọng thể hiện khi học sinh đi thi không quay cóp, gian lận,…

Lòng tự trọng của con người trong cuộc sống:

+ Lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả.

+ Chúng ta coi trọng, giữ gìn phẩm cách, cư xử đàng hoàng, đúng mực, luôn làm tròn trách nhiệm được giao phó, không để người khác phải chê trách, nhắc nhở, rèn luyện cách đối nhân xử thế và luôn thân thiện cởi mở với mọi người xung quanh.

* Đánh giá:

– Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Để làm được điều đó, bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 1,25 điểm – 1,0 điểm.

– Trình bày đầy đủ nhưng có ý chưa sâu: 0,75 điểm – 1,0  điểm.

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,5 điểm.

2.0

 

 

 

 

 

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

– Đáp ứng được 2 yêu cầu: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0.5
Tổng điểm 10,0

Bài văn phân tích truyện Củ khoai nướng

Bài viết tham khảo

Bài làm

“Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”   (Pau-tốp-xki). Thật vậy ,một nhà văn chân chính phải là người dùng cả cuộc đời của mình để gợi đục khơi trong, tìm ra cái đẹp và gợi ra cái đẹp, nhất là “cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới”. Nhưng hơn hết ,cái đẹp ấy phải được thể hiện thông qua ngôn ngữ, hình tượng ,nghệ thuật đặc sắc .Để rồi người đọc cứ đi mãi, đi mãi lòng không thôi hứng thú, ngỡ ngàng bởi những chân trời mới mẻ mà mỗi  nhà văn mở ra. Tạ Duy Anh  cũng đã hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy khi mang đến những nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự qua tác phẩm “Củ khoai nướng”.

Nhà văn Đỗ Chu đã từng nói: “bắt tay vào truyện ngắn, có truyện ban đầu đến với tôi bằng một cái tên” .Nhan đề của một tác phẩm không đơn thuần là những con chữ được đặt một cách vô tình, mà đó là sự trăn trở, suy tư, ấp ủ biết bao tháng ngày của người nghệ sĩ. Không hoa mĩ, cầu kỳ ,nhưng bằng tài năng và tâm huyết Tạ Duy Anh đã biến những con chữ mà ta nói đến cạn cùng trở nên “lấp lánh kêu giòn và tỏa hương”. Nhan đề “Củ khoai nướng” gắn liền với hình ảnh xuyên suốt tác phẩm. Do đó, nó trở thành sợi chỉ đỏ liên kết những chi tiết ,sự kiện, tạo nên sự mạch lạc cho cốt truyện. Không chỉ vậy, nhan đề còn trở thành một “tín hiệu nghệ thuật”  khơi gợi sự tò mò nơi độc giả, đồng thời hé mở chủ đề của tác phẩm : Sự quan tâm, chia sẻ ,yêu thương giữa người với người. Như vậy ,chỉ bằng những con chữ giản dị Tạ Duy Anh đã rèn giũa chúng trở thành một nhan đề đầy hấp dẫn ,ý nghĩa như :”nhãn tự của bài thơ tứ tuyệt “

Trong truyện ngắn trên, nhà văn Tạ Duy Anh còn thật tinh tế khi lựa chọn mạch trần thuật tuân theo trật tự của dòng thời gian tuyến tính: Từ lúc cậu bé Mạnh  đi chăn trâu vào sáng sớm , sau đó là cuộc gặp gỡ giữa cậu bé và hai ông cháu ăn xin, đến khi cậu bé trở về nhà. Cách kể chuyện ấy đã  khiến câu chuyện trở nên chân thực, sinh động hơn .Đồng thời nó cũng giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung  ,cũng như sự vận động các chi tiết và hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.

“Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là một khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” (Nguyễn Minh Châu). Chính vì vậy ,việc xây dựng được một tình huống đặc sắc là yếu tố quyết định sự “sống còn” của mỗi tác phẩm . Không nằm ngoài dòng chảy ấy,  Tạ Duy Anh đã thật xuất sắc khi xây dựng được một tình huống vô cùng độc đáo , ý nghĩa : Cậu bé mạnh có một củ khoai nướng đúng lúc khoai chín thì hai ông cháu cậu bé ăn xin xuất hiện. Đây là một tình huống giản dị nhưng lại mang đậm tính  nhân văn, góp phần khắc họa rõ nét suy nghĩ ,thế giới nội tâm của nhân vật đặc biệt là cậu bé Mạnh .Thoạt đầu, có thể thấy Mạnh là một cậu bé rất trẻ con ,ngây thơ  ,hồn nhiên. Điều đó thể hiện ở việc cậu vui sướng xiết  bao khi tìm được củ khoai :”Khi thấy mầm khoai, nó đã ngay lập tức nghĩ tới món khoai nướng hấp dẫn, ruột của nó trong như thạch những giọt  mặt trào ra gặp lửa tạo một thứ hương thơm chết người “ . Bên cạnh đó ,khi thấy hai ông cháu em xin lại gần cậu đã ngay lập tức tìm cách giấu củ khoai bằng việc ngồi im và không nói gì:”Mạnh ngồi chết dí không dám động cựa “.Tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ ấy nghĩ rằng nếu cứ ngồi yên sẽ chẳng ai phát hiện ra việc nó có một củ khoai đang thơm nức dưới đống lửa cháy bập bùng kia.Nó quyết định giấu củ khoai ấy vì nó rất trân quý  củ khoai ,hơn nữa “ lại chỉ có một “ nên nó tiếc nếu phải cho. Thế nhưng cậu bé ngây thơ và có chút gì trẻ con ấy, thực ra lại là nguời thật nhân ái lương thiện và rất mực tự trọng .Bởi lẽ ý nghĩ giấu củ khoai để ăn một mình vừa lóe lên ,đã ngay lập tức vụt tắt ,sự ích kỷ cũng chẳng thể tồn tại lâu .Khi ý thức được đó là điều chưa đúng ,cậu bé dường như bị cảm giác day dứt , dằn vặt bám lấy:” Thấy xấu hổ không dám chạm vào củ khoai “.Vì thế Mạnh đã quyết định chia nửa củ khoai cho cậu bé ăn xin .Có lẽ Mạnh đã tự nhận ra rằng: Hạnh phúc đôi khi không phải nằm ở việc mình được tận hưởng một giá trị vật chất ,mà hạnh phúc là được tận hưởng giá trị ấy trong sự thanh thản nơi tinh thần .Như vậy, việc xây dựng  tình huống truyện  độc đáo chính là chiếc chìa khóa để nhà văn mở ra cánh cửa khám phá “con người bên trong con người” .Điều đó đã giúp tác phẩm:” Củ khoai nướng” trở thành “thứ khí giới thanh cao và đắc lực” khiến bạn đọc  càng thêm thấm thía ở đâu đỏ trên mảnh đất này, vẫn còn tồn tại những phận người bất hạnh, nghèo khó , lang thang như đám mây bụi sống nương nhờ vào lòng thương của người khác. Qua đó ta càng trân trọng trước tình yêu thương, sự sẻ chia, gắn bó giữa người với người và lòng tự trọng của con người trong hoàn cảnh khốn khó.

Bằng những kinh nghiệm sâu sắc của cả một đời cầm bút, Tạ Duy Anh đã rất thành công trong việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn. Truyện được kể theo ngôi thứ ba giúp người kể bao quát được toàn bộ nhân vật sự việc trong câu chuyện ,đồng thời mở rộng phạm vi hiện thực phẩm ánh, tạo  tính khách quan cho tác phẩm. Song chuyện còn hấp dẫn bởi việc kết hợp tài tình giữa điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên “ngoài tác giả dường như đã hòa và nhân vật ,đến mức khó có thể phân biệt được giọng kể của anh ta với giọng kể của nhân vật “.Với việc sử dụng điểm nhìn bên ngoài ,nhà văn đã tái hiện thật rõ nét không gian của truyện” sau trận mưa rào vòm trời dường như được rửa sạch trở nên trong và cao hơn “,”những con sáo mỏ vàng đang nhảy kiếm ăn trên cánh đồng màu thu hoạch “.Một bức tranh thiên nhiên làng quê đang dần được mở ra cao  và xa hơn, rộng lớn và yên bình. Không chỉ vậy, điểm nhìn bên ngoài còn giúp nhà văn khắc họa rõ nét hành động và lời nói của nhân vật :”Mạnh lén chút tiếng thở dài “hay Câu nói của ông lão ăn xin :”tôi chỉ xin lửa thôi “-đó là lời nói của một người tinh ý để khiến Mạnh không khó xử. Hơn thế nữa , việc kết hợp với điểm nhìn bên ngoài và bên trong  khiến nhà văn không chỉ thể hiện chân thực những gì hiển lộ, mà anh ta đã thực sự  đưa bạn đọc tới “cuộc thám hiểm đến sự thật”  ẩn sâu trong tâm hồn con người. Đó là khi cậu bé Mạnh thốt lên : “Chà thật tuyệt đó là món quà mà trời đất bạn tặng riêng cho cậu” .Ta bắt gặp niềm vui sướng trong sáng và chính đáng của một đứa trẻ . Để rồi niềm vui  ấy chuyển dần thành sự lo lắng:” Ông lão mà ngồi dai là củ khoai cháy mất “.Và cuối cùng trở thành nỗi tiếc nuối đầy day dứt:” Ôi Giá như có ba củ khoai ,chí ít cũng là hai củ đằng này chỉ có một”,” hình như có người ta phải quay đi phải không dám ước có được nó”. Sự chuyển biến trong tâm hồn cậu bé Mạnh dường như hiện lên thật rõ nét, đó là sự hổ thẹn đau xót khi đã làm tổn thương người khác của một đứa trẻ rất đỗi ngây thơ nhưng đầy trưởng thành trong suy nghĩ. Tóm lại ,với việc kết hợp linh hoạt ngôi kể thứ ba với các điểm nhìn nghệ thuật độc đáo Tạ Duy Anh đã thể hiện chân thực bản chất của từng nhân vật, đồng thời tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

“ Nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản đập của những con người sống, mà được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” (Bertolt Brecht). Bởi lẽ đó, Tạ Duy Anh đã dụng công với hết thảy những tinh túy nhất ,để  xây dựng lên những hình tượng nhân vật đặc sắc, nhằm khái quát hiện tượng và thể hiện tư tưởng trăn trở của chính mình với con người và cuộc đời.Có thể thấy nhà văn đã khắc họa nhân vật từ đa khía cạnh: Ngoại hình ,lời nói ,tính cách, đồng thời đặt nhân vật vào những tình huống phải lựa chọn :Cậu bé Mạnh phải lựa chọn giữa việc cho hay không cho củ khoai .Để rồi từ đó ,Ta thấy được một cậu bé Mạnh ngây thơ nhưng cũng đầy tự trọng, hai ông cháu ăn xin đầy khốn khổ nhưng đói mà sạch rách mà thơm. Không chỉ vậy, cũng qua nhân vật ,nhà văn bày tỏ được những tư tưởng của mình về cuộc đời: liệu rằng khi khốn khó con người ta có “chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình “( Nam Cao)  hay họ đủ nhân ái vượt lên tất cả để yêu thương và đùm bọc lẫn nhau .Và như thế, qua những hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan ấy, nhà văn đã cho ta thấy được những con người rất thực  rất gần gũi song cũng hàm chứa biết bao thông điệp ý nghĩa  .

Ngôn ngữ văn chương luôn được biết đến với sự trau chuốt, tỉ mỉ ,tinh tế     “Phải phí tổn hàng ngàn cân quặng  chữ mới thu được một chữ mà thôi” (Mai -a -cốp -xki ), nhưng không có nghĩa là cao xa, khó hiểu .Ở đây Tạ Duy Anh đã thật xuất sắc sắc khi khai thác  tiếng nói giản dị, gần gũi ,đậm chất khẩu ngữ của đời sống thường nhật trở thành ngôn ngữ giàu chất thơ . Chính ngôn ngữ ấy đã tạo nên sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng mỗi độc giả.

Có những lần tôi băn khoăn tự hỏi :Tại sao mỗi kết thúc truyện phải “giúp người đọc khám phá được những vấn đề mang tính bản chất tính quy luật của đời sống “phải chăng đó là sứ mệnh của chúng ? Trong tác phẩm:” Củ khoai nướng “sứ mệnh cao cả ấy đã được cất cao tiếng hát, khi Tạ Duy Anh xây dựng được một kết chuyện đặc sắc: Mạnh  đuổi theo hai ông cháu cậu bé ăn xin để cho họ nửa củ khoai.Có lẽ ,chi tiết ấy ít nhiều gây bất ngờ cho người đọc vì trong toàn bộ phần truyện dường như Mạnh không có ý định chia sẻ củ khoai của mình. Qua  đó ,tính cách của nhân vật Mạnh càng hiện lên rõ nét, đồng thời tư tưởng tình cảm của nhà văn cũng được thể hiện trọn vẹn và hoàn tất .Tạ Duy Anh  tâm niệm rằng trong cuộc sống điều khiến người ta vui và hạnh phúc không phải thứ mà người ta nhận được mà là điều người ta cho đi- đó là lối sống nhân ái.

“Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”( Lê-ô-nít  Lê-ô-nốt) .Như vậy,những nét đặc sắc về nghệ thuật  đã góp phần tạo nên giá trị cho các phẩm,thể hiện sâu sắc chủ đề :Lòng yêu thương giữa con người với nhau.Đồng thời mang đến những bài học quý giá làm  “khơi dậy ý thức khôi phục bảo vệ cái đẹp “để con người biết cho đi, biết chia sẻ ,biết giúp đỡ, đồng cảm với những phận đời bất hạnh ,biết  yêu thương những người khác mình.

“ Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại  chỉ mình nó  không thừa nhận cái chết “(Schedrin). Thời gian khắc nghiệt chảy trôi theo quy luật của muôn thuở ,vạn vật vì thế không tránh khỏi gót giày của thời gian mà phai tàn theo năm tháng .Chỉ có những tác phẩm nghệ thuật chân chính là kết quả của quá trình” khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có ” (Nam Cao ) mang đậm ấn tượng nghệ thuật độc đáo người nghệ sĩ ,mới có thể vượt qua quy luật khắc nghiệt ấy để mãi” còn xanh” .

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *