ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi có 02 trang) |
ĐỀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2023-2024 Môn thi: NGỮ VĂN – Lớp 11-THPT Thời gian làm bài: 90 phút không kể thời gian phát đề |
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản:
TÌNH NGƯỜI
(Nguyễn Văn Học)
Thiện gấp lại sổ, tắt điện phòng, anh rời cơ quan lúc trời đã nhá nhem tối […]. Đến một con phố, vì mưa anh đi chậm. Anh mê man nghĩ về kế hoạch sắp tới. Thiện chợt dừng lại. Dưới gốc cây ven đường, có một người mặc chiếc áo len cũ, đang nửa nằm nửa ngồi rên rỉ. Là ai nhỉ? Lòng hào hiệp thôi thúc Thiện tiến lại gần xem là ai. Đó là một bà già nhăn nhó với cơn đau, toàn thân run bần bật. Thiện hỏi:
– Bà ơi, bà làm sao thế?
– Tôi bị ngã, đau quá. Gẫy tay rồi!
Thiện đỡ bà ngồi thẳng dậy và hỏi han tình hình. Bà già nói mình từ xa đến đây tìm thằng con lêu lổng, nó bỏ đi cả tháng không được. Mấy ngày qua bà lang thang tìm con. Phố xá rờn rợn đông. Đi đến cái dốc phố, vừa đói vừa mệt, mà những chiếc xe máy cứ lao vù vù, khiến bà sợ, trượt chân ngã gẫy tay. Lúc ngã trời nhá nhem tối, chẳng có ai để ý đến một người như bà. Nước mắt bà ứa ra. Đôi bàn tay nhăn nheo buốt giá. Anh thưa: “Để cháu đưa bà vào viện”.
Trong ít phút ngồi xe, bà lão đã kịp thổ lộ chuyện chồng mất sớm, chẳng đủ sức dạy dỗ hai cậu con trai. Con lớn cũng là kẻ vào tù ra tội, chẳng đỡ đần được mẹ và em. Con thứ lêu lổng. Ngày nhỏ bà còn bảo được. Giờ bà già rồi. Đôi chân biếng nhác của thằng con chạy nhanh hơn những lời dạy dỗ của bà. Lắm lúc bà thấy bất lực. Thế mới biết, người đàn ông có tầm quan trọng thế nào với mỗi tổ ấm…
Đến viện, Thiện đưa bà vào làm thủ tục, đưa đến phòng cấp cứu, đi chụp xương, xét nghiệm, lên phòng bó bột, rồi trở lại phòng điều trị. Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ đêm. Bụng đói, người mệt. Ngoài cửa gió vẫn rít gào. Anh nghĩ việc của mình thế là xong. Vợ con anh ở nhà chắc đang mong lắm. Thiện chạy xuống căng tin bệnh viện mua một hộp cháo trao cho bà. Căn phòng còn những người thăm nuôi bệnh nhân xúm lại giúp. Rồi anh thưa:
– Bà hãy nghỉ ở đây, nếu mai rảnh cháu sẽ trở lại.
Lúc này, bà lão đã nói một câu làm anh đứng sững:
– Này, chú, chú đâm xe vào tôi, giờ lại bỏ đi ư? Chú phải ở đây chăm tôi chứ!
Thiện như rụng rời cả chân tay. Toàn thân muốn sụp xuống. Cái lạnh và sự bất ngờ khiến anh đứng không vững. Anh nhìn bà lão. Bà lão cũng nhìn anh trân trân. Nhiều con mắt đổ dồn về phía anh. Vài bác sĩ ở đó giữ anh lại, như thể họ sợ kẻ gây ra tai nạn cho bà già sẽ chạy mất. Bà lão tiếp:
– Các bác ạ, chú này đâm xe máy vào tôi đấy. Chú ấy phải ở lại đây!
Trời đất, tại sao thế này? Sao bà nói tôi đâm vào bà. Chính tôi là người đã cứu giúp bà, thế mà bà lợi dụng để ăn vạ. Tình ngay lý gian, anh không giải thích được, có giải thích cũng không ai nghe. Mấy bác sĩ đòi giữ lại giấy tờ của anh để anh khỏi chạy.
– Tôi ở đây là được chứ gì. Tôi cũng đã đóng tiền viện phí. Mọi người phải hiểu tôi chỉ là người đi đường, thấy bà lão gặp nạn thì giúp. Ai ngờ… – Thiện nói. […]
Thiện thờ thẫn trở về, lòng dớn dác buồn bã vì lòng tốt của mình bị người khác hiểu lầm và lợi dụng […]. Thiện sang nhà một ông bạn ở gần nhà, cốt để nói chuyện vui cho khuây khỏa. Nhưng chẳng may miệng anh lại thốt ra chuyện về bà lão nọ. Ai ngờ ông bạn lại lên lớp: “Trời, ông thương người thì thiệt đến thân. Thời đại này, những kẻ ăn vạ như thế nhiều lắm. Tốt nhất là thấy tai nạn, cứ đi qua càng nhanh càng tốt. Mình không giúp, đã có người khác. Tội gì!” […].
Dù bạn nói thế nào Thiện cũng tin mình đã làm đúng. Trong cuộc đời, thể nào cũng có những góc khuất của số phận, và có những ô vuông của cuộc sống dành cho tình người. Cuộc đời này phải có những người hy sinh lợi ích cá nhân để cho cái chung chứ.
Hai hôm sau, Thiện trở lại bệnh viện, bà lão đã đỡ đau nhiều, giờ có thể về và đợi ngày tháo băng. Anh không tỏ thái độ gì tức giận hay trách móc bà già đã lấy oán báo ơn. Anh vẫn từ tốn thưa gửi và cư xử lễ phép, nhẹ nhàng […].
Chi phí toàn bộ hết hơn hai triệu, Thiện vui vẻ chấp nhận. Anh đưa bà lão ra bến xe, còn mua cho bà một chục chiếc bánh mỳ về làm quà. Bà lão rưng rưng xúc động nhìn anh […]. Mắt bà lão rơm rớm nước, nhìn thẳng vào đôi mắt Thiện, tỏ đầy sự biết ơn và xúc động, nói:
– Chú à. Bà xin lỗi chú. Vì nhìn dáng người và nhìn thấy chú đeo hình cây thập tự trên cổ, bà biết cái lòng của chú tốt. Nếu lúc đó không làm vậy, bà biết trông cậy vào ai. Một mình bà ở cái chốn này, sẽ khó tìm được người giúp. Thôi, bà xin và cảm tạ tấm lòng chú.
Một lần nữa, bà lão khiến Thiện bất ngờ. Nhưng lần này là sự vỡ òa của cảm xúc tin yêu. Thì ra bà lão đã bấu víu vào lòng tốt của một người mà bà nghĩ tấm lòng anh ta rộng lượng. Tâm trạng Thiện được giải phóng khỏi những nghi ngờ. Bà làm vậy là bất đắc dĩ. Trong lúc không biết trông vào ai nơi đất khách quê người bà đã nói dối. Thiện mỉm cười. Bà già vớt vát thêm:
– Chú tha lỗi cho già này nhé. Chính chú đã cho bà thấy ở đời còn nhiều người tốt.
Thiện chào bà, bà bước lên xe. Anh quay về cơ quan, nhủ lòng sẽ giữ kín chuyện, bởi nếu nói với vợ, sẽ lại bị phê phán vì thương người mà thiệt thân.
(Dẫn theo http://www.kinhtedothi.vn, 01/12/2018)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể của truyện.
Câu 2. (0,5 điểm) Tìm những chi tiết trong truyện cho thấy lòng tốt của nhân vật Thiện.
Câu 3. (0,5 điểm) Chỉ ra đặc điểm của lời kể trong truyện?
Câu 4. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Đến viện, Thiện đưa bà vào làm thủ tục, đưa đến phòng cấp cứu, đi chụp xương, xét nghiệm, lên phòng bó bột, rồi trở lại phòng điều trị”?
Câu 5. (1,0 điểm) Theo anh/ chị, nhân vật bà lão trong truyện đáng thương hay đáng trách?
Câu 6. (1,0 điểm) Trong truyện, tâm trạng của nhân vật Thiện đã được khắc họa như thế nào?
Câu 7. (1,0 điểm) Anh/ chị có đồng tình với quan điểm được nêu trong truyện: “Cuộc đời này phải có những người hy sinh lợi ích cá nhân để cho cái chung chứ”?
Câu 8. (0,5 điểm) Nhận xét về tình huống truyện được xây dựng trong truyện?
VIẾT (4,0 điểm)
Từ những việc mà nhân vật bà lão trong truyện “ Tình người” đã làm, anh/ chị hãy viết một bài luận ( khoảng 500 chữ) bàn về văn hóa xin lỗi và cảm ơn của con người trong xã hội hiện nay.
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN
LỚP: 11
PHẦN | CÂU | NỘI DUNG | ĐIỂM |
I | ĐỌC HIỂU | 6.0 | |
1 | Truyện kể theo ngôi thứ 3 | 0.5 | |
2 | Những chi tiết cho thấy lòng tốt của nhân vật Thiện:
– Hỏi han, đưa bà lão bị tai nạn vào viện – Đưa bà lão đi thăm khám bệnh, mua đồ ăn, trả tiền viện phí – Vẫn nhiệt tình giúp đỡ bà lão ngay cả khi bị bà lão đổ oan
|
0.5 | |
3 | Đặc điểm của lời kể trong truyện: Gồm có
– Lời người kể chuyện – Lời nhân vật
|
0.5 | |
4 | – Liệt kê hàng loạt những việc mà Thiện đã giúp đỡ bà lão qua đường.
– Tác dụng: + Làm cho câu văn thêm sinh động, hấp dẫn hơn, tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt. + Nhấn mạnh lòng tốt của Thiện.
|
1.0 | |
5 | Thí sinh đưa ra được quan điểm của bản thân, song phải có lý giải thuyết phục về sự lựa chọn của mình. Gợi ý:
– Đáng trách: Lập luận theo hướng bà lão đã được Thiện giúp đỡ nhưng lại đổ oan cho anh. – Đáng thương: Lập luận theo hướng bà lão khốn khổ vì không bấu vúi được vào ai khi bản thân gặp nạn nên buộc phải lợi dụng lòng tốt của Thiện. – Vừa đáng trách vừa đáng thương: Kết hợp cả 2 hướng lập luận trên.
|
1.0 | |
6 | Trong truyện, tâm trạng của nhân vật Thiện chủ yếu được khắc họa qua những nét chính sau:
– Xót xa, thương cảm với bà lão bất hạnh gặp phải tai nạn nên nhiệt tình giúp đỡ. – Thẫn thờ, buồn bã khi lòng tốt của mình bị người khác hiểu nhầm và lợi dụng. – Sau cùng vẫn là thương cảm cho bà lão bất hạnh, cảm xúc tin yêu vỡ òa khi anh hiểu ra nỗi lòng của bà lão.
|
1.0 | |
7 | Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng phải lí giải thuyết phục, chặt chẽ.
– Đồng tình: Lập luận theo hướng người hi sinh lợi ích cá nhân vì cái chung sẽ nhận được nhiều giá trị tốt đẹp. – Không đồng tình: Lập luận theo hướng người hi sinh lợi ích cá nhân vì cái chung sẽ nhận về mình nhiều thua thiệt. – Vừa đồng tình vừa không đồng tình: Kết hợp cả 2 hướng lập luận trên.
|
1.0 | |
8 | – Tình huống truyện: Thiện giúp đỡ bà lão bị tai nạn trên đường nhưng anh lại bị bà lão lợi dụng, mọi người xung quanh hiểu lầm.
– Tình huống truyện đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, giúp nhân vật bộc lộ tính cách một cách tự nhiên nhất.
|
0.5 | |
II | VIẾT | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề
|
0.5 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Từ những việc mà nhân vật bà lão trong truyện “ Tình người” đã làm, bàn về văn hóa cảm ơn và xin lỗi của con người trong xã hội hiện nay.
|
0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: – Tóm tắt những việc mà nhân vật bà lão trong truyện “ Tình người” đã làm. Từ đó rút ra bài học: Con người cần biết xin lỗi và cảm ơn khi phạm phải sai lầm cũng như khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. – Bàn về văn hóa cảm ơn và xin lỗi của con người trong xã hội hiện nay. + “Xin lỗi” là lời bày tỏ thái độ ân hận, hối lỗi trước những sai lầm mình đã gây ra. “Cảm ơn” là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước sự giúp đỡ của một ai đó. + Bản thân người xin lỗi, cảm ơn sẽ thấy lòng mình trở nên thanh thản, nhẹ nhõm. Về phía người nhận lời xin lỗi, cảm ơn, họ cũng cảm thấy ấm lòng, bao dung, độ lượng hơn. Quan trọng hơn, nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đồng nghĩa với việc bạn đã ý thức rất rõ về bản thân mình, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, dám dũng cảm nhận ra lỗi lầm của mình, biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác. Đó là biểu hiện của một lối sống có văn hóa và giàu ý thức tự trọng. Xin lỗi và cảm ơn là chất keo kết dính mọi người lại với nhau, là sợi dây vô hình gắn kết những mối quan hệ trong xã hội. + Phê phán những người không biết hoặc không dám thừa nhận lỗi lầm của mình, những người vô cảm, lãnh đạm trước sự giúp đỡ của người khác. – Tóm lại, nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, là một hành động cần thiết trong những mối quan hệ giao tiếp hằng ngày.
|
2.5 |
||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
|
0.25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
|
0.5 | ||
TỔNG | 10.0 |