Đề văn lớp 11 Đọc hiểu Nhà khoa học dùng AI dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ

 

        MÃ ĐỀ: 01

Đề có 02 trang

 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

   Đọc văn bản sau:

Nhà khoa học Việt dùng AI dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ

Sử dụng kho dữ liệu hàng trăm triệu từ, nhóm nhà khoa học tại TP HCM xây dựng thành công hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyển chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ.

Nhóm nghiên cứu gồm 10 giảng viên đến từ Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên và Bộ môn Hán – Nôm, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Nhóm xây dựng hệ thống chuyển ngữ tự động (automatic transliteration) từ năm 2020 và hiện đã hoàn thành. Người dùng có thể tra cứu tại: tools.clc.hcmus.edu.vn.

Ý tưởng xây dựng hệ thống phiên dịch tự động được PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ học tính toán, Đại học Khoa học Tự nhiên ấp ủ từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có nhiều nguồn dữ liệu Hán – Nôm cũng như các mô hình máy học tiên tiến. Nhiều năm sau, với sự xuất hiện các mô hình học sâu (deep learning) của trí tuệ nhân tạo, họ mới bắt đầu phát triển mô hình phiên dịch tự động này.

 

PGS.TS Đinh Điền, Trưởng nhóm nghiên cứu       Giao diện website chuyển tự chữ Nôm                

 sang chữ Quốc ngữ của nhóm nghiên cứu.          dùng mô hình máy học dịch chữ Nôm sang

Ảnh: Hà An                                            chữ Quốc ngữ.

                                                                                   

[…] Để thuận lợi trong sử dụng, nhóm nghiên cứu đang phát triển mô hình có thể dịch chữ Nôm trên ảnh chụp. Khi người dùng đưa ảnh chụp có chứa chữ Nôm, ứng dụng sẽ xử lý chuyển thành văn bản tiếng Việt. PGS Điền cho biết, với các văn bản cũ chữ bị mờ, thiếu nét, mô hình có thể nhận dạng sai. Tuy nhiên, nhóm đang nghiên cứu giải pháp có khả năng dự đoán chữ viết dựa trên nét chữ và ngữ cảnh trên cả văn bản để có thể đoán chính xác chữ không rõ ràng.

[…] TS Hồ Minh Quang, Trưởng khoa Đông Phương Học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) đánh giá nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ di sản ngôn ngữ Hán – Nôm. Trước đây việc đọc, hiểu chữ Nôm chủ yếu là trong giới nghiên cứu. Sản phẩm của nhóm có thể giúp người dùng nhận diện, tra cứu thông tin sang chữ Quốc ngữ. Ông cũng cho rằng, rất cần sự đóng góp dữ liệu của cộng đồng để mô hình thông minh, dịch chuẩn xác hơn.

Chữ Nôm hiện vẫn còn tồn tại nhiều trong dân gian, như trong các sắc phong, gia phả, khế ước, di chúc, bài thuốc… Các văn bản này được ghi lại cách đây hàng trăm năm, trên các chất liệu chất lượng thấp, dễ hư hỏng theo thời gian nếu không được bảo quản trong điều kiện đặc biệt. Trong các văn bản chữ Nôm, có thể có nhiều thông tin quý, nhưng người dân không tự đọc hiểu được mà phải những người biết Hán – Nôm để phiên dịch qua chữ Quốc ngữ. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc có công cụ phiên dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ sẽ giúp người không biết Hán – Nôm vẫn có thể giải mã thông tin của nhiều tư liệu quý do tổ tiên họ để lại, trong đó có những bài thuốc dân gian, trong ngành y học cổ truyền đang lưu truyền trong nhân dân.

(Theo Hà An, vnexpress.net ngày 24/7/2023)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thông tin chính của văn bản.

Câu 2. Theo văn bản, nhóm các nhà khoa học  tại TP HCM xây dựng hệ thống chuyển ngữ tự động (automatic transliteration) từ năm nào và người dùng có thể tra cứu ở đâu?

Câu 3. Theo nhóm nghiên cứu, việc có công cụ phiên dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ sẽ giúp ích gì cho người không biết Hán – Nôm?

Câu 4. Nêu tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh) được sử dụng trong văn bản.

Câu 5. Phân tích mối liên hệ giữa hai chi tiết sau: với sự xuất hiện các mô hình học sâu (deep learning) của trí tuệ nhân tạo, họ mới bắt đầu phát triển mô hình phiên dịch tự động này… Sản phẩm của nhóm có thể giúp người dùng nhận diện, tra cứu thông tin sang chữ Quốc ngữ trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản?

Câu 6. Nhan đề có vai trò như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?

Câu 7. Quan điểm của người viết được thể hiện qua văn bản là gì?

Câu 8. Anh/Chị có đồng ý với quan điểm TS Hồ Minh Quang khi ông đánh giá nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ di sản ngôn ngữ Hán – Nôm  không? Vì sao?

VIẾT (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn thuyết minh (có lồng ghép ít nhất 2 trong 4 yếu tố: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận) bàn về hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay ít quan tâm tới nét đẹp văn hóa truyền thống.

——————-Hết——————–

Họ tên học sinh: ………………………… Số báo danh: ………………………….……………………..

Chữ kí giám thị 1: …………………………Chữ kí giám thị 2: ……………………………………….

  Học sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

      KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II  NĂM HỌC 2023 – 2024

  ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM  MÃ ĐỀ 01

Môn: NGỮ VĂN, LỚP: 11

          (Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Thông tin chính của văn bản: Nhà khoa học Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh có thể trả lời: Xây dựng thành công hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chuyển chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ vẫn đạt điểm tối đa.

 

 

0,5

2 – Nhóm xây dựng hệ thống chuyển ngữ tự động (automatic transliteration) từ năm 2020.

– Người dùng có thể tra cứu tại: tools.clc.hcmus.edu.vn.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như Đáp án: 0.5 điểm

Học sinh trả lời được 01 ý như Đáp án: 0.25 điểm

– Học sinh trả lời không đúng Đáp án: 0 điểm.

 

 

0,5

3 Việc có công cụ phiên dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ sẽ giúp người không biết Hán – Nôm vẫn có thể giải mã thông tin của nhiều tư liệu quý do tổ tiên họ để lại, trong đó có những bài thuốc dân gian, trong ngành y học cổ truyền đang được lưu truyền trong nhân dân.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như Đáp án: 0.5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng Đáp án: 0 điểm.

 

 

0,5

4 Tác dụng của phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh) được sử dụng trong văn bản:

– Khiến văn bản thêm sinh động, hấp dẫn, chân thực, chính xác.

– Giúp người đọc thuận lợi nắm bắt được thông tin, tăng cảm xúc, sức thuyết phục và tạo độ tin cậy cao.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như Đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý như Đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời ý như Đáp án nhưng có cách diễn đạt khác vẫn đạt điểm tối đa.

 

 

 

1,0

5  Hai chi tiết có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung và tập trung làm sáng tỏ, cụ thể thông tin chính của văn bản.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như Đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời ý như Đáp án nhưng có cách diễn đạt khác vẫn đạt điểm tối đa.

 

 

1,0

6 Khái quát được nội dung chính của văn bản: Nhà khoa học Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dịch chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ; bày tỏ sự trân trọng đối với nhóm các nhà khoa học.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như Đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý như Đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời ý như Đáp án nhưng có cách diễn đạt khác vẫn đạt điểm tối đa.

– Học sinh trả lời “Khái quát được nội dung chính của văn bản”: 0,5 điểm.

 

 

1,0

7 Quan điểm của người viết được thể hiện qua văn bản:

– Hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị của chữ Nôm là việc rất cần thiết, có ý nghĩa.

– Trân trọng thành quả và công sức của các nhà khoa học, tin tưởng tính ứng dụng cao của hệ thống.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như Đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 01 ý của Đáp án: 0.5 điểm.

Học sinh trả lời như Đáp án nhưng diễn khác vẫn đạt điểm tối đa

 

1,0

8 Học sinh nêu quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình và có lí giải hợp lí, thuyết phục.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh có nêu quan điểm, lí giải hợp lí, thuyết phục: 0,5 điểm.

– Học sinh có nêu quan điểm, không lí giải: 0,25 điểm

 

0,5

II   PHẦN VIẾT

Viết bài văn thuyết minh (có lồng ghép ít nhất 2 trong 4 yếu tố: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận) bàn về hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay ít quan tâm tới nét đẹp văn hóa truyền thống.

 

4,0

  a. Đảm bảo cấu trúc bài thuyết minh

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

 

0,25

  b. Nêu hiện tượng xã hội cần thuyết minh

Hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay ít quan tâm tới nét đẹp văn hóa truyền thống.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng hiện tượng cần thuyết minh: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ hiện tượng thuyết minh: 0,25 điểm.

 

 

0,25

  c. Triển khai hiện tượng thuyết minh thành các luận điểm

Học sinh cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; các các phương tiện phi ngôn ngữ phải chính xác, trung thực; sử dụng linh hoạt  ít nhất 2 trong 4 yếu tố: miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Cần đảm bảo các yêu cầu sau:

 

 

 

 

2,5

  – Nét đẹp văn hóa truyền thống là sự kết tinh tất cả những giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp qua dòng chảy lịch sử dân tộc để làm nên bản sắc riêng, truyền lại cho thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung thêm các giá trị mới.

– Hiện nay một số bạn trẻ ngày càng không coi trọng, thờ ơ với nét đẹp văn hóa truyền thống vì chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của nét đẹp văn hóa truyền thống và có sự tác động tiêu cực của xu hướng hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, cách quảng bá nét đẹp văn hóa văn hóa dân tộc của truyền thông chưa đa dạng và phong phú.

– Nếu giới trẻ thờ ơ với nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ khiến những giá trị này bị mai một, lâu dần sẽ đánh mất quá khứ, lịch sử và cội nguồn dân tộc…

Mỗi công dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc trân trọng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Yêu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc là biểu hiện của lòng yêu nước.

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 2,25 – 1,25 điểm.

– Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 1,0 điểm.

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
  e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng thuyết minh; có cách diễn đạt mới mẻ, hấp dẫn.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng các yếu tố biểu đạt, phương tiện phi ngôn ngữ trong quá trình thuyết minh; biết liên hệ với thực tiễn đời sống, văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

 

 

0,5

                                                             Tổng điểm 10,0

 

…………………Hết…………………

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *