Đề văn 11 Cổ tích ấm sứt vòi , NLXH nuôi dưỡng đam mê trên hành trình đi theo bóng mặt trời

 

 

Đề thi gồm 02 trang

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 – 2024                                                                                          Môn: Ngữ văn lớp 11

(Thời gian làm bài: 90 phút)

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:

CỔ TÍCH ẤM SỨT VÒI

(Trần Đức Tiến)

     Trong quán nước bên đường, có một cái ấm pha trà đã cũ. Vòi ấm bị sứt một miếng nhỏ. Chủ quán mấy lần định thay, nhưng vì chưa có tiền nên cứ để dùng tạm. Vả lại trông thế nhưng ấm còn tốt chán. Bản thân chiếc ấm như cũng hiểu được hoàn cảnh của ông chủ. Nó tự nhủ: mình đã bị khuyết tật thì phải cố làm việc cho tốt. Thế là ấm luôn chú ý giữ cho mình sạch sẽ. Nó hãm trà bằng nước sôi thật khéo, bao giờ trà cũng vừa chín và tỏa hương thơm phức. Khi rót trà ra chén qua cái vòi bị sứt, nó cẩn thận không để nước rớt ra ngoài.

     Cái ấm có phần hơi xấu xí ấy cứ tận tình phục vụ khách hết ngày này qua ngày khác. Lâu dần thành quen, ai vào quán cũng chỉ muốn dùng trà trong cái ấm sứt vòi. Mùa đông, có người pha trà xong, còn khum khum hai lòng bàn tay ôm lấy chiếc ấm thật lâu.

     Một hôm, bỗng có một vị khách từ nơi xa đến. Nhìn thấy chiếc ấm hơi khác thường, ông ta nhấc lên, chăm chú ngắm nghía hồi lâu. Đoạn, cất tiếng nói với chủ quán:

– Ấm quý! Nếu ông bằng lòng để lại cho tôi, tôi sẽ trả cho ông thật hậu.

– Dào ôi! Bác khéo đùa! – Ông chủ nhìn khách nở nụ cười thật thà – Chẳng qua chỉ là cái ấm sứ bình thường, do vô ý tôi đánh mẻ một miếng ở vòi. Quán nghèo nên mới phải để dùng tạm…

– Ông bảo ấm bình thường à? Ba trăm năm mà bình thường à?

– Bác vừa nói gì cơ?

– Tôi bảo cái ấm này đã ra đời cách đây ba thế kỉ. Nếu tính tuổi thì tôi với ông còn phải gọi ấm là cụ tổ của cụ tổ đấy! Tóm lại là đồ cổ, quý hiếm cực kì.

     Nghe giọng nói quả quyết của ông khách, cái ấm suýt rùng mình. Thiếu bản lĩnh một chút thì nó đã để cho nước sôi trào ra miệng. Nhưng nó kịp trấn tĩnh. Không ai tự biết mình bằng mình, ấm nghĩ thầm. Nó biết nó ra đời ở một cái lò gốm sứ ven sông, chỉ mới cách đây hơn chục năm. Cái ông khách tưởng như sành đồ cổ kia, hóa ra nhìn gà hóa cuốc.

– Thế nào? Ông để lại cho tôi chiếc ấm này chứ?

     Chủ quán ngần ngừ, nhìn chiếc ấm như muốn hỏi: “Người ta tha thiết như thế, ngươi tính sao”?

     Chiếc ấm im lặng. Nó không nói được, tất nhiên rồi. Đất có nung thành sứ thì cũng chả cất nên lời. Nhưng ấm biết suy nghĩ. Và ông chủ hiểu được những suy nghĩ của nó. Chính vì thế mà ông ngẩng lên nói với khách:

– Nó không đồng ý, bác ạ. Nó biết sứ mệnh cao quý của nó là biến những cái búp trà thành thứ nước uống tuyệt vời, như tất cả những cái ấm lão luyện khác. Bao nhiêu năm nay, nó đã tận tụy phục vụ khách hàng của tôi. Đến nỗi sứt mẻ cả mình mẩy mà vẫn không nề hà… Khách ở quán tôi ai cũng chuộng nó. Tôi không thể vì tiền mà phụ họ được.

     Vậy là cái ấm sứt vòi vẫn được ở lại trong cái quán nước nghèo, làm cái công việc sở trường của nó là pha trà. Đôi khi nó nghĩ: May mà ông chủ quán không tham! Nếu không thì vị khách gà mờ kia đã mất oan cả đống tiền. Còn nó, dù được trưng bày trong tủ kính, hay quăng quật mua đi bán lại, sao cũng đến lúc thân phận bị lộ tẩy. Tưởng ba trăm năm, hóa ra có mười năm… Lúc ấy thì xấu hổ chết đi được!

     Có hôm nào ghé quán nước nhìn thấy chiếc ấm ấy, bạn hãy tưởng tượng thêm những câu chuyện thú vị về nó nhé. Tôi cam đoan chiếc ấm sứt vòi nào cũng chứa trong mình khối chuyện lí thú, có khi cả chuyện cổ tích nữa ấy chứ!

(In trong tập Xóm Bờ Giậu, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2021)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định ngôi kể trong tác phẩm trên?

Câu 2 (0,5 điểm): Câu văn in đậm trong ngữ liệu dưới đây thuộc hình thức ngôn ngữ nào của truyện kể: “Còn nó, dù được trưng bày trong tủ kính, hay quăng quật mua đi bán lại, sao cũng đến lúc thân phận bị lộ tẩy. Tưởng ba trăm năm, hóa ra có mười năm… Lúc ấy thì xấu hổ chết đi được!”?

Câu 3 (0,5 điểm): Tình huống của truyện là gì?

Câu 4 (1,0 điểm): Có thể lược bỏ chi tiết: “Không ai tự biết mình bằng mình, ấm nghĩ thầm. Nó biết nó ra đời ở một cái lò gốm sứ ven sông, chỉ mới cách đây hơn chục năm” trong tác phẩm không? Vì sao?

Câu 5 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của sự luân phiên điểm nhìn trong truyện kể trên?

Câu 6 (1,0 điểm): Theo anh/chị, hình ảnh chiếc ấm sứt vòi trong tác phẩm là biểu tượng của kiểu người nào trong xã hội?

Câu 7 (1,0 điểm): Thông điệp nào được gửi gắm trong phần kết truyện:“Chiếc ấm sứt vòi nào cũng chứa trong mình khối chuyện lí thú, có khi cả câu chuyện cổ tích nữa ấy chứ”? Đó có phải là triết lí nhân sinh duy nhất mà người viết gửi gắm trong văn bản không? Vì sao?

Câu 8 (0,5 điểm): Từ nội dung văn bản, theo anh/chị, việc “tự biết mình” có ý nghĩa như thế nào?

  1. VIẾT (4,0 điểm)

Trong ca khúc “Đi theo bóng mặt trời”, rapper Đen Vâu đã cất lời ca:

Lấy đam mê làm ánh mặt trời, để tâm hồn này không mất phương hướng
Ta đi theo bóng mặt trời, từ hạ tới hay đông về qua
Khi những đam mê, còn nồng cháy, thì con đường đó sẽ không hề xa

Từ ý hiểu lời bài hát và sự trải nghiệm của bản thân, anh/chị hãy viết bài luận với chủ đề: nuôi dưỡng đam mê trên hành trình đi theo bóng mặt trời.

——–HẾT——–

 

 

 

 

 

 

                  ĐỀ THI CUỐI HỌC KÌ I

ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN NGỮ VĂN LỚP 11

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1  Ngôi kể: ngôi kể thứ ba 0,5
2 Câu văn in đậm: Lúc ấy thì xấu hổ chết đi được! thuộc hình thức ngôn ngữ lời nửa trực tiếp. 0,5
3 Tình huống của truyện: chiếc ấm sứt vòi ra đời được 10 năm, được ông khách lạ có ý hỏi mua và khẳng định nó có tuổi đời 300 năm. 0,5
4 Không thể lược bỏ chi tiết: “Không ai tự biết mình bằng mình, ấm nghĩ thầm. Nó biết nó ra đời ở một cái lò gốm sứ ven sông, chỉ mới cách đây hơn chục năm”. (0,25) Vì:

+ chi tiết thể hiện giá trị thực của chiếc ấm – điều mà độc giả tò mò trong quá trình đọc tác phẩm, khác với nhận xét của nhân vật khách. (0,25)

+ ngoài ra chi tiết có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện phẩm cách nhân vật: sự tự hiểu mình của chiếc ấm sứt vòi (0,5)

* Lưu ý: chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đúng bản chất vẫn cho điểm tối đa.

1,0
5 -Một số điểm nhìn được sử dụng trong văn bản như:

+ điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn của nhân vật (chiếc ấm, người khách, ông chủ), điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài (0,25)

(nêu được 2 điểm nhìn: cho 0,25)

-Tác dụng của sự luân phiên điểm nhìn:

+ dưới nhiều điểm nhìn, câu chuyện, nhân vật và thông điệp được bộc lộ cởi mở, đa chiều,  toàn diện, nhiều “sắc màu”, tạo sự đa thanh cho truyện kể.  (0,75)

Lưu ý: chấp nhận những cách diễn đạt khác nhau nhưng đúng bản chất vẫn cho điểm.

1,0
6 Hình tượng chiếc ấm sứt vòi trong câu chuyện là biểu tượng cho kiểu người:

+ có vẻ ngoài khiếm khuyết (0,25) nhưng mang nhiều phẩm chất tốt đẹp như: luôn ý thức rõ hạn chế của bản thân (0,25) gắng sức làm việc thật tốt để bù lại những thiếu sót của mình (0,25); sống tình nghĩa (0,25)

* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng đúng bản chất vẫn cho điểm tối đa.

1,0
7 Thông điệp được gửi gắm trong phần kết truyện:Chiếc ấm sứt vòi nào cũng chứa trong mình khối chuyện lí thú…” là: luôn có những điều tốt đẹp, bất ngờ ẩn sâu bên trong những người có vẻ bề ngoài khiếm khuyết. (0,25)

Đó không phải là thông điệp duy nhất mà tác giả gửi gắm trong văn bản. (0,25)

Bởi ẩn sau bề mặt ngôn từ vẫn còn những thông điệp mà người đọc có thể nhận ra như:

+ không nên vội vã, hồ đồ khi nhận xét, đánh giá sự vật, con người (như cách nhìn của nhân vật ông khách trong truyện). (0,25)

+ chúng ta nên dành sự tôn trọng, nâng niu, thấu hiểu, đem cái tình mà đối đãi với cuộc sống xung quanh (như tình cảm, thái độ mà ông chủ dành cho chiếc ấm và ngược lại). (0.25)

….

Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác, ý khác nhưng đúng bản chất, thuyết phục.

1,0
8  ý nghĩa của việc “tự biết mình” – nhận thức đúng đắn về bản thân. Tham khảo những gợi ý sau:

+ nhìn rõ chính mình giúp con người hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh, tự hoàn thiện mình về trí tuệ, tâm hồn, phẩm cách.

+ tự biết mình giúp con người làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống; biết lựa chọn những gì phù hợp, cần thiết với bản thân.

+ từ hiểu mình đến hiểu người để hình thành một lối sống tích cực…

* Lưu ý:

– Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng thuyết phục vẫn cho điểm tối đa.

0.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: nuôi dưỡng đam mê 0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý:

Giải thích: (0,25)

+ đam mê: là sự yêu thích, niềm khát khao để theo đuổi, chinh phục một điều gì đó mang tính gắn bó lâu dài.

+ đi theo bóng mặt trời: đi theo ánh sáng của những điều tốt đẹp, thiện lương. Cũng có thể hiểu là đích đến của thành công.

+ ý hiểu lời bài hát:  khi giữ được ngọn lửa đam mê, hành trình đi đến thành công sẽ không còn xa.

Ý nghĩa của việc nuôi dưỡng đam mê: (có vai trò quan trọng trong sự thành công, thành nhân và hạnh phúc của mỗi người) (1,0)

+ khi có niềm đam mê, chúng ta có sự nhiệt tình, cháy hết mình, sáng tạo trong công việc, học tập=> phát huy tốt nhất năng lực của mình để vươn đến thành công.

+ niềm đam mê còn giúp con người vượt qua những giới hạn của bản thân để làm nên những điều lớn lao, kì diệu.

+ việc tìm ra và theo đuổi niềm đam mê còn khiến cuộc đời trở nên thú vị và có ý nghĩa…

Làm thế nào để nuôi dưỡng đam mê: (1,0)

+ lắng nghe mong muốn, sở thích của mình, khai thác thế mạnh bản thân.

+ kiên trì, nhẫn nại, dành thời gian để nuôi dưỡng những “hạt giống” đam mê.

+ chia sẻ với những người cùng đam mê để có thêm bạn đồng hành…

-Chúng ta cần nhận thức đúng đắn rằng: đam mê chân chính phải mang lại giá trị tích cực cho bản thân, xã hội chứ không phải những ham muốn sai lầm, mù quáng, ích kỉ. (0,5)

Lưu ý:  trong quá trình triển khai ý, học sinh cần có những dẫn chứng bằng sự trải nghiệm bản thân và  dẫn chứng đời sống xã hội.

0,25

 

 

2,75

 

 

 

 

 

 

  d. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. 0,25
  e. Sáng tạo: có cách suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ; cách thể hiện độc đáo về vấn đề nghị luận. 0,25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *