Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Thái Bình mại ca giả – Nguyễn Du

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản  sau:

(1) Ở phủ Thái Bình[1] có ông lão,

Hai mắt mù mặc áo vải thô.

Nắm tay trẻ dắt ngoại ô,

Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn.

Thuyền bên có kẻ ham nghe hát,

Dẫn ông già xuống sát cửa thuyền.

Lúc này thuyền tối không đèn,

Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung.

Lò dò vô trong cùng, một góc,

Hai ba lần lóc ngóc cám ơn.

Miệng ca, tay nắn dây đàn,

Một hơi đàn hát chẳng lần nghỉ ngơi.

[…]

(2) Chục người xem mà đành phăng phắc,

Gió ru trăng vằng vặc trên sông.

Miệng sùi, tay mỏi lão ông,

Cất đàn, ngồi lại, thưa rằng đã xong.

Gần một canh, hết lòng hết sức,

Năm sáu đồng kiếm được thế thôi.

Ðứa em dẫn khỏi thuyền rồi,

Còn quay đầu lại gửi lời chúc may.

Chợt nhìn thấy cảnh này đau xót,

Phàm người ta chết tốt hơn nghèo.

Trung Hoa no ấm, nghe nhiều,

Trung Hoa cũng có người nghèo thế ư?

Kìa không thấy sứ từ xa lại,

Gạo thịt đầy thuyền cái thuyền con.

Người ăn no ứ vẫn còn,

Ðáy sông cơm ngọt món ngon đổ chìm.

 

(Trích Thái Bình mại ca giả – Nguyễn Du, Đặng Thế Kiệt dịch,

in trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1978)

 

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Xác định nhân vật chính trong văn bản.

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?

Câu 3: Chỉ ra những từ ngữ miêu tả hình ảnh của ông lão hát dạo.

Câu 4: Nêu tác dụng của nghệ thuật tương phản được sử dụng trong văn bản.

Câu 5: Anh/chị hiểu hai câu thơ sau như thế nào?

Trung Hoa no ấm, nghe nhiều,

Trung Hoa cũng có người nghèo thế ư?

Câu 6: Trong đoạn trích, tác giả đã thể hiện thái độ như thế nào khi chứng kiến câu chuyện của ông lão hát dạo?

Câu 7: Nhận xét về giá trị hiện thực được tác giả thể hiện trong đoạn trích.

Câu 8: Đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về cách ứng xử cần có của con người trong cuộc sống?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về văn bản trên./

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Nhân vật chính trong văn bản: ông lão mù hát dạo.

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong văn bản: tác giả.

Câu 3: Những từ ngữ miêu tả hình ảnh của ông lão hát dạo: hai mắt mù, áo vải thô, nắm tay trẻ dắt, lò dò vô trong cùng, lóc ngóc cám ơn, miệng ca tay nắm dây đàn, chẳng lần nghỉ ngơi, miệng sùi, tay mỏi, quay đầu lại gửi lời chúc may.

Câu 4: Tác dụng của nghệ thuật tương phản được sử dụng trong văn bản.

– Nghệ thuật tương phản: hình ảnh ông lão nghèo khổ và hình ảnh những người trên thuyền giàu có

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh tình cảnh đáng thương, tội nghiệp của ông lão: phải vất vả đàn hát để xin miếng ăn nhưng không được bao nhiêu. Ngược lại những người trên thuyền giàu có, sang trọng, ăn uống phung phí, đổ thừa nhưng không ai đoái hoài tới ông.

+ Thể hiện sự xót xa của tác giả với những  người nghèo khổ.

+ Hình ảnh thơ sinh động, tăng tính biểu đạt.

Câu 5: Hiểu nội dung hai câu thơ:

– Thể hiện sự đối lập giữa những điều “nghe thấy” và những điều “nhìn thấy”: “nghe thấy” điều tốt đẹp nhưng thực chất “nhìn thấy” cảnh đau xót, cơ cực.

– Câu hỏi tu từ là lời vạch trần bộ mặt thực của xã hội Trung Quốc đương thời.

Câu 6: Trong đoạn trích, tác giả đã thể hiện thái độ khi chứng kiến câu chuyện của ông lão hát dạo:

– Xót xa, đồng cảm, yêu thương cho tình cảnh của ông lão.

– Đau đớn, nhức nhối khi chứng kiến sự thờ ơ, lạnh nhạt của khách trên thuyền

– Bất bình, ngỡ ngàng trước những điều “nghe thấy” và những điều “trông thấy”.

Câu 7: Nhận xét về giá trị hiện thực trong tác phẩm:

– Phản ánh chân thực hiện thực đời sống:

+ Tình cảnh của những con người nghèo khó, cơ cực trong xã hội.

+ Cuộc sống xa hoa, phung phí của những người giàu có.

– Thể hiện thái độ bất bình, lên án hiện thực đương thời.

Câu 8: Suy nghĩ gì về cách ứng xử cần có của con người trong cuộc sống:

– Phải biết đồng cảm, xót thương với những người bất hạnh.

– Tránh xa hoa, lãng phí.

– Cần có hành động để cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu khái quát về Nguyễn Du, văn bản Thái Bình mại ca giả.

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

– Sinh ra trong gia đình đại quý tộc phong kiến.

– Chịu những phong ba, sóng gió của thời đại

– Sự nghiệp đồ sộ gồm cả sáng tác chữ Hán và chữ Nôm.

– Được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

– Được sáng tác trong thời gian tác giả đi sứ ở Trung Quốc.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Giá trị nội dung:

+ Giá trị hiện thực: phản ánh cuộc sống nghèo khổ của ông lão mù hát dạo. Dù cố gắng hát để xin ăn nhưng không nhận được bao nhiêu. Đối lập lại với tình cảnh của ông là cuộc sống xa hoa, giàu có, phung phí của những người giàu có trên thuyền.

+ Giá trị nhân đạo: Thể hiện nỗi lòng xót thương của tác giả với những người nghèo khổ; bất bình, phẫn uất, cất tiếng nói tố cáo xã hội đương thời đã gây ra cảnh ngang trái, bất công.

– Giá trị nghệ thuật: thể thơ cổ phong, kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự, ngôn ngữ hàm súc, giọng thơ giàu sắc thái cảm xúc…

Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

Bài viết tham khảo:

Standal- nhà văn hiện thực vĩ đại nước Pháp từng nói rằng: “ Văn học là tấm gương lớn đi trên đường đời”. Có lẽ bởi thế, những tác phẩm văn học chân chính xưa nay vẫn luôn đi sâu phản ánh hiện thực đời sống, trở thành những trang văn soi bóng thời đại mà nó ra đời. Và “ Thái bình mại ca giải” của Nguyễn Du là một tác phẩm như vậy.

Nguyễn Du là nhà thơ lớn là bậc đại thi hào Của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời Nguyễn Du gắn liền với những thăng trầm biến đổi của lịch sử thời đại. Thời thơ ấu, Nguyễn Du được sống êm đềm trong nhung lụa vàng son của một gia đình đại quý tộc phong kiến nhưng khi đứng trước sóng gió thời đại, khởi nghĩa nhân dân nổ ra, gia đình Nguyễn Du cũng bị ly tán, bản thân ông phải rơi vào cảnh tha hương bế tắc. Sau này khi triều Tây Sơn bị diệt vong, Nguyễn Ánh lập ra triều đình mới Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn. Chính những biến động bão táp lịch sử ấy đã góp phần hun đúc lên bản lĩnh tầm vóc của người nghệ sỹ lớn trong ông. Nguyễn Du đã để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với các tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Bài thơ “Thái Bình mại ca giả” được trích trong tập “Bắc hành tạp lục”. Đây là tập thơ được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc. Trên con đường đi sứ Nguyễn Du đã bỏ qua những lâu đài đền các xa hoa tráng lệ để chia sẻ xót thương cho những thân phận bé nhỏ khốn cùng. Đó là mẹ con những người ăn mày, những người dân đói nổi loạn và trong bài thơ là người hát rong mù lang thang mong kiếm được miếng ăn.

Bài thơ có thể chia bố cục thành hai phần. Phần đầu tác giả đã giới thiệu về cảnh ngộ hoàn cảnh của ông già mù hát rong. Bằng những lời kể chân thực mộc mạc tác giả đã cho thấy hình ảnh một ông cụ già hai mắt mù “mặc áo vải thô” lần mò hát rạo quanh sông để kiếm từng đồng bạc lẻ. Hình ảnh  của ông lão hiện lên thật đáng thương, nhà thơ đã dựng lên một hình ảnh đối lập giữa ông lão nghèo khổ và những hành khách trên thuyền. Ông lão hiện lên nhỏ bé ngồi trong  góc tối hát đến “miệng xùi tay run” hết một canh. Trong khi đó những người giàu có ngồi đông đúc trên thuyền nhưng họ thờ ơ, im phăng phắc. Họ sẵn sàng phung phí đồ ăn thức uống:

“Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung”

nhưng chỉ cho ông năm sáu đồng ít ỏi. Đó không chỉ là sự đối lập giàu nghèo mà còn là  sự lạnh lùng thờ ơ của những người giàu có. Bên ngoài cuộc sống của họ xa hoa phung phí nhưng bên trong tâm hồn họ nghèo nàn. Đây là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”  Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm.

Phần hai là những cảm xúc suy nghĩ của tác giả trước hiện thực đời sống. Chứng kiến cảnh đó trong lòng nhà thơ trào dâng bao xúc động và tự đặt ra cho mình biết bao nhiêu câu hỏi:

Chợt nhìn thấy cảnh này đau xót,

Phàm người ta chết tốt hơn nghèo.

Tác giả đã bộc lộ nỗi đau đớn xót xa khi chứng kiến hiện thực nghiệt ngã. Nhà thơ cất lên tiếng khóc đau thương cho những kiếp đời nhỏ bé. Từ đó ông cất lên một câu hỏi nhức nhối: “Trung Hoa no ấm nghe nhiều/Trung Hoa cũng có người nghèo thế ư?”. Nhà thơ đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc về hiện thực đời sống, từ đó khái quát thành quy luật của cuộc sống: ở đâu cũng có những con người nghèo khổ bất hạnh, có những áp bức bất công. Ông đã mở rộng tầm nhìn, mở rộng cõi lòng để lý giải những vấn đề về đời sống và lên tiếng đòi quyền sống cho con người.

Như vậy bài thơ mang giá trị hiện thực sâu sắc. Nhà thơ đã vẽ lên bức tranh cuộc sống của những con người nghèo khó, nhỏ bé thấp cổ bé họng giữa  xã hội giàu có thượng  thượng lưu. Đồng thời, ông đã bộc lộ niềm thương xót cũng như cất lên tiếng nói phẫn uất đòi quyền được sống quyền được bình đẳng trong mỗi con người. Nguyễn Du thực sự có con mắt trông thấy  sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời.

Bài thơ có những giá trị nghệ thuật đặc sắc đáng ghi nhận. Tác giả đã kết hợp giữa tự sự, miêu tả, biểu cảm; ngôn ngữ hàm súc, lời thơ chân thực xúc động…từ đó góp phần thể hiện những tư tưởng thông điệp sâu sắc mà nhà thơ gửi gắm.

“Thái Bình mại ca giả” là một bài thơ mang giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được trái tim nhân đạo của bậc đại thi hào Nguyễn Du. Ông không chỉ là một tượng đài văn chương vĩ đại mà còn là một nhà tư tưởng nhân văn sâu sắc.

 

[1] Phủ Thái Bình, Trung Quốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *