Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Hiu hiu gió bấc Nguyễn Ngọc Tư

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

 Ở cái xóm nhỏ ven thành phố này, người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn chủ tịch tỉnh đi họp. Ðứa nào hỗn hào, lười biếng, má nó biểu: “Lại coi thằng Hết kìa! Ba mươi mấy tuổi đầu rồi, ngày đi làm thuê, làm mướn, không có chuyện gì nó chê, chiều về lụi hụi chui vô bếp nấu cơm, giặt giũ cho cha già, hiếu thảo thấy mà thương”. Ai mê vợ bé, mê chơi đề, đá gà, họ lườm lườm: “Mê gì như thằng Hết mê cờ”. Nên nghe râm ran chị Hảo để lòng thương anh, má chị kêu trời: “Bộ hết người rồi sao, con. Cái thằng mê cờ tới mất vợ, không sợ?”. Không, chị Hảo nghiêm nghị, cờ tướng là loại cờ tao nhã chỉ dành cho quân tử, có gì mà sợ. Mê rượu, mê gái mới ghê. Chỉ sợ người ta không thương mình. Má chị định càm ràm nữa, thì chị đã quay lưng ra quán mất rồi.

[…] Người ta nói chị Hoài đi lấy chồng cũng tại anh Hết mê cờ.

Họ thương nhau từ lúc hai người mới 22, 24 tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rà cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông. Bên nhà chị Hoài biết con gái hay hẹn hò với anh Hết ngoài cống đá thì không vui. Má chị Hoài hỏi sao đâm đầu vô thương chỗ đó, cô hỏi lại: “Anh Hết hổng được chỗ nào hả má?”. “Ừ, tao chê chỗ nào bây giờ, thằng Hết được, hiền, giỏi giang, chịu khó lại hiếu thảo. Nhưng nó nghèo quá, thân sơ thất sở không một cục đất chọi chim, biết có lo cho bây sung sướng được không. Bây quen được tưng tiu mà”. Chị Hoài không cãi ra mặt nhưng bụng nghĩ, còn sức lực còn đôi tay, còn cơ may thay đổi cuộc đời.

Lúc đó, anh Hết vẫn chưa mê cờ. Nhưng anh biết chơi nhờ đi làm bốc vác ngoài nhà máy, mấy ông già chèo đò truyền lại, nức tiếng với mấy chiêu pháo đầu, bình phong mã, công thủ song toàn. Cho tới lúc má chị Hoài lại nhà, không biết nói gì nhưng có khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt già nua của người đàn bà đã từng cho anh bú thép([1]). Sáng hôm sau anh đã thay đổi, nhanh như người ta lật một bàn tay. Anh đam mê cờ tướng. Anh hay na bộ cờ ra ngồi mấy gốc cây bên vệ đường để tìm đối thủ, để ai cũng thấy đúng là thằng Hết bê tha thiệt rồi. Nó không chịu làm ăn gì mà tối ngày nướng thời gian trên mấy con cờ xanh đỏ.

Hồi đó, tía([2]) rầy([3]) anh dữ lắm. Anh thưa, với con, nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Con đã nợ má em Hoài, tía à. Không biết ông già rồi có hiểu gì tình cảm của tụi trẻ không, ông ừ hử vậy. Nhưng thấy anh ngồi la cà đánh cờ ở đâu, giữa đường cũng vậy, ông vác cây đánh ngay đó. Vừa đánh vừa kêu nhịp nhàng “Xe nè! Chốt! Pháo nè! Bụp! Chiếu hả, thằng ma cà bông, tao chiếu cho mấy đường”. Ông ca cẩm thằng con ông bây giờ tệ bạc lắm chiều hôm qua nó để ông ăn cơm nguội chung với mấy con gián. Ông nói mà giọng ông hơi nghèn nghẹn dường như trong lòng đau nhói lắm. Nuôi nó từ nhỏ tới lớn, bây giờ ông mới đánh nó đây, đánh để giúp nó trả ơn đời. Tối về ông bắt nó nằm cho ông xoa dầu, hỏi bày đặt yêu đương chi mà khổ vậy con ơi. Xóm này người ta không biết nên nói mày hết thuốc chữa rồi. Con tao mà vậy à.

Chị Hoài cũng can ngăn, thuyết phục mãi, tốn không biết bao nhiêu là nước mắt, cuối cùng đành phải bỏ đi lấy chồng. Hôm đám, anh Hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậy. Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có cái tiếng bạc tình ảnh([4]) cũng gánh cho em rồi. Tranh thủ lúc chưa làm lễ, chị Hoài rủ chị Hảo mang cả áo xống chạy ra, nhìn anh như nhìn lần chót, như lấy chồng là chết vậy. Anh Hết dứt khoát không ngước lên. Thôi, không nắm níu gì được nữa rồi, nghe người ta kiếm cô dâu, hai chị quay vào. Đi một đoạn, nghe đám con nít trộ lên, anh Hết sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt lên con tướng này nè, đó, nó ướt nhẹp đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn: “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về([5])” …

Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người này, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm.

Anh Hết lại sống như những ngày trước kia lầm lũi đi đào thuê, vác mướn, kiếm tiền nuôi tía.

[…] Nhưng từ ngày chị Hoài lấy chồng, anh Hết đã không đụng tay vào quân cờ nào nữa. Anh hay ngồi nhìn bàn cờ mặt buồn rười rượi, mấy đứa nhỏ không biết, cứ rủ hoài, ừ thì chơi. Anh biểu tụi nó bày cờ ra, rồi tự đi quân, anh không nhìn, chổng mông vo gạo, một đứa nói vô pháo đầu nghen, anh kêu mã tấn. Tấn chỗ nào? Tấn giữ con chốt đang bị con pháo rình đó, biết còn hỏi. Tụi nhỏ kêu, đây là kiểu “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”, đánh cờ mà làm công chuyện không ngưng tay, nói khơi khơi, cũng thắng.

Lụi hụi rồi bốn mùa gió bấc về kể từ mùa gió chị Hoài lấy chồng. Ba anh Hết thường chống đũa trên mâm cơm than ăn không vô. Anh hỏi ông thèm gì. Ông bảo chắc tao gần chết rồi, tao thèm một thằng cháu nội. Hết lượng sượng mãi mới cười: “Trời, thèm gì ngặt vậy, không biết con biết kiếm đâu cho tía bây giờ” . Tía anh Hết biểu lại đằng quán con Hảo lỡ thời mà kiếm. Mày giả đò hoài, con nhỏ thương mày, ai cũng biết, chỉ mày là không. Anh Hết cãi, làm gì có, tía. Ông già đứng dậy, vậy phải thử. Nói rồi vung gậy đánh. Như mấy lần trước, anh Hết lại chạy lừng khừng ra sân. Rượt chán, ông già dứ dứ cây gậy vô mặt anh rồi tủm tỉm cười quay đi. Ông già còn kịp thấy chị Hảo chạy lại vẹt đám con nít ra, đưa anh chai dầu Nhị Thiên Đường, miệng xuýt xoa hỏi anh đau chỗ nào, giọng như người thân thiết trong nhà: “Làm gì mà để tía giận dữ vậy, lén chơi cờ phải hôn?”. Anh Hết không trả lời, cầm chai dầu còn ướt mồ hôi tay của chị. Đây đã là chai thứ chín chị cho anh, anh khẽ bảo:

– Hảo, tôi… cảm ơn.

Anh ngần ngừ sau chữ “tôi” hơi lâu, làm chị Hảo chờ muốn nín thở. Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi!

Đâu có biết, chỉ tại chưa quên được. Anh chưa dám nhìn thẳng vô mắt Hoài để cười, chưa dám nựng nịu con của Hoài mỗi khi chị bồng nó đi tiêm ngừa. Chưa thanh thản để chào nhau như một người bạn gặp một người bạn. Hảo có hiểu không?

Hiểu, nên tôi chờ đây nè.

Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm “Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết bàn”([6]), chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông.

Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

Ai mà biết.

Mùa nay gió bấc hiu hiu lại về.

(Nguyễn Ngọc Tư([7]), Hiu hiu gió bấc, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.27-36)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong văn bản trên.

Câu 2. Tìm 02 câu văn có sự kết hợp lời người kể chuyện và lời nhân vật.

Câu 3. Vì sao anh Hết đam mê cờ tướng?

Câu 4. Chi tiết nào thể hiện nỗi đau đớn của anh Hết trong ngày chị Hoài đi lấy chồng?

Câu 5. Trong đoạn văn bản, có hai lần tía anh Hết vung gậy rượt đánh con. Chỉ ra sự khác biệt và ý nghĩa của hai lần người cha ấy đánh con.

Câu 6. Nhận xét về hình tượng nhân vật anh Hết trong văn bản.

Câu 7. Nhận xét về ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 8. Hãy rút ra 02 thông điệp ý nghĩa từ văn bản trên.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về văn bản trên.

 

Đáp án:

 

ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Ngôi kể thứ ba (người kể chuyện toàn tri).

Câu 2. HS chỉ ra 02 câu văn có sự kết hợp lời người kể chuyện và lời nhân vật:

Không, chị Hảo nghiêm nghị, cờ tướng là loại cờ tao nhã chỉ dành cho quân tử, có gì mà sợ.Mê rượu, mê gái mới ghê. Chỉ sợ người ta không thương mình.

Anh thưa, với con, nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người. Con đã nợ má em Hoài, tía à.

Ông ca cẩm thằng con ông bây giờ tệ bạc lắm chiều hôm qua nó để ông ăn cơm nguội chung với mấy con gián.

Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài nên mới dửng dưng vậy.

Anh hay ngồi nhìn bàn cờ mặt buồn rười rượi, mấy đứa nhỏ không biết, cứ rủ hoài, ừ thì chơi.

Câu 3. Anh Hết đam mê cờ tướng vì:

Anh cần một cái cớ để lảng tránh chị Hoài, để chị có cơ hội lấy người khác giàu có hơn như mong muốn của má chị.

– Đó là cách anh trả “món nợ sữa” cho mẹ chị Hoài.

Câu 4. Chi tiết thể hiện nỗi đau đớn của anh Hết trong ngày chị Hoài đi lấy chồng: Nước mắt anh rớt lên con tướng […] Hết cười lớn, nói lớn: “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về”.

Câu 5. Sự khác biệt và ý nghĩa của hai lần tía anh Hết vung gậy rượt đánh con:

– Lần thứ nhất, tía anh Hết rượt đánh anh Hết khi thấy anh la cà đánh cờ ở bất cứ đâu. Người cha đánh con, phụ họa với con để mọi người đều nghĩ rằng con của ông đã trở thành một người bê tha. Ông muốn giúp con rời bỏ mối tình đẹp đẽ với Hoài để Hoài có cơ hội lấy người chồng giàu có hơn như mong muốn của má cô. Đó cũng là cách để con trai ông trả món nợ với má của Hoài – người đã cho con ông “bú thép”. Hành động này thể hiện sự thấu hiểu, nỗi đau của người cha khi đứa con trai yêu quý, hiếu thảo của mình phải dứt bỏ tình yêu đẹp vì cảnh nghèo, phải chịu mang tiếng xấu để trả ơn nghĩa cuộc đời.

– Lần thứ hai, người cha đánh anh Hết để người con gái tên Hảo có cái cớ bày tỏ tình cảm với anh. Người cha đánh con với nụ cười tủm tỉm, với niềm hi vọng anh con trai sẽ có được hạnh phúc của đời mình.

=> Hành động đánh con của người cha ở hai lần tuy khác nhau về mục đích nhưng đều xuất phát từ tình yêu thương con, thể hiện tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng.

Câu 6. Nhận xét về hình tượng nhân vật anh Hết trong văn bản:

– Mặc dù có hoàn cảnh nghèo khó, đáng thương nhưng Hết lại rất hiền lành, chịu khó, hiếu thảo với cha và có lối sống trọng tình trọng nghĩa.

– Nhân vật anh Hết là đại diện cho hình ảnh những con người lao động chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng vẫn ngời sáng những phẩm chất cao đẹp, vừa đáng thương vừa đáng trọng.

Câu 7. Nhận xét về ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản:

– Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, mộc mạc, đậm sắc thái Nam Bộ.

– Có sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, giữa lời đối thoại và độc thoại giúp dẫn dắt truyện một cách tự nhiên, khắc họa nhân vật sinh động, chân thực.

Câu 8. HS rút ra 02 thông điệp ý nghĩa từ văn bản. Gợi ý:

– Thông điệp về lối sống trọng nghĩa trọng tình: biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn; đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh,…

– Thông điệp về lối sống thủy chung.

– Thông điệp về tình cảm cha con, láng giềng,….

 

LÀM VĂN

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Hiu hiu gió bấc là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tư – một trong những nữ nhà văn nổi bật nhất của văn học Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Thân bài

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

– Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tư sáng tác thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết,… Văn của Nguyễn Ngọc Tư trong sáng, mộc mạc, thể hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.

– Các tác phẩm chính:

– Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, tiếng Đức.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

– Hoàn cảnh sáng tác: đăng ngày 13/08/2015 trên fanpage Nguyễn Ngọc Tư.

– Thể loại: Truyện ngắn.

– Nội dung tác phẩm: Nhân vật chính của truyện là một chàng trai tên Hết. Anh Hết mồ côi mẹ ngay từ lúc lọt lòng, lớn lên nhờ dòng sữa của những người đàn bà có con nhỏ trong xóm, trong số đó có mẹ chị Hoài. Anh Hết rất hiếu thảo với cha già, chăm chỉ làm ăn. Tuy nhiên, vì gia cảnh nghèo khó và day dứt trước “món nợ sữa”, Hết đành tự tìm cách biến mình thành kẻ bê tha, bất hiếu trong mắt mọi người, dành đam mê cho môn cờ tướng để có cái cớ dứt bỏ mối tình đẹp đẽ với Hoài. Cha của anh Hết cũng đau đớn mà rượt đánh con, phụ họa với con để giúp đứa con trai hiếu thảo, chăm chỉ của mình trả món nợ với đời. Sau ngày chị Hoài đi lấy chồng, anh Hết không đụng tay vào quân cờ nào nữa. Nhưng dù chị Hoài đã đi lấy chồng mấy năm, anh vẫn nặng lòng mà không thể quên được người con gái ấy. Vì vậy, anh không thể đáp lại tình cảm của chị Hảo – người con gái lỡ thì vốn rất hiểu và yêu thương anh hết mực. Chị Hảo vẫn chờ đợi anh qua từng mùa gió bấc.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Giá trị tư tưởng: Giá trị nhân văn:

+ Thương cảm trước số phận éo le của những người lao động nghèo;

+ Ngợi ca, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của con người: nhân hậu, chăm chỉ, hiếu thảo, thủy chung,…

+ Khẳng định khát vọng hạnh phúc,…

– Giá trị nghệ thuật:

+ Cốt truyện đơn giản, ít sự kiện, các sự kiện sắp xếp không theo trình tự thời gian, cách mở đầu độc đáo, kết truyện mở; tình huống truyện éo le; chi tiết nghệ thuật chọn lọc;…

+ Kể chuyện từ ngôi thứ 3 mang lại tính khách quan cho câu chuyện, giúp người kể chuyện có thể miêu tả những biểu hiện bên ngoài cũng như khám phá thế giới nội tâm của các nhân vật.

+ Truyện có sự đan xen giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, mộc mạc, đậm sắc thái Nam Bộ.

+ Nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thật từ hành động, cử chỉ đến suy nghĩ, cảm xúc,…

Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

– Đạo diễn Vũ Trần chuyển thể Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư thành kịch Nợ sữa.

– Đạo diễn Minh Nhật chuyển thể Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư thành vở kịch cùng tên với sự góp mặt của NSƯT Hoài Linh.

Bài viết tham khảo:

Hiu hiu gió bấc là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tư – một trong những nữ nhà văn nổi bật nhất của văn học Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Không chỉ gieo vào lòng người đọc những xúc động ngậm ngùi trước cuộc sống của những người lao động nghèo nơi mảnh đất Nam Bộ, tác phẩm cũng thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam Bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.

Âm thầm đến với văn chương và bừng sáng khi được nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành tâm điểm của sự hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại. Chị đã tiếp tục có những cú nhảy ngoạn mục trên chặng đường văn cùng những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.

Bên cạnh Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận,… là những tác phẩm gây được tiếng vang lớn, giúp Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều giải thưởng thì Hiu hiu gió bấc cũng là một truyện ngắn đặc sắc của nữ nhà văn đất mũi Cà Mau. Truyện được đăng lần đầu ngày 13/08/2015 trên fanpage Nguyễn Ngọc Tư. Nhân vật chính của truyện là một chàng trai tên Hết. Anh Hết mồ côi mẹ ngay từ lúc lọt lòng, lớn lên nhờ dòng sữa của những người đàn bà có con nhỏ trong xóm, trong số đó có mẹ chị Hoài. Anh Hết rất hiếu thảo với cha già, chăm chỉ làm ăn. Tuy nhiên, vì gia cảnh nghèo khó và day dứt trước “món nợ sữa”, Hết đành tự tìm cách biến mình thành kẻ bê tha, bất hiếu trong mắt mọi người, dành đam mê cho môn cờ tướng để có cái cớ dứt bỏ mối tình đẹp đẽ với Hoài. Cha của anh Hết cũng đau đớn mà rượt đánh con, phụ họa với con để giúp đứa con trai hiếu thảo, chăm chỉ của mình trả món nợ với đời. Sau ngày chị Hoài đi lấy chồng, anh Hết không đụng tay vào quân cờ nào nữa. Nhưng dù chị Hoài đã đi lấy chồng mấy năm, anh vẫn nặng lòng mà không thể quên được người con gái ấy. Vì vậy, anh không thể đáp lại tình cảm của chị Hảo – người con gái lỡ thì vốn rất hiểu và yêu thương anh hết mực. Chị Hảo vẫn chờ đợi anh qua từng mùa gió bấc.

Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư, Hiu hiu gió bấc thể hiện tấm lòng sâu nặng, sự gắn bó tha thiết của nữ văn sĩ với mảnh đất quê hương. Truyện mang giá trị nhân văn sâu sắc khi thể hiện tấm lòng thương cảm của nhà văn trước số phận éo le của những người lao động nghèo nơi xóm nhỏ ven sông. Qua truyện, nhà văn cũng ngợi ca, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của con người: nhân hậu, chăm chỉ, hiếu thảo, thủy chung,… và khẳng định khát vọng hạnh phúc bình dị mà tha thiết của con người.

Hiu hiu gió bấc cũng thể hiện những nét đặc sắc trong phong cách truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Cốt truyện tuy đơn giản, ít sự kiện, nhưng lại hấp dẫn người đọc bởi nét hiện đại, duyên dáng trong cách kể chuyện: các sự kiện sắp xếp không theo trình tự thời gian, cách mở đầu độc đáo, kết truyện mở; tình huống truyện éo le; chi tiết nghệ thuật chọn lọc;… Nhà văn chọn cách kể chuyện từ ngôi thứ 3 mang lại tính khách quan cho câu chuyện, giúp người kể chuyện có thể miêu tả những biểu hiện bên ngoài cũng như khám phá thế giới nội tâm của các nhân vật. Truyện có sự đan xen giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, mộc mạc, đậm sắc thái Nam Bộ. Nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thật từ hành động, cử chỉ đến suy nghĩ, cảm xúc,…

Truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được đạo diễn Vũ Trần chuyển thể thành vở kịch Nợ sữa, phát sóng trong chương trình Kịch cùng Bolero trên kênh THVL1 tối ngày 19/6/2017, cùng với vở Làm đĩ được chuyển thể từ tác phẩm rất nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng. Tối 9 và 10/6/2018 tại Nhà hát Hưng Đạo (136 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), vở kịch mang tên Hiu hiu gió bấc của đạo diễn Minh Nhật lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư đã được công diễn với sự góp mặt của nhiều diễn viên có tên tuổi, trong đó có NSƯT Hoài Linh. Và chắc chắn, truyện ngắn này cùng nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các ngành nghệ thuật khác nữa trong tương lai.

([1]) Bú thép: bú nhờ. Nhân vật Hết mồ côi mẹ từ nhỏ, phải đi bú nhờ những người đàn bà có con nhỏ trong xóm.

([2]) Tía: cha, bố.

([3]) Rầy: trách, mắng.

([4]) Ảnh: anh ấy.

([5]) Con chốt (tốt): cùng với xe, pháo, mã, tướng, là tên các quân cờ trong bàn cờ tướng. Con chốt khi chưa qua sông (khoảng trống trên bàn cờ ngăn giữa 2 bên người chơi) thì nó đi thẳng và ăn thẳng theo chiều dọc. Sau khi đã qua sông thì con chốt có thể di chuyển theo cả 2 chiều ngang và dọc. Nó chỉ di chuyển mỗi lần 1 ô và chỉ có thể tiến lên chứ không được lùi lại.

([6]) Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết bàn: xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt tới trạng thái thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt.

([7]) Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tư sáng tác thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết,… Văn của Nguyễn Ngọc Tư trong sáng, mộc mạc, thể hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *