Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Mẹ ta trả nhớ về không – Đỗ Trung Quân

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đề bài

I.ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Ngày xưa chào mẹ, ta đi

Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

Mười năm rồi lại thêm mười

Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?

“Ông ai thế? Tôi chào ông!”

Mẹ ta trí nhớ về… mênh mông rồi

“Ông có gặp thằng con tôi?

Hao hao… tôi nhớ… nó người… như ông”

Mẹ ta tr nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng… rồi đi.

(Mẹ ta trả nhớ về không – Đỗ Trung Quân)

 Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ?

Câu 2: Tâm trạng của nhân vật “ta” trong bốn dòng thơ đầu?

Câu 3: Khi đứa con trở về, người mẹ đã xưng hô với con thế nào?

Câu 4: Qua bài thơ, nhân vật “ta” muốn bộc lộ nỗi niềm gì với người mẹ của mình?

Câu 5: Câu nói nào của người mẹ trong bài thơ gây bất ngờ nhất với bạn? Lí giải?

Câu 6: Lựa chọn và phân tích một yếu tố tượng trưng trong bài thơ mà em ấn tượng nhất ?

Câu 7: Phân tích tác dụng của biện pháp đối lập được sử  dụng ở bốn dòng thơ đầu?

Câu 8: Từ nội dung bài thơ, bạn rút ra được bài học gì cho bản thân?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Câu 1:Chủ thể trữ tình:  Nhân vật xưng “ta”

Câu 2: Tâm trạng của nhân vật “ta” trong bốn dòng thơ đầu:

 Vui mừng trong ngày ra đi, xúc động trong ngày trở về

Câu 3: Khi đứa con trở về, người mẹ đã xưng hô với con : Tôi – ông

Câu 4: Qua bài thơ, nhân vật “ta” muốn bộc lộ nỗi niềm gì với người mẹ của mình:  bài thơ thể hiện tình yêu thương của người con đối với mẹ của mình, cũng như những nỗi niềm day dứt của người con sau bao năm tháng rời xa người mẹ, ra đi theo những khát vọng của tuổi trẻ, để rồi khi trở về, người mẹ đã già yếu, đã không thể nhận ra mình nữa.

Câu 5: Học sinh được tự do lựa chọn, miễn là có lí giải thuyết phục.

Gợi ý:

– Câu nói của người mẹ gây bất ngờ nhất: “Ông ai thế? Tôi chào ông!”

– Lí giải: Câu nói gây bất ngờ vì người mẹ lại không nhận ra đứa con của mình. Sau khoảnh khắc bất ngờ ấy, người đọc lại thêm ngỡ ngàng khi nhận ra sự thực: người mẹ đã già, đã không còn minh mẫn. Sự ngỡ ngàng ấy lại khiến người đọc không khỏi xót xa.

Câu 6: Học sinh được tự do lựa chọn, miễn là có lí giải thuyết phục.

Gợi ý: Mẹ ta trí nhớ về… mênh mông rồi

Trí nhớ về mênh mông rồi  là cách nói đầy hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng: Mẹ tuổi đã già trí tuệ không còn minh mẫn, lẫn lộn không phân biệt được ai là con mình theo năm tháng,tuổi đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần.Từ đó ta thấy sự rưng rưng xúc động  của người con với mẹ

Câu 7:

Biện pháp tu từ : Đối lập

 Tác dụng:

– Nhấn mạnh sự trái ngược trong tâm trạng của mẹ và ta ngày ra đi và ngày trở về. Ngày ra đi “ta” vui vẻ phấn khởi đầy háo hức vì bước chân vào chặng đường mới của cuộc đời, còn mẹ khóc vì thương và nhớ con khi phải xa con.Ngày trở về thì “ta” khóc vì thương mẹ đã già cả đời tảo tần vì con nay không nhớ nổi con mình còn mẹ thì cười vì tuổi già lẫn lộn vui buồn không phân biệt được

-Từ đó tác động đến người đọc hãy luôn phải biết yêu thương biết ơn mẹ . Hãy yêu thương khi còn có thể để không phải ân hận

-Làm cho câu thơ sinh động giàu giá trị biểu cảm.

Câu 8: Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là bài học đó có ý nghĩa và liên quan đến nội dung của bài thơ.

Gợi ý: Mỗi người cần phải biết yêu thương mẹ của mình, hãy luôn cố gắng bên cạnh mẹ, chăm sóc mẹ của mình khi còn có thể.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không” của Đỗ Trung Quân là một tác phẩm viết về mẹ  với nội dung và nghệ thuật đặc săc, mang đậm tâm hồn và phong cách của tác giả.Đỗ Trung Quân  đã thành công trong việc tái hiện lại những kỷ niệm về mẹ và tạo nên một trải nghiệm đọc đầy sâu sắc và đáng nhớ. bài thơ cũng đã được phổ nhạc và trình bày bởi nhiều ca sĩ như Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long. Điều này cho thấy sức hút và giá trị  của bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không”.

Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

Đỗ Trung Quân (sinh 19 tháng 1 năm 1955) là một nhà thơ  nổi tiếng của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông sinh tại Sài Gòn. Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của ông. Năm 1979, ông tham gia phong trào Thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè ông hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình. Một số bài thơ phổ nhạc được nhiều người biết đến như:Hươngtràm (1978), VũHoàng phổnhạcBài học đầu cho con (1986), Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương”
Chút tình đầu (1984), Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài Phượng hồng (1988)
Khúc mưa, Phú Quang phổ nhạc,Những bông hoa trên tuyến lửa, Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc.Thơ Đỗ Trung Quân hấp dẫn người đọc bởi ngôn từ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi của quê hương và giọng thơ nhẹ nhàng sâu lắng thấm đượm ý vị triết lý sâu sắc.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

– Thể loại: Bài thơ Mẹ ta trả nhớ về không được sáng tác theo thể thơ lục bát. Tác giả lấy câu thứ 9 đặt tên cho bài thơ. Khi được phổ nhạc, các ca sĩ đã trình bày ca khúc là Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long.

– Hoàn cảnh sáng tác: Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại rằng, “Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về thăm mẹ năm bà 92 tuổi, người mẹ đã mắc chứng Alzheimer và không còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: Ông ơi, ông là ai? Bạn tôi ôm mẹ khóc như mưa…”. Từ cảm xúc đó, Đỗ Trung Quân viết bài thơ này.

– Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình mẹ con, đúng hơn, đó là tình cảm của đứa con đối với người mẹ, day dứt bao nỗi niềm: Ngày xưa chào mẹ, ta đi/ Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười/ Mười năm rồi lại thêm mười/ Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không?

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Thông qua lời kể và những suy nghĩ của người con – nhân vật xưng “ta” trong bài thơ – bài thơ thể hiện tình yêu thương của người con đối với mẹ của mình, cũng như những nỗi niềm day dứt của người con sau bao năm tháng rời xa người mẹ, ra đi theo những khát vọng của tuổi trẻ, để rồi khi trở về, người mẹ đã già yếu, đã không thể nhận ra mình nữa.

– Tác giả chọn hai thời điểm ý nghĩa nhất: ta đi và ta về/ mẹ khóc và ta cười/ mẹ cười và ta khóc. Giữa hai thời khắc ấy, mười năm rồi lại thêm mười, có nghĩa đến hai mươi năm, dằng dặc hơn bảy ngàn ngày thương nhớ. Hai mươi năm, bao vui buồn đổ xuống trên hai cuộc đời (mẹ và ta), hai mái ấm gia đình, hai thứ tóc chuyển màu. Tiếng cười và tiếng khóc, ý nghĩa không giống nhau, đằng đẳng cả nghìn trùng của không gian và thời gian trong mỗi số phận.

“Ngày xưa chào mẹ, ta đi / Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười”. Hai câu thơ diễn tả rất đúng tâm trạng của hai mẹ con. Con còn trẻ, chỉ thấy phía trước là những chân trời mênh mông, vẫy gọi, hớn hở vô cùng, dấn bước vào đời, làm một con người tự do với bao khát vọng tràn đầy.

– Ta đi – mẹ khóc, khóc vì phải xa con, lo lắng cho con, nơi những góc bể chân trời.

– Đến khi Ta về – Ta khóc – Mẹ cười – Lạ không? Hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau của người mẹ và người con được lý giải: Khi trở về, người con gặp lại mẹ, bao năm xa nhà, nhiều năm chia cách, theo tuổi đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần… Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi!

– Đằng sau tiếng khóc của người con, có thể nhận ra những ơn nghĩa sinh thành, mang nặng đẻ đau, công lao dưỡng dục và lòng yêu thương vô bờ của đứa con đối với người mẹ. Và cũng nhận ra rằng, từ nay, mọi sóng gió và vấp ngã trong đời, đâu còn một bến đỗ bình yên để trở về.
-“Ông ai thế ? Tôi chào ông/ Ông có gặp thằng con tôi/ Hao hao…/ tôi nhớ…/ nó… người… như ông”.Đây là những dòng thơ xúc động nhất, đọc đến thì rơi nước mắt, nghẹn ngào. Người mẹ không nhận ra đứa con của mình, chỉ thấy “hao hao… tôi nhớ… nó… người .. như ông”. Dòng thơ tưởng như lời giao tiếp, hỏi mà không có câu trả lời, bình thường mà lại không bình thường, nhói buốt, báo hiệu cho ta biết rằng, ta sẽ đơn côi, cô độc trên cõi trần gian này, ta sẽ có những ngày tháng bất hạnh nhất trong đời, khi:“Mẹ ta trả nhớ về không. Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi…”. mẹ đã buông bỏ nhân gian để đi vào cõi vĩnh hằng.

– Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát, với ngôn từ rất mộc mạc, giản dị. Nó chỉ là những lời kể, những lời nói, những suy nghĩ rất giản dị, tự nhiên. Nhịp điệu của bài thơ đặc biệt với các dòng thơ có nhiều dấu chấm lửng thể hiện sự bất ngờ, ngập ngừng, và cả sự nghẹn ngào không nói nên lời của người con

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

Mẹ ta trả nhớ về không là một trong những bài thơ hay viết về mẹ. Cái gốc làm nên sự sâu lắng của bài thơ đó là tìnhcảm sâu lắng của người con dành cho mẹ. Các chi tiết đều có tính điển hình, chọn lọc. Bài thơ là tiếng lòng, là niềm day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo, bổn phận làm con và gửi đến người đọc  thông điệp: Hãy luôn cố gắng bên cạnh, quan tâm và chăm sóc người mẹ của mình; đừng để đến lúc nhận ra thì mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Bài viết tham khảo

Từ xưa tới nay, những tác phẩm văn học viết về người mẹ đều gây xúc động rất mạnh. Mẹ là đề tài muôn thuở trong thơ ca cũng như trong âm nhạc bởi lẽ dù bạn là ai, bạn được sinh ra từ đâu thì đều không thể không nhớ về nguồn cội của mình. Dù có khôn lớn bao nhiêu thì khi trở về bên mẹ chúng ta lại trở thành những đứa con bé bỏng, những người mẹ thì vẫn luôn luôn dành tình yêu vô bờ bến cho những đứa con của mình. Bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không” của Đỗ Trung Quân là một tác phẩm viết về mẹ  với nội dung và nghệ thuật đặc săc, mang đậm tâm hồn và phong cách của tác giả. Tác giả đã thành công trong việc tái hiện lại những kỷ niệm về mẹ và tạo nên một trải nghiệm đọc đầy sâu sắc và đáng nhớ. bài thơ cũng đã được phổ nhạc và trình bày bởi nhiều ca sĩ như Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long. Điều này cho thấy sức hút và giá trị  của bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không”.

 

Đỗ Trung Quân (sinh 19 tháng 1 năm 1955) là một nhà thơ  nổi tiếng của thơ ca Việt Nam hiện đại, ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè ông hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình. Ông sinh tại Sài Gòn. Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của ông. Năm 1979, ông tham gia phong trào Thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như:  Hương tràm (1978), Vũ Hoàng phổ nhạc
Bài học đầu cho con (1986), Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương”Chút tình đầu (1984), Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài Phượng hồng (1988)Khúc mưa Phú Quang phổ nhạc. Thơ Đỗ Trung Quân hấp dẫn người đọc bởi ngôn từ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi của quê hương và giọng thơ nhẹ nhàng sâu lắng thấm đượm ý vị triết lý sâu sắc.

 

Bài thơ Mẹ ta trả nhớ về không được sáng tác theo thể thơ lục bát, chỉ 10 câu, 70 từ, vời vợi thời gian một đời người, nặng trĩu bao tâm trạng. Tác giả lấy câu thứ 9 đặt tên cho bài thơ. Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại rằng, “Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về thăm mẹ năm bà 92 tuổi, người mẹ đã mắc chứng Alzheimer và không còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: Ông ơi, ông là ai? Bạn tôi ôm mẹ khóc như mưa…”. Từ cảm xúc đó, Đỗ Trung Quân viết bài thơ này.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình mẹ con, đúng hơn, đó là tình cảm của đứa con đối với người mẹ, day dứt bao nỗi niềm: Ngày xưa chào mẹ, ta đi/ Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười/ Mười năm rồi lại thêm mười/ Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không?mẹ đã buông bỏ nhân gian “trả trăm năm lại bụi hồng… rồi… đi” mãi mãi vào cõi vính hằng.

Thông qua lời kể và những suy nghĩ của người con – nhân vật xưng “ta” trong bài thơ – bài thơ thể hiện tình yêu thương của người con đối với mẹ của mình, cũng như những nỗi niềm day dứt của người con sau bao năm tháng rời xa người mẹ, ra đi theo những khát vọng của tuổi trẻ, để rồi khi trở về, người mẹ đã già yếu, đã không thể nhận ra mình nữa. Tác giả chọn hai thời điểm ý nghĩa nhất: ta đi và ta về/ mẹ khóc và ta cười/ mẹ cười và ta khóc. Giữa hai thời khắc ấy, mười năm rồi lại thêm mười, có nghĩa đến hai mươi năm, dằng dặc hơn bảy ngàn ngày thương nhớ. Hai mươi năm, bao vui buồn đổ xuống trên hai cuộc đời (mẹ và ta), hai mái ấm gia đình, hai thứ tóc chuyển màu. Tiếng cười và tiếng khóc, ý nghĩa không giống nhau, đằng đẳng cả nghìn trùng của không gian và thời gian trong mỗi số phận.

“Ngày xưa chào mẹ, ta đi / Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười”. Hai câu thơ diễn tả rất đúng tâm trạng của hai mẹ con. Ngày xưa, khi con còn thơ dại, chỉ thấy gia đình, xóm làng nhỏ bé, tù túng, muốn được ra ngoài, tìm tới những miền đất lạ, giống như những con chim non, đủ lông, đủ cánh muốn vút bay lên bầu trời cao rộng, biếc xanh. Vì thế khi được ra đi, người con vô cùng phấn khởi, nở nụ cười mãn nguyện, trong khi người mẹ sụt sùi không nói nên lời. Bởi người mẹ quá thương con, cho rằng con còn bé bỏng, không thể thiếu vòng tay ấp ôm của mẹ. Bây giờ con đi, bóng chim, tăm cá, đất khách, quê người thì sẽ sống ra sao?

Chỉ có mẹ, ta đi – mẹ khóc, khóc vì phải xa con, lo lắng cho con, nơi những góc bể chân trời, ai người chia sẻ khi ấm lạnh?

Đến khi Ta về – Ta khóc – Mẹ cười – Lạ không? Hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau của người mẹ và người con được lý giải: Người con cứ biền biệt không ngày trở lại. Mười năm, rồi lại mươi năm, đã thành hai mươi năm có lẻ. Hai mươi năm đủ biến một chàng trai thành một trung niên, biến một người con gái thành một bà già. Bà già ấy đằng đẵng hơn bẩy ngàn ngày ngóng đợi con về, đã thành bà cụ lắt lay trước gió, nhớ nhớ quên quên. Khi người con trở về, nỗi ân hận của hai mươi năm không một ngày phụng dưỡng mẹ già, khiến người con thương mẹ cháy lòng, bật lên bằng tiếng khóc. “Ta về ta khóc”, nhưng lạ không, mẹ thì lại cười, bởi mẹ có còn nhận ra đứa con dứt ruột của mình nữa đâu, mặc dù mẹ vẫn thấy có điều gì là lạ. Vì thế mẹ mới hỏi “Ông ai thế?” Và như một thông lệ giao tiếp, mẹ “Tôi chào ông!”. Người con đau đớn thấy mẹ không nhận ra mình, đau đớn biết rằng trí nhớ của mẹ đã “về mênh mông rồi” Nỗi đau ấy càng bị nhân lên khi mẹ hỏi “Ông có gặp thằng con tôi” và mẹ miêu tả “hao hao-tôi nhớ-nó-người như ông”.  Khi trở về, người con gặp lại mẹ, bao năm xa nhà, nhiều năm chia cách, theo tuổi đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần… Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi!

Đằng sau tiếng khóc của người con, có thể nhận ra những ơn nghĩa sinh thành, mang nặng đẻ đau, công lao dưỡng dục và lòng yêu thương vô bờ của đứa con đối với người mẹ. Và cũng nhận ra rằng, từ nay, mọi sóng gió và vấp ngã trong đời, đâu còn một bến đỗ bình yên để trở về, neo đậu:
“Ông ai thế ? Tôi chào ông/ Ông có gặp thằng con tôi/ Hao hao…/ tôi nhớ…/ nó… người… như ông”.Đây là những dòng thơ xúc động nhất, đọc đến thì rơi nước mắt, nghẹn ngào. Người mẹ không nhận ra đứa con của mình, chỉ thấy “hao hao… tôi nhớ… nó… người .. như ông”. Dòng thơ tưởng như lời giao tiếp, hỏi mà không có câu trả lời, bình thường mà lại không bình thường, nhói buốt, báo hiệu cho ta biết rằng, ta sẽ đơn côi, cô độc trên cõi trần gian này, ta sẽ có những ngày tháng bất hạnh nhất trong đời, khi:“Mẹ ta trả nhớ về không. Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi…”.

Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát, với ngôn từ rất mộc mạc, giản dị. lời thơ giống như  những lời kể, những lời nói, những suy nghĩ rất giản dị, tự nhiên. Nhịp điệu của bài thơ đặc biệt với các dòng thơ có nhiều dấu chấm lửng thể hiện sự bất ngờ, ngập ngừng, và cả sự nghẹn ngào không nói nên lời của người con

“Mẹ ta trả nhớ về không” là một trong những bài thơ hay viết về mẹ ,là tiếng lòng, là niềm day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo, bổn phận làm con. Đọc bài thơ người đọc có thể bắt gặp mình trong các dòng thơ chan chứa ân tình của Đỗ Trung Quân. Bài thơ là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo, bổn phận làm con và gửi đến người đọc  thông điệp: Hãy luôn cố gắng bên cạnh, quan tâm và chăm sóc người mẹ của mình; đừng để đến lúc nhận ra thì mọi thứ đã trở nên quá muộn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *