Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Quỳnh Hải nguyên tiêu Nguyễn Du

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Dẫn tác phẩm)

Phiên âm Hán Việt:

Quỳnh Hải nguyên tiêu

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên.

(Nguyễn Du)

 

 Dịch thơ:

Quỳnh Hải đêm rằm tháng giêng

Trăng sáng nguyên tiêu vắng bóng người

Trăng xưa không đổi nét xinh tươi

Một trời trăng tỏ soi đầu ngõ

Muôn dặm Quỳnh Châu dạ rối bời

Hồng Lĩnh tan nhà huynh đệ tán

Bạc đầu thêm hận tháng ngày trôi

Đường cùng bạn đến vui mừng gặp

Góc bể chân trời, đã mấy mươi!

( Bản dịch của Nguyễn Cang)

 

Chú thích từ ngữ:

Quỳnh Hải tức Quỳnh Châu thuộc trấn Sơn Nam xưa, nay là huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ của Nguyễn Du. Năm 1786, sau khi Nguyễn Khản thất lộc, Nguyễn Du lánh nạn về Quỳnh Côi ở nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn ở xã Hải An (lúc này Lê Chiêu Thống chưa chạy sang Trung Quốc).

Không đình): sân vắng

Nguyên tiêu): rằm tháng giêng âm lịch, nguòi Tàu làm lễ cúng kiếng rộn rịp.

Mãn : ngập, tràn, đầy

Thuyền quyên chỉ dáng đẹp đẽ dễ thương. Nói chung chỉ người lẫn vật nhưng quen dùng chỉ người phụ nữ . Ở đây chỉ mặt trăng.

Hồng Lĩnh: Núi ở Nghệ An. Nguyễn Du có chính quán ở Hà Tỉnh.

Vô gia : không nhà.

Viên: tròn(tt), trọn vẹn, đầy đủ; làm cho tròn, hoàn thành, làm cho hoàn chỉnh(đt).

Thử dạ viên: một đêm (trăng) tuyệt vời đẹp như thế nầy.

Tán: tan,bể ra, chỉ sự chia ly, phân cách, chia lìa.

Thiên : dời(dời nhà đi chỗ khác), đổi quan, biến đổi.

Đồ: đường.

Cùng đồ: đường cùng, trong bài ám chỉ cuộc đời trước mắt bị tắt nghẽn)

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên?

Câu 2: Xác định nhân vật trữ tình của bài thơ?

Câu 3: Xác định luật của bài thơ trên?

Câu 4: Phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau:

        Một trời trăng tỏ soi đầu ngõ

       Muôn dặm Quỳnh Châu dạ rối bời

Câu 5: Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung của hai câu thơ

      Đường cùng bạn đến vui mừng gặp

Góc bể chân trời, đã mấy mươi!

Câu 6: Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện như thế nào trong hai câu thơ sau:

Hồng Lĩnh tan nhà huynh đệ tán

Bạc đầu thêm hận tháng ngày trôi

Câu 7: Anh/ chị hiểu gì về hoàn cảnh xã hội được gợi lên qua bài thơ “ Quỳnh Hải Nguyên tiêu”

Câu 8: Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/ chị sau khi đọc bài thơ trên là gì? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

I.ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2: Nhân vật trữ tình: Tác giả

Câu 3: Luật của bài thơ là luật trắc.

Câu 4:

  • Nghệ thuật đối trong hai câu thơ:

        Một trời trăng tỏ soi đầu ngõ

       Muôn dặm Quỳnh Châu dạ rối bời

+ Một trời trăng tỏ – muôn dặm Quỳnh Châu

+ Soi đầu ngõ – dạ rối bời

  • Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu và làm cho câu thơ cân đối, hài hoà.

+ Nhấn mạnh sự tương phản, đối lập giữa với hoàn cảnh ……. , một bên là không gian thiên nhiên đẹp, thơ mộng với một bên là nỗi buồn cay đắng “dạ rối bời” vì xa nhà, nghèo đói, bệnh tật.

Câu 5: Nội dung của hai câu thơ

      Đường cùng bạn đến vui mừng gặp

      Góc bể chân trời, đã mấy mươi!

  • “Đường cùng bạn đến” – bạn ở đây có thể hiểu là trăng được nhân cách hoá giống như người bạn tâm giao, người bạn duy nhất đến an ủi, động viên nhân vật trữ tình trong hoàn cảnh bi đát nhất.

“Góc bể chân trời đã mấy mươi” –  Ba mươi tuổi đầu mà vẫn còn lang thang nơi góc bể chân trời, mà lẽ ra giờ nầy cuộc sống của ông phải ổn định, sum vầy bên vợ con trong ngôi nhà hạnh phúc.

  • Khao khát đoàn tụ, sum vầy, một cuộc sống ổn định.

Câu 6: Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong hai câu thơ:

Hồng Lĩnh tan nhà huynh đệ tán

Bạc đầu thêm hận tháng ngày trôi

  • Buồn trước cảnh gia đình lớn bị tan tác, anh em chia lìa, li tán.
  • Hận cho mình và cho thời cuộc

Câu 7:  Hoàn cảnh xã hội được gợi lên qua bài thơ “ Quỳnh Hải Nguyên tiêu”: Hoàn cảnh xã hội đầy biến động, mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến, kiêu binh nổi loạn gây ra cảnh loạn lạc, li tán.

Câu 8:

  • Thông điệp ý nghĩa nhất:

+ Nỗi nhớ quê hương, gia đình

+ Khao khát đoàn tụ

+ Khao khát một cuộc sống ổn định, sum vầy.

  • Lí giải: hs đưa ra lí giải hợp lí, thuyết phục.

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

1.Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều, có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ “Quỳnh Hải nguyên tiêu” – một bài thơ tiêu biểu cho sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn Du.

Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc. Quê hương của ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc phong kiến có nhiều người đỗ đạt, làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

Bài thơ “Quỳnh Hải Nguyên Tiêu” thuộc tập thơ “ Thanh Hiên thi tập”  – một tập thơ chữ Hán gồm 78 bài được sáng tác trong những năm tháng bi thương nhất của cuộc đời Nguyễn Du nên chất chứa những bi kịch cá nhân. Trong đó “Quỳnh Hải Nguyên Tiêu” được sáng tác khoảng năm cuối của “Mười năm gió bụi”. Cuộc sống đói khổ, bệnh hoạn kéo dài ba năm mà không tiền mua thuốc làm ông suy sụp tinh thần, “tam sinh tích bệnh bần vô dược”

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Về giá trị nội dung, tư tưởng, bài thơ nổi tiếng lấy khung cảnh rằm tháng giêng ( nguyên tiêu) Nguyễn Du muốn gửi gắm nỗi lòng của mình trong những ngày loạn ly, sống nương nhờ nơi quê vợ

–  Về nghệ thuật, bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu” đã đạt tới một trình độ cao. Thơ thật truyền cảm đọc lên nghe có hồn đầy xúc động. Trong bài tình và cảnh được kết hợp chặt chẽ tạo thành một viên ngọc toàn bích, có bố cục khúc chiết không dư thừa lỏng lẻo không hời hợt qua loa. Từ ngữ chọn lọc, gợi hình gợi cảm, nhịp thơ 4/3 tiêu biểu thể loại thất ngôn bát cú truyền thống,…

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

 

Bài viết tham khảo:

Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều, có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ “Quỳnh Hải nguyên tiêu” – một bài thơ tiêu biểu cho sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn Du.

Nguyễn Du (1765–1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình quyền quý, có nhiều người đỗ đạt cao và đạt nhiều thành tựu về sáng tác văn chương. Ông có kiến thức uyên bác, trái tim nhân hậu và tài năng văn học bẩm sinh. Ông để lại 250 bài thưo chữ Hán trong đó có tác phẩm “Quỳnh Hải nguyên tiêu”.

“Quỳnh Hải nguyên tiêu” ” được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là bài thơ đầu tiên  nằm trong  tập “Thanh Hiên thi tập”- một tập thơ gồm 78 bài thơ, được sáng tác trong những năm tháng bi thương nhất của cuộc đời Nguyễn Du. Sống trong một thời đại đầy biến động nên cuộc đời Nguyễn Du nếm trải nhiều thăng trầm. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của Nguyễn Du phản ảnh đậm nét nhất của một con người bị tàn phá từ tâm hồn đến thể chất trong một đất nước mà nơi nào cũng đầy những vết hằn bởi thời cuộc. Bài thơ Quỳnh Hải Nguyên Tiêu sáng tác trong năm cuối của “Mười năm gió bụi”. Cuộc sống đói khổ, bệnh hoạn kéo dài ba năm mà không tiền mua thuốc làm ông suy sụp tinh thần, “tam sinh tích bệnh bần vô dược Trong hoàn cảnh cô đơn và tâm trạng bời bời của bản thân như thế lại đối diện với khoảnh khắc đẹp nhất trong đêm rằm tháng giêng, tất cả điều đó đã làm cho Nguyễn Du càng cảm thấy cô đơn hơn, cô đơn về kiếp người, cô đơn trong thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi những bàn tay của những kẻ tham lam, dùng máu xương của nhân dân để xây thành quách quyền lực cho riêng dòng họ, cá nhân mình. Như vết thương trên cây dó đã thành khối trầm, tỏa hương thơm cho đời, tất cả chất liệu khổ đau đã làm thành khối tinh anh trong con người ông, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời cho hậu thế, cho dân tộc.

“Quỳnh Hải nguyên tiêu” là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc.  Bài thơ nổi tiếng lấy khung cảnh rằm tháng giêng ( nguyên tiêu) Nguyễn Du muốn gửi gắm nỗi lòng của mình trong những ngày loạn ly, sống nương nhờ nơi quê vợ. Ở Nguyễn Du trăng được nhân cách hóa như một người bạn, người tình

             Trăng sáng nguyên tiêu vắng bóng người

              Trăng xưa không đổi nét xinh tươi

Đêm trăng rằm tháng giêng ông ngồi trước sân vắng lặng ngắm vầng trăng sáng vằng vặc đầy trời mà lòng khắc khoải. Trăng đẹp mông lung êm dịu. Cảnh đẹp của trăng hôm nay không khác gì trăng ngày xưa. Hai chữ “ngày xưa” gợi nhớ những ngày thơ ấu sống yên vui bên cha mẹ,  anh em. Vầng trăng không đổi nhưng cảnh và con người đã đổi cả rồi! Bây giờ cảnh ấy không còn nữa, còn chăng là kỷ niệm mà thôi. Sự liên tưởng giữa trăng và cảnh cũ ngày xưa dẫn tới những biến đổi tâm lý nhân vật bằng hai câu tiếp theo trong đó nỗi lòng của tác giả được bộc lộ một cách tế nhị, kin đáo, tài tình:

                                     Một trời trăng tỏ soi đầu ngõ

                                 Muôn dặm Quỳnh Châu dạ rối bời

Ta như nghe được tiếng thở dài não nuột của ông, vì trăng tròn đêm rằm chiếu xuống muôn nơi nhưng không biết rơi vào nhà ai? Ai sẽ được hưởng mùa trăng đẹp nầy vì ánh trăng sẽ đem lại niềm vui và  hạnh phúc cho gia đình nào đó nhưng chắc chắn không phải cho gia đình ông. Theo tập quán người Việt Nam thì ngày 15 tháng giêng cũng còn là ngày tết, mọi người đoàn tụ bên nhau để hưởng cái không khí ấm cúng gia đình bên anh em cha mẹ; ai không về thăm nhà hay vì cuộc sống bôn ba, không về được là một điều bất hạnh vô cùng. Ở đây tác giả thuộc vào trừng hợp thứ hai. Biện pháp tu từ  “Thùy” gia lạc, thật tuyệt vời, đắc vị ( Rơi vào nhà ai? Là một câu hỏi tu từ ). Chỉ thấy trăng sáng vằng vặc đang tỏa khắp nẻo Quỳnh Châu xa xôi ngoài nghìn dặm.

Đến hai câu thơ luận đã làm nổi bật bi kịch cá nhân của nhân vật trữ tình:

                                       Hồng Lĩnh tan nhà huynh đệ tán

                                      Bạc đầu thêm hận tháng ngày trôi

Gia đình lớn tan tác, anh em chia lìa “tan nhà huynh đệ tán”, cuộc đời riêng cùng quẫn, bế tắc. Trong “mười năm gió bụi”, Nguyễn Du sống nghèo khổ lay lắt, xa nhà. Trong lúc bế tắc , ông cố vùng vẫy để thoát khỏi cảnh lầm than nhưng đành bất lực, khi tuổi già tới mau và thời gian cứ trôi nhanh mà không cách nào ngăn cản được. Ông giận cho mình và cho thời cuộc. Ông giận sao mà thời gian qua nhanh quá, thoáng một cái mà ông đã bạc đầu, ông lại hận thời thế sao mà quá đảo điên, cứ thay đổi xoành xoạch, trong vòng quay của tạo hóa, dường như ông chẳng gặt hái được gì trong khi mà cái giá phải trả cho những ưu tư là một mái tóc bạc, còn trong vòng quay của thời cuộc, một kẻ sĩ như ông dường như chẳng có nghĩa lý gì. Có lẽ ông còn hận nhiều hơn thế, ông hận nhân gian, ông hận thời thế, rồi ông hận cả đất trời.

Kết lại bài thơ:

                                Đường cùng bạn đến vui mừng gặp

                               Góc bể chân trời, đã mấy mươi!

May mắn thay trong lúc cùng đường vẫn còn một người bạn duy nhất đến thăm an ủi, người bạn nầy chính là mặt trăng! Tác giả nhân cách hóa mặt trăng như một người bạn, một người tình, biết cảm thông hoàn cảnh của tác giả nên đến chia sẻ nỗi buồn khiến ông cảm động vô cùng! Sau cùng tác giả than thân: Ba mươi tuổi đầu mà vẫn còn lang thang nơi góc bể chân trời, mà lẽ ra giờ nầy cuộc sống của ông phải ổn dịnh, sum vầy bên vợ con trong ngôi nhà hạnh phúc.

 

Bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu” về mặt nghệ thuật đã đạt tới một trình độ cao. Thơ thật truyền cảm đọc lên nghe có hồn đầy xúc động. Trong bài tình và cảnh được kết hợp chặt chẽ tạo thành một viên ngọc toàn bích, có bố cục khúc chiết không dư thừa lỏng lẻo không hời hợt qua loa. Từ ngữ chọn lọc, gợi hình gợi cảm, nhịp thơ 4/3 tiêu biểu thể loại thất ngôn bát cú truyền thống. Phép đối sử dụng một cách điêu luyện đúng luật (thanh, ý, từ) trong thơ Đường, tá đối  sử dụng khéo léo khiến câu thơ trở nên sinh động, mới mẻ, gây hứng thú, thuyết phục người đọc. Chính vì vậy mà nhà thơ Thảo Nguyên đã đánh giá:”Bài thơ toàn bích, có bố cục chặt chẽ, đẹp như một viên ngọc. Với những ý tưởng hoàn toàn mới lạ, khác hẳn với những bài thơ Đường xưa cũ, có thể nói đây là một trong những bài “thơ trăng” đẹp, lạ nhất của văn học Việt Nam”.

Như vậy, cunng với những sáng tác bằng chữ Nôm thì thơ chữ Hán nói chung và bài thơ Quỳnh Hải nguyên tiêu nói chung đã khẳng định vị trí và đóng góp của đại thi hào Nguyễn Du trên thi đàn văn học dân tộc. Bài thơ xứng đáng là bông hoa nghệ thuật bất diệt, tựa mùa xuân không ngày tháng.  Với gia tài thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành tựu của một giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *