Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Sở kiến hành Nguyễn Du

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

SỞ KIẾN HÀNH(*)

(Những điều trông thấy) – Nguyễn Du

Phiên âm:

Hữu phụ huề tam nhi
Tương tương toạ đạo bàng
Tiểu giả tại hoài trung
Ðại giả trì trúc khuông
Khuông trung hà sở thịnh
Lê hoắc tạp tì khang
Nhật án bất đắc thực
Y quần hà khuông nhương
Kiến nhân bất ngưỡng thị
Lệ lưu khâm lang lang
Quần nhi thả hỉ tiếu
Bất tri mẫu tâm thương
Mẫu tâm thương như hà
Tuế cơ lưu dị hương
Dị hương sảo phong thục
Mễ giá bất thậm ngang
Bất tích khí hương thổ
Cẩu đồ cứu sinh phương
Nhất nhân kiệt dung lực
Bất sung tứ khẩu lương
Thiên nhật giai vị hoàng
Âm phong phiêu nhiên chí

Hành nhân diệc thê hoàng
Duyên nhai nhật khất thực
Thử kế an khả trường
Nhãn hạ uỷ câu hác

Huyết nhục tự sài lang
Mẫu tử bất túc tuất
Phủ nhi tăng đoạn trường
Kỳ thống tại tâm đầu
Tạc tiêu Tây Hà dịch
Cung cụ hà trương hoàng
Lộc cân tạp ngư xí
Mãn trác trần trư dương
Trưởng quan bất hạ trợ
Tiểu môn chỉ lược thường
Bát khí vô cố tích
Lân cẩu yếm cao lương
Bất tri quan đạo thượng
Hữu thử cùng nhi nương
Thuỳ nhân tả thử đồ
Trì dĩ phụng quân vương
.

Dịch nghĩa

Có người đàn bà dắt ba đứa con
Cùng nhau ngồi bên đường
Ðứa nhỏ trong bụng mẹ
Ðứa lớn cầm giỏ tre
Trong giỏ đựng gì lắm thế?
Rau lê, hoắc lẫn cám
Qua trưa rồi chưa được ăn
Áo quần sao mà rách rưới quá
Thấy người không ngẩng nhìn
Nước mắt chảy ròng ròng trên áo
Lũ con vẫn vui cười
Không biết lòng mẹ đau
Lòng mẹ đau ra sao?
Năm đói lưu lạc đến làng khác
Làng khác mùa màng tốt hơn
Giá gạo không cao quá
Không hối tiếc đã bỏ làng đi
Miễn sao tìm được phương tiện sống
Một người làm hết sức
Không đủ nuôi bốn miệng ăn
Dọc đường mỗi ngày đi ăn mày
Cách ấy làm sao kéo dài mãi được

Thấy trước mắt cái lúc bỏ xác bên ngòi rãnh

Máu thịt nuôi lang sói
Mẹ chết không thương tiếc
Vỗ về con càng thêm đứt ruột
Trong lòng đau xót lạ thường
Mặt trời vì thế phải vàng uá
Gió lạnh bỗng ào tới
Người đi đường cũng đau đớn làm sao
Ðêm qua ở trạm Tây Hà
Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức
Gân hươu cùng vây cá
Ðầy bàn thịt heo, thịt dê
Quan lớn không thèm đụng đũa
Ðám theo hầu chỉ nếm qua
Vứt bỏ không luyến tiếc
Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon
Không biết trên đường cái
Có mẹ con đói khổ nhà này
Ai người vẽ bức tranh đó
Ðem dâng lên nhà vua.

Dịch thơ:

Một mẹ cùng ba con,

Lê la bên đường nọ,

Đứa bé ôm trong lòng,

Đứa lớn tay mang giỏ.

Trong giỏ đựng những gì?

Mớ rau lẫn tấm cám,

Nửa ngày bụng vẫn không,

Áo quần vẻ co rúm.

Gặp người chẳng dám nhìn,

Lệ sa vạt áo ướt,

Mấy con vẫn cười đùa,

Biết đâu lòng mẹ xót.

Lòng mẹ xót vì sao?

Đói kém phải phiêu bạt.

Nơi đây mùa khá hơn,

Giá gạo không quá đắt.

Quản chi bước lưu ly,

Miễn sống qua thì đói.

Nhưng một người làm thuê,

Nuôi bốn miệng sao nổi!

Lần phố xin miếng ăn,

Cách ấy đâu được mãi!

Chết lăn rãnh đến nơi,

Thịt da béo cầy sói.

Mẹ chết có tiếc gì,

Thương đàn con vô tội,

Nỗi đau như xé lòng,

Trời cao có thấu nổi?

Gió lạnh bỗng đâu về

Khách đi đường rầu rĩ,

Đêm qua trạm Tây Hà

Mâm cổ sang vô kể?

Nào vây cá, gân hươu,

Lợn dê mâm đầy ngút,

Quan lớn không động đũa,

Tuỳ tùng chỉ nếm chút.

Thức ăn thừa đổ đi

Chó no ngấy món ngon,

Biết đâu bên đường quan,

Có mẹ con cực khổ!

Ai vẽ bức tranh này

Dâng lên nhà vua rõ!

(Theo Thơ chữ Hán Nguyễn Du,

Nhà xuất bản Văn học, 1978, tr. 27-28 & 449-454)

(*) Bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy) được Nguyễn Du sáng tác khi ông đang dẫn đầu phái đoàn đi sứ sang Trung Quốc từ năm 1813 đến năm 1814.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2. Nhân vật chính trong bài thơ là ai?

Câu 3. Tình cảnh đói khổ của bốn mẹ con được thể hiện qua những hình ảnh nào?

Câu 4. Anh/Chị hiểu thế nào về nội dung của hai dòng thơ: Ai vẽ bức tranh này/ Dâng lên nhà vua rõ!?

Câu 5. Nêu hiệu quả của nghệ thuật đối lập, tương phản được sử dụng trong bài thơ.

Câu 6. Nêu chủ đề của bài thơ.

Câu 7. Nhận xét về thái độ của tác giả trong bài thơ trên.

Câu 8. So sánh cuộc sống của con người được miêu tả trong hai đoạn trích sau:

Một mẹ cùng ba con,

Lê la bên đường nọ,

Đứa bé ôm trong lòng,

Đứa lớn tay mang giỏ.

Trong giỏ đựng những gì?

Mớ rau lẫn tấm cám,

Nửa ngày bụng vẫn không,

Áo quần vẻ co rúm.”

(Nguyễn Du)

Và:

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.”

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân)

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

GỢI Ý

Câu Nội dung Điểm
  ĐỌC HIỂU 6,0
1 Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Thể ngũ ngôn trường thiên

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
2 Nhân vật chính trong bài thơ là: Người mẹ

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
3 Tình cảnh đói khổ của bốn mẹ con được thể hiện qua những hình ảnh: bốn mẹ con phải đi ăn mày, lê la ở ngoài đường, cầm chiếc giỏ đựng “mớ rau lẫn tấm cám”, khoác trên mình bộ áo quần lam lũ, co rúm…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được 2 hình ảnh: 0,25 điểm.

Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
4 Nội dung của hai dòng thơ: Ai vẽ bức tranh này/ Dâng lên nhà vua rõ!:

– Thể hiện nỗi ước mong rằng nhà vua sẽ thấy được cảnh đói khổ của dân tình và cuộc sống xa hoa lãng phí của bọn quan lại.

– Từ đó mong muốn nhà vua có những chính sách hợp lí để trị nước.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
5 – Bài thơ sử dụng biện pháp đối lập, tương phản: sự xa hoa, hưởng lạc, những thức ăn cao lương mĩ vị, thừa thãi của bọn quan >< cảnh bốn mẹ con đói khát, rách rưới, vất vưởng ngoài đường.

– Hiệu quả:

+ Làm cho bài thơ giàu hình ảnh, sinh động; cách diễn đạt gây ấn tượng, để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.

+ Làm nổi bật thực trạng xã hội đương thời: bọn quan lại sống xa hoa, lãng phí…; người dân đói khát, phải tha phương cầu thực.

+ Thể hiện thái độ của tác giả: lên án, tố cáo bọn quan lại phong kiến; sự cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người lao động.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ nêu được hiệu quả mà không xác định được biện pháp đối lập, tương phản: 0,75 điểm (Mỗi hiệu quả được 0,25 điểm)

– Học sinh xác định được biện pháp đối lập, tương phản mà không nêu được hiệu quả: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
6 Chủ đề của bài thơ:

– Bài thơ là bức tranh hiện thực của xã hội Trung Quốc: nhân dân đói khổ lầm than trong khi đó bọn quan lại thì sống xa hoa lãng phí.

– Qua bài thơ, tác giả thể hiện nỗi lòng đồng cảm đối với nhân dân đói khổ, lên án bọn quan lại ăn chơi sa đọa, đồng thời thể hiện sự mong ước về một xã hội tốt đẹp hơn.

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
7 Thái độ của tác giả trong bài thơ trên:

+ Xót xa, thương cảm cho số phận của mẹ con người ăn xin.

+ Căm giận, phê phán sự xa hoa, lãng phí của bọn quan lại.

+ Trăn trở, băn khoăn khi người đứng đầu nhà nước không thấu được tình cảnh đất nước.

– Nhận xét:

+ Thái độ đó được bộc lộ sâu sắc, trực tiếp thông qua hệ thống từ ngữ, hình ảnh, câu hỏi tu từ…

+ Thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời được 2-3 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được 4 ý: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

1,0
8 So sánh:

– Điểm giống: Cả hai đoạn đều miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ, đói khát của người nông dân; đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả với cuộc sống đó.

– Khác nhau:

+ Đoạn 1: Là cuộc sống của bốn mẹ con đói khát đi ăn xin trên đường được tác giả chứng kiến khi đi sứ sang Trung Quốc.

+ Đoạn 2: Hình ảnh người dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945: đang lả đi vì đói khát.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được ½ đáp án: 0,25 điểm.

Học sinh trả lời không đúng: không cho điểm.

0,5
  1. LÀM VĂN
  2. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

“Những điều trông thấy” là tuyên ngôn về phương pháp sáng tác của Nguyễn Du, đồng thời là tất cả sức mạnh của thi phẩm Nguyễn Du. Vì “con mắt nhìn thấu cả sáu cõi” của thi nhân cũng là tấm lòng yêu thương mênh mông của thi nhân đối với con người, với nhân loại.

– Trong chuyến đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã nhìn thấy nhiều điều đau lòng, nhà thơ đã ghi lại trong bài “Sở kiến hành” (bài hành những điều trông thấy), gây ấn tượng sâu đậm lòng người.

  1. Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

– Đại thi hào Nguyễn Du, tên chữ Tố Như (1765-1820), sinh ra tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trong gia đình đại quý tộc, cha làm đến chức tể tướng (Nguyễn Nghiễm).

– Thuở nhỏ, cuộc sống gắn liền với nếp sống của tầng lớp quý tộc phong kiến chốn kinh thành Thăng Long. Do bão táp của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, ông sống lưu lạc trong nhân gian “mười năm gió bụi”. Đây là khoảng thời gian dài giúp Nguyễn Du gần gũi với cuộc sống của những kiếp người bé nhỏ. Bằng sự nhạy cảm và vốn trải nghiệm phong phú, Nguyễn Du đã đứng trên đỉnh cao của văn học trung đại thế kỉ XVIII, với tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

– Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn bằng chữ Nôm, thi hào Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Tập Bắc hành tạp lục gồm những bài thơ được sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc (năm 1813). Và nổi bật trong đó chính là bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy).

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

Bài thơ Sở kiến hành được viết bằng chữ Hán, thể “hành”; cùng với đó là thể thơ ngũ ngôn trường thiên kết hợp với nhịp điệu tự sự. Bài thơ được rút từ “Bắc hành tạp lục”. “Bắc hành tạp lục” gồm 132 bài thơ chữ Hán, được xem như là một tập bút kí ghi cảm tưởng dọc đường.  Trong bài thơ “Sở kiến hành”, nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể và nói lên cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người xa lạ.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Với cảm hứng nhân đạo, Nguyễn Du đã phản ánh hai cảnh đời trái ngược trong xã hội phong kiến thối nát bất công. Cảnh đời nào cũng gây cho người đọc nhiều ám ảnh.

+ Cảnh đời thứ nhất là cảnh đời bốn mẹ con người ăn mày:

/ “Một mẹ cùng ba con – Lê la bên đường nọ”. Hành trang là một chiếc giỏ đựng “mớ rau lẫn tấm cám”. Người mẹ bế con thơ; đoàn hành khất nhếch nhác, tiều tụy. Bụng đói, áo quần rách rưới đáng thương; Vì “đói kém phải phiêu bạt”, người mẹ càng thương đàn con thơ. Vừa tủi thân vừa đau khổ. Bao nhiêu nước mắt đã chảy: “Gặp người chẳng dám nhìn – Lệ sa vạt áo ướt”. Nhà thơ thương xót trước một cảnh đời nhiều cay đắng, bất hạnh, tự hỏi, người mẹ kia “nuôi bốn miệng sao nổi!”. Sự trống vắng hình ảnh người chồng, người cha trong đoàn ăn mày gây cho chúng ta nhiều thương cảm. Người chồng, người cha đã chết đói, đi lính thú biên ải xa xôi? Hay đã giãi thây trên chiến địa? Một vệt đen đầy ám ảnh phủ lên bức tranh bốn mẹ con người ăn mày.

/ Nguyễn Du không chỉ tả, chỉ ghi lại những điều trông thấy, mà còn nói lên cảm nghĩ đầy trắc ẩn của lòng mình. Ông lo lắng, đau xót cho tính mệnh người mẹ và lũ con thơ đau khổ, đói rét. Trước mắt đáng thương là vực thẳm. Không chết đói thì cũng sẽ làm mồi cho thú dữ.

/ Nhà thơ nén xúc động, chỉ có nhịp điệu tự sự, và hình ảnh có vẻ như lạnh lùng của câu chuyện. Một người mẹ với ba đứa con, đứa con “ôm trong lòng”, đứa “lê la bên đường”, trong giỏ của đứa bé chỉ có “mớ rau lẫn tấm cám”. Phải có trái tim lớn mới biết trông thấy những cái nhỏ nhặt như vậy. Những chi tiết nhỏ nhặt như “tấm cám” lại gắn liền với sinh mệnh bốn mẹ con, bốn sinh linh.

/ Nhà thơ đã phát hiện và miêu tả nghịch cảnh đáng thương: mẹ thì khóc lóc vì khổ sở, vì đói, vì nhìn thấy những đứa con sắp chết đói mà những đứa con vẫn “cười đùa”

/ Trước đau thương của người đời, đất trời cũng tê tái. Gió lạnh càng thêm lạnh. Mặt trời vàng úa lại. Người đi sứ, khách qua đường, rầu rĩ xót thương, cả một không gian đầy lệ. Nỗi đau đớn của người mẹ “như xé lòng”. Nguyễn Du mượn ngoại cảnh (gió, mặt trời) để tô đậm nỗi đau của nhân gian. Đó là nét vẽ thần tình nhất, tạo nên giá trị tố cáo hiện thực và tinh thần nhân đạo của bức tranh bốn mẹ con người ăn mày.

/ Nguyễn Du với cảm hứng nhân đạo, ông luôn luôn hướng về những con người đau khổ trong cuộc đời, nhất là những phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh như Đạm Tiên. Thúy Kiểu, người kĩ nữ gảy đàn ở Long Thành, v.v… Đây là lần thứ hai ông viết về người ăn mày đau khổ.

+ Phần tiếp theo, Nguyễn Du nói về cảnh đời của bọn quan lại qua bữa tiệc trạm Tây Hà – bữa tiệc đón tiếp sứ thần nước Nam. Nguyễn Du là chánh sứ. Vì thế những điều ông tả trong bữa tiệc là “những điều trông thấy” rất chân thực.

/ Có bao thứ cao lương mĩ vị: Nào vây cá, gân hươu – Lợn dê mâm đầy ngút”. Một nét vẽ tương phản có giá trị tố cáo sâu sắc những bất công trong xã hội. Trong lúc bốn me con người ăn mày “nửa ngày bụng vẫn không, cầm hơi bằng rau, cám thì bọn quan trên sống xa hoa, thừa mứa.

/ Nghịch lí cuộc đời càng trở nên vô cùng xót xa. Câu thơ cảm thán diễn tả nỗi đau đời – nỗi đau như vò xé tâm hồn nhà thơ. Đó là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”:

/ Trước hai cảnh đời trái ngược như vậy, hai câu thơ cuối như một câu hỏi vô tình nhưng hàm ẩn một ý nghĩa phê phán sâu sắc:

+ Nghệ thuật: Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo một điển tích Trung Hoa, làm cho văn chương hàm súc, kín đáo, gây hứng thú thẩm mĩ và trí tuệ. Ngòi bút tả thực trong miêu tả, tự sự kết hợp với biểu lộ cảm xúc trực tiếp, sâu sắc trong vận dụng điển tích văn học đã tạo nên giá trị nhân bản của áng thơ này. Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển Việt Nam viết về nỗi đau khổ của nhân dân một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất.

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới

– Nguyễn Du thương dân, ghét bọn quan lại, nhưng lại ảo tưởng về một vị minh quân. Tác phẩm “Sở kiến hành” chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du.

– Tác phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo cao quý của đại thi hào. Tấm lòng của nhà thơ đã hướng về những người nghèo khổ bất hạnh, bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc.

– Tình cảm thương yêu của ông đã vươn đến tầm nhân loại. Sức mạnh của phương pháp sáng tác của Nguyễn Du là ở những điều trông thấy.

– Trong “Sở kiến hành” có tiểu xảo gì đâu, cũng không hoa mĩ vậy mà bài hành đã làm kinh động lòng người. Thế mới biết, trong đời sống, cũng như trong nghệ thuật, tấm lòng mới tạo ra điều kì diệu. Đúng như thi hào Nguyễn Du đã nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).

 

BÀI VIẾT THAM KHẢO

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Hiện thực cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ để văn học nảy mầm và phát triển. “Những điều trông thấy” là tuyên ngôn về phương pháp sáng tác của Nguyễn Du, đồng thời là tất cả sức mạnh của thi phẩm Nguyễn Du. Với “con mắt thấu cả sáu cõi”, “tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Nguyễn Du đã dành tấm lòng yêu thương mênh mông đối với muôn kiếp con người, với nhân loại. Trong chuyến đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã nhìn thấy nhiều điều đau lòng, nhà thơ đã ghi lại trong bài “Sở kiến hành” (bài hành những điều trông thấy), làm kinh động lòng người.

Đại thi hào Nguyễn Du, tên chữ Tố Như (1765-1820), một con người vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Ông sinh ra tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trong gia đình đại quý tộc, cha làm đến chức tể tướng (Nguyễn Nghiễm). Thuở nhỏ, cuộc sống gắn liền với nếp sống của tầng lớp quý tộc phong kiến chốn kinh thành Thăng Long. Do bão táp của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, ông sống lưu lạc trong nhân gian “mười năm gió bụi”. Đây là khoảng thời gian dài giúp Nguyễn Du gần gũi với cuộc sống của những kiếp người bé nhỏ. Bằng sự nhạy cảm và vốn trải nghiệm phong phú, Nguyễn Du đã đứng trên đỉnh cao của văn học trung đại thế kỉ XVIII, với tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn bằng chữ Nôm, thi hào Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Tập Bắc hành tạp lục gồm những bài thơ được sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc (năm 1813). Và nổi bật trong đó chính là bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy) – một bài thơ đầy cảm xúc của ông.

Bài thơ “Sở kiến hành” được viết bằng chữ Hán, thể “hành”; cùng với đó là thể thơ ngũ ngôn trường thiên kết hợp với nhịp điệu tự sự. Bài thơ được rút từ “Bắc hành tạp lục”. “Bắc hành tạp lục” gồm 132 bài thơ chữ Hán, được xem như là một tập bút kí ghi cảm tưởng dọc đường.  Trong bài thơ “Sở kiến hành”, nhà thơ ghi lại nhiều chi tiết hiện thực cụ thể và nói lên cảm xúc ý nghĩ của mình trước những điều trông thấy nơi đất khách quê người xa lạ.

Với cảm hứng nhân đạo, Nguyễn Du đã phản ánh hai cảnh đời trái ngược trong xã hội phong kiến thối nát bất công. Cảnh đời nào cũng gây cho người đọc nhiều ám ảnh. Cảnh đời thứ nhất là cảnh đời bốn mẹ con người ăn mày: Một mẹ cùng ba con – Lê la bên đường nọ. Hành trang là một chiếc giỏ đựng “mớ rau lẫn tấm cám”. Người mẹ bế con thơ; đoàn hành khất nhếch nhác, tiều tụy. Bụng đói, áo quần rách rưới đáng thương:

Nửa ngày bụng vẫn không

Áo quần thật lam lũ

Vì “đói kém phải phiêu bạt”, người mẹ càng thương đàn con thơ. Vừa tủi thân vừa đau khổ. Bao nhiêu nước mắt đã chảy: Gặp người chẳng dám nhìn – Lệ sa vạt áo ướt. Nhà thơ thương xót trước một cảnh đời nhiều cay đắng, bất hạnh, tự hỏi, người mẹ kia “nuôi bốn miệng sao nổi!”. Sự trống vắng hình ảnh người chồng, người cha trong đoàn ăn mày gây cho chúng ta nhiều thương cảm. Người chồng, người cha đã chết đói? Hay đi lính thú biên ải xa xôi? Hay đã giãi thây trên chiến địa? Một vệt đen đầy ám ảnh phủ lên bức tranh bốn mẹ con người ăn mày.

Nguyễn Du không chỉ tả, chỉ ghi lại những điều trông thấy, mà còn nói lên cảm nghĩ đầy trắc ẩn của lòng mình. Ông lo lắng, đau xót cho tính mệnh người mẹ và lũ con thơ đau khổ, đói rét. Trước mắt đáng thương là vực thẳm. Không chết đói thì cũng sẽ làm mồi cho thú dữ:

Chết lăn rãnh đến nơi
Thịt da béo cầy sói

Nhà thơ nén xúc động, chỉ có nhịp điệu tự sự, và hình ảnh có vẻ như lạnh lùng của câu chuyện. Một người mẹ với ba đứa con, đứa con “ôm trong lòng”, đứa “lê la bên đường”, trong giỏ của đứa bé chỉ có “mớ rau lẫn tấm cám”. Phải có trái tim lớn mới biết trông thấy những cái nhỏ nhặt như vậy. Những chi tiết nhỏ nhặt như “tấm cám” lại gắn liền với sinh mệnh bốn mẹ con, bốn sinh linh.

Nhà thơ đã phát hiện và miêu tả nghịch cảnh đáng thương: mẹ thì khóc lóc vì khổ sở, vì đói, vì nhìn thấy những đứa con sắp chết đói mà những đứa con vẫn “cười đùa”:

Mấy con vẫn cười đùa
Biết đâu lòng mẹ xót”

Trước đau thương của người đời, đất trời cũng tê tái. Gió lạnh càng thêm lạnh. Mặt trời vàng úa lại. Người đi sứ, khách qua đường, rầu rĩ xót thương, cả một không gian đầy lệ. Nỗi đau đớn của người mẹ “như xé lòng”. Nguyễn Du mượn ngoại cảnh (gió, mặt trời) để tô đậm nỗi đau của nhân gian. Đó là nét vẽ thần tình nhất, tạo nên giá trị tố cáo hiện thực và tinh thần nhân đạo của bức tranh bốn mẹ con người ăn mày:

… Nỗi đau như xé lòng
Trông mặt trời vàng úa.
Gió lạnh bỗng đâu về
Khách qua đường thương xót

Nguyễn Du với cảm hứng nhân đạo, ông luôn luôn hướng về những con người đau khổ trong cuộc đời, nhất là những phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh như Đạm Tiên. Thúy Kiểu, người kĩ nữ gảy đàn ở Long Thành, v.v… Đây là lần thứ hai ông viết về người ăn mày đau khổ. Trong “Văn chiêu hồn” ông từng viết:

Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi.
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan

Phần tiếp theo, Nguyễn Du nói về cảnh đời của bọn quan lại qua bữa tiệc trạm Tây Hà – bữa tiệc đón tiếp sứ thần nước Nam. Nguyễn Du là chánh sứ. Vì thế những điều ông tả trong bữa tiệc là “những điều trông thấy” rất chân thực. Có bao thứ cao lương mĩ vị: Nào vây cá, gân hươu – Lợn dê mâm đầy ngút”. Một nét vẽ tương phản có giá trị tố cáo sâu sắc những bất công trong xã hội. Trong lúc bốn mẹ con người ăn mày “nửa ngày bụng vẫn không, cầm hơi bằng rau, cám thì bọn quan trên sống xa hoa, thừa mứa:

Quan lớn không chọc đũa

Tùy tùng chỉ nếm chút

Thức ăn thừa đổ đi

Chó no ngấy món ngon

Nghịch lí cuộc đời càng trở nên vô cùng xót xa. Câu thơ cảm thán diễn tả nỗi đau đời – nỗi đau như vò xé tâm hồn nhà thơ. Đó là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”:

Biết đâu bên đường quan
Có mẹ con cực khổ!

Trước hai cảnh đời trái ngược như vậy, hai câu thơ cuối như một câu hỏi vô tình nhưng hàm ẩn một ý nghĩa phê phán sâu sắc:

Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!

Nguyễn Du đã vận dụng sáng tạo một điển tích Trung Hoa. Theo Tống sử, dưới chính quyển nhà Tống, khi Vương An Thạch làm tể tướng, hạn hán mất mùa, dân tình đói rét. Họ phải dỡ nhà bán. Ăn mày kéo đi đầy đường. Trịnh Hiệp làm chức giám môn (gác cổng thành) bèn vẽ một bức tranh ghi lại cảnh ấy, tìm cách dâng lên vua nhà Tống… Cái hay của điển tích là làm cho văn chương hàm súc, kín đáo, gây hứng thú thẩm mĩ và trí tuệ. Thật ra, Nguyễn Du đã “vẽ bức tranh này” với hai cảnh đời bằng tấm lòng nhân đạo cao cả. Bài thơ tuy nói vể “những điều trông thấy” trên đất nước Trung Hoa, nhưng lại mang tính ám chỉ rất rõ. Xã hội phong kiến Trung Quốc cũng như xã hội Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn đầy rẫy thối nát. bất công. Bọn vua chúa, quan lại sống xa hoa, hưởng lạc trên nước mắt, mồ hôi nhân dân. Hàng triệu dân đen bị xô đẩy vào cảnh bần hàn đau khổ.

Ai vẽ bức tranh này – Dâng lên nhà vua rõ – Nguyễn Du đã mượn điển cố để hỏi thế thôi, nhưng ông đã vẽ bức tranh ấy với hai cảnh đời ngang trái “kẻ ăn không hết người lần không ra” – một bức tranh bằng ngôn ngữ thi ca. Bức tranh hiện thực sống động có ý nghĩa phê phán bọn vua quan vô trách nhiệm trước nỗi thống khổ của nhân dân. Nhà thơ đã nói lên một sự thật đau lòng về quyền sống và hạnh phúc của những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội. Ngòi bút tả thực trong miêu tả, tự sự kết hợp với biểu lộ cảm xúc trực tiếp, sâu sắc trong vận dụng điển tích văn học đã tạo nên giá trị nhân bản của áng thơ này. Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển Việt Nam viết về nỗi đau khổ của nhân dân một cách sâu sắc nhất, cảm động nhất.

Nguyễn Du thương dân, ghét bọn quan lại, nhưng lại ảo tưởng về một vị minh quân. Tác phẩm “Sở kiến hành” chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du. Tác phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo cao quý của đại thi hào. Tấm lòng của nhà thơ đã hướng về những người nghèo khổ bất hạnh, bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc. Tình cảm thương yêu của ông đã vươn đến tầm nhân loại. Sức mạnh của phương pháp sáng tác của Nguyễn Du là ở những điều trông thấy. Trong “Sở kiến hành” có tiểu xảo gì đâu, cũng không hoa mĩ vậy mà bài hành đã làm kinh động lòng người. Thế mới biết, trong đời sống, cũng như trong nghệ thuật, tấm lòng mới tạo ra điều kì diệu. Đúng như thi hào Nguyễn Du đã nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *