Viết một văn bản thông tin tổng hợp giới thiệu về ngày tết âm lịch ở quê hương em

Đề bài: Viết một văn bản thông tin tổng hợp giới thiệu về ngày tết âm lịch ở quê hương em

 

Bài làm

        Tết đến xuân về, là những khoảnh khắc bao trái tim con người Việt Nam háo hức đón chờ. Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt.

        Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết âm lịch của Việt Nam là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng trong năm. Về mặt chữ thì tên gọi của Tết Nguyên đán được bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong tiếng Hán, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu còn “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm cho nên ghép lại “nguyên đán” tức là buổi sáng khởi đầu của năm mới. Riêng chữ “Tết” lại được đọc chệch đi theo âm chữ Hán của chữ “tiết”. Theo từ nhiều nguồn tin cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và được thay đổi theo từng thời kỳ.   Tuy nhiên, xét về mặt ngữ nghĩa, Tết Nguyên đán Việt Nam không phải là Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Tết Nguyên đán của Việt Nam được tính theo chu kỳ quay của mặt trăng (tức là Âm lịch) trong khi Tết Nguyên đán của Trung Quốc lại được tính theo mặt trời (tức là Dương lịch). Do cách tính của Âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc.

        Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam thường diễn ra và kéo dài trong khoảng 7 – 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới tức là 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng. Trong khoảng thời gian này mọi công dân Việt Nam đều cố gắng hoàn thành những công việc còn sót lại trong năm cũ, nô nức cùng nhau cố gắng trở về quê hương, gia đình để tận hưởng những tháng ngày bình yên, hạnh phúc. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, tạm bỏ hết những công việc, gánh nặng để tâm hồn được thoải mái, thư giãn và vui vẻ nhất. Từng địa phương, từng dân tộc sẽ có những đặc trưng riêng, hầu hết người Việt Nam đều coi ngày này là ngày bày tỏ lòng thành kính đối với Trời Đất, các vị thần linh và lòng hiếu đạo đối với tổ tiên, những người đã khuất, với nhiều phong tục: thăm mộ tổ tiên, cúng tết ông công ông táo 23 tháng chạp, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, đón giao thừa, hái lộc đầu năm, xông đất, mừng tuổi. Tết Nguyễn Đán bao gồm 3 giai đoạn chính sau:

Trước ngày Tết:

       Mỗi nhà đều bước vào giai đoạn chuẩn bị đón Tết, vào khoảng thời gian là ngày 21 đến 30 âm lịch, người Việt bắt đầu với các công việc dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại ngôi nhà của mình, chăm sóc vườn, cây hay sắm những cây cảnh, hoa mai, hoa đào đón Tết. Họ đi chợ mua những thứ đồ mới thay thế cho đồ cũ trong nhà, mua nguyên liệu làm bánh chưng, những món ăn ngon dọn Tết, tự tay làm mứt, chọn hoa quả, làm “dưa món”, sắm những bộ quần áo mới cho mình và người thân. Những hình ảnh các khu chợ Tết đông đúc người bán và kẻ mua, các cô bé nô nức thử bộ đồ mới, tiếng cười nói xôn xao cả buổi chợ càng tô đậm thêm bức tranh sôi động của ngày Tết cận kề. Công việc gói bánh chưng cũng là một giai đoạn chuẩn bị Tết đặc sắc, mọi người trong gia đình ai cũng cùng góp sức, người chuẩn bị lá, người chuẩn bị nếp, chuẩn bị thịt vừa gói bánh vừa nói chuyện với nhau, tâm sự cho nhau nghe về những điều trải qua trong năm mới với những dự định kế hoạch trong tương lai, khung cảnh ấm áp, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Trên bàn thờ gia tiên ngoài mâm cơm còn có mâm ngũ quả, bánh kẹo, nước ngọt, bia lon, hoa cắm lọ. Hoa cắm lọ cũng được lựa chọn rất khắt khe, thường có màu sắc rực rỡ để đem lại may mắn cho năm mới. Cành đào, lọ hoa cắm thờ, màu sắc của những vật khác trên bàn thờ gia tiên cũng rực rỡ, tươi sáng, được bày biện đẹp mắt. 

Tiếp đến là giai đoạn trong Tết:

       Giai đoạn này kéo dài từ khoảnh khắc đón giao thừa đến ngày mồng 6 Tết. Vào khoảnh khắc giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người đều háo hức chào đón năm mới. Họ cùng nhau xem Táo quân, cùng sum vầy bên một bữa cơm tất niên vừa ngắm pháo hoa, vừa tân hưởng khoảnh khắc tuyệt vời. Bắt đầu bước sang những ngày đầu tiên của năm mới mọi người sẽ cố gắng để không nói những lời tệ hại, những chuyện không tốt. Thay vào đó, người Việt sẽ nói với nhau một cách nhẹ nhàng, với nhiều câu chuyện tươi vui hơn, để mong năm mới cũng sẽ được tươi vui như vậy. Người Việt trong những ngày này đều cố tránh hay kiêng kị những việc như không làm vỡ bát đĩa, không quét nhà đổ rác, không ăn một số món ăn như thịt chó thịt mèo, mực vì sợ xui xẻo. Theo tục lệ, vào ngày mùng 1 Tết, người Việt sẽ đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng bên nội. Ngày mùng 2 là những người thân bên ngoại. Ngày mùng 3 là chúc Tết các thầy cô giáo đã dạy học mình. Từ ngày mùng 4, người Việt bắt đầu đi chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp hoặc đi chơi xuân, du lịch đón những kì nghỉ thoải mái. Vào ngày mồng 1 Tết, các thành viên trong gia đình thường sum vầy, tụ họp đầy đủ tại nhà ông bà, cha mẹ để làm lễ cúng lạy tổ tiên, mừng tuổi người lớn và trẻ con. Cùng chúc nhau những điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới, chúc cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, người lớn thì mừng tuổi cho trẻ em những phong bao lì xì đỏ tươi cùng những lời chúc để ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn…  Trong những ngày này họ đến gặp người thân yêu, khung cảnh chỉ toàn những tiếng cười, tiếng chào hỏi, hỏi thăm vui vẻ. Họ hẹn nhau đi chùa, đi lễ bình an, cầu may và cầu tài lộc, cùng nhau ăn bữa cơm gặp mặt tụ họp người thân, bạn bè.

Giai đoạn sau Tết:

      Đây là giai đoạn ngắn nhất của Tết Cổ truyền, bắt đầu từ ngày cuối cùng của giai đoạn 2, tức là sau khi ăn Tết, người Việt sẽ làm lễ cúng đốt Tết (kết thúc Tết), dọn dẹp lại nhà cửa, bỏ bớt cây cảnh và các đồ trang trí trong nhà, sắp xếp lại đồ đạc trở lại như ngày thường.

Sau đó, mọi người sẽ quay lại với công việc và cuộc sống thường ngày. Nhiều tập tục kiêng kị không cần phải giữ nữa. Các lễ hội cũng kết thúc, những người đi làm ăn xa sẽ lại rời quê hương đến nơi mình làm việc.

Tết Nguyên Đán từ lâu đã là một nét đẹp cổ truyền của người Việt Nam mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là dịp để mọi người tụ họp, có thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt mỏi, xa nhà. Họ đón Tết với hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua. 

        Dù có bao lâu đi chăng nữa, Tết Việt vẫn giữ được hồn riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ cũng là dịp tuyệt vời nhất để ngày Tết cổ truyền được lưu truyền cho tới mãi mai sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *