CHO EM TỪNG NGÀY BÌNH YÊN – Y Phương
Ở đấy
có trái tim bình yên đang đập
trong ngực một người
ở đấy
có một người
đang bình yên ngủ say trong một căn nhà
ở đấy
có một căn nhà
đang bình yên nổi lửa trong một khu rừng
ở đấy
có một khu rừng
bao nhiêu lá bấy nhiêu tình yêu
bình yên anh dành cho em
tình yêu anh dành cho em
bình yên vẹn nguyên
óng ánh nắng từng ngày
từng ngày từng ngày bình yên…
chưa bao giờ thấm mệt.
Nguồn: Báo Nhân dân số Tết 2011
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, sự bình yên có ở trong những đâu, những điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Phân tích dấu hiệu đặc biệt trong hình thức trình bày của bài thơ? Nêu tác dụng của việc sử dụng dấu hiệu đặc biệt đó. (1,0 điểm)
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình “anh” dành cho “em” trong bài thơ. (1,0 điểm)
Câu 5. Phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ. (1,0 điểm).
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm xúc của bản thân sau khi đọc xong bài thơ “Cho em từng ngày bình yên” của Y Phương.
Câu 2 (4,0 điểm). Bình yên là mong ước thẳm sâu trong lòng của mỗi người. Tuy nhiên, giống như biển, có những ngày giông bão sẽ nổi lên.
Theo anh/chị bình yên đến từ nơi đâu? Hãy viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời cho câu hỏi trên.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của bài thơ. (0,5 điểm)
Gợi ý:
– Thể thơ: tự do
– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2. Theo tác giả, sự bình yên có ở trong những đâu, những điều gì? (0,5 điểm)
Gợi ý:
Sự bình yên có trong: trái tim, ngôi nhà, khu rừng và có trong tình yêu anh dành cho em.
(Lưu ý: với những câu này, HS cần bám sát vào văn bản, đọc kĩ là làm được bài).
Câu 3. Phân tích dấu hiệu đặc biệt trong hình thức trình bày của bài thơ? Nêu tác dụng của việc sử dụng dấu hiệu đặc biệt đó. (1,0 điểm)
Gợi ý: Để trả lời câu này HS cần lưu ý về dấy hiệu hình thức: thể thơ, cách sắp xếp bố cục các dòng thơ, khổ thơ; cách viết các chữ cái đầu dòng thơ, cách dùng dấu chấm câu; cách tổ chức sắp xếp theo kết cấu đầu cuối tương ứng. Trong đó, khi nói đến dấu hiệu hình thức được coi là đặc biệt thường là: không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ, không dùng dấu câu, cả bài duy nhất dùng một dấu chấm câu hoặc bài thơ được xây dựng theo đầu cuối tương ứng.
Trả lời: Bài thơ chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên, chỉ dùng dấu chấm câu duy nhất ở cuối bài.
– Tác dụng: Tạo nên sự liền mạch về cảm xúc, cả bài thơ như một dòng chảy không ngừng tình cảm, niềm khát khao mang lại sự bình yên và hạnh phúc của “anh” dành cho “em”. Qua đó, nhân vật trữ tình muốn thể hiện tình yêu đắm say, niềm hạnh phúc vô biên khi muốn “em” được sống trong những ngày bình yên do chính tình yêu của anh mang lại. Cách thức trình bày như này rất phù hợp với mạch cảm xúc của bài thơ, giúp người đọc hình dung ra được chuỗi ngày bình yên.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình “anh” dành cho “em” trong bài thơ. (1,0 điểm)
– Gợi ý: Đây lại là kiểu câu hỏi nhận xét, khi rơi vào kiểu câu này HS cần lưu ý trả lời: Tình cảm của anh dành cho em là gì? Tình cảm đó có mức độ như thế nào? Tình cảm đó được thể hiện bằng từ ngữ, hình ảnh như thế nào? Tình cảm đó có tác dụng như thế nào đối với bài thơ và đối với người đọc?
Trả lời: Tình cảm của nhân vật trữ tình “anh” dành cho “em” là tình yêu chân thành, đằm thắm thiết tha, xuất phát từ một trái tim yêu đương đậm sâu với quan niệm yêu là mang lại cho nhau những phút giây bình yên. Tình cảm này được diễn đạt bằng một hình thức thơ đặc biệt, ngôn từ giàu sức gợi cùng với giọng thơ nhẹ nhàng mà nồng ấm yêu thương. Chính vì thế, bài thơ đã hay và hấp dẫn hơn, dễ dàng chạm đến trái tim người đọc để họ nhận ra rằng: tình yêu thực sự là phải mang lại bình yên cho nhau.
Câu 5. Phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ. (1,0 điểm).
Gợi ý: Ở đây HS cần phân biệt điệp từ và điệp ngữ. Bài chỉ yêu cầu phân tích tác dụng của phép điệp ngữ, nhưng người học cũng cần chỉ ra dấu hiệu điệp ngữ để khi phân tích có điểm tựa của sự lập luận. Khi phân tích tác dụng của phép điệp cần nêu được 3 ý: tạo âm hưởng, nhịp điệu/nhấn mạnh nội dung đoạn thơ được chứa phép điệp/Thể hiện tình cảm, cảm xúc, thái độ của nhân vật trữ tình.
– Trả lời: Điệp ngữ: Ở đấy …Có… được lặp lại 4 lần thật đặc biệt biết bao nhiêu. Tác giả đã sắp xếp Ở đấy đứng riêng một dòng thơ tạo nên nhịp thơ ngắn, gọn khiến cho lời khẳng định “có” thêm chắc chắn, tự tin hơn. Điệp ngữ đã tạo nên âm hưởng nhịp nhàng, tha thiết những những nốt luyến láy trong bản sonata “Bình yên”. Qua phép điệp ngữ, nhà thơ nhấn mạnh, bình yên có ở trong trái tim, thì sẽ có ở trong căn nhà và rộng hơn nữa cả trong khu rừng, trong tình yêu thẳm sâu. Qua đó, ta thấy trái tim yêu đương chân thành, tha thiết, lời yêu đắm say của nhân vật trữ tình “anh” muốn mang lại cho em những ngày bình yên.
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm xúc của bản thân sau khi đọc xong bài thơ “Cho em từng ngày bình yên” của Y Phương.
Gợi ý: Kiểu bài ghi lại cảm xúc đã được học từ lớp 7, chính vì thế, khi làm kiểu bài này HS cần chú ý:
– Dẫn dắt, nêu ấn tượng, cảm xúc ban đầu về bài thơ.
– Trình bày ấn tượng về nội dung của bài thơ (Đối tượng trữ tình “mùa thu đầu tiên” hiện lên có đặc điểm như thế nào? Có những nét gì đặc sắc? => qua đó, nhân vật trữ tình đã bày tỏ tình cảm cảm xúc như thế nào?)
– Trình bày ấn tượng về những nét đặc sắc nghệ thuật (thể thơ, hình ảnh, cách sử dụng từ ngữ, giọng thơ…)
– Kết luận: Ý nghĩa của bài đối với bản thân.
VD:
– Cho em từng ngày bình yên của Y Phương đã gây ấn tượng mạnh với người đọc ngay ở nhan đề, để rồi khi xâm nhập vào thế giới bình yên đó, người đọc mới nhận ra sự bình yên đến từ nơi đâu.
– Bài thơ được xây dựng theo một hình thức đặc biệt (không có dấu câu, không viết hoa các chữ cái đầu dòng) chính điều đó, mạch cảm xúc như một dòng chảy êm đềm của một con suối trong veo, như dòng chảy của ánh trăng trong bản sonata => cứ thế, bình yên được mở ra và hiện hữu ở nhiều nơi, nhiều điều. Y Phương thật khéo léo khi khẳng định “ở đấy” có một trái tim bình yên. Vâng, nhà thơ đi từ trái tim => ngôi nhà => khu rừng… Trái tim yêu đương luôn thổn thức, khát khao, xong trái tim ấy cũng luôn khao khát mang lại bình yên cho em, cho anh, cho ngôi nhà và rộng lớn hơn là cho cả khu rừng => Không gian rộng mở, bình yên ngập tràn, Y Phương thật khéo léo trong phép so sánh “rừng bao nhiêu lá” thì bình yên dành cho em bấy nhiêu => rõ ràng cách so sánh này để nhấn mạnh tình yêu mãnh liệt, thiết tha dành cho em. Khép lại bài thơ, lời khẳng định dồn dập: bình yên vẹn nguyên, từng ngày từng ngày bình yên. Thật xúc động biết bao trước cháy tim yêu thương say đắm ngọt ngào đến vậy. Với thể thơ tự do, điệp ngữ “ở đó” cùng song hành với điệp từ “bình yên” lặp đi lặp lại nhiều lần, nhà thơ đang muốn khẳng định bình yên sẽ có ở mọi nơi, hiện hữu ở mọi điều, nhưng bình yên chỉ đến thực sự khi được sống trong tình yên chân thành, tha thiết của những con tim yên. Bài thơ như một bản sonata “bình yên”, khi giai câu chữ cuối cùng đã tắt mà ý và lời vẫn cứ vang lên trong lòng mỗi người.
Câu 2 (4,0 điểm). Bình yên là mong ước thẳm sâu trong lòng của mỗi người. Tuy nhiên, giống như biển, có những ngày giông bão sẽ nổi lên.
Theo anh/chị bình yên đến từ nơi đâu? Hãy viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời cho câu hỏi trên.
Gợi ý:
– MB:
+ Dẫn dắt
+ Nêu VĐNL: Bình yên đến từ nơi đâu?
– TB:
- Giải thích: Bình yên là gì?
Bình yên có thể hiểu là bình an, thanh bình, yên lành; là sức khỏe, công việc và cuộc sống của bản thân cũng như gia đình đều ở trạng thái tốt nhất.
- Biểu hiện của bình yên:
Trong cuộc sống này, con người có vô vàn cách khác nhau và định nghĩa của bình yên cũng có vô vàn cách hiểu. Có người, bình yên là được nằm trong vòng tay mẹ, tựa đầu vào vai cha và ăn bữa cơm đoàn tụ. Có người, bình yên đơn giản là khi ngồi gấp những ngôi sao, những con hạc giấy và gửi gắm vào đó những ước mơ hay mỗi sớm mai thức dậy, vùi mình vào chăn ấm, nơi ta gọi là nhà,…
- Ý nghĩa của bình yên:
– Cuộc sống vô vàn khó khăn, rất nhiều áp lực đè nặng lên tâm trí của mỗi người. Những lúc như vậy, mỗi người cần khoảng khắc bình yên để thấy cuộc đời đáng sống, để có đủ năng lượng bước tiếp đến những ngày tươi sáng. Chình vì thế, bình yên là điều mọi người hằng ao ước, hằng khát khao kiếm tìm. Mọi người khắc khoải đi trả lời cho câu hỏi: Bình yên đến từ nơi đâu?
- Bình yên đến từ nơi đâu: Mỗi mong muốn, mỗi khát khao kiếm tìm bình yên thì sẽ có vô vàn cách đi tìm nguồn gốc của bình yên thực sự. Nhưng bình yên thực sự chỉ đến trong quan niệm sống, trong tư tưởng và trong cách nghĩ, cách nhìn về cuộc đời. Có thể tham khảo một vài quan niệm sau, có thể bạn sẽ tìm thấy bình yên thực sự:
– Biết ơn mọi thứ bình thường ta sẽ thấy yêu thương bao trùm lấy bản thân mình.
– Chỉ đến khi chấp nhận mình khiếm khuyết rồi tìm cách bù đắp lại lỗ hỏng, con người mới mong có ngày bình yên.
– Bình yên nằm trong tâm trí, vậy mà người người không biết cứ sốt sắng tìm kiếm từ bên ngoài.
– Bình yên là khi mở mắt ra thấy được người mình yêu đầu tiên, là hài lòng với tài năng của con cái, là sẻ chia cùng bạn bè.
– Bình yên là khi bản thân thôi không tự đánh giá mình là quan trọng đối với ai đó, nụ cười lúc ấy xuất hiện nhiều hơn.
– Bình yên đối với một số người chỉ là được nhốt mình trong phòng, làm bạn với thú cưng thay vì phải đối mặt với hiện thực.
– Cứ mở lòng đón nhận cái mới, mọi thứ sẽ trở nên kì diệu giống như một tâm hồn sóng gió vờ được nơi trú ẩn bình yên.
– Bình yên là sau một ngày bận rộn tấp nập ở ngoài, về nhà ngả lưng xuống giường có thể ngủ một giấc thật trọn vẹn.
– Bình yên là lúc mệt mỏi gọi về cho gia đình nghe được giọng ba mẹ là thấy hạnh phúc nhất.
– Bình yên là khi cảm thấy mọi thứ xung quanh đều trầm lặng, yên ắng. Là khi được vui vẻ cười cười nói nói mà không phải suy nghĩ, là khi mọi người đến với nhau bằng sự chân thật và là khi còn nhiều điều nho nhỏ làm ta hạnh phúc.
- Bàn luận: Bình yên hay không là nằm trong tâm, trong cách nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, sẽ không có gì là tuyệt đối, bình yên cũng vậy. Nếu ai đó mà cố gắng đi tìm sự hoàn hảo, đi tìm những điều tuyệt đối, bình yên sẽ không bao giờ đến với bạn.
– Cần phân biệt bình yên với sự buông xuôi, không đặt mục tiêu, không đấu tranh để phát triển.
– Bình yên là phải tiêu diệt được những cái ác, cái xấu xa trong xã hội, trong cuộc đời này. Vì thế, chiến tranh, sân si, đố kị là kẻ thù của bình yên.
KB:
– Khẳng định lại khát khao kiếm tìm bình yên.
– Rút ra bài học cho bản thân và kêu gọi hành động.