MÙA THU ĐẦU TIÊN – Nguyễn Bình Phương
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ
Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ
Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột
Ngày nào ngó cơn giông trong suốt
Ta cầm tay ta hôn nhau
Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm
Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng bén lửa giữa hoàng hôn
Vừa trăng trăng rập rờn
Đã chuông rền loang loáng sóng hồ Tây
Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 2. Trong bài thơ, nhân vật trữ tình đã nhớ những điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy trong bài thơ. (1,0 điểm)
Câu 4. Trình bày cách hiểu về các câu thơ sau: Ngày nào ngó cơn giông trong suốt/Ta cầm tay ta hôn nhau/ Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm. (1,0 điểm)
Câu 5. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với mùa thu được thể hiện trong bài thơ. (1,0 điểm)
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1. (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc xong bài thơ “Mùa thu đầu tiên” của Nguyễn Bình Phương.
Câu 2. (4,0 điểm): Đọc đoạn văn sau trích trong truyện ngắn “Gió xanh” của Phạm Duy Nghĩa:
Hôm ấy là một ngày hè. Vào lúc hoàng hôn, có tiếng ù ù vọng lại từ phía chân trời. Không ai rõ là tiếng gì, trời vẫn trong xanh, lơ thơ vài cụm mây bông. Khi âm thanh lạ ấy tràn qua đồng cỏ ven hồ về đến dãy đồi dẫn vào xóm tôi, mọi người nhận ra tiếng gió và những tiếng kêu thét nổi lên. Ai nấy đều kinh hãi.
Gió gì mà lại có màu, một màu xanh lam đẹp không thể tưởng tượng nổi. Trong chốc lát nó nhuộm biếc mấy trái đồi khô cằn rồi ào ạt phết màu lên những rặng cây mái nhà. Đi tới đâu gió hiện rõ hình thù tới đấy, vừa đổ màu một cách hoang phí khắp núi đồi thung lũng vừa phát ra những tiếng ngân rất mỏng như khi ta búng vào một chiếc lọ pha lê.
Lúc đó tôi đang đứng ở hiên nhà. Chùm chuông gió reo lên lanh lảnh và cánh cửa sổ cũ kỹ bằng gỗ dẻ mở ra đóng lại liên hồi. Nhìn thấy gió cuồn cuộn thốc vào, tôi hoảng hốt đánh rơi cái gầu múc nước. Gió trườn qua tôi mỏng tang, xanh biếc. Thoảng trong gió một mùi thơm rất nhẹ, sâu kín như mùi của loài hoa dại trên núi chín năm mới nở một lần.
Đêm ấy dân các xóm đổ cả ra đường. Cảnh đẹp đến mức không ai ngủ nổi. Suốt đêm, gió thổi một màu xanh huyền ảo vào vườn tược, chuồng trại, biến mọi thứ nhếch nhác xập xệ thành chốn thần tiên. Trăng lên, to tròn và trắng bệch mắc trên ngọn cây dạ huyền, màu nguyệt bạch của trăng càng làm ma mị hơn màu xanh của gió. Cho đến sáng, một hương thơm kỳ lạ vẫn quấn quyện trong khắp các khu vườn, khe lũng, lẫn trong hương thôn dã của đất cùng trăm thứ mùi ngan ngát của muôn hoa.
(Trích “Gió xanh” của Phạm Duy Nghĩa)
Từ hình ảnh “gió xanh” anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay thường chạy theo những điều viển vông hão huyền.
——–HẾT——–
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)
Gợi ý:
– Nhân vật trữ tình: Là chủ thể phát ngôn xưng “anh”.
(Lưu ý: Khi xác định nhân vật trữ tình, hay chủ thể trữ tình nghĩa là đi tìm chủ thể phát ngôn, chủ thể bày tỏ cảm xúc. Trong bài nhân vật trữ tình có thể xưng anh, em, tôi, ta… hoặc có khi là người giấ mặt. Thường nhân vật trữ tình là sự hóa thân của tác giả, nhưng không được đồng nhất tác giả là nhân vật trữ tình).
Câu 2. Trong bài thơ, nhân vật trữ tình đã nhớ những điều gì? (0,5 điểm)
Gợi ý:
– Ở bài thơ nhân vật trữ tình đã nhớ những điều sau:
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
(Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi này, chỉ cần HS đọc kĩ câu hỏi và bài thơ là làm được)
Câu 3. Phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy trong khổ thơ cuối của bài thơ. (1,0 điểm)
Gợi ý:
– Các từ láy được tác giả sử dụng rất nhiều trong bài thơ: mềm mại, nhẹ nhàng, loang loáng, rập rờn, len lén. Đây là đa số từ láy chỉ tính chất mức độ của sự vật, của hành động; hơn nữa đây lại là những từ tượng thanh, láy phụ âm đầu. Chính việc sử dụng những từ láy này đã giúp cho lời thơ giàu hình ảnh, tăng sức gợi hình gợi cảm giúp cho người đọc dễ dàng hình dung ra sự vật và những hành động của con người khi mùa thu đến. Các từ láy không chỉ gợi nên cái mềm mại, nhẹ nhàng, xao xuyến của hồn thu, mà nó còn diễn tả được tình cảm của anh, của nhân vật trữ tình dành cho em, dành cho mùa thu rất đỗi dịu dàng tinh tế.
(Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi yêu cầu phân tích tác dụng của từ láy: Cần chỉ ra các từ láy, xem các từ đó có điểm gì chung về hình thức ngữ âm và ngữ nghĩa; xem đó là từ thuộc từ tượng thanh hay tượng hình; rồi sau đó nêu tác dụng trong việc tạo nên sức gợi hình gợi cảm; diễn đạt được điều gì, thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình như thế nào?)
Câu 4. Trình bày cách hiểu về các câu thơ sau: Ngày nào ngó cơn giông trong suốt/Ta cầm tay ta hôn nhau/ Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm. (1,0 điểm)
Gợi ý:
Cách hiểu 1:– Với việc kết hợp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “cơn giông trong suốt” với phép so sánh “cầm tay hôn nhau” nhẹ nhàng như “hoa nở” => khiến cho lời thơ rất giàu sức gợi, giàu cảm xúc. Cách diễn đạt cơn giông trong suốt thật đẹp, thật đặc sắc nó gợi nên cách nhìn đời trước những biến thiên thật trong sáng, ngây thơ, thật lãng mạn của tuổi trẻ, của những trái tim đang yêu. Đối với những người đang yêu cơn giông đó không thể cuốn trôi, nhấn chìm tình yêu, mà cơn giông đó là chất xúc tác khiến cho tình yêu đôi “ta” đẹp hơn. Nó đẹp bởi cách anh đối xử với nhau “cầm tay” “hôn nhau” thật nhẹ nhàng (thể hiện sự trân trọng), thật chậm (muốn kéo dài giây phút ngọt ngào thiêng liêng; muốn tận hưởng tình yêu đẹp đẽ, muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp đẽ này).
Cách hiểu 2: Cơn giông (tượng trưng cho sự biến thiên, thử thách, giông bão của cuộc đời) trong suốt (vô hình, khó nắm bắt, khó đoán định) => biến thiên, giông bão cuộc đời nó luôn vô hình, khó đoán định, nó có thể ập đến bất cứ khi nào => chính vì thế, anh lại càng trân trọng những phút giây ta yêu nhau => cho nên anh hôn thật nhẹ nhàng (nâng niu) thật chậm (để tận hưởng, kéo dài) những gì đẹp đẽ nhất => sự trân trọng yêu thương nồng thắm.
Cách hiểu 3: Câu thơ ấy “ngó cơn giông trong suốt” đặt trong mạch ngầm hồi ức của ta. Cơn giông vần vũ, tối đen nhưng với người trẻ, đang yêu, ta ngó nó bằng con mắt, cái nhìn trong suốt, giản đơn. Cơn giông lốc, vần vũ không làm ta hoảng hốt, biến sắc. Vì thế, ta vẫn hôn nhau, vẫn yêu nhau. Mặc kệ. Hoặc hiểu theo nghĩa ẩn dụ, trái tim yêu của người tuổi trẻ, người đang yêu xem thường mọi khó khăn, trở ngại…
=> Câu thơ đã thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng tình yêu một cách chân thành, nồng ấm.
(Lưu ý: Khi hiểu nghĩa một câu thơ cần: Xác định đối tượng trữ tình, nhân vật trữ tình, đặc điểm của đối tượng trữ tình, tình cảm xúc dành của nhân vật trữ tình dành cho đối tượng trữ tình, với thơ tượng trưng cần cắt nghĩa, đặt trong các trường liên tưởng, nếu cần phải cắt ghép lại các ngữ cảnh).
Câu 5. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với mùa thu được thể hiện trong bài thơ. (1,0 điểm)
– Tình cảm của tác giả đối với mùa thu: sự nhớ nhung và tình yêu dành cho mùa thu => đây là mùa thu của kỉ niệm, của hoài niệm gắn liền với tình yêu trong sáng, mãnh liệt => tất cả đã trở thành kí ức ngọt ngào.
– Nhận xét: Tình cảm của tác giả thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng rất đậm sâu. Tình cảm đó, xuất phát từ một trái tim yêu chân thành, thiết tha, trái tim vẫn gói ghém nâng niu những kỉ niệm đẹp đẽ, ngọt ngào đến khó phai. Chính điều này, đã tạo nên cái chất giọng nhẹ nhàng, trong sáng, tạo nên chất quyến rũ, tinh khôi của tình yêu đầu tiên. Thứ tình cảm này làm cho bài thơ hay hơn.
(Lưu ý: Cần nói rõ cung bậc tình cảm => mức độ tình cảm => tình cảm đó xuất phát từ đâu => ý nghĩa của thứ tình cảm đó).
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1. (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc xong bài thơ “Mùa thu đầu tiên” của Nguyễn Bình Phương.
Gợi ý: Kiểu bài ghi lại cảm xúc đã được học từ lớp 7, chính vì thế, khi làm kiểu bài này HS cần chú ý:
– Dẫn dắt, nêu ấn tượng, cảm xúc ban đầu về bài thơ.
– Trình bày ấn tượng về nội dung của bài thơ (Đối tượng trữ tình “mùa thu đầu tiên” hiện lên có đặc điểm như thế nào? Có những nét gì đặc sắc? => qua đó, nhân vật trữ tình đã bày tỏ tình cảm cảm xúc như thế nào?)
– Trình bày ấn tượng về những nét đặc sắc nghệ thuật (thể thơ, hình ảnh, cách sử dụng từ ngữ, giọng thơ…)
– Kết luận: Ý nghĩa của bài đối với bản thân.
VD: Mùa thu đầu tiên của Nguyễn Bình Phương là một bài thơ hay, với giai điệu nhẹ nhàng như một bản sonata, nhẹ nhàng như cơn gió mùa thu nhưng làm hồn ta cứ thấy xao xuyên biết bao. Chỉ bằng vài nét chấm phá, cái hồn của mùa thu Hà Nội đã hiện lên trên những địa danh đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp lãng mạn của mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Thu trong đất trời, thu trong hồn người, thu mênh mang trên tháp Rùa rêu phong cổ kính, trên sông Hồng sóng hát ngàn năm, trên khói sương Phủ Tây Hồ trong một đêm trăng bạc. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương không đi sâu miêu tả cảnh thu, không khí mùa thu, ông chỉ lướt ngòi bút qua những địa danh như để điểm lại, nhưng đối với ai đã từng yêu thu Hà Nội thì mới thấy, chỉ thế thôi nhưng đủ làm sống dậy hồn thu trong lòng người. Và đối với nhân vật trữ tình, với anh và em, thì chính cái điểm lướt qua ấy cũng đủ để đánh thức kí ức ngọt ngào, một cuộc tình lãng mạn mang hương sắc mùa thu. Tình yêu đó trong sáng, ngây thơ bất chấp, mặc kệ giông bão, anh và em vẫn nhẹ nhàng tận hưởng tình yêu ấy trong hương sắc mùa thu. Cái hồn thu mênh mang, dịu dàng, tinh tế đã hòa với tình yêu nồng nàn, trong sáng như pha lê, tất cả đã để lại một kí ức tuyệt đẹp. Tình cảm dành cho mùa thu, dành cho kỉ niệm của nhân vật trữ tình thật đẹp đẽ và nồng ấm biết bao nhiêu. Tình cảm đó, được đặt trong thể thơ tự do, câu thơ mang hơi hướng tượng trưng trừu tượng, các từ láy tạo hình được sử dụng khá nhiều, cùng giọng thơ trong sáng rất phù hợp để làm nên một cảnh thu, tình thu thật đẹp. Tình yêu đã làm cho mùa thu trong anh đẹp hơn, hay mùa thu là chất xúc tác cho tình ta thêm nồng nàn lãng mạn hơn?
Câu 2: Từ hình ảnh “gió xanh” anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay thường chạy theo những điều viển vông, hão huyền.
Gợi ý:
MB:
– Dẫn dắt
– Nêu vấn đề nghị luận: hiện tượng giới trẻ chạy theo những điều viển vông, hão huyền.
TB:
- 1. Hiện tượng “gió xanh” là thứ gió có màu sắc, có hương thơm, trên thực tế thì không tồn tại loại gió nào như vậy. Cho nên, gió xanh là hình ảnh tượng trưng cho những điều viển vông, hão huyền, phù phiếm.
=> Từ đó, khiến ta liên tưởng đến một số bạn trẻ chạy theo những điều viển vông, hão huyền.
- Giải thích và thực trạng hiện tượng sống viên vông, hão huyền
– Sống viển vông, hão huyền là lối sống ảo, đi tìm những điều phù phiếm, không có thực trong đời sống; lối sống xa rời thực tế hoặc chui mình vào không gian ảo, không gian không có thực.
– Thực trạng: Hiện trạng này diễn ra khá phổ biến, với nhiều hình thức, nhiều biểu hiện khác nhau.
+ Ước mơ tìm kiếm những điều phi thực tế ở trong game, trên những trang mạng xã hội.
+ Luôn có tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng” như chỉ cần biết livestream, biết làm tiktok, biết làm youtuber với những câu từ, nội dung nhảm nhí là có thể kiếm bạc tỉ.
+ Ước mơ hão huyền không đúng phù hợp với năng lực của bản thân.
+ Tìm đến cơ hội đổi đời sau một đêm: như lô đề, cờ bạc, cá độ, hoặc ước mơ lấy chồng đại gia…
- Nguyên nhân:
– Do bùng nổ công nghệ thông tin.
– Do giới trẻ sung sướng, bao bọc từ bé, không phải lao động nên không hiểu được cuộc sống khó khăn như thế nào, không hiểu được nỗi vất vả khi kiếm được đồng tiền.
– Các bạn trẻ lười biếng, thụ động, ỉ lại…lười lao động, nhất là những công việc nặng nhọc.
– Do giáo dục của gia đình, sự tuyên truyền của xã hội, giáo dục của nhà trường còn thiếu thực tế, thiếu hiệu quả.
- Hậu quả:
– Sống với những điều viển vông, hão huyền khiến con người mất nhiều thời gian, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân => dễ thất bại, dễ ảnh hưởng đến tâm lí => tạo ra một thói quen xấu, thụ động, ỉ lại.
– Sống viển vông hão huyền sẽ rời xa thực tế, không gần gũi quan tâm đến mọi người xung quanh, đến cuộc sống thực tại => khó có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình, với xã hội.
– Sống hão huyền dễ bị người khác lợi dụng, lừa đảo khiến cho tiền mất, tật mang.
– Lối sống này sẽ tiêu tốn thời gian, khiến con người hoài phí sức khỏe, không có cơ hội tận hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống thực tại.
– Lối sống này có thể khiến bản thân trở thành gánh nặng của gia đình
KB:
– Đây là một lối sống vô cùng tai hại, để lại hậu quả nặng nề.
– Cuộc đời chỉ có một lần duy nhất, hãy sống tốt với thực tế, thực tại để trở thành người hữu ích, để không lãng phí những năm tháng của tuổi trẻ.