Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải vùng cao Việt Bắc 2018

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC

(Đề thi gồm 2 câu trong 01 trang)

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

NĂM 2018

 Thời gian làm bài: 180 phút

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau:

“Cuộc đời dù không chỉ toàn mùa đông, nhưng một ngọn lửa hồng ấm áp tình thương bao giờ  cũng cần cho những trái tim lạc loài sau cơn bão”.

(Hiểu về trái tim– Minh Niệm- NXB Trẻ, 2010)

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Trong bài viết  Đôi điều về truyện ngắn,  nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng:

Cuối cùng truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, điều chính yếu là qua nhân vật mà người viết đàm luận với người đọc về vai trò và số phận con người sống giữa xã hội và cuộc đời”.

(Bùi Việt Thắng- Truyện ngắn

Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, trang 231)

Qua truyện ngắn  Đời thừa của Nam Cao, anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

 

…………………………….HẾT………………………………

 

 

Người ra đề:

Lương Thị Kim Dung  (SĐT: 0989191585)

 

 

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

Câu 1: (8.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc các thao tác nghị luận về một vấn đề xã hội.

– Biết vận dụng kiến thức thực tế một cách linh hoạt.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, hành văn gợi cảm…

  1. Yêu cầu về kiến thức

 HS có thể trình bày theo cách riêng của mình. Khuyến khích sự sáng tạo và sâu sắc của HS trong cách nhìn nhận vấn đề, dựa trên lập luận chắc chắn, có tính thuyết phục cao.

Dưới đây là một phương án trình bày vấn đề:

  1. Giải thích:

– “Mùa đông”, “cơn bão”: Cách nói ẩn dụ chỉ những khó khăn thử thách mà con người có thể gặp phải trên đường đời.

– “Ngọn lửa hồng ấm áp tình thương”: Là tình người cao đẹp.

Từ câu nói này, Minh Niệm muốn khảng định ý nghĩa, sự cần thiết của tình người; khuyên chúng ta phải biết quan tâm, thương yêu, giúp đỡ người khác, nhất là những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Tình người cao đẹp sẽ giúp cho con người dứng vững, không  gục ngã trước hoàn cảnh.

  1. Phân tích, bình luận

– Trong cuộc đời của mình,  không ai không phải trải  qua  những “Mùa đông”, “cơn bão” , những khó khăn thử thách. Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta rất cần tới  “Ngọn lửa hồng ấm áp tình thương”, cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của mọi người đối với mình.

– Sự yêu thương, nâng đỡ con người là biểu hiện của lối sống đẹp. Nó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như quan tâm, động viên về mặt tinh thần, chia sẻ, giúp đỡ về mặt vật chất. Dù ở khía cạnh nào thì điều cần nhất là phải dựa trên sự chân thành và vô tư. Thiếu sự chân tình, những việc làm trên hoàn toàn không có ý nghĩa. Chính tình thương, sự quan tâm đã đem đến cho con người sự ấm áp- nghĩa là đem lại niều vui hay ít nhất cũng giảm bớt một phần nào đó sự đau buồn cho những người không may mắn, làm cho người gần người hơn.

( HS lấy dẫn chứng minh họa)

– Phê phán những con người sống lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ trước những khó khăn, đau khổ của người khác. Lên án lối sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình.

( HS lấy dẫn chứng minh họa)

  1. Rút ra bài học nhận thức và hành động

– Thương yêu, quan tâm đến người khác là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”….chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy.

– Muốn xã hội phát triển tốt đẹp bình đẳng, con người cần phải quan tâm đến nhau, thương yêu, nâng đỡ nhau lúc gặp hoạn nạn khó khăn. Tình thương yêu ấy không chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp của một gia đình, một quốc gia mà rộng hơn là với tất cả mọi ngừoi, mọi quốc gia trên thế giới.

– bản thân mỗi người phải tự bồi dưỡng cho mình phẩm chất tốt đẹp là tinh thần tương trợ, yêu thương con ngừoi để hoàn thiện nhân cách.

 

Biểu điểm:

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.

 

Câu 2. (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, có cảm xúc.

  1. Yêu cầu về kiến thức

     Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

  1. Giải thích ý kiến: Ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu bàn về ý nghĩa và chức năng của thể loại truyện ngắn.

-“Nhân vật”: Là hình tượng  nghệ thuật  được nhà văn xây dựng để phản ánh hiện thực và bộc lộ nội dung tư tưởng.

– “người viết đàm luận với người đọc về vai trò và số phận con người sống giữa xã hội và cuộc đời”:

+Ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, có tầm khái quát rộng lớn của thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn thường đề cập tới những vấn đề lớn lao của nhân loại .

+ Qua hình tượng nghệ thuật, nhà văn thể hiện cái nhìn, thái độ, suy nghĩ và gửi gắm tư tưởng, quan niệm, triết lí sâu sắc về con người và cuộc đời.

  1. Phân tích, Chứng minh:

– Đời thừa viết về cảnh ngộ và bi kịch của ngừoi trí thức nghèo:

+ Hoàn cảnh sống khó khăn, quẫn bách, nhếch nhách của nhà văn văn Hộ.

+Bi kịch của Hộ với tư cách là người chồng, người cha trong gia đình và một nhà văn trong sự nghiệp sáng tác.

– Qua cuộc đời và bi kịch của nhà văn Hộ, Nam Cao đã gửi gắm những tư tưởng, triết lí, quan niệm về con người và cuộc đời:

+Hiện thực sống thừa và bi kịch tinh thần của người tri thức sống giữa xã hội và cuộc đời.

+Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao: Tấm lòng thấu hiểu, cảm thông và trân trọng đối với những người tri thức nghèo trong xã hội phi nhân tính.

  1. Đánh giá, nâng cao

– Đời thừa là một truyện ngắn có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, rộng lớn. Qua đó tác giả đã thể hiện cái nhìn tinh tế và trái tim yêu thương, trân trọng con người của mình.

– Ý kiến khảng định ý nghĩa và chức năng của thể loại truyện ngắn. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với nhà văn trong việc sáng tác truyện ngắn và giúp ngườii đọc hiểu được giá trị của thể loại văn học này.

Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *