SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DH & ĐBBB LẦN THỨ XI – 2018 MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11 Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi có 02 câu; gồm 01 trang) |
Câu 1 (8 điểm)
Một năm trước khi chết, nhà văn Đức Franz Kafka (1883-1924) đã có một trải nghiệm đặc biệt. Đi dạo trong công viên Steglitz ở Berlin ông gặp cô gái nhỏ Elsi đang khóc vì tuyệt vọng: cô ấy đã đánh mất con búp bê Brigida yêu thích của mình. Kafka đã đề nghị giúp cô ấy đi tìm và hai người đã hẹn là sẽ gặp nhau vào ngày hôm sau.
Biết là không thể tìm thấy, nhà văn đã giả giọng con búp bê viết một bức thư cho cô bé và mang nó theo khi họ gặp nhau: “Xin đừng khóc, tôi đang đi du lịch để nhìn xem thế giới và sẽ kể cho bạn nghe về những chuyến phiêu lưu này…”, Ông đã bắt đầu bức thư như vậy.
Khi gặp nhau, ông đã đọc bức thư, trong đó mô tả thật kỹ những cuộc phiêu lưu tưởng tượng của con búp bê Brigida. Cô bé Elsi cảm thấy mình được an ủi, và trước khi chia tay, nhà văn Kafka có tặng cho cô bé một con búp bê. Dĩ nhiên con búp bê này khác với con búp bê bị mất, nó được kèm theo một ghi chú để nhằm giải thích: “Cuộc hành trình dài đã làm tôi thay đổi”.
Nhiều năm sau, khi cô gái Elsi đã trưởng thành, một hôm cô tìm thấy một mảnh giấy khác giấu trong lòng con búp bê: “Tất cả những gì bạn yêu bạn đều có thể sẽ đánh mất nó, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ chuyển đổi trong một hình thức khác”. (Người gửi: Franz Kafka)
(Trương Văn Dân sưu tầm và dịch)
Hãy viết về một bài học sâu sắc mà anh/chị rút ra được sau khi đọc câu chuyện trên.
Câu 2 (12 điểm)
Trong bài “Cảm nhận văn học”, Giáo sư Lê Đình Kỵ cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa: mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm văn học được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11, hãy làm sáng tỏ.
—————————————-HẾT—————————————
NGƯỜI RA ĐỀ: Lê Thị Mai Ngân, sđt 0982348344
SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN
HƯỚNG DẪN CHẤM |
ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DH & ĐBBB LẦN THỨ X – 2017 Thời gian làm bài: 180 phút (HDC gồm 03 trang) |
I/ YÊU CẦU CHUNG
– Học sinh nắm được đặc trưng của kiểu bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. bài viết không mắc lỗi cơ bản về diễn đạt như chính tả, dung từ, đặt câu.
– HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đạt được kiến thức cơ bản
II/ YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (8 điểm)
1/ Xác định vấn đề cần nghị luận (2 điểm)
– Phân tích câu chuyện:
+ Nhà văn nhân hậu đi dạo, gặp em bé đang khóc vì làm mất con búp bê. Hẳn là con búp bê ấy rất có ý nghĩa với bé nên em đã khóc một cách tuyệt vọng như vậy. Kafka đề nghị sẽ đi tìm giúp cô bé.
+ Ngày hôm sau, biết là không thể tìm thấy Brigida, nhà văn “giả giọng” búp bê, viết cho Elsi một lá thư kể về chuyến phiêu lưu tưởng tượng vòng quanh thế giới của mình. Cùng với đó, nhà văn tặng cho cô bé con búp bê khác. Để cô bé tin con búp bê này vẫn chính là Brigida, nhà văn chú thích: “Cuộc hành trình dài đã làm tôi thay đổi”. Nhà văn đã rất dụng công trong kế hoạch nói dối cô bé (suốt đêm viết thư, tưởng tượng ra một cuộc phiêu lưu kì thú để kể cho cô bé nghe, mua cho cô bé một con búp bê mới, đến gặp cô bé đúng như lời hẹn). Mục đích để mang lại niềm vui cho cô bé khi tin rằng Bigida đã trở về thực sự, và để cô bé thơ ngây tin vào một chân lí rằng “thứ ta yêu sẽ không bao giờ mất”.
– Thế nhưng, nhà văn còn kín đáo gài trong lòng búp bê 1 mảnh giấy. Có lẽ bởi ông đã thấy trước chuyến đi xa của mình, rằng mình không có cơ hội gặp lại cô bé khi cô đã trưởng thành để thú nhận lời nói dối năm xưa, và để giúp cô bé “giải thiêng” một chân lí mà ông đã cố gieo vào niềm tin thơ ngây của cô lúc trước: Không, không phải thứ ta yêu sẽ không bao giờ mất, mà “Tất cả những gì bạn yêu bạn đều có thể sẽ đánh mất nó, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ chuyển đổi trong một hình thức khác”.
HS có thể rút ra bài học tùy theo cảm nhận của mình (GV lưu ý đây là đề mở). Ví dụ:
Bài học 1: lời nói dối ngọt ngào đôi khi cũng cần thiết trong cuộc sống để an ủi ai đó trong lúc họ đang đau khổ, tuyệt vọng.
Bài học 2: Cuộc sống vô thường và thời gian luôn vận động, mọi thứ đều có thể thay đổi. Chúng ta không thể giữ mãi bên mình một điều gì đó, ngay cả những thứ mình yêu nhất, nhưng chỉ cần trong trái tim mỗi người luôn có niềm tin vào tình yêu thì tình yêu sẽ luôn trở về bên ta, dưới một hình thức khác.
Bài học 3:….
2/ Chứng minh và bàn luận (4.5 điểm): tùy học sinh chiêm nghiệm và tự rút ra bài học cho mình (có thể ngoài những bài học trên). Yêu cầu: Bài học phải gắn với nội dung câu chuyện và HS luận bàn thuyết phục về vấn đề. Tham khảo gợi ý:
HS chọn bài học 1 lưu ý một nguyên tắc:Lời nói dối phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của người nói. Nếu xuất phát từ những toan tính ích kỉ hay xuất phát từ những ác ý kẻ nói dối sẽ trở thành bất lương. Hơn nữa, nói dối cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật.Nếu không khéo léo, hợp lí sẽ làm cho người đang đau khổ cảm thấy bị chế nhạo, bị tổn thương và do đó càng đau khổ hơn.Và một dịp nào đó thuận lợi, khi lời nói dối không còn cần thiết nữa thì cũng nên được hóa giải.
Bài học 2:
– Những gì chúng ta yêu mà vẫn có thể đánh mất trong cuộc đời? Một thứ vật chất có giá trị, một kỉ vật thiêng liêng,… Tuổi thơ, thời thanh xuân tươi đẹp, cơ hội, hạnh phúc, thậm chí những người thân yêu nhất cũng không ở bên ta mãi mãi,…
– Thái độ của chúng ta khi đó? Khi mất đi điều gì quý giá trong cuộc đời, đừng quá đau buồn mà hãy học cách chấp nhận. Hãy mở lòng ra đón nhận cái mới, tiếp tục sống ở đời với trái tim sãn sàng trao nhận yêu thương, tình yêu sẽ trở về. Dưới dạng thức nào không phải là quan trọng, bởi bản chất nó vẫn là tình yêu!
– Bài học cần nhận thức:
+ Hoài niệm quá khứ là cần thiết để không trở thành vô tâm, vô cảm. Nhưng khép chặt lòng mình trước hiện tại và tương lai lại là sai lầm lớn trong cuộc đời.Bởi cuộc sống vô thường. Mọi đều mình trân quý đều có thể một sớm mai tuột khỏi tầm tay, nhưng chỉ cần đừng đóng chặt cánh cửa tâm hồn, hãy cứ giữ lại trái tim yêu thương, rồi tình yêu sẽ trở về, trong một hình thức khác.
+ Đừng vội bi quan khi đánh mất điều gì.Bởi đôi khi sự mất mát cũng là một phép thử để ta nhận ra điều đó quan trọng bao nhiêu và từng có ý nghĩa với ta như thế nào.
– Mở rộng: Khi chấp nhận yêu thương trở về tồn tại trong một dạng thức khác, hãy yêu thương cái mới thật lòng. Đừng bắt người mới, vật mới ấy phải sống trong cái bóng của những gì mình đã đánh mất.Điều đó sẽ khiến cho tất cả đều bị tổn thương.
3/ Liên hệ trải nghiệm của bản thân(1.5 điểm)
Câu 2 (12 điểm)
1/ Giải thích và bàn luận (3 điểm)
* Giải thích
– Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp: Tác phẩm giàu giá trị thẩm mĩ, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ ở người đọc.
-“..mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài”: Phản ánh chânthựchiệnthựckháchquan,khôngphảichỉlàbềngoài mà còn ở bềsâu.
“…mang được sự thật tâm tình của con người”: Phản ảnh được chân thực thế giới tâm hồn, tình cảm, những ước mơ, khát vọng,…của conngười.
➔Tiêu chí quan trọng để đánh giá tác phẩm văn học có giá trị:Tácphẩmđạttớicáiđẹplànhữngtácphẩmphảnảnh được một cách chân thực, sâu sắc hiện thực khách quan cũng như khám phá, diễn tả được một cách chân thực, sâu sắc thế giới tâm hồn, tình cảm của con người.
* Cơ sở líluận
– Văn học là một hình thái ý thức xã hội, nảy sinh trên cơ sở tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội. Văn học phản ảnh sáng tạo hiện thực đời sống, qua đó bộc lộ tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ.
– “Văn học là nhân học”, văn học còn là khoa học về con người, khám phá “con người bên trong con người”.Thế giới tâm hồn con người vốn vô cùng phong phú, phức tạp chính là đích hướng tới của văn học.
- Thước đo giá trị của một tác phẩm văn học là ở sự chân thực, sâu sắc trong phản ánh đời sống với những quy luật khách quan và thế giới nội tâm của conngười, đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ,…ở người đọc.
2/ Chứngminh (7 điểm): HS tùy chọn tác phẩm để CM. Lưu ý chọn tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11 vừa phản ánh được chân thực bức tranh đời sống, vừa khám phá được chiều sâu nội tâm con người.
3/ Đánh giá chung(2.0đ)
– Không được đồng nhất việc phản ánh sự thật đời sống với sự sao chép, chụp ảnh đời sống một cách máy móc, giản đơn. Sự phản ánh trong nghệ thuật là phản ánh sáng tạo, qua lăng kính thẩm mĩ, tư tưởng và tài năng của nghệ sĩ.
- Nhận định của GS Lê Đình Kỵ có ý nghĩa to lớn trong định hướng sáng tác và tiếp nhận văn học.