Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải tỉnh Hà Nam 2018

 

(ĐỀ GIỚI THIỆU)

KỲ THI  HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XI, NĂM 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề thi gồm 02 câu, 01 trang)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Có ai đó đã nói rằng:  Có một ngày bạn sẽ hiểu, lương thiện khó hơn thông minh nhiều. Thông minh là một loại tài năng thiên phú, còn lương thiện lại là một sự lựa chọn.

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhà thơ đích thực là người có thể mơ khi đang tỉnh, và rất tỉnh khi đang mơ. Với họ có ít nhất hai thế giới tồn tại song song. Và họ dễ dàng “đi lại” giữa hai thế giới ấy. Cái nhìn trong suốt là cái nhìn của tâm hồn, và cái mờ ảo của ngôn ngữ là kết quả của sự tương tác giữa hai thế giới

(Thanh Thảo trích trong Thanh Thảo – Mãi mãi là bí mật, NXB Lao động, Hà Nội, 2004, trang 228)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh qua một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao.

 

 

—————– Hết —————–

 

Họ và tên người ra đề: Nguyễn Thị Lan Dung,  Ngô Thị Hương

Điện thoại: 0948338581

(ĐỀ GIỚI THIỆU) KỲ THI  HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XI, NĂM 2018

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề thi gồm 02 câu, 01 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1. (8 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

  1. II. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

  1. Giải thích (1,0 điểm)

Lương thiện: tâm hồn trong sáng, chân thành, không làm gì trái với pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Hiểu rộng ra, lương thiện là biểu hiện của cái tâm trong con người

Thông minh: Có trí lực tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh. Người thông minh là người nhanh trí, khôn khéo, tài tình trong các lĩnh vực của đời sống. Nói đến thông minh là nói đến cái tài của con người.

Thông minh là một loại tài năng thiên phú: Đó chính là tố chất của con người tự khi sinh ra đã có, đã tồn tại giống như là bản năng, và không phải ai cũng có được.

lương thiện lại là một sự lựa chọn: Lương thiện có được là cả một quá trình cân nhắc, đắn đo, suy nghĩ một cách sáng suốt

-> Sử dụng cách nói so sánh, ý kiến muốn khẳng định, đề cao sự lương thiện, đề cao cái tâm trong mối quan hệ với trí tuệ và tài năng của con người.

  1. Bình (5,0 điểm)

Thông minh là một loại tài năng thiên phú: nhiều người sinh ra đã có tài năng, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự thông minh bộc lộ trong học tập, lao động, trong cách nói năng, ứng xử, trong giao tiếp,…Yếu tố ấy không phải cứ cố gắng rèn luyện là có thể có được.

lương thiện khó hơn thông minh nhiều… lương thiện là một sự lựa chọn bởi:

+ Bản chất của mỗi con người từ khi sinh ra không phải là lương thiện hay độc ác mà được hình thành do tác động của nhiều yếu tố như sự giáo dục của gia đình, nhà trường, do hoàn cảnh sống, môi trường xung quanh,…

+ Cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp, bao gồm cả cái xấu và cái tốt, cái đúng và cái sai, cái cao cả và cái thấp hèn,…sẽ tác động đến tính cách, phẩm chất của con người theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Hơn nữa, ranh giới giữa cái thiện và cái ác vốn rất mong manh. Con người ảnh hưởng cái tốt thì khó nhưng nhiễm thói hư tật xấu thì lại rất dễ mà cuộc sống thì lại vô vàn những cám dỗ tiêu cực dễ khiến con người sa ngã, tha hóa. Thực tế ấy khiến chúng ta luôn phải lựa chọn để có thể đứng vững trên con đường lương thiện, chân chính.

+ Trong mọi hoàn cảnh, con người luôn cần phải có bản lĩnh, làm chủ được bản thân. Và để có được lương thiện, giữ được lương thiện, chúng ta nhiều khi phải kiên quyết đấu tranh với ngoại cảnh, với chính bản thân mình để vượt lên trên tất cả những nhỏ nhen, ích kỉ, tầm thường để vươn tới cái tâm trong sáng, thánh thiện.

+ Sự lựa chọn đó không bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi con người phải có sự tỉnh táo, sáng suốt, vừa có sự mách bảo của lí trí, và quan trọng hơn cả là sự trong sáng của lương tâm, trách nhiệm, thậm chí phải chấp nhận hi sinh để giữ được lương thiện.

  1. Bàn luận, mở rộng vấn đề (1,0 điểm)

– Trong cuộc sống, sự thông minh, hiểu biết là vô cùng cần thiết giúp con người có những lựa chọn sáng suốt để đi đến thành công, để mỗi con người có thể sống nhân ái hơn, yêu thương nhau hơn

– Nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, giữa tài và tâm, tâm vẫn là gốc, là nền để con người sống tốt hơn, đẹp hơn

– Để có được sự thông minh và lương thiện, chúng ta phải không ngừng trau dồi nhận thức, tư tưởng, tình cảm và lí tưởng sống

– Đôi khi cũng đừng quá lí trí, tỉnh táo đến lạnh lùng, thậm chí là tàn nhẫn, vô tâm với mọi người xung quanh nhưng cũng đừng quá cảm tính mà mất đi sự sáng suốt cần thiết để lựa chọn.

  1. Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

Biểu điểm

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.

 

Câu 2. (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học để bàn luận, chứng minh vấn đề một cách hợp lí, thuyết phục.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

  1. Yêu cầu về kiến thức

          Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

  1. Giải thích (1,0 điểm)

Nhà thơ đích thực: người sáng tạo thơ ca, người nghệ sĩ chân chính có tài năng, tâm huyết, phong cách nghệ thuật, có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật giá trị, hữu ích cho đời.

: mơ mộng, trạng thái vô thức, khả năng liên tưởng tưởng tượng, cảm xúc lãng mạn bay bổng, sự thăng hoa trong sáng tạo…

Tỉnh: tỉnh táo, trạng thái có ý thức, nhận thức hiện thực bằng lý trí sáng suốt…

Mơ khi đang tỉnh và rất tỉnh khi đang mơ: sự hòa quyện giữa vô thức và ý thức, giữa tưởng tượng bay bổng lãng mạn và nhận thức hiện thực đời sống tỉnh táo, giữa cảm xúc và trí tuệ, tình cảm và lí trí,…

Hai thế giới:thế giới của cõi thực và thế giới của cõi mơ, hiện thực và lãng mạn.

– Cái nhìn trong suốt là cái nhìn của tâm hồn: nội dung cảm hứng chủ đạo của thơ là đời sống tâm hồn con người bao gồm cả những tình cảm, cảm xúc và nhận thức, tư tưởng của người sáng tác.

Cái mờ ảo của ngôn ngữ: ngôn ngữ thơ ngắn gọn, hàm súc, tinh luyện, ý tại ngôn ngoại, có nhiều điểm trắng, khoảng trống và những chiều sâu chưa nói hết.

=> Ý kiến đem đến một quan niệm về nhà thơ và thơ ca đích thực, khẳng định đặc trưng thuộc về bản chất của thơ, đó là sự khám phá những bí ẩn tinh tế của tâm hồn con người và được biểu hiện bằng một hình thức ngôn ngữ súc tích, ý tại ngôn ngoại, giàu tính biểu tượng.

  1. Bình (3,0 điểm)
  2. Nhà thơ đích thực là người có thể mơ khi đang tỉnh và rất tỉnh khi đang mơ. Với họ có ít nhất hai thế giới tồn tại song song. Và họ dễ dàng “đi lại” giữa hai thế giới ấy

– Nhà thơ, người nghệ sĩ nói chung là con người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, cảm xúc mãnh liệt, tưởng tượng bay bổng nhưng cũng rất tỉnh táo lý trí.

– Khi sáng tạo, nhà thơ thường đi lại giữa hai thế giới, sống với hai thế giới: hiện thực và mơ mộng để tạo nên những tác phẩm vừa chân thực vừa giàu cảm xúc.

  1. Cái nhìn trong suốt là cái nhìn của tâm hồn và cái mờ ảo của ngôn ngữ là kết quả của sự tương tác giữa hai thế giới.

– Đối tượng và nội dung của thơ: Văn học nói chung xưa nay luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho con người, cả đời sống vật chất và những nhu cầu biểu hiện đời sống tinh thần của con người. Thơ là thể loại quan trọng của phương thức trữ tình, là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Tâm hồn con người vốn là một thế giới phong phú, đầy bí ẩn, chứa đựng những cảm giác, cảm xúc mong manh mơ hồ, tinh tế, khó nắm bắt nhưng luôn cần được khám phá.

– Ngôn ngữ thơ: có sức mạnh vạn năng, giúp nhà thơ vừa miêu tả hiện thực khách quan, vừa biểu hiện tâm hồn con người: ý thức và vô thức, tư tưởng và tình cảm. Vì thế, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ mờ ảo, không nói thẳng, nói hết mà luôn tạo ra những biểu tượng, điểm trắng, khoảng trống để phát huy cao độ trường liên tưởng, suy nghiệm của người đọc.

  1. Phân tích, chứng minh (7,0 điểm): Thí sinh được tự do chọn dẫn chứng, miễn là chọn được bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao để phân tích một cách thuyết phục, làm sáng tỏ vấn đề.

Quá trình phân tích bài thơ cần tập trung vào các vấn đề sau:

– Chỉ ra thế giới của hiện thực và thế giới của mơ mộng, tưởng tượng trong bài thơ.

– Khắc sâu nội dung biểu hiện đời sống tâm hồn con người.

– Phân tích tính mờ ảo của ngôn ngữ thơ và giá trị của ngôn ngữ đó.

  1. Bàn luận, đánh giá ý nghĩa của vấn đề (1,0 điểm)

– Ý kiến của Thanh Thảo đã khẳng định đặc trưng quan trọng của thơ ca, có ý nghĩa định hướng cho người sáng tác và tiếp nhận :

– Nhà thơ cần trau dồi tình cảm và tư tưởng, sống sâu sắc, mãnh liệt trong từng cảm xúc, đồng thời luôn luôn sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ để mang đến cho nền văn học những thi phẩm độc đáo, mới lạ, giàu ý nghĩa.

– Người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nhà thơ, đọc không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm.

Biểu điểm

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *