(ĐỀ GIỚI THIỆU) |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI, NĂM 2018 ĐỀ THI MÔN: Ngữ văn LỚP : 10 Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi gồm 02 câu, 01 trang) |
Câu 1 (8,0 điểm)
Bảy kì quan mới
Một nhóm học sinh đang học cách viết luận về chủ đề bảy kì quan thế giới. Cuối giờ mỗi em phải liệt kê được bảy kì quan theo suy nghĩ của riêng mình.
Học sinh ngồi ríu rít bàn bạc rằng những công trình nào nên là kì quan của thế giới. Tháp nghiêng Pisa, Kim tự tháp Ai Cập… đều được lựa chọn.
Cuối giờ khi thu bài, một em bé vẫn băn khoăn cầm bài viết để trắng. Cô bé giải thích:
– Em vẫn chưa liệt kê xong vì có nhiều kì quan quá ạ!
– Em hãy thử kể những kì quan theo ý em để các bạn và cô nghe xem có thể giúp em được không? – Cô giáo nhiệt tình hướng dẫn.
Cô bé do dự:
– Em nghĩ bảy kì quan trên thế giới nên là: xúc giác, thị giác, thính giác, khả năng đi lại được, nụ cười và sự yêu thương.
(Nói bởi trái tim, NXB Kim Đồng, tr.44)
Anh/chị có đồng ý với cô bé trong câu chuyện trên rằng: nụ cười và sự yêu thương là những kì quan mà chúng ta cần yêu quý và trân trọng?
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhận xét về cái đẹp trong nghệ thuật, có ý kiến cho rằng: Cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 10 hãy làm sáng tỏ vấn đề.
—————– Hết —————–
Họ và tên người ra đề: Nguyễn Thị Bích Hằng
Điện thoại: 0915669257
Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Điện thoại: 0918721568
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ LẦN THỨ XI, NĂM 2018 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: Ngữ văn LỚP : 10 |
Câu 1 (8,0 điểm)
Trên cơ sở hiểu được ý nghĩa của câu chuyện, biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý đặt ra trong một tác phẩm văn học, học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản cần đảm bảo những ý sau:
- Giới thiệu câu chuyện và vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
- Bình luận vấn đề nghị luận
- Giải thích (1,0 điểm)
– Phân tích ngắn gọn nội dung câu chuyện để thấy được những suy nghĩ khác nhau của nhóm học sinh về bảy kì quan thế giới.
– Chú ý đến suy nghĩ của cô bé cho rằng bảy kì quan trên thế giới nên là: xúc giác, thị giác, thính giác, khả năng đi lại được, nụ cười và sự yêu thương.
– Trong đó:
+ Nụ cười: là một cử chỉ thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc mà con người luôn hướng tới.
+ Sự yêu thương: là tình cảm gắn bó, chia sẻ, đồng điệu… giữa con người với con người trong mọi mối quan hệ của cuộc sống.
- Bình luận (3,0 điểm)
– Khẳng định: Suy nghĩ của cô bé trong chuyện là hoàn toàn đúng.
– Lý lẽ:
+ Thật vậy, chúng ta vẫn có thể sống vui nếu không có tháp nghiêng Pisa, không có tháp Eiffel và Kim tự tháp Ai Cập… Nhưng chúng ta sẽ khó khăn biết bao nếu thiếu một trong bảy kì quan mà cô bạn này đã kể, đặc biệt là thiếu nụ cười và tình yêu thương.
+ Hơn nữa, nhiều tỉ người trên Trái đất mới có một kì quan kiểu như Kim tự tháp, trong khi mỗi người chúng ta lại có cho riêng mình những bảy kì quan. Chúng ta thật giàu có biết bao. Đó mới là những kì quan mà chúng ta cần yêu quý và trân trọng nhất.
+ Khicuộc sống của chúng ta có nụ cười và tình yêu thương thì cuộc sống ấy sẽ trở nên tốt đẹp, ý nghĩa bởi mỗi con người luôn cần những niềm vui và bởi người với người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Trái lại, nếu cuộc sống không có nụ cười và tình yêu thương thì cuộc sống ấy sẽ khô khan, đơn điệu, mất đi những ý nghĩa tốt đẹp.
+ Nụ cười và tình yêu thương là động lực tinh thần giúp con người sống vui vẻ, yêu đời, giúp con người vượt qua những khó khăn của cuộc sống để tìm đến những chân trời thành công và hạnh phúc.
+ Người luôn có nụ cười và tình yêu thương luôn được mọi người xung quang yêu quý, trân trọng, ngợi ca.
– Dẫn chứng (Học sinh đưa ra những dẫn chứng cụ thể và phân tích để làm sáng rõ vấn đề)
- Mở rộng (2,0 điểm)
– Nụ cười và tình yêu thương sẽ giúp con người hình thành thêm nhiều tình cảm tốt đẹp: tinh thần lạc quan, yêu đời; trái tim nhân hậu, vị tha; nghị lực vượt khó… Nhờ đó, mỗi con người sẽ ngày một hoàn thiện mình.
– Nụ cười và tình yêu thương là những kì quan đẹp mà mỗi con người đều có. Bởi vậy, mỗi con người đều cần xây đắp, gìn giữ nó để những kì quan ấy luôn đẹp và bền vững.
– Phê phán những con người
+ Sống bi quan, chán chường, không có nụ cười.
+ Sống vô cảm, lạnh lùng, không có tình yêu thương.
- Liên hệ bản thân (1,0 điểm)
- Khái quát lại vẫn đề nghị luận (0,5 điểm)
Câu 2 (12,0 điểm)
- Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:
- Mở bài: dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn nguyên văn ý kiến (0,25)
- Thân bài
- Giải thích ý kiến ( 1,5 điểm)
– Cái đẹp là một phạm trù mĩ học, chỉ những giá trị tích cực có khả năng bồi dưỡng, nâng cao tâm hồn, nhận thức, trí tuệ và hành động con người.
– Cái đẹp trong chính người nghệ sĩ: những giá trị thuộc về tư tưởng, tâm hồn, nhận thức, thái độ và tài năng nghệ thuật.
->Ý kiến trên đề cập đến nguồn gốc tạo nên cái đẹp trong nghệ thuật: Vai trò có tính quyết định của người nghệ sĩ trong việc sáng tạo cái đẹp ở tác phẩm nghệ thuật, thực hiện sứ mệnh cao cả của nhà văn.
b.2. Cơ sở lí luận (1,5 điểm)
– Văn học lấy con người và cuộc sống làm đối tượng phản ánh theo quy luật của cái đẹp, nhằm thỏa mãn những tình cảm thẩm mĩ của con người. Bản thân cuộc sống con người đã là đối tượng thẩm mỹ của nghệ thuật muôn đời.
– Quá trình sáng tạo là quá trình mang tính cá nhân, cá thể, chủ quan cao độ. Đời sống khi được khúc xạ qua lăng kính chủ quan nghệ sĩ dù hiện lên thế này hay thế kia, bằng cách này hay cách khác, người ta đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thấy được chân dung tinh thần người sáng tạo. Bởi thế, điều quan trọng và trực tiếp hơn cả của cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.
– Đối với người nghệ sĩ nói chung và nhàn văn nói riêng, phẩm chất quan trọng hàng đầu là phải có một trực giác nhạy bén, một tâm hồn giàu xúc. Chính những rung cảm này mang đến cái đẹp cho tác phẩm và nguồn mĩ cảm cho người đọc.
b.3. Làm sáng tỏ vấn đề (7,0 điểm)
Yêu cầu: Trúng vấn đề, làm nổi bật được vấn đề…
b.4. Ý nghĩa vấn đề đối với người sáng tác và người đọc (1,0 điểm)
- Kết bài (0,25 điểm)