SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH HÒA BÌNH TRƯỜNG THPT CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ |
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN LỚP 10 KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2018 (Đáp án gồm có 07 trang) |
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kỹ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
- Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của bức tranh, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:
- Giải thích ý nghĩa bức tranh: (2,0 điểm)
– Câu nói của Pawel Kuczynski gợi mở vấn đề được đặt ra trong bức tranh: “: “Sự hài hước của tôi có màu đen, bởi thực tế phía sau nó là nỗi buồn”:
+ “Sự hài hước có màu đen”: Tiếng cười, sự hóm hỉnh chứa đựng những điều xấu xa, tội lỗi, mặt trái của cuộc sống.
+ “Thực tế phía sau nó là nỗi buồn”: Hiện thực được nhận thức không đem lại niềm hạnh phúc, vui sướng.
→ Các tác phẩm hội họa của Pawel Kuczynski đều ẩn chứa những hiện thực gai góc, những sự thực trào phúng đáng buồn trong cuộc sống.
– Ý nghĩa của bức tranh:
+ Hình ảnh đứa trẻ cầm điều khiển game: Sự vui chơi, đắm mình trong những trò vô bổ, vô nghĩa một cách vô tư, không bận tâm, lo nghĩ.
+ Hình ảnh người phụ nữ phơi đồ: Công việc quen thuộc của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình, gợi sự tần tảo, vất vả, lam lũ, cực khổ.
+ Sự kết nối của hai hình ảnh: Đứa trẻ đang chơi game từ sợi giây người phụ nữ phơi đồ tạo nên sự hài hước màu đen – Trong lúc đứa trẻ thích thú với trò chơi của mình thì người thân đang lao động một cách vất vả.
→ Bức tranh gợi lên một nhận thức đầy chua xót vẫn tồn tại một cách đầy nghịch lý trong cuộc sống: Sự vô tâm, vô cảm của bạn gắn liền với sự hi sinh của người khác.
- Bình (4,0 điểm):
– Trong cuộc sống, có khi chúng ta được hưởng thụ công sức, thành quả mà người khác mang lại nhưng không hề bận tâm, suy nghĩ. Đó là một lối sống thờ ơ, vô tâm, vô cảm thể hiện sự méo mó về nhân cách, nhân phẩm của con người trong xã hội hiện đại.
– Lối sống vô tâm, vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, người thân đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ. Họ đón nhận sự quan tâm, tình yêu thương, thậm chí là sự hi sinh của người thân như một điều tất yếu, bình thường.
– Niềm vui, sự vô tư của chúng ta khi được hình thành từ những vất vả, lo toan của chính những người thân trong gia đình không thể đem lại cho ta cuộc sống hạnh phúc thực sự.
– Khi chúng ta vô tâm với chính những người thân của mình, chúng ta không thể biết quan tâm đến những người xung quanh. Từ đó, hình thành lối sống ích kỉ, vô cảm, hủy hoại dần những mối quan hệ tốt đẹp của bản thân trong cuộc sống.
– Trong xã hội rộng lớn, có nhiều người đang hi sinh một cách thầm lặng làm những công việc dù nhỏ bé nhưng hữu ích cho cuộc sống. Nhưng song song với những con người đó luôn có những người vô tư hưởng thụ, lãng phí thời gian và cuộc đời mình vào những việc làm vô bổ, vô nghĩa.
– Chúng ta phải cố gắng hạn chế, chấm dứt sự vô cảm trước những hi sinh của người khác, bởi vì:
+ Chẳng ai có thể lấy lại thời gian đã mất, không ai có thể xóa bỏ lỗi lầm.
+ Không ai có thể dành tình yêu thương, lòng vị tha và sự hi sinh vô hạn cho chúng ta, ngoại trừ gia đình.
+ Sự vô tâm ngày hôm nay có thể là khởi đầu cho những tội lỗi lớn hơn của ngày mai
+ Khi ta thờ ơ trước những vất vả, cực khổ của người khác, chỉ biết tận hưởng niềm vui của mình đồng nghĩa với việc ta nhẫn tâm và độc ác.
+ Hạnh phúc là cho đi thì mới bền vững, không có niềm vui nào đem lại hạnh phúc khi được xây dựng trên sự khó khăn, khổ cực của người khác.
- Bàn luận, mở rộng vấn đề (1,0 điểm):
– Phê phán lối sống vô cảm, thờ ơ trước sự hi sinh của người khác dành cho chúng ta.
– Không phải sự hi sinh nào cũng nhận được sự vô tâm, thờ ơ. Xã hội vẫn tri ân những hành động cao đẹp, những đóng góp cao quý, những nghĩa cử nhân đạo vì cộng đồng.
– Tìm niềm vui từ những trò giải trí không phải là xấu nhưng không thể đắm chìm trong nó, quên đi thực tại.
– Sự hi sinh nào cũng cần xứng đáng với người được đón nhận nó.
- Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)
(Học sinh tự liên hệ rút ra bài học)
Cách cho điểm
– Điểm 7-8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 5-6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 1-2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .
– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.
Câu 2 (12,0 điểm):
- Yêu cầu về kỹ năng
– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.
– Biết vận dụng kiến thức văn học để bàn luận, chứng minh vấn đề một cách hợp lí, thuyết phục.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:
- Giải thích (2,0 điểm)
– Ý nghĩa hai câu thơ của Lý Bạch: Thể hiện mong muốn của nhân vật trữ tình hướng tới cuộc sống tự do, tự tại, lấy thú tiêu dao, thưởng ngoạn nước non sông núi làm lẽ sống. Học theo dấu vết tiên nhân, quên đi sự đời, sống những ngày tháng thảnh thơi, vô ưu.
→ Câu thơ gợi lên hình tượng ẩn sĩ trong văn học cổ phương Đông
– Ẩn sĩ: Là kẻ sĩ – tầng lớp trí thức trong xã hội chịu ảnh hưởng của Nho giáo, ở ẩn, lánh đời, không quan tâm đến thế sự.
→ Lúc đầu, ẩn sĩ là những người có khả năng “kinh bang tế thế” nhưng bất mãn với thời cuộc nên “lánh đục về trong”. Về sau, ẩn sĩ là những người không ham công danh, phú quý, chuộng sự thanh bần, ưa cảnh sống thanh đạm. Họ được người đời tôn là “cao sĩ”, danh giá hơn những người ra làm quan.
– Hình tượng ẩn sĩ trong văn học: Được xây dựng dựa trên những người sống ẩn dật, bất mãn với thời thế, muốn quên đi thế sự, tìm đến cuộc sống tiêu dao, tự tại.
→ Hình tượng ẩn sĩ trong văn học cổ Trung Quốc và văn học trung đại Việt Nam khá phổ biến, xuất hiện đa dạng và ở nhiều cấp độ.
- Khái quát về hình tượng ẩn sĩ trong văn học trung đại Việt Nam (3,0 điểm)
– Ẩn sĩ trong quốc gia phong kiến Việt Nam: Chủ yếu là lớp người có tri thức, có tinh thần dân tộc, tấm lòng ưu quân ái quốc, bất mãn với thời cuộc nên thường cáo quan về ở ẩn, hoặc tìm đến cuộc sống thanh bần, tránh tiếp xúc, hợp tác với kẻ thống trị, chốn quan trường nhiều thị phi.
– Hình tượng ẩn sĩ trong văn học trung đại Việt Nam:
+ Thể hiện thái độ bất hợp tác chính trị với thời thế như một cách thể hiện khí tiết của mình (Nguyễn Khuyến)
+ Họ tìm về thiên nhiên, vùng quê yên bình, đạm bạc, bầu bạn với cỏ cây, sông núi, thỏa mãn với cuộc sống tự do, tự tại, thanh thản mọi bề (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi)
+ Họ không thoát ly tuyệt đối mà vẫn mang nặng “nỗi tiên ưu”, nặng lòng với dân với nước (Thu điếu – Nguyễn Khuyến, Tự Thán 12, 36 – Nguyễn Trãi)
+ Cảm thấy “thẹn” với non sông, “bất lực” trước thời cuộc: “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già” (Ngày xuân răn con cháu – Nguyễn Khuyến)
→ Vấn đề xuất – xử, giúp đời hành đạo hay ẩn dật tránh đời là hai mặt đối lập mà thống nhất trong cách xử thế của Nho gia. Bởi vậy, ẩn sĩ trong văn học trung đại Việt Nam, tuy về ẩn dật nhưng không hoàn toàn thoát ly thực tại mà vẫn mang trong lòng vấn đề “quân thân”, “cương thường”. Điểm nổi bật nhất ở họ là tấm lòng không màng danh lợi, phú quý, coi thường lợi lộc ở đời.
- Phân tích một số tác phẩm trong chương trình ngữ văn 10 để chứng minh (6 điểm):
Học sinh có thể linh hoạt trong việc chọn tác phẩm để chứng minh nhưng cần đề cập được tới tác phẩm Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi. Trong đó, khi phân tích dẫn chứng cần tập trung vào một số vấn đề sau:
– Hình tượng ẩn sĩ tìm đến thiên nhiên, cuộc sống dân dã, lao động thường nhật để có được sự an nhiên, vô ưu trong tâm hồn.
– Lối sống của họ thanh đạm nhưng cao khiết, giản dị nhưng thoải mái. Họ sống hòa mình với tự nhiên, phóng khoáng, tự do.
– Thỏa mãn với cuộc sống tự do, tự tại, thanh thản mọi bề
– Họ coi thường công danh, phú quý, lợi lộc. Coi đó chỉ như áng phù vân, tự đặt mình lên trên vòng danh lợi
– Coi thường phú quý, công danh nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm tiên ưu, lo cho nước, cho dân.
- Đánh giá (1.0 điểm):
– Hình tượng ẩn sĩ trong văn học trung đại Việt Nam vừa cho thấy được cá tính thời đại trong một lớp người được coi là trung tâm của một thời kỳ lịch sử, vừa cho thấy bản sắc văn hóa của dân tộc.
– Hình tượng ẩn sĩ vừa là một sáng tạo đầy tính thẩm mỹ của nghệ thuật, vừa là kết tinh cho những vẻ đẹp tư tưởng của nghệ sĩ.
– Hướng tới việc xây dựng và thể hiện hình tượng ẩn sĩ, các tác giả văn học trung đại đã thể hiện được tâm và tài, cá tính và phong cách sáng tạo của riêng mình.
Cách cho điểm
– Điểm 11-12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.
– Điểm 9-10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 7-8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.
– Điểm 3-4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 1-2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.
(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục)