Văn lớp 10 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải chuyên Hưng Yên

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 (Đề bài gồm có 02 câu; 02 trang)

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XI

MÔN NGỮ VĂNKHỐI 10

Ngày thi: 14/04/2018

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Câu 1 (8 điểm):                            

                                                     Con đường phía trước

Đã lâu lắm rồi, có một vị hiền triết sống trên đỉnh ngọn núi cao, dân làng dưới chân núi mỗi khi gặp khó khăn thường tìm đến vị hiền triết để xin lời khuyên.

Ngày nọ, một chàng trai được xem là khá thành đạt, đang băn khoăn cho chặng đường sắp tới của mình, quyết định lên núi gặp vị hiền triết.

– Điều gì có thể giúp con thành một người thực sự vĩ đại? – Chàng trai hỏi

Vị hiền triết nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi:

– Có chắc là ngươi muốn biết điều đó không?

– Vâng! Cháu thực sự rất muốn biết – Chàng trai quả quyết trả lời.

– Được! – Vị hiền triết đáp – Ngươi hãy tự tìm cho mình câu trả lời qua câu chuyện ta kể sau đây:

“Thuở xưa, có một chàng thanh niên ở đất nước Hy Lạp mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, anh xung phong gia nhập quân đội lúc đó đang bước vào trận chiến khốc liệt với kẻ thù. Với hy vọng được hy sinh anh dũng trên chiến trường, anh ta đã chiến đấu hết mình, không ngại phơi mình trước làn tên mũi đạn của kẻ thù và không mảy may lo cho mạng sống của mình. Cuối cùng, khi kẻ thù bị đánh bại, anh ta vẫn còn sống! Vô cùng cảm phục trước sự dũng cảm, can trường của người lính nọ đã góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng ấy, vị tướng quyết định thăng chức và trao tặng cho anh huân chương danh dự cao quý nhất cho lòng dũng cảm.

Song, đến ngày trao huân chương, anh ta trông rất u buồn. Ngạc nhiên, vị tướng hỏi lý do và được biết về căn bệnh nguy hiểm mà anh ta đang phải gánh chịu. Làm sao ông lại có thể để cho người lính dũng cảm của mình phải chết! Vị tướng đã cho tìm vị lương y giỏi nhất nước về trị bệnh cho anh ta. Căn bệnh chết người cuối cùng đã được chữa khỏi.

Nhưng, từ đó trở đi người ta thấy người lính can-trường-một-thời đã không còn xuất hiện nơi tuyến đầu vất vả hiểm nguy nữa! Anh luôn tìm cách né tránh mọi khó khăn và cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ mạng sống của mình thay vì đương đầu với thử thách.

Về sau có dịp gặp lại, vị tướng đã nói với người lính nọ một câu: “Giờ đây, anh mới thực sự là chết hẳn rồi!”.

(Nguồn: http://www.firstnews.com.vn)

Hãy trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề được đề cập trong câu chuyện trên.

Câu 2 (12 điểm):

Nhận xét về tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn GS.TS Trần Nho Thìn cho rằng: “Chinh phụ ngâm chính là tác phẩm đậm sắc thái nữ quyền của văn học Việt Nam trung đại” ( Trần Nho Thìn, Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, NXBGDVN, năm 2012, tr.431).

Bằng hiểu biết của mình về đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”( trích Chinh phụ ngâm), anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.      

 

——————— HẾT ———————

Người ra đề:    Dương Thị Ngọc Hà. SĐT: 0918666325

                                                                   Cao Thị Nguyệt . SĐT: 0973996098

 

 

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN

 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 (Hướng dẫn chấm có 06 trang)

 

 

HDC THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LẦN THỨ XI

MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10

Ngày thi: 13/04/2018

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Câu 1. (8 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc các thao tác nghị luận về một vấn đề xã hội.

– Biết vận dụng kiến thức thực tế một cách linh hoạt.

– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, hành văn gợi cảm…

  1. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của câu chuyện, biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý cơ bản sau:

  1. Ý nghĩa của câu chuyện:

Câu chuyện kể về chàng thanh niên đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì có thể giúp con người trở thành thật sự vĩ đại? Câu chuyện về anh chàng thanh niên Hi Lạp được kể bởi vị hiền triết chính là câu trả lời: Chàng thanh niên khi mắc bệnh hiểm nghèo, biết rằng sẽ chết nên xung phong tòng quân và chiến đấu anh dũng, không màng nguy hiểm, đã lập được công lớn. Đến khi được chữa khỏi bệnh, anh lại né tránh khó khăn, cố bằng mọi cách để bảo vệ mạng sống của mình, không dám đương đầu với thử thách. Đây chính là lúc anh thực sự đã chết hẳn rồi.

Câu chuyện mang đến bài học: Để trở thành một người thật sự vĩ đại, con người cần phải sống hết mình, quên đi lợi ích cá nhân để thực hiện nhiệm vụ chung, dám đương đầu và quyết tâm vượt qua với khó khăn, thử thách. Tìm một vỏ bọc an toàn, né tránh khó khăn, con người chỉ được sống bình an về thể xác mà đã chết trong tâm hồn.

  1. Suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện:
  • Cuộc sống luôn đặt ra vô vàn khó khăn, thử thách. Đó là điều tất yếu và khó tránh khỏi trong cuộc đời mỗi con người.
  • Dám đương đầu và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, con người mới được sống là mình, phát huy hết khả năng và tỏa sáng, có thể làm nên những điều kì diệu, cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
  • Quên đi lợi ích cá nhân để hết mình thực hiện nhiệm vụ chung, cao cả, con người sẽ trở thành vĩ đại thật sự.
  • Khi núp trong vỏ bọc an toàn, né tránh khó khăn, thử thách, chỉ lo cho mạng sống và quyền lợi cá nhân thì con người sẽ đánh mất mình, cuộc sống nhạt nhẽo và không có ý nghĩa. Đó mới là cái chết thật sự của đời người.
  1. Bàn luận mở rộng:
  • Khẳng định con người cần phải sống hết mình, quên đi lợi ích cá nhân, dám đối diện và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, khi đối mặt với khó khăn, cần phải tỉnh táo và sáng suốt để xử lý tốt nhất.
  • Quên đi lợi ích cá nhân không có nghĩa là không quan tâm đến bản thân, chỉ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Con người cần biết bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, khẳng định giá trị bản thân nhưng cần phải biết đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích của tập thể, hướng đến thực hiện nhiệm vụ chung.
  • Bài học: Mỗi người cần có thái độ và hành động đúng đắn trước những khó khăn thử thách của cuộc sống: không ngại khó khăn, quyết tâm vượt qua, đặt lợi ích chung, nhiệm vụ chung lên trước hết.

( Lưu ý: Trong quá trình bình luận, người viết phải liên hệ với thực tế đời sống để đưa ra những dẫn chứng thuyết phục. GV khi chấm cần linh hoạt cho điểm).)

 

Biểu điểm:

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.

 

Câu 2. (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm chắc phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận văn học.

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học, văn học sử để bàn luận vấn đề một cách hợp lí.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, có cảm xúc.

  1. Yêu cầu về kiến thức

          Thí sinh có thể trình bày, sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

  1. Giải thích:

– Nữ quyền: theo từ điển Tiếng Việt được hiểu là mọi quyền lợi về chính trị, xã hội, gia đình, cá nhân…của người phụ nữ.

– Sắc thái nữ quyền trong nhận định được hiểu là tiếng nói đấu tranh cho những quyền cơ bản của người phụ nữ như quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc, quyền được thể hiện những tâm tư, nguyện vọng của cá nhân mình…

– Văn học Việt Nam trung đại: Văn học được hình thành, tồn tại và phát triển dưới hình thái xã hội là nhà nước phong kiến từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.

=> Nội dung của nhận định: “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm văn học đã cất lên tiếng nói đấu tranh cho quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

  1. Bàn luận:

– Đây là một nhận định đúng đắn, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc giá trị nội dung của tác phẩm “Chinh phụ ngâm” cũng như đóng góp của khúc ngâm đối với văn học trung đại Việt Nam nói riêng và văn học dân tộc nói chung.

– Hs cần vận dụng kiến thức văn học sử ( đặc điểm xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XVIII, đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn này) và lí luận văn học (mối quan hệ giữa văn học và hiện thực) để làm rõ ý nghĩa sự ra đời của tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Khúc ngâm do tác giả “cảm thời thế mà làm ra”, in đậm dấu ấn của thời đại.

-Về đề tài người chinh phụ trong văn học:

+ Đây là đề tài xuyên suốt trong văn học cổ điển Trung Quốc. Tuy nhiên văn học Trung Quốc chưa có những tác phẩm dài hơi và để lại dấu ấn mạnh mẽ như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Sáng tác của họ chủ yếu là những khoảnh khắc tâm trạng, gói gọn trong bài thơ Đường luật nhỏ nhắn.

+Trước thế kỉ XVIII, nhân vật người phụ nữ nói chung và chinh phụ nói riêng  hầu như vắng bóng trong văn học viết Việt Nam.

+ Thế kỉ XVIII chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong văn chương các nhà Nho từ quan điểm thẩm mỹ, kiểu nhân vật tới thể loại, ngôn ngữ…văn chương xích lại gần hơn với thế thái nhân tình, với con người đời thường mà trước đó các nho sĩ ít khi nhắc đến. Một trong những thay đổi là sự xuất hiện kiểu nhân vật phụ nữ. Giới nữ bước vào văn học như nhân vật chính của thời đại.

– Về tác phẩm Chinh phụ ngâm:

+ Chinh phụ ngâm  là tác phẩm đầu tiên của nhà Nho viết về phụ nữ ở bình diện con người trần thế chứ không phải từ khía cạnh đạo đức phong kiến, mở đầu cho dòng văn học viết về nữ giới trong suốt thế kỉ XVIII và đầu XIX. Đặng Trần Côn là nhà Nho đọc sánh thánh hiền, lại sống trong môi trường Tống Nho cực đoan ở nước ta nhưng đã có tư tưởng nữ quyền rất nhân bản.

+ Với Chinh phụ ngâm, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam trung đại, người vợ lính được  chọn là nhân vật trung tâm trong một tác phẩm thơ có quy mô. Không như hầu hết các tác phẩm viết về người phụ nữ trước đó đề cập đến vấn đề tiết hạnh, khúc ngâm là muôn vàn cảm xúc chân thực, đời thường của người vợ xa chồng…là những khao khát về tình yêu lần đầu tiên được nhà nho – người đàn ông đề cập tới trong văn học. Như vậy, sắc thái nữ quyền của tác phẩm chính là cái nhìn về người phụ nữ bằng cảm xúc, nỗi niềm của nữ giới, nói giùm họ những khát khao sâu kín về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Đặc biệt, một khía cạnh của tư tưởng nữ quyền là sự bộc bạch tình yêu gắn liền với khát khao nhục cảm – một nhu cầu bản năng của con người.

  1. Chứng minh: Phân tích đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” để làm nổi bật những biểu hiện khác nhau của sắc thái nữ quyền:

– Tâm trạng cô đơn, sầu tủi của người chinh phụ trong cảnh lẻ loi, vò võ đợi chồng thể hiện qua nhiều cung bậc cảm xúc : mệt mỏi, chán chường; mong ngóng, âu lo; hi vọng rồi thất vọng; cô quạnh, bế tắc; khát khao đồng cảm, sẻ chia; đau khổ khi ý thức được tuổi xuân đang lụi tàn và hoàn cảnh, số phận đầy bi kịch của mình để rồi cất tiếng thương thân xót phận.

– Những gắng gượng vượt thoát sự bủa vây của nỗi cô đơn song càng bị nhấn chìm sâu hơn vào nỗi buồn đau, ngưng đọng thành khối sầu.

–  Nhờ ngọn gió đông gửi nỗi nhớ thương tới người chồng nơi biên ải song gió vốn vô tri, không gian lại nghìn trùng xa cách, hi vọng đi liền với thất vọng, cảm giác bất lực, khổ đau, bế tắc lại giày vò tâm hồn và thể xác người chinh phụ.

– Khát vọng vợ chồng được đoàn tụ, sum vầy cũng như khát khao tình yêu, hạnh phúc lứa đôi cồn lên da diết khi người chinh phụ đối diện với bức tranh thiên nhiên, ở đó cảnh vật gắn bó, bện quyện, quấn quýt, giao hòa khiến nàng càng đau khổ.

=> Như vậy, sắc thái nữ quyền của Chinh phụ ngâm thể hiện qua đoạn trính “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” bộc lộ ở chỗ tác giả – một nhà Nho – một nam nhân nhưng  đã đứng trên điểm nhìn của người phụ nữ – người vợ lính để giãi bày tâm tư sầu kín của họ. Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam trung đại, người phụ nữ lại được bộc bạch, giãi bày nỗi niềm riêng tư của mình một cách đường hoàng, trực tiếp trên trang giấy đầy chân thành, thống thiết và xót xa đến thế. Đây cũng  chính là tiếng nói phản chiến, tiếng nói  đấu tranh đòi quyền được sống là mình, được sống hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng ngay giữa cuộc đời thần thế của người phụ nữ. Nội dung này có thể nói là một đóng góp xuất sắc của Đặng Trần Côn cho văn học trung đại Việt Nam.

* Chú ý: trong quá trình phân tích đoạn trích để làm nổi bật diễn biến tâm trạng của người chinh phụ – biểu hiện của sắc thái nữ quyền,  bài viết phải chỉ ra và phân tích được những đặc sắc nghệ thuật của bản diễn Nôm, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.

  1. Bàn luận mở rộng.

          – Sắc thái nữ quyền âm vang trong toàn tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Đặc điểm này đã mang lại ý nghĩa nhân văn, nhân đạo mới mẻ, sâu sắc cho khúc ngâm, góp phần làm nên trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học dân tộc từ thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX.

– Với Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn trở thành một trong những người mở đầu cho khuynh hướng văn học nhân đạo: Thức tỉnh ý thức về quyền sống và số phận con người, khám phá và thể hiện con người ở khía cạnh con người cá thể, con người trần thế với những khát vọng sống trần thế.

Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng 1/2 nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

 

Giáo viên: Dương Thị Ngọc  Hà. SĐT: 0918666325

                                                                          Cao Thị Nguyệt. SĐT: 0973996098

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *