Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
(1) (…)Cùng một thứ quà nước và mặn như phở, Hà Nội còn có hãng mì và mằn thắn. (…)Về thức quà này, tôi lại nhớ đến một câu chuyện nhiều ý nghĩa, và có thể làm một bài học hay cho người mình. Trong lúc mọi người bán hàng Việt Nam mỏi vai lê gánh khắp phố mòn đốt tre vì tiếng gọi mà vẫn không bán được mấy, thì bỗng nhiên một hôm ở một phố ở Hà Nội nhỏ hẹp và đông đúc, nẩy ra một chú khách bán hàng rất dở người. Chú ta cũng bán mì với mằn thắn, cũng với giá năm xu, nhưng mì thì chỉ có mì không và mằn thắn chỉ có mằn thắn trần, đủ mười lăm cái. Nhưng nước rất trong và rất ngọt, mì thì đậm vị và dẻo, mằn thắn thì bột mềm và mỗi cái có nhân một con tôm. Ăn mãi vẫn ngon không thấy chán.
(2) Bán hàng không cần gánh đi đâu, và cũng không cần gì bát. Ai muốn ăn thì đến hàng mà ăn, ai muốn mua đem bát lại mua, và người nhà mang về, chứ một bậc thang ngắn bác cũng không chịu bước lên. Bác bán hàng cửa quyền như thế, người ta tuy tức vì cái làm bộ kiêu kỳ của bác, chê vì quà của bác đắt hơn quà của các hàng thường, nhưng người ta vẫn phải mua, vì quà của bác ngon. Người mua ngày dần đông: một bác bán không đủ, phải làm hai gánh, rồi ba, rồi bốn, rồi năm sáu. Mỗi gánh bác phải thuê người bán, mỗi tháng công năm đồng. (…) Sáu tháng sau khi bác ở Hải Phòng đặt chân lên Hà Nội, bác đã nghiễm nhiên trở nên một người giàu.
(3) Thế mới biết nghề gì là không có lãi, mà cái nghề mà chúng ta tưởng là hèn mọn ấy lại chóng làm người ta giàu hơn chánh vạn nghề khác. Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua của ngon thì người ta ăn, đắt rẻ không kỳ quản. Đó là một sự thật giản dị trong nghề buôn bán, mà tiếc thay, nhiều nhà buôn người mình không biết đến, hoặc người mình làm tồi bán rẻ hoặc họ đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.
(Thạch Lam, Tùy bút Hà Nội băm sáu* phố phường,
*Băm sáu: ba mươi sáu
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Câu 1. (0,75đ) Xác định một số yếu tố tự sự trong đoạn (1).
Câu 2. (0,75đ) Cái tôi trữ tình của tác giả được thể hiện như thế nào trong đoạn (3)?
Câu 3. (1,5đ) Anh/ Chị hiểu như thế nào về câu nói: “Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua của ngon thì người ta ăn, đắt rẻ không kỳ quản”?
Câu 4. (1,5đ) Thông điệp ý nghĩa tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích là gì?
Câu 5. (1,5đ) Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong đoạn (3) có còn phù hợp với xã hội ngày nay không? Vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Dạng 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng áp lực đồng trang lứa trong học sinh
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Yếu tố tự sự:
– Người kể chuyện: ngôi thứ nhất
– Câu chuyện của nhân vật “Tôi” kể về chú bán mì và mằn thắn
– Có chi tiết, sự việc
Câu 2: Đó là cái tôi nhận xét, suy tư, trăn trở về nghề buôn bán thể hiện qua những từ ngữ, câu văn trực tiếp bộc lộ cảm xúc: Thế mới biết … Miễn là … xứng …., đừng …. Đó là một sự thật giản dị trong nghề buôn bán, mà tiếc thay, nhiều nhà buôn người mình không biết đến, hoặc người mình làm tồi bán rẻ hoặc họ đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.
Câu 3: Tác giả đang bày tỏ trực tiếp suy nghĩ về tầm quan trọng của sự trung thực, thật thà trong kinh doanh, buôn bán.
Câu 4: Buôn bán phải trung thực, thật thà và phải chú ý chất lượng sản phẩm.
Câu 5:
– Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình
– Lí giải phù hợp
Gợi ý:
– Đồng tình vì việc buôn bán trong bất kì xã hội nào cũng yêu cầu phải trung thực và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu
– Không đồng tình vì ngoài phải trung thực và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu thì người buôn bán còn phải chú ý đến quảng bá sản phẩm, đến khâu phục vụ khách hàng….
LÀM VĂN
Dạng 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội
* Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh: áp lực đồng trang lứa
* Thân bài:
– Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh
+ Những ảnh hưởng tạo bởi một nhóm người đồng đẳng lên các thành viên của nhóm để hoà nhập hoặc tuân theo các chuẩn mực
+ Áp lực phải suy nghĩ hoặc hành xử theo khuôn mẫu, giống với đồng nghiệp.
– Cung cấp thông tin về sự vật, hiện tượng được thuyết minh theo một trong các trình tự sau:
+ Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa: Thanh thiếu niên sẽ có xu hướng chịu ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa. Biểu hiện cụ thể qua những thay đổi trong hành vi, cảm giác không hoà nhập, chú trọng hình ảnh của bản thân, đưa ra nhiều so sánh, thực hiện những hành vi mà bản thân không muốn, kết quả học tập, sức khỏe giảm sút, so sánh bản thân với người khác.
+ Nguyên nhân hình thành áp lực đồng trang lứa: Nhận thức về bản thân của học sinh; Yếu tố mạng xã hội; Yếu tố gia đình; Yếu tố bạn bè
+ Ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa lên học sinh THPT: Ảnh hưởng tích cực: khuyến khích ta cố gắng làm tốt nhất; tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh; Ảnh hưởng tiêu cực: thất vọng, hạ thấp bản thân, suy nghĩ sai lầm bản thân mình luôn thua kém; Ảnh hưởng về mặt tinh thần: quên đi giá trị của bản thân; gây nên một số bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ; Ảnh hưởng về mặt thể chất: cô lập bản thân, học theo những thói quen không lành mạnh khiến sức khỏe suy giảm đi.
+ Giải pháp: Tìm hiểu, nắm rõ những tác động, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của áp lực đồng trang lứa đối với học sinh; Xin lời khuyên, sự giúp đỡ từ bố mẹ, thầy cô, người lớn khi cảm giác, nhận thức được mình bị áp lực đồng trang lứa; Chia sẻ với bạn bè, người thân trong gia đình, thầy cô về những vấn đề, áp lực mà mình đang gặp phải trong học tập và cả trong cuộc sống
* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.
Bài viết tham khảo:
Áp lực đồng trang lứa là hội chứng phổ biến mọi lứa tuổi đặc biệt là ở đối tượng học sinh. Hội chứng này xuất phát từ việc học sinh tự so sánh bản thân với bạn bè cùng trang lứa khi thấy họ có những mặt vượt trội hơn mình, hoặc học sinh ấy bị người thân, bạn bè áp đặt so sánh với người khác, để rồi bản thân học sinh ấy rơi vào cảm xúc, tâm trạng tự ti, lo lắng; học sinh đã tự tạo áp lực tinh thần cho chính mình. Áp lực đồng trang lứa là vấn đề đã và đang được cộng đồng quan tâm.
Áp lực đồng trang lứa là những ảnh hưởng tạo bởi một nhóm người đồng đẳng lên các thành viên của nhóm để hoà nhập hoặc tuân theo các chuẩn mực. Áp lực đồng trang lứa được hiểu là áp lực phải suy nghĩ hoặc hành xử theo khuôn mẫu, giống với đồng nghiệp.
Thanh thiếu niên có xu hướng chịu ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa biểu hiện cụ thể qua những thay đổi trong hành vi, cảm giác không hoà nhập, chú trọng hình ảnh của bản thân, đưa ra nhiều so sánh, thực hiện những hành vi mà bản thân không muốn, kết quả học tập, sức khỏe giảm sút, so sánh bản thân với người khác.
Nguyên nhân hình thành áp lực đồng trang lứa là do nhận thức về bản thân của học sinh. Từ việc so sánh bản thân với người khác, học sinh luôn phải chịu áp lực để chạy đua theo bạn bè vì hầu như ai cũng muốn theo kịp hoặc đi trước những người cùng lứa tuổi với mình. Bên cạnh đó, yếu tố mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng áp lực đồng trang lứa ở học sinh. Áp lực đồng trang lứa đối với học sinh còn được bắt nguồn từ việc bị bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, con mình phải bằng bạn bằng bè. Vì họ mong muốn cho con mình có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn. Nguyện nhân quan trọng nữa là từ bạn bè: những người cùng tuổi đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển về nhận thức, cảm xúc của trẻ vị thành niên. Vì vậy, các bạn học sinh sẽ buộc phải thay đổi bản thân giống với xu hướng để hoà đồng cùng bạn bè.
Áp lực đồng trang lứa có thể là một ảnh hưởng tích cực và khuyến khích ta cố gắng làm tốt nhất. Áp lực thông thường không hoàn toàn dẫn đến stress mà đó còn là động lực để con người vươn lên. Nếu được kiểm soát, áp lực này tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, khi đặt mình vào những mục tiêu quá lớn, không phù hợp, học sinh sẽ cảm thấy thất vọng, hạ thấp bản thân, suy nghĩ sai lầm bản thân mình luôn thua kém. Học sinh chịu áp lực đồng trang lứa thường quên đi giá trị của bản thân mà chạy đua theo người khác. Họ luôn cảm thấy hụt hẫng thất vọng, thiếu đi sự tự tin, ngại giao tiếp. Từ đó, áp lực đồng trang lứa đã gián tiếp gây nên một số bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ,… Áp lực đồng trang lứa tác động đến tinh thần khiến họ trằn trọc suy nghĩ, tự ái, cô lập bản thân, học theo những thói quen không lành mạnh khiến sức khỏe suy giảm đi.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực đồng trang lứa, mỗi cá nhân cần tìm hiểu, nắm rõ những tác động, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của
áp lực đồng trang lứa đối với học sinh. Theo dõi sách báo, các trang mạng xã hội, và diễn đàn trực tuyến liên quan đến áp lực đồng trang lứa nhằm nắm rõ cách phòng ngừa, đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Theo dõi sách báo, các trang mạng xã hội,và diễn đàn trực tuyến liên quan đến áp lực đồng trang lứa nhằm nắm rõ cách phòng ngừa, đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Xin lời khuyên, sự giúp đỡ từ bố mẹ, thầy cô, người lớn khi cảm giác, nhận thức được mình bị áp lực đồng trang lứa. Chia sẻ với bạn bè, người thân trong gia đình, thầy cô về những vấn đề, áp lực mà mình đang gặp phải trong học tập và cả trong cuộc sống
Như vậy, áp lực đồng trang lứa là một hội chứng đang phổ biến trong xã hội ngày nay. Hội chứng tạo ra những tác động vừa tích cực vừa tiêu cực. Đây cũng là một điều bình thường và cần thiết xuất hiện trong xã hội hiện đại.