Thuyết minh về Biển Hồ- “Viên ngọc xanh” của Pleiku

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1) Tự lập là bước đầu tiên của con đường sinh tồn. Nếu chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ của người khác để phát triển, luôn làm theo sự chỉ bảo của người khác, bạn sẽ không thể tồn tại độc lập. Nếu mất đi chỗ dựa hay sự giúp đỡ của người ta, bạn sẽ không thể trụ vững, chứ đừng nói đến việc đi bằng đôi chân của mình.

          (2) Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ thanh thiếu niên biết tự lo liệu cho bản thân trong cuộc sống vẫn còn quá thấp. Theo kết quả điều tra xã hội học ở Châu Á cho thấy có 20,4% thanh thiếu niên không biết tự lo liệu cho cuộc sống; 18,3% thanh thiếu niên luôn làm việc theo sự chỉ bảo của người khác; 28% thanh thiếu niên ít khi giúp đỡ gia đình làm việc nhà. Các chuyên gia giáo dục trẻ vị thành niên đang lo lắng về tình trạng bố mẹ chăm sóc và bao bọc tuyệt đối với thanh thiếu niên hiện nay. Hầu như thanh niên không biết sống tự lập, chỉ biết dựa vào người lớn. Rất nhiều thanh thiếu niên nghĩ sự chăm sóc của cha mẹ là “trụ cột nâng đỡ”, chúng không hề nghĩ rằng mình sẽ gục ngã hoàn toàn khi mất đi trụ cột ấy.

(3) Đến lúc phải cạnh tranh thì thế hệ trẻ không chỉ cạnh tranh nhau về mặt kiến thức, năng lực, trí tuệ mà còn cạnh tranh cả về các kĩ năng tổng hợp khác. Bạn đã thua ngay từ vạch xuất phát vì không có khả năng tự lo liệu. Bởi vậy, phát triển khả năng tự lập từ nhỏ là tố chất cần thiết để trở thành những người tài giỏi, thành công.

(Trích Giáo dục thành công theo kiểu Harvard–Vương Nghệ Lộ, Người dịch Nguyễn Đặng Chi, NXB Lao Động, 2016, tr.55 )

Trả lời các câu hỏi sau

Câu 1: Xác định câu chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 2: Tác giả đã đưa ra những số liệu nào để chứng tỏ hiện nay tỉ lệ thanh thiếu niên biết tự lo liệu cho bản thân trong cuộc sống vẫn còn quá thấp?

Câu 3: Tư tưởng chủ đạo của văn bản?

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với ý kiến của tác giả “Hầu như thanh niên không biết sống tự lập, chỉ biết dựa vào người lớn” không? Vì sao?

Câu 5: Thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân  em sau khi đọc văn bản trên là gì? Hãy nêu ra và lí giải về nó.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về Biển Hồ- “Viên ngọc xanh” của Pleiku.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

-Tự lập là bước đầu tiên của con đường sinh tồn.

Câu 2.

-Theo kết quả điều tra xã hội học ở Châu Á cho thấy có 20,4% thanh thiếu niên không biết tự lo liệu cho cuộc sống; 18,3% thanh thiếu niên luôn làm việc theo sự chỉ bảo của người khác; 28% thanh thiếu niên ít khi giúp đỡ gia đình làm việc nhà

Câu 3.

-Nhiều thanh thiếu niên đã dựa dẫm hoàn toàn vào sự chăm sóc của cha mẹ, coi đó là điều đương nhiên và là điểm tựa chủ yếu để đi đến thành công, chưa bao giờ nghĩ đến hậu quả việc không có “trụ cột nâng đỡ” ấy. Họ đã không thật sự cố gắng rèn luyện lối sống tự lập trên con đường đời của mình.

– Phát triển khả năng tự lập từ nhỏ là tố chất cần thiết để trở thành những người tài giỏi, thành công.

Câu 4.

– Học sinh có thể đưa ra quan điểm: đồng tình/ không đồng tình.

– Lí giải ngắn gọn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Gợi ý:

-Không đồng tình: vì không thể nói “Hầu như” thanh thiếu niên không biết sống tự lập, chỉ biết dựa vào người lớn. Trên thực tế, đó chỉ là số ít. Trong xã hội có rất nhiều thanh thiếu niên có lối sống tự lập, thậm chí tự lập từ nhỏ để cố gắng hoàn thiện bản thân, vươn đến thành công. Hoặc nếu có nhận sự giúp đỡ của người lớn thì ở mức độ chừng mực nhất định.

-Nếu đồng tình thì HS phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

-Vừa đồng tình vừa không.

Câu 5.

-Thông điệp rút ra: cần phải rèn luyện tính tự lập ngay từ nhỏ;

-Vì:

+Tự lập giúp con người tự giải quyết mọi khó khăn, hiện thực hóa mọi ước mơ và kế hoạch của mình;

+ Tự lập giúp bản thân tự chủ về suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm với cuộc sống của bản thân. Tự lập, như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của tương lai và hạnh phúc.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

LÀM VĂN

Dạng 2. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên

* Mở bài:

– Giới thiệu danh lam thắng cảnh Biển Hồ.

– Biển Hồ  được ví là “lá phổi xanh”, “viên ngọc quý” cung cấp nước sạch cho thành phố Pleiku. Biển Hồ cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá.

* Thân bài:

a) Giới thiệu khái quát:

Vị trí địa lí, địa chỉ: Biển Hồ là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở xã Biển Hồ, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, 7 km về phía Tây Bắc, trên độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển.

Diện tích: Biển Hồ gồm 2 hồ nước thông nhau, được bao bọc bởi rừng thông, núi non xanh biếc tạo thành bức tranh thủy mạc lung linh, huyền ảo. Ở giữa Biển Hồ có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ giúp cho khách tham quan ngắm được toàn cảnh Biển Hồ. Biển Hồ có hình dạng giống bầu dục, độ sâu thấp nhất của nó là 12m và có thể lên tới 19m. Tuy nhiên, con số này thay đổi khi mỗi lần đo lại, có thể dao động từ 15 đến 18m. Diện tích biển Hồ rộng khoảng 228 ha, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nó có thể mở rộng lên gần 400 ha.

– Phương tiện di chuyển đến đó: Biển hồ gần quốc lộ 14 và quốc lộ 19 nên rất thuận tiện cho khách đến tham quan đi bằng xe

Khung cảnh xung quanh: Với những rừng thông xanh rỉ rào đẹp như tranh vẽ, những ngọn núi cao sừng sững chứa đựng biết bao nhiêu điều kì bí của đại ngàn, những di vật, những trầm tích minh chứng cho một nền văn minh lâu đời. Từ những cảnh đẹp mơ màng bao trùm khung cảnh nơi đây đến sự bình yên của một hồ nước rộng lớn đã chinh phục lòng người khiến nhiều du khách xao xuyến, kích động trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. 

b) Giới thiệu về lịch sử hình thành:

Thời gian xây dựng, nguồn gốc hình thành:

+  Đây là dấu tích của một miệng núi lửa đã tắt từ lâu, Biển Hồ có diện tích mặt nước khoảng 240 ha, với sức chứa khoảng 23 triệu m3 nước, là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố Pleiku. Dưới góc nhìn di sản, Biển Hồ gắn với các giá trị tiêu biểu từ những huyền tích kỳ bí đến những giá trị khảo cổ học, cảnh quan, địa mạo và những đặc trưng văn hóa trong cuộc sống của cộng đồng dân cư tại chỗ.

+Từ năm 2018, UBND thành phố Pleiku đã bàn giao Khu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ cho đơn vị quản lý là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku. Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý. Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân.

– Ý nghĩa tên gọi hoặc tên gọi khác: Biển Hồ, hay còn gọi là hồ T’Nưng, nằm tại thành phố Pleiku, Gia Lai, thực chất là miệng của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm trước.

Câu chuyện liên quan đến Biển Hồ: Truyện kể về một làng người Jrai Hdrung vào một năm bị hạn hán khắp vùng, trâu, bò bị dịch bệnh chết hết, họ đành sai người bắt con nai trong rừng thay cho trâu, bò làm vật hiến sinh trong lễ cúng yàng: “Kết thúc lễ cúng, mỗi người được chia một phần thịt và bắt đầu ăn uống. Vừa lúc ấy, mặt đất rung chuyển, một trận động đất lớn lầm cho đất sụp xuống, nước dâng lên chôn vùi cả làng. Từ đó người Jrai không dám làm thịt thú rừng để cúng nữa”.

Hoặc xoay quanh câu chuyện yă Chao nuôi con lợn trắng và việc phá vỡ lời thề của yă Chao “Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở”. Khi lũ làng mổ lợn trắng mừng nhà rông mới và mang thịt chia cho các bếp, “vì quá thương cháu, bà đành lấy một miếng thịt nhỏ nướng cho nó ăn. Do yă Chao không giữ đúng lời thề nên ông trời nổi giận, trong chốc lát bỗng nhiên trời đất, núi rừng rung chuyển, Ia Nueng sụp xuống biến thành hồ…”.

Cũng có chuyện kể rằng Tơ Nưng là tên 1 làng cổ trong huyền thoại, dân làng sống yên vui, hòa thuận lâu đời thì bỗng môt hôm ngọn núi lửa ập đến vùi lấp làng, những người còn sống khóc thương nước mắt chảy thành suối các suối đổ về thành hồ.

c) Giới thiệu về kiến trúc, cảnh vật

– Cấu trúc khi nhìn từ xa: Với diện tích mặt nước khoảng 230ha và độ sâu trung bình lên đến 19m, du khách khi tới đây có thể dễ dàng chứng kiến vẻ đẹp mênh mông và sự rộng lớn của mặt hồ tuyệt vời này, một cảnh tượng thật sự tuyệt vời khiến trái tim không ít người cảm thấy xúc động với hành trình thú vị này.

– Chi tiết:

+ Nhờ vị trí thuận lợi và hệ thống giao thông phát triển, nơi này rất thuận tiện cho du khách thăm quan. Vẻ đẹp độc đáo và sức hút mạnh mẽ tại đây sẽ mang lại cho người chiêm ngưỡng cảm giác bình yên và khó phai đi.

+ Với hình thái hình bầu dục và vai trò quan trọng, nguồn nước từ hồ này cung cấp cho toàn bộ Pleiku và phục vụ tưới tiêu cây công nghiệp tại đây. Điều này khiến cho nhiều người trân trọng và yêu quý Biển Hồ Gia Lai hơn, đánh giá cao giá trị mà nơi này mang lại.

+ Bao bọc xung quanh biển hồ là hàng ngàn những hàng cây phủ sắc xanh lục trên nền biển xanh dương. Con đường nhỏ hẹp nằm ở giữa chia biển hồ thành hai nửa, vô cùng bằng phẳng. Hai bên đường là hàng cây cao, càng đi về phía trước con đường dần thu nhỏ lại.

  1. d) Ý nghĩa về lịch sử, văn hóa của danh lam thắng cảnh đó đối với:

Địa phương: Biển Hồ Gia Lai mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho địa phương qua những lượt khách đổ về bởi sự thu hút hấp dẫn của cảnh sắc nơi đây hay qua việc bán cá hoặc tạo các loại hình câu cá cho du khách cũng như người dân bản địa, cung cấp nguồn lợi thực phẩm, hải sản cho những người dân bản địa đông thời là nguồn cấp nước chủ yếu cho người dân thành phố Pleiku.

Đất nước: Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng phật. Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.

Kết bài

Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên. Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên.

Bài viết tham khảo:

“Em đẹp thế Pleiku ơi! Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi! Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku-Biển Hồ đầy!”.(Đôi mắt Pleiku). Bất cứ người con Tây Nguyên nào cũng đều thuộc lời bài hát ấy bởi nó có nhắc tới Biền Hồ, đôi mắt của thành phố Pleiku, xứng đáng được gọi là hạt ngọc xanh quí báu của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Nơi đây quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh trong, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng lung linh kỳ ảo.

Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km về hướng Tây Bắc, hồ Tơ- nưng là hồ nước ngọt nằm trên vùng núi cao. Đây không những là một trong những thắng cảnh đặc sắc mà còn mang nhiều vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ của vùng đất đỏ bazan. Với những rừng thông xanh rỉ rào đẹp như tranh vẽ, những ngọn núi cao sừng sững chứa đựng biết bao nhiêu điều kì bí của đại ngàn, những di vật, những trầm tích minh chứng cho một nền văn minh lâu đời.

Tên: Biển Hồ là do người kinh đặt còn tên thật là Tơ Nưng (T’ Nưng) là một miệng núi lửa khổng lồ. Ngày nay là nơi cung cấp nước ngọt cho toàn bộ thành phố. Nước của hồ xanh quanh năm, luôn ăm ắp và xanh ngắt như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Đứng ở dưới quốc lộ 1 nhìn lên chỉ thấy mây phủ kín và khi có gió to sóng lớn mới gọi là Biển Hồ (biển trên núi). Ngay cái tên có lẽ cũng là do khát vọng con người mà ra bởi lẽ cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét và theo nguyên tắc bình thông nhau thì chẳng có giọt nước nào tồn tại trên đỉnh núi cao này. Vì thế con người luôn khao khát biển và thấy hồ nước lớn thì đặt tên là Biển Hồ. Đúng như một nhà thơ khi đến thăm Biển Hồ đã nói:

“Thương thương quá suốt một đời thiếu nước

Nên cái ao tù cũng thành biển của em”

Theo các nhà khoa học thì hồ T’ Nưng chính là miệng của núi lửa đã ngừng hoạt động hàng trăm triệu năm qua. Hiện nay người ta xác định chính xác diện tích  của Biển Hồ là 240 ha, là hồ nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực. Hồ có hình bầu dục sâu từ 16- 19m. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ. Hồ T’ Nưng được tạo nên bởi ba núi trũng từ các đáy núi xung quanh. Có những ngày mưa lớn hàng trăm con suối đổ về đây. Tuy nhiên, nước dâng lên hạ xuống có chu kì trong năm. Toàn bộ trữ lượng nước của Biển Hồ khoảng từ 25- 30 triệu m3 xê dịch giữa mùa khô và mùa mưa. Việc có một hồ nước vĩ đại đến 30 triệu m3 lơ lửng trên tầng không như thế quả là điều kì diệu. Mực nước Biển Hồ hầu như không đổi nên nó vừa là thắng cảnh, vừa là nguồn nước sinh hoạt chính của nhân dân thành phố Pleiku. Cái sự mực nước không đổi này cũng là sự lạ, bởi sáu tháng mùa khô khốc liệt thế, trời không một giọt mưa mà mực nước giữ nguyên.Các kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy nước ở đây có chất lượng tốt nhất trong tất cả các thuỷ vực mặt nước lớn tại Tây Nguyên cũng như toàn quốc. Chính vì thế, Biển Hồ là một tài nguyên mặt nước dồi dào, cả trữ lượng và chất lượng đều bảo đảm, có ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển thành phố Pleiku.

Từ năm 2018, UBND thành phố Pleiku đã bàn giao Khu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ cho đơn vị quản lý là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku. Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý. Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng phật. Đến với Biển Hồ men theo con đường nhựa phẳng lì chạy xuyên qua những hẻm núi gồ ghề và thẳng đứng nằm sâu heo hút trong những rặng thông ba lá nhưng thơ mộng hơn vào tiết cuối trời thu se lạnh, mặt hồ trong xanh màu ngọc bích phẳng như một tấm gương không tì vết. Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông ven hồ là thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ in bóng lung linh dưới mặt nước. Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.Thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây hoa đâm chồi nẩy lộc, cảm giác yên bình. Thời điểm này, bình minh ở Biển Hồ, sương giăng kín mặt hồ mờ ảo và cái lạnh của Pleiku thời điểm rất thú vị, vì lạnh nhưng không buốt, đủ để du khách cảm nhận được cái lạnh vùng đất đỏ bazan. Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên.

Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên. Trong khung cảnh huyền diệu ấy còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên một chiếc thuyền độc mộc đi vòng quanh hồ. Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng vừa nướng cá, uống rượu và nghe già làng kể truyền thuyết huyền bí về Biển Hồ. Chính những truyền thuyết này làm cho Biển Hồ đẹp và lung linh hơn.

Câu chuyện thứ nhất kể rằng xưa kia nơi đây là một buôn làng sầm uất với những dòng suối trong veo. Hàng ngày tiếng chiêng tiếng trống, tiếng đàn hòa vang thành những khúc hát rộn rã âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng Giàng. Lễ xong mọi người đang vui say tin rằng Giàng sẽ phò trợ nào ngờ mặt đất bỗng rung chuyển làm sụp đổ  cả làng xuống vực sâu nước tràn ngập không còn một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mai- Mây bận đi thăm bà con ở xa nên tránh được được tai nạn thảm khốc. Về làng chỉ thấy toàn nước biển mênh mông quá bàng hoàng, khiếp sợ bèn chạy đi báo các làng lân cận về tin khủng khiếp này. Cùng từ đó, người Gia- rai nhớ da diết những người đã khuất vì tai nạn trên và luôn xem hồ T’ Nưng là chứng thực của một sự kiện bi thảm khó quên.

Câu chuyện còn lại thì kể rằng hồ T’ Nưng chính là hồ nước chung của dân làng Gia- rai. Một lần Yă Chao bắt được con lợn trắng bên ạnh hồ nhưng lợn trắng không chịu ăn. Một hôm, Yă Chao đi lấy nước về còn dính lại những hạt cát trắng chú lớn mới liếm hết những hạt cát ấy. Thế là từ đấy, Yă Chao đi lấy cát về cho lợn ăn. Sau ba tháng, lợn trắng lớn nhanh như thổi và to bằng con trâu. Nhưng vị trưởng làng cho bắt con lợn trắng của Yă Chao dâng lên Giàng, Yă Chao đã rất buồn và thề rằng: “Nếu tôi ăn thịt này thì đất trởi rung chuyển”. Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon nên đã ăn. Thế là đất trời rung chuyển vùi lấp cả dân làng, nhà cửa để lại cho nơi đây một hồ nước rộng lớn.

Những câu chuyện trên góp phần làm cho hồ T’ Nưng thêm quyến rũ say mê lòng người. Biển Hồ đẹp càng làm cho Pleiku thêm tuyệt vời trong mùa hoa dã quỳ nở rộ. Đến với Biển Hồ mênh mông mà dịu êm giữa trập trùng núi rừng mới hiểu vì sao trái tim nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn vỡ tan vì nét duyên dáng của “viên ngọc bích” của núi rừng Tây Nguyên. Ngày nay, Biển Hồ là nơi có vựa cá lớn nhất của thành phố. Đất lành chim đậu, nơi đây là nơi ẩn náu của các loài chim như chim bói cá, chim cuốc, chim sin sít, chim kơ túc, chim kẻ vuông thường thấp thoáng trong các cụm hoa sen, hoa súng trên mặt hồ. Chim le le, ngỗng trời thường lặn ngụp trong những bãi lau sậy và trên trời chim chơ rao, chim trắc la. Đi qua đồi thông chúng ta như được thưởng thức bản giao hưởng với tiếng chim kêu rộn rã. Rồi mới tới một Biển Hồ bao la rộng lớn. Nơi đây có hội tụ đủ loài cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá ngựa. Ngoài ra còn có rùa, ba ba là những thủy sản sống lâu năm trong hồ. Khi hoàng hôn buông xuống đứng trên bờ hồ chúng ta vứt thuốc ăn xuống từng đàn cá bơi lội tung tăng. Nơi đây quả là một vùng sinh thái tuyệt đẹp nếu những công việc hàng ngày với bao lo toan làm chúng ta thường xuyên bị stress thì đến Biển Hồ chúng ta có thể thoải mái thư giãn vì Biển Hồ sẽ đem lại cho chúng ta luồng sinh khí mới. Đứng ở trên nhà lồng ta có cảm giác như đứng trên bờ biển lộng gió. Nếu phóng tầm mắt ra xa chúng ta sẽ bắt gặp những đồi hoa cúc quỳ trảu thảm vàng trên các bìa rừng bãi cỏ.  Đâu đó là những đồi chè đang tươi xanh mơn mởn. Hoa ê- pan màu xanh lục, hoa mua màu tím, hoa ngải vàng rơm, hoa đơn đỏ hồng. Tất cả những điều ấy làm nên vẻ đẹp rất riêng, rất hoang sơ cho hồ T’ Nưng.

Ngoài những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khai thác về kinh tế hồ T’ Nưng còn mang giá trị về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật… Theo các tài liệu vì đã từng là miệng núi lửa nên nơi đây có hàng trăm di vật văn hóa cổ của thời hậu kì đá mới: rìu đá, mộ chum… là minh chứng cho nền văn hóa thời tiền sử tại Tây Nguyên. Hồ T’ Nưng còn là nơi khơi gợi những nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho giới văn nghệ sĩ đến đây. Vì tất cả những giá trị này, ngày 16/11/1988 Bộ Văn hóa thông tin đã ra quyết định công nhận hồ T’ Nưng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng: đây là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Kia là thành phố Pleiku – phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút.

Lần đầu tiên tôi được đến đây cách đây hơn 20 năm. Tôi còn nhớ khi đó tôi học lớp 7 cả nhà tôi đã đến đây chơi. Cảm xúc được đi dạo trên con đường để dẫn vào hồ với tiếng chim ca lảnh lót làm tôi nhớ mãi không quên. Và khi đứng trên nhà lồng nhìn ngắm toàn bộ quang cảnh Biển Hồ tôi thật ngac nhiên vì có một hồ trên núi vô cùng rộng lớn cách thành phố không xa là mấy…

Hồ T’ Nưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người dân thành phố Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung. Bản thân tôi rất tự hào vì quê hương tôi lại có một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp đến thế. Tôi và các bạn cần phải nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị để Biển Hồ sẽ là một trong những điểm du lịch cho du khách tới.

“Yêu lắm quê tôi

Yêu lắm nơi này

Yêu lắm những ngày trưa hè

Rộn ràng tiếng ve

Dù có đi xa

Tôi vân không quên được quê nhà

Còn mãi trong tôi

Tình yêu dành cho Gia Lai’

Hoặc trong bài “Pleiku yêu thương” của Y Jang sáng tác:

“Ai cho em con dốc để mây quanh những chiều

Ai cho em con phố sương giăng buổi sớm mai

Ơi Pleiku là thế còn mãi xanh ngàn đời

Ai cho em ơi, T’ Nưng

Ai cho em ơi, Pleiku…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *