Phân tích và cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Như là nốt bổng thoát ra một cách cao vút và trong sáng, nhẹ nhàng từ bài ca giao hưởng của đất trời, văn chương đi sâu vào thế giới nội tâm của con người theo tư tưởng thấm nhuần và thăng hoa, hướng con người đến những vẻ đẹp của cuộc đời. Những vẻ đẹp đó không phải ở đâu xa mà luôn hiện hữu bên cạnh chúng ta, ngay trong cuộc sống đời thường, bên trong chính bản thân của mỗi một cá thể. Những tác phẩm văn chương chân chính bao giờ cũng lấy con người là trung tâm , thông qua vẻ đẹp của họ để thể hiện được các thông điệp nhân văn và những giá trị tư tưởng. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã quan niệm rằng : “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu mà cả một đời cũng chưa đủ để nhận thức, khám phá hết được”, con người là vẻ đẹp trung tâm của vũ trụ đa dạng, là nơi hội tụ đầy đủ những tinh hoa được chiết lọc từ cuộc đời. Tuy đơn giản nhưng không hề đơn thuần và tầm thường, những vẻ đẹp đi ra từ bản thân con người là những vẻ đẹp hết sức nhân văn và đầy tính triết lí, nhưng lại gần gũi, dễ hiểu, không trừu tượng, vĩ mô. Là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã viết nên tác phẩm Chữ người tử tù, thông qua đó người đọc nhận thấy được quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân, thấy được sự bất tử của cái đẹp trước những điều tầm thường, xấu xa, và còn là sự bộc lộ thầm kín lòng yêu nước. 

 

                      Nguyễn Tuân (1910 – 1987), sinh ra trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn, là một người nghệ sĩ đúng với danh xưng Nghệ sĩ, sự nghiệp văn học của ông là một quá trình lao động nghệ thuật cần mẫn và sáng tạo. Có người nói rằng : “Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình”, ông quan niệm rằng : “Nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn, và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp”. Nghệ thuật, văn chương đối với ông chính là cuộc đời, là những gì nghiêm túc nhất, ông dùng cả sức lực một đời của mình để chứng minh cho quan niệm ấy. Ông là nhà văn “Suốt đời đi tìm cái đẹp”, tự nhận mình sinh ra để thờ Nghệ thuật với hai chữ viết hoa, cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân khác với những quan niệm của những tác giả khác, bởi ông có lối tư duy riêng về quan niệm thẫm mĩ, tạo cho ông cái cá tính sáng tạo độc nhất vô nhị mà “không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì ai khác”. Cái “ngông” trong văn chương Nguyễn Tuân là một điểm mấu chốt để làm nên người nghệ sĩ này, đó là cái ngông của người nghệ sĩ tài ba uyên bác, thấu hiểu nhiều khía cạnhj lĩnh vực của đời sống hơn người. Trong quá trình sáng tác, ông tôn thờ chủ nghĩa anh hùng, một thứ chủ nghĩa mà ở đó có những người tài ba xuất chúng hiện thân cho cái đẹp mẫu mực mà ông kì công nghiên cứu để viết về nó. Xuất hiện trên văn đàn từ những năm 1936 nhưng khoảng đó sự chững chạc và trưởng thành trong nét bút của ông chưa đạt tới độ chín như những nhà văn khác, mãi đến năm 1940, sau khi xuất bản tập “Vang bóng một thời”, cái tên Nguyễn Tuân mới được nhiều người biết đén, một vì sao chói loà rực lửa trên bầu trời văn nghệ. Đó là chủ nghĩa anh hùng của một thời xưa vang bóng, ở đó có những kẻ mà ông hết mực đề cao, tốn giấy mực, thời gian và công sức để xây dựng nên. Trong tác phẩm Chữ người tử tù, Huấn cao và Viên quản ngục bước ra với những màu sắc khác biệt về tính cách, địa vị nhưng họ đều có những nét chung chính là có trong mình những nét Đẹp nghệ thuật. Họ là những Nho sĩ cuối mùa – những con người tài hoa nhưng bất đắc chí, một kẻ là hiền thân của cái đẹp, là tài hoa khí phách và thiên lương trong sáng, một kẻ đi tôn thờ và ngưỡng mộ cái đẹp. “Chữ người tử tù” lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn, sau đó, truyện được in trong tập “Vang bóng một thời” (1940) và được đổi tên là “Chữ người tử tù”, tác phẩm đã khắc hoạ nên những tư tưởng, quan niệm của tác giả về mục tiêu mà suốt một đời ông tôn thờ và theo đuổi.   

                     Ngay từ đầu tác phẩm, Huấn Cao đã xuất hiện qua cuộc nói chuyện giữa Viên quản ngục và thầy thơ lại một cách hết sức oai phong và danh tiếng, bên cạnh đó là sự nể nang vài phần của họ về con người tài hoa nhưng bất đắc chí này. Là một nhà Nho yêu nước, ông quyết tâm tìm con đường để giải phóng nhân dân thoát khỏi cuộc sống khổ cực nhưng bị triều đình coi mình là giặc, bắt giam ông và chờ ngày xử chém. Hình ảnh Huấn Cao hiện lên với sự ngang tàng của một bậc quân tử, hiên ngang bất khuất, đầy tài năng. Huấn Cao mang trong mình những vẻ đẹp của một vị anh hùng, là một người mang nét đẹp của khí phách nhưng rất đỗi tài hoa.

                     Dù là một kẻ bị xem là khâm phạm triều đình, nhưng cái tài hoa và tài viết chữ đẹp của ông không ai là không biết đến. Ngay trong cuộc nói chuyện đầu tiên nói về Huấn Cao, Viên quản ngục đã nói rằng : “ Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”. Ai ai cũng biết đến ông Huấn Cao người tỉnh Sơn với cái tài viết chữ đẹp, chữ ông Huấn “đẹp lắm, vuông lắm”, là cái mà Viên quản ngục hằng mong muôn có để treo trong nhà, nếu được đó là một điều vô cùng đáng quý đối với y. “Có được chữ ông Huấn mà treo trong nhà quả là báu vật ở trên đời”, điều gì mà làm cho Viên quan ngục quý cái nét chữ của Huấn cao đến thế, phải chăng là có điều gì đặc biệt ? Đó là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật viết Thư pháp là một thức gì đó rất đỗi được tôn trọng vào thời điểm đó, là một người “văn võ đều có tài cả”, có được nét chữ của ông Huấn không chỉ đã được thưởng thức nghệ thuật mà còn là sự ngưỡng mộ đối với một kẻ sĩ có tài yêu nước. Chữ viết không chỉ là vài đường nét mực quện lên tờ giấy trắng, mà nó còn thể hiện cái tâm hồn, tính cách của người viết, chữ ông Huân “đepj, vuông” , thể hiện ông là một người có khí phách, tung hoành bốn bể, là một người có học thức và hết mực yêu nước, đó là vốn quý của một con người thời xưa, không phải ai muốn cũng có thể chạm đến ngưỡng ấy. Bên cạnh cái tài viết chữ đẹp, ông còn có tài bẻ khoá vượt ngục, ở đây không phải cái tài ấy là trò của bọn tiểu nhân, mà chính là sự phẫn nộ trước thái độ của triệu đình đối với dân chúng, xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, đó là sự chống chọi cuối cùng mà Huấn Cao có thể làm được trong những năm tháng bị giam cầm. Nói như thầy thơ lại, y là người văn võ đều có cả, thật khiến người đời nể phục, “những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm”. 

                           Không chỉ là một người có tài hoa, mang cốt cách của một người nghệ sĩ, Huấn cao còn thể hiện được cái khí phách hiên ngang bất khuất của mình lúc ở trong ngục khiến cho những tên lính phải run sợ. “Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn”, đó là lời thị oai của bọn lính trong ngục, nhưng đáp lại sự khinh mạt và coi thường ấy là một hành động hết sức mạnh mẽ, thể hiện cái tôi đầy ngang tàng và kiêu ngạo của ông Huấn. Huấn cao “lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen”, hành động “dỗ gông” của ông Huấn đã cho bọn lính thấy rằng ông không hề khiêm nhường và sợ sệt chúng, “Đến cái cảnh chết chém, ông cũng chẳng sợ nữa …”, cái chết hay cảnh tù đày đối với ông không là gì cả, hy sinh bản thân mình cho nhân dân cho đất nước ông còn không sợ huống hồ gì dăm ba lời khiêu khích và sỉ vả ấy. Đó là sự ngạo nghễ trong hành động của Huấn cao, nó xuất phát từ lòng dũng cảm và thái độ coi thường cái chết, ông xem nhẹ cái chết, muốn được cống hiến để đổi lấy những lợi ích chung cho mọi người. Dưới con mắt của Huấn Cao, ông luôn tỏ ra khinh thường bọn tiểu nhân ấy, tất cả chỉ là đống cặn bã đại diện cho cái ác, cái xấu, giữa cái chốn lao tù bẩn thỉu. Không chỉ là vậy, đối với Viên quản ngục, ông cũng có thái độ khinh thường, lúc nhận được đề nghị biệt đãi của y, ông đã khẳng khái trả lời rằng : “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”, đó là thái độ thẳng thừng từ chối những điều dụ dỗ của bọn tay sai hèn mọn, ông hết sức khinh bạt những điều đó, từ đó cho thấy cái tư thế hiên ngang của ông luôn toả sáng giữa chốn lao tù u tối. 

Quan trọng hơn cả, điều làm cho nhân vật Huấn cao của Nguyễn Tuân thực sự mang những giá tri nhân bản đó chính là cái thiên lương trong sáng của một Nho sĩ và cái cốt cách cao đẹp trong đối nhân xử thế. Khi thấu được tấm lòng của Viên quản ngục muốn cho chữ, ông hết sức cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của y mà phải thốt lên rằng : “Suýt chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, là một người đại diện cho cái đẹp, ông cũng hết mực quý những người biết tôn trọng, thưởng thức cái đẹp. Ông Huấn tôn thờ cái chữ của mình, không tuỳ tiện mà cho đi cũng như viết bừa, không vì chữ mà vụ lợi cho chính mình “ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”, ông chỉ cho chữ bằng cái tâm, cho chữ đối với những người biết quý trọng cái đẹp như Viên quản ngục đây, đó cũng là một sự nghiêm túc trong việc tôn thờ nghệ thuật. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn khuyên Viên quản ngục bỏ cái nghề này đi, bởi khó giữ cho mình cái lòng lương thiện như hiện tại ở một cái chôn dơ bẩn hèn mọn như vậy được : “Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”, “Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.”, Huấn Cao không chấp nhận sự thiếu rạch ròi, sự lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái ác với cái thiện. “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”, cái thiện không thể ở cùng cái ác, nhưng cái thiện luôn luôn thắng cái ác, luôn luôn lấn át cái ác, luôn toả sáng giữa một chốn dung tục và tội lỗi.  Nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù tượng trưng cho cái đẹp của khí phách, của tài hoa hòa hợp cái đẹp của thiên lương trong sáng, đó là một hình tượng tượng trưng cho quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân trong giai đoạn trước CMT8. Chính điều này cũng thể hiện được phong cách sáng tác của ông trong giai đoạn trước năm 1945, khác với giai đoạn sau là sự đề cao cái đẹp trong chính những con người lao động bình thường, nhân vật Huấn Cao đã tái hiện rõ nét lối sáng tác của ông đó là tìm cái đẹp ở một thời vang bóng. 

                     Bên cạnh nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân còn xây dựng thêm cho tuyến nhân vật của mình hình tượng một Viên quản ngục biết tôn thờ cái đẹp với tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Trước hết là tấm lòng biệt nhỡn liên tài, ông nhắc đến Huấn Cao trong cuộc nói chuyện với thầy Thơ lại một cách nghiêm túc và đầy sự kính trọng : “Tôi nghe …rất đẹp đó không?”, ông cảm thấy ở con người này mang những nét đẹp của một bậc hiền sĩ, chính vì vậy ông xem trọng Huấn Cao, quả là một tấm lòng cao cả. Trong nữa tháng Huấn Cao ở trong ngục, ông luôn mang rượu thit đến biếu Huấn Cao, không chỉ thế mà những người tù nhân khác cũng được hưởng như vậy, đó là sự cảm kích của y đối với những kẻ có tài, mang trong mình dòng máu yêu nước và tố chất nghệ sĩ, “Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”. Khi nhận lại sự khinh bạc và từ chối của Huấn Cao, ông không hề tức giận và bày những trò bỉ ổi tiểu nhân như trong suy nghĩ của ông Huấn để trả thù, mà thay vào đó là sự điềm đạm, chấp nhận : “xin bái lĩnh”, bởi cũng dễ hiểu rằng ông đang làm việc trong chốn lao tù dơ bẩn, làm sao có được lòng tin từ ông Huấn. Không chỉ là người biệt nhỡn liên tài, Viên quản ngục còn là một người hiểu tình đạt lí, thấu được nhiều điều trong cuộc sống, cách ứng xử. Và đỉnh điểm của tấm lòng này chắc hẳn là thái độ hụt hẫng khi nghe tin ông Huấn sắp bị đưa ra pháp trường, thái độ và hành động của con người này càng cho thấy y là một người biết quý trọng cái đẹp, có thiên lương trong sáng và tấm lòng lương thiện. 

         Bên cạnh tấm lòng biệt nhỡn liên tài, nhân vật Viên quản ngục còn có niềm khát khao nâng niu và quý trọng cái đẹp. Viên quản ngục là một người tôn thờ cái đẹp, từ khi biết tin sẽ gặp được ông Huấn, y luôn mong muốn rằng “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay ông Huấn viết cho, không chỉ vậy mà còn là thái độ tiếc nuối khi nghe tiin ông Huấn sắp bị hành hình “không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì ân hận suốt đời mất”, quả là một tấm lòng say mê đối với cái đẹp. Sự “khúm núm, run run” của quản ngục trong cái đêm cho chữ không phải là biểu hiện của sự hèn nhát mà là thái độ ngưỡng vọng trước cái đẹp, cái tài. Sau khi nhận chữ, được Huấn Cao khuyên bảo, lúc ấy viên quản ngục đã vái lạy người tử tù một vái và chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt chảy rỉ vào kẽ miệng làm cho không khí trở nên nghẹn ngào “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Nhân vật Viên quản ngục được Nguyễn Tuân xây dựng bên cạnh Huấn Cao để từ đó thể hiện quan niệm về cái đẹp của ông, đó là niềm tin của Nguyễn Tuân về giá trị con người, về sự trường tồn của cái thiện.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, một hệ thống các nhân vật được Nguyễn Tuân xây dựng với những nét vừa chung, vừa đối lập nhưng tất cả đều hướng về cái đẹp, về sự băng hoại của nó. Dù là một người tù, một khâm phạm, hay là một Viên quản ngục làm việc trong chốn lao tù thì trong họ vẫn luôn có những nét đẹp riêng của một hình tượng Vang bóng một thời. Dù ở trong bất kì môi trường nào, dù làm bất cứ một ngành nghề gì, chỉ cần giữ cho cái lương tâm luôn trong sáng và lương thiện ắt sẽ trường tồn với cái đẹp, cái thiện. Qua nhân vật Huấn Cao với khí phách ngang tàng và tôn thờ nghệ thuật như một người nghệ sĩ thực thụ, với một Viên quản ngục biết nhìn đời và đối đáp tận tình với những kẻ có tài, Nguyễn Tuân đã thực sự thành công khi truyền tải được thông điệp cao cả về sức sống mãnh liệt của cái đẹp trong xã hội, cái đẹp cái thiện luôn luôn vươn lên khỏi cái ác và toả sáng, luôn luôn chiến thắng cái ác dù trong bất kì hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

                 Nguyễn Tuân đã xây dựng nên tình huống truyện hấp dẫn, bất ngờ và hết sức độc đáo, đó là cuộc gặp gỡ và cảnh cho chữ của Viên quản ngục và nhân vật Huấn Cao. Sử dụng thành công và triệt để thủ pháp tương phản đối lập, bên cạnh đó là cách khắc hoạ chân dung nhân vật theo bút pháp lãng mạn, làm nổi bật lên vẻ đẹp của cái đẹp trong sự lẫn lộn của cuộc sống éo le. Là một bậc thầy ngôn ngữ, cách viết của ông cũng hết sức đặc biệt, ngôn ngữ góc cạnh và giàu tính hình tượng, thể hiện không khí cổ xưa nhưng cũng rất hiện đại. 

                  Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyễn Tuân như thế này : “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèn, khi thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy những cũng rất đỗi tài hoa”. Trong giới văn đàn, cái ngông của Nguyễn Tuân đã tạo cho ông một cái cá tính sáng tạo riêng mà không tìm được ở đâu cả, nhưng đó cũng là sự tài hoa trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của ông. Ông nghiêm túc với nghệ thuật, đó là cả cuộc sống của ông, ông đem những hương vị mà mình cảm nhận được trong cuộc sống thường ngày gột rửa thật sạch sẽ rồi đưa vào trong đứa con tinh thần của mình, bởi vậy nó thấm đẫm mùi đời và mang nhiều giá trị chân thật nhất. Tác phẩm Chữ người tử tù được ông xây dựng một cách tâm huyết với những nhân vật điển hình, tượng trưng cho tư duy về quan niệm đối với cái đẹp của ông, không chỉ là một Huấn cao tài hoa thiên lương, mà đó tượng trưng cho một người nghệ sĩ hết mực trung thành với nghệ thuật, không chỉ là một Viên quản ngục biết biệt nhỡn liên tài tôn thờ cái đẹp, mà đó chỉ những người biết thưởng thức nghệ thuật và quý trọng nó. Những giá trị hết sức nhân bản được Nguyễn Tuân thể hiện khéo léo, dễ dàng đọng lại trong suy nghĩ của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *