Phân tích và cảm nhận Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử)

  “Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Là một “hồn” thơ mới mang đậm cái tôi cá nhân, thi sĩ trong phong trào Thơ mới vẫn là con mắt nhìn đời, nhìn thiên nhiên một cách tươi trẻ, những phong cảnh thiên nhiên đắm say lòng người đều được cảm nhận qua lăng kính tình yêu trìu mến. Đến với Hàn Mặc Tử ta sẽ phần nào nhìn thấy rõ hơn thiên nhiên và cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu biết bao trong con mắt của một tâm hồn thiết tha cuộc sống, tác phẩm “Mùa xuân chín” hiện lên với sâu thẳm là tình yêu đời, yêu cuộc sống, khát khao về một cuộc sống tốt đẹp của chàng thi sĩ bạc phận.

         Hàn Mặc Tử – một hồn thơ “lạ” nhất trong tất cả các nhà thơ mới. Ông là một đại diện độc đáo, một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào thơ mới. Thế giới trong thơ của Hàn Mặc Tử vô cùng bí ẩn và phức tạp, ông thường viết về thế giới kì bí ám ảnh với những trăng hồn máu. Nhưng ta vẫn sẽ bắt gặp những vần thơ trong sáng tinh khôi về thiên nhiên và cuộc đời toát lên bởi một tâm hồn yêu cuộc sống, khát khao sống mãnh liệt đến cháy bỏng. Một thế giới đa âm sắc, đầy cá tính sáng tạo và đầy tính truyền thống trong đề tài, cách tân trong ngôn ngữ, nét lạ thường và cũng rất độc đáo. Thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ một thế giới nội tâm mãnh liệt với những cung bậc cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Tác phẩm “Mùa xuân chín” nằm trong tập Thơ Điên, được viết ra khi Hàn Mặc Tử đang phải vật lộn với căn bệnh hủi – thời ấy đang bị người ta ghê sợ và xa lánh lắm một mình cô độc chống chọi với nỗi đau, một con người đang mang một niềm khát khao sống mãnh liệt lại đang lầm lũi với căn bệnh quái ác, nhà thơ vừa chịu đựng những ngày tháng tủi khổ, đau đớn vừa nhớ về những mảnh kí ức nơi mình vẫn còn được ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, thiên nhiên trong lành và cả những con người duyên dáng đáng yêu. Nhan đề bài thơ “Mùa xuân chín” gợi ra cho ta những liên tưởng về một mùa xuân đang ở độ đẹp nhất, viên mãn, tròn đầy nhất. Mở đầu bài thơ ta cảm nhận rõ một bức tranh thiên nhiên nhẹ nhàng ở chốn quê thanh bình, duyên dáng:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trần giàn thiên lí. Bóng xuân sang.

      Trong hình ảnh đầu tiên đầy thơ mộng, tác giả sử dụng chữ “làn” như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, sương khói quyện với nắng, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá tinh tế gợi cảm, dung dị mà đáng yêu khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc, đảo ngữ “ sột soạt” được đưa lên đầu nhấn mạnh cho ta những âm thanh lạ lùng, Cái âm thanh của gió “trêu” tà áo và cái gam màu “biếc” của, lá ây là cái tình xuân. Một chữ “trêu” đáng yêu quá, thân thương quá, có gì như mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hoà quyện lấy nhau, cứ thế xuân thời kì chớm nở hiện hữu nhẹ nhàng, tươi tắn, rạng ngời. Ngòi bút thi sĩ vẫn hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, cảnh như có hồn, như có tình chan chứa.. Sự hô ứng trong vần thơ tạo ra một cảm xúc ấm áp, cảnh vật cân xứng hài hòa, đầy thơ mộng. 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Đến khổ thơ thứ hai ta lại thấy góc nhìn của thi sĩ thay đổi từ gần ra xa một không gian khoáng đạt hơn, mênh mông hơn. “Sóng cỏ xanh non gợn tới trời” – gợi chúng ta liên tưởng một khoảng không trong lành bởi sự tươi tốt, xanh non của cỏ cây, thấy được bước đi của mùa xuân lan rộng tới chân trời. Câu thơ của thơ Hàn Mặc Tử còn khiến ta nhớ đến những vần thơ tuyệt tác của Nguyễn Du:

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

(Truyện Kiều)

Cả hai câu thơ đều tạo ấn tượng về bức tranh mùa xuân đẹp và tràn đầy sức sống với màu sắc chủ đạo là màu xanh; hình ảnh chủ đạo là hình ảnh của cỏ mùa xuân rợn ngợp, tươi tốt; không gian của bức tranh là không gian mênh mông, khoáng đạt (chân trời, tới trời). Tuy nhiên, cùng miêu tả cỏ xuân nhưng câu thơ Hàn Mạc Tử gợi lên sự chuyển động của cảnh vật qua từ “sóng” và từ “gợn”, còn cảnh trong câu thơ Nguyễn Du thì tĩnh hơn. Nói cách khác, câu thơ Nguyễn Du chủ yếu nhằm làm nổi bật sắc xanh của cỏ non trải rộng đến tận chân trời. Còn câu thơ của Hàn Mặc Tử lại chủ yếu nhấn vào cái sóng cỏ đang gợn – tức là nhấn vào động thái bên trong của sự vật chứ không chỉ thuần tả sắc màu sự vật. Chính động thái đang “cựa quậy”, đang “sóng sánh” ấy của cỏ khiến người đọc cảm nhận rõ hơn sức sống căng tràn của cỏ xuân và cảnh xuân. Đến đây hình ảnh con người hiện lên cũng thật đặc sắc, một không khí tươi vui phấn khởi cùng những tiếng hát của bao thôn nữ, một tâm trạng vui tươi, trẻ trung yêu đời tràn ngập xen lẫn những cảnh sắc tuyệt đẹp. Đối sánh với niềm vui, hân hoan trước cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân đó chính là mầm li biệt, một tiếng lòng mang chút nuối tiếc, phấp phỏng : “ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín…Quả thật nhân vật trữ tình trong bài thơ là người có cảm xúc tinh tế, nhạy cảm trong những cảm nhận về độ chín của mùa xuân; là người có tình yêu thiên nhiên say đắm; trên hết, là người thiết tha với cuộc đời, khát khao sống, khát khao giao cảm với đời nhưng cũng có chút bất an về sự trôi chảy của thời gian và nỗi ám ảnh bởi việc “theo chồng bỏ cuộc chơi” của những người con gái.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây.

       Tiếng ca là kết tinh cao nhất của mùa xuân. Tiếng ca “ vắt vẻo”, “ hổn hển” được so sánh như lời của nước mây: đó là giai điệu âm vang trong trẻo, cao xa bao trùm khắp cả khoảng không gian đầy ý vị của mùa xuân. Phép tu từ nhân hóa voới tiếng ca: “vắt vẻo, “hổn hển” và phép so sánh “như lời của nước mây” mà tác giả sử dụng làm cho câu thơ thêm gợi hình, biểu cảm, tạo ấn tượng về giai điệu của lời hát vừa trong trẻo, hồn nhiên, vừa thiết tha và cũng thêm phần rạo rực. Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Lẫn trong giai điệu ấy có lẽ là tiếng lòng hòa quyện của thi nhân. Giai điệu  ấy “thầm thĩ” với ai dưới khóm trúc đầy tình tứ. Có lẽ đây là giây phút lắng lòng của thi nhân để đón nhận vận khí đất trời trong ngày xuân tươi mới. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Và còn có tiếng thầm thì “thầm thì với ai…” dưới bóng trúc, hẳn là tâm sự, là thân thương rồi. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: “Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.chất chứa sự hào hứng, sự thích thú bởi tiếng ca được hòa quyện trong đất trời ngày xuân. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy, len lỏi vào đó là những tình yêu niềm trân trọng tân hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống, như tin yêu, như hi vọng, như đắm chìm vào những mộng đẹp của tâm hồn.

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

       Khách xa là Thi nhân hay cũng chính là tác giả đang bất chợt nhận ra mình đang được sống trong lòng “mùa xuân chín”-  với biết bao cảnh đẹp tươi tắn, đang ở độ viên mãn nhất, căng tràn nhất. Trong lòng trở nên “ bâng khuâng” – “sực nhớ” khoảnh khắc bất chợt, bất thần, vụt hiện, ngẫu nhiên đây chính là những cảm xúc chân thật và chân thành nhất về một tâm hồn đang khao khát sống một cách mãnh liệt, cảm xúc gắn liền với hình ảnh “ Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang” đều là hình ảnh gần gũi, thân thương, bình dị. Ẩn sâu trong mùa xuân đẹp là tiếng lòng khát khao giao cảm, là những tiếng lòng cần được sẻ chia. Hình ảnh người “chị ấy” trong kí ức vụt hiền về trong lòng nhân vật khách khiến chúng ta không khỏi bồi hồi, thổn thức.

 “ Mùa xuân – qua nét phóng bút tài hoa của Hàn Mặc Tử, bỗng trở nên duyên dáng và có sức cuốn hút lạ thường. Xuân như thiếu nữ mơn mởn đào tơ, tràn căng sức sống, song xuân không hiện lên rõ nét mà cứ huyền ảo, như thực như hư. Không thể chỉ đọc từng câu từng chữ mà cảm được bài thơ. Cần cảm thụ quyện hoà từng luồng cảm giác.Bài thơ của Hàn Mặc Tử đầy nhựa sống như tâm hồn của nhà thơ luôn khát khao giao cảm với đời. Với mùa xuân, Hàn Mặc Tử yêu say đắm, điên cuồng: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” – lời của thi nhân đã được đem vào trong bao áng thơ diễm tuyệt, kết tinh hương sắc làm nên một “mùa xuân chín”. “Mùa xuân chín” thể hiện khung cảnh mùa xuân tươi mới, đẹp đẽ, tràn đầy sức sống nơi nông thôn dân dã của làng quê Việt Nam. Bên cạnh đó là tâm trạng háo hức, bồn chồn của người con gái sắp lấy chồng và tâm trạng bâng khuâng, nhung nhớ của nhân vật trữ tình khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa. Thể hiện niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của thi nhân, gửi gắm niềm yêu thương và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, mùa xuân mang vị “chín” của lòng người bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu. Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc, giọng thơ tự nhiên, thủ thỉ, tâm tình.

       “Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử là sự miêu tả vẻ đẹp của khung cảnh mùa xuân đang ở độ chín, tràn đầy sự căng mọng, tràn đầy hương thơm của sự viên mãn. Thiên nhiên, tạo vật, trời đất, vũ trụ và con người trong Mùa xuân chín tràn ngập với bao cảm xúc say nồng trong giấc xuân, đang rạng rỡ với khí xuân, sắc trời. Với lời thơ trong trẻo, nhẹ nhàng như chính hương thơm của mùa xuân, hương thơm của trái chín.. mang đến cho người đọc những cảm xúc vô cùng đặc biệt” và Hàn Mặc Tử quả xứng đáng với nhận định “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *