Phân tích và cảm nhận “Huyện Đường” ( Trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến)

 Văn học là tấm gương sáng giá phản ánh con người và thời đại một cách trung thực và đầy tính triết lí . Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, nền văn hoá của đất nước ta với hàng loạt các thể loại văn học đồ sồ, phong phú và đa dạng đã phần nào thể hiện được cuộc sống, tâm tư, tình cảm mà nhân dân và đời sống của họ đã gửi gắm vào đó. Đặc biệt là những thể loại do chính họ sáng tác, mang tính chân thực và thể hiện được nổi lòng cũng như đời sống tinh thần đa dạng , nhưng mưu cầu về cuộc đời. Nói đến đây không thể không nhắc đên thể loại Tuồng, một thể loại văn học hết sức gần gũi và quen thuộc với tầng lớp nhân dân phong kiến xưa. Chỉ qua những câu thoại, cử chỉ hành động, ngôn từ, âm nhạc, vũ đạo, … đã thể hiện được đời sống phong phú của người bình dân. Quen thuộc nhất vẫn là các Tác phẩm Tuồng Đồ mang tính hài hước, với vở Nghêu Sò Ốc Hến, chỉ qua vài nhân vật mà đã khái quát lên một hiện thực rộng lớn của xa hội thời bấy giờ. 

             Tuồng Đồ là thể loại tuồng mang tính hài hước, có tiếng cười châm biếm sâu cay để chỉ trính một bộ phận người trong xã hội phong kiến xưa, qua đó thể hiện những khát khao , ước mơ và những tiếng nói không thể thành lời của những người bình dân thấp cổ bé họng. Vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” thuộc vào hành mẫu mực của nghệ thuật sân khấu tuồng, được hình thành dựa vào cốt truyện văn học dân gian hết sức gần gũi với nhân dân trong xã hội cũ luôn bị những người gọi là cường hào ác bá uy hiếp và chèn ép. Dù là một thể loại dân gian nhưng đến bây giờ vở Nghêu Sò Ốc Hến vẫn đúng với xã hội hiện đại ngày nay, vở tuồng đã nêu ra nhiều thông điệp đáng để suy ngẫm và học hỏi. 

             Đoạn trích “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” do Hoàng Châu chỉnh lí (1957) gồm có tất cả ba hồi. Đoạn trích Huyện Đường thuộc cảnh I của hồi thứ II, thể hiện cảnh tri huyện và đề lại bàn bạc với nhau về cách nhũng nhiễu người kêu kiện. Đoạn trích tái hiện lại buổi xử kiện tụng về vụ ăn trộm của Thị Hến, mà ở đó Tri huyện và Đề lại đang bàn bạc mưu kế làm sao mà moi được nhiều tiền nhất có thể từ những tên phạm tội. Cuối cùng, chúng quyết định xử Ốc năm năm tù, phạt Nghêu đòn năm mươi trượng và phạt lí trưởng năm mươi quan tiền, còn Thị Hến nhờ vào dung mạo xinh đẹp của mình đã không những thoát khỏi tội còn dụ dỗ được những tên quan lại háo sắc tham lam.  

              Đoạn trích đã phơi bày cho chúng ta thấy một hiện thực nổi cộm lên trong xã hội lúc bấy giờ là cảnh bọn cường hào ác bá đội lốt quan lại lộng quyền hành làm những điều vô tội vạ chèn ép và áp bức những người dân thấp cổ bé họng vô tội, họ đặt niềm tin ở cái nơi mà họ gọi là công lí nhưng làm sao mà biết được rằng sau lưng cái gọi là Huyện đường – nơi hiện thân của chân lí ấy là một bức tường mục ruỗng thối nát về nhân cách cũng như tính người. Ở đó chỉ có những con thú dữ đội lốt quan tốt chuyên hành xử lỗ mãn và quá đáng, kìm hãm người khác để trục lợi cho chính bản thân mình, đó là sự hèn bẩn, đáng bị lên án. Một số nhân vật điển hình như Tri huyện, Đề lại, Lí trưởng trong tác phẩm, ỷ vào chức quyền mà hà hiếp dân lành để thu về những khoảng lợi cho mình. Dân nghèo như Thị Hến, Nghêu, Ốc tượng trưng cho những người thấp cổ bé họng trong xã hội cũ, không có tiếng nói để thanh minh cho mình, đành phải chịu những uất ức nuốt ngược vào trong. 

                 Tri huyện, tên đại diện cho những kẻ cường hào chuyên cưỡng đoạt dân lành, ngay từ khi bước vào ta bắt gặp lời giới thiệu của hắn về bản thân đã phần nào hiểu được bản chất của một tên quan thối nát hèn mọn: “làm quan nhờ lỗ khẩu, sự lí phân ẩu, được thua tự đồng tiền” rồi “Dân xã nếu không kiêng. Bỏ xuống lao giam kĩ” . Qua cách nói phách lối mang đầy vẻ tự kiêu hống hách của hắn chắc hẳn ai cũng cảm nhận được thực sự bản chất của con người này, một kẻ dối gian và ham của, không phải là hiện thân của công lí như những người dân hằng tin tưởng, là một tên quan xử kiện không theo công lí mà theo giá trị đồng tiền, hống hách, chức trách xử kiện nhưng xem thường công lí. Ta có thể bắt gặp một số nhân vật cùng trường tính cách trong một số tác phẩm khác như Tên lí trưởng háo sắc đầy thủ đoạn trong truyện ngắn Chí Phèo cuả Nam Cao, hay là Tên Bá Hộ trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, vì tiền mà làm ra những điều xấu xa với mẹ con Chị Dậu. Từ đó cho thấy xã hội phong kiến Việt Nam ta lúc bấy giờ đa số đã bị mục rữa, thối nát về tính người, nơi mà tình người bị dẫm đạp, xem nhẹ, là nơi chỉ có sức mạnh của đồng tiền khống chế con người bằng sự tham lam đến nổi làm ra nhiều điều không tưởng. 

                  Bên cạnh những kẻ như vậy cũng không thể thiếu những tên quan lại vô liêm sĩ giở những trò xu nịnh hòng moi móc được tiền của con dân như Đê lại , Lính lệ. Sau khi tri huyện muốn moi tiền từ Sò, xử Nghêu và Ốc, lí trưởng thì  Đề Lại lại tỏ ra rất đồng tình , vừa tỏ vẻ khen vừa xu nịnh “ Bẩm quan xử thật sâu sắc” và còn đưa ra ý kiến phải xử cả Sò và Hến, hay là bản chất của tên lính lệ : “ Nhắc lại ông Trùm, anh xã và chị Hến biết rằng hôm nay quan bận lắm, tôi bẩm mãi quan mới chịu xử vụ này đấy”, bản chất của bọn chúng đều như nhau, là những kẻ tham lam, chỉ một lòng muốn đục khoét túi tiền của dân dù cho trên vai họ là hàng ngàn thứ thuế, gánh nặng về miếng ăn, và cả sự thiếu hiểu biết do thất học. Ta có thể thấy bọn chúng kết hợp với nhau trong từng lời thoại một cách nhịp nhàng không để lộ chút sơ hở như đã bàn bạc với nhau từ trước vậy, ấy là do chúng đã xử quá nhiều vụ án như thế này rồi, chỉ cần dở chiêu bài cũ ra thì con mồi sẽ tự sa vào lưới. Đây là những hành vi không thể chấp nhận và tha thứ được, đánh mất đi hình tượng người quan mẫu mực của nhân dân, quan trọng hơn hết là coi thường lòng tin của họ. 

                  Những kẻ như Thị Hến , Nghêu, Ốc đều là những người dân bình thường, nhưng vì do hoàn cảnh xô đẩy, số mệnh trớ trêu mà đã đẩy họ vào con đường phạm tội, để từ đó gián tiếp tiếp tay cho những kẻ xấu đột lốt quan phụ mẫu tiện tay bóc lột chính mình. Là một người xinh đẹp lại tài năng, nhưng sau nhiều lần đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân Hến mới sa chân vào con đường Cầm đồ, cái nghề đủ ăn nhưng cũng chẳng ai muốn, vì chẳng biết nó xấu hay tốt cả. Đó cũng là một nhân vật điển hình cho số phận của những người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến bấy giờ, hồng nhan thì bạc phận, người goá chồng kẻ nay đây mai đó, những hình tượng ấy luôn được thể hiện trong ca dao xưa : 

“Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Hay là do cái nghèo đeo bám dai dẳng mà những kẻ vốn lương thiện như Ốc, Nghêu phải vướng vào con đường ăn trộm để rồi phạm tội. Tất cả bọn họ đáng thương hơn là đáng trách, họ đại diện cho một bộ phận người nông dân nghèo bị bần cùng hoá trong xã hội cũ, bị chèn ép mà phải lâm vào con đường cùng đến nổi phải bán rẻ cả nhân cách để giành giật lại chút quyền lợi cỏn con của mình. Đối với họ Cửa quan, huyện đường là những gì dó rất thiêng liêng, là nơi để họ lấy lại công bằng. Họ là những con người thấp cổ bé họng nên không biết dựa dẫm vào đâu, chỉ có thể đến cửa quan kêu oan, nhưng chính họ cũng không biết rằng, cửa quan chưa chắc đã là nơi giúp họ lấy lại công bằng. Bọn họ đặt niềm tin vào nhầm chỗ, đặt niềm tin vào những cái xấu xa và ô uế, không xứng đáng. Thông qua cảnh tuồng Huyện đường chúng ta cũng thấy được thái độ của nhân dân : phê phán, châm biếm, đả kích sâu cay những thói hư tật xấu, bộ mặt tham lam giả dối, quen thói cửa quyền ức hiếp dân của tầng lớp quan lại phong kiến thời xưa. 

                   Qua đoạn trích, bằng những lời thoại hóm hỉnh đầy tính triết lí châm biếm sâu cay, đã phần nào lên án thói tham nhũng, xử kiện dựa trên sức mạnh của đồng tiền của một bộ phận quan lại phong kiến xưa. Không chỉ phê phán thú đội lốt quan lại mà đoạn trích còn khái quát lên một xã hội đầy những cạm bầy lừa lọc những con người thiếu hiểu biết, bị hà hiếp, chỉ cần sơ hở là sẽ mắc vào bẫy của bọn xấu xa trục lợi cho riêng mình. Một xã hội mà chỉ toàn những điều lừa đảo, thiếu đi hơi ấm của tình người với nhau thì luôn bao trùm một sự lạnh lẽo và vô cảm. Chúng ta phải lên án những bọn xấu xa, đòi lại công bằng cho chính mình, bảo vệ công lí, thanh trừng và bài trừ những nhân cách thối nát mục ruỗng không xứng đáng để làm chỗ dựa cho công lí. 

                  Tựa như một nốt nhạc bổng trong bản giao hoà của thiên nhiên đất trời, văn học đi vào lòng người đọc mang theo những triết lí thấm nhuần một cách nhẹ nhàng và bay bổng, không gượng ép. Từ đó con người dễ dàng tiếp nhận những giá trị cuộc sống hơn, theo những cách mới lạ và thích thú, không nhàm chán. Đoạn trích Huyện đường bằng tính hóm hỉnh và trẻ trung hài hước cùng những lời châm biếm sâu cay của mình đã dễ dàng khiến cho người đọc dễ dàng hiểu được nhưng gì mà nó muốn gửi gắm : một thế giới trong sạch cần gặn bỏ những nhân cách thối nát và giữ lại những gì gọi là tình người nơi cuộc đời, bởi cuộc đời này có bao lâu tại sao cứ phải mãi xuất hiện những thứ không đáng có, hãy sống là chính mình với những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *