Phân tích bài thơ tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão – Tên tuổi của ông thuộc hàng những tác giả danh tiếng nhất thời Trần

Đề :  Phạm Ngũ Lão tuy chỉ để lại hai bài thơ nhưng tên tuổi của ông vẫn thuộc hàng những tác giả danh tiếng nhất của văn học thời Trần bởi thơ của ông đã toát lên hào khí Đông A – hào khí thời Trần – một trong những thời đại hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.

   Hãy phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ nhận định trên.

   

Bài làm

 Thời đại nhà Trần là một thời đại oanh liệt với nhiều chiến công rực rỡ, ba lần đánh ta quân Nguyên Mông, một đội quân hùng mạnh thời bấy giờ. Hàng loạt sự kiện lớn lao: Hội nghị Bình Than, lời kêu gọi tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và hội nghị Diêu Hồng vang lên lời thề sát thát. Một thời với bao chiến công vang dội còn đó với Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… thời mà hào khí Đông A toả ngút trời và đi vào những áng văn đương thời với hình tượng người tráng sĩ, người anh hùng vệ quốc hiện lên vừa gian dị chân thực, vừa kì vĩ hoành tráng mang tầm vóc ngang hàng với trời đất sông núi. Hình tượng ấy được khái quát trong bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão, đó là hình tượng tiêu biểu cho cả thế hệ thanh niên thời Trần, vừa có tính cá biệt trong tầm vóc, ý chí Phạm Ngũ Lão – một hình tượng nghệ thuật sống động hấp dẫn. Đó chính là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.

 Phạm Ngũ Lão (1255-1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, là một danh tướng thời Trần. Tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân song chí lớn tài cao nên ông nhanh chóng trở thành tuỳ tướng số một bên cạnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, ông cùng những tên tuổi lớn khác của triều đình đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng tạo nên hào khí Đông A của thời đại đó.

   Phạm Ngũ Lão làm bài Thuật Hoài sau chiến thắng vang dội chống quân xâm lược Nguyên – Mông các năm 1285 và 1288. Bài thơ này là một tác phẩm nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi vì nó bày tỏ khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời: làm trai phải trả cho xong món nợ công danh, có nghĩa là phải thực hiện đến cùng lí tưởng trung quân, ái quốc.

   Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên trong thời đại ấy nên ông sớm thấm nhuần tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và nhất là lý tưởng trung quân, ái quốc của nhà Nho. Ông nhận thức rất rõ ràng về trách nhiệm công dân trước vận mệnh của đất nước: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Bài thơ có nhan đề chữ Hán là Thuật Hoài: Thuật là kể lại là bày tỏ; hoài là nỗi lòng. Dịch thành Tỏ lòng, nghĩa là bày tỏ khát vọng, hoài bão trong lòng. Đặc điểm thơ trung đại thường tĩnh lược chủ ngữ nhưng ta có thể hiểu chủ thể trữ tình ở đây là vị danh tướng trẻ tuổi đang chỉ huy quân đội làm nhiệm vụ giữ gìn non sông. Nguyên tác Thuật hoài bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, hình tượng kỳ vĩ, âm điệu hào hùng, ở hai câu thơ đầu tác giả bài tỏ lòng tự hào to lớn về quân đội của triều đình; trong đó có mình – một vị tướng. Nhà thơ đã khắc hoạ vẽ đẹp gân guốc, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những chiến binh quả cảm.

 Nhà Trần thừa kế truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước Đại Việt trên cơ sở ý thức tự lập, tự cường dân tộc. Ba lần giặc Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta là ba lần chúng đều đại bại. Dưới thời Trần đất nước hoà bình, thịnh trị, nhân dân sống ấm no. Hào khí Đông A là hào khí thời Trần. Do chữ Trần gồm bộ A và chữ Đông hợp thành. Tuy nhiên, nói tới hào khí Đông A không chỉ nói riêng hào khí đời Trần mà còn chỉ hào khí của cả giai đoạn lịch sử thế kỷ X đến thế kỷ XV. Biểu hiện của hào khí Đông Á là tinh thần tự lập, tự cường, lòng yêu nước, khát vọng lập công giúp nước; ý chí quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù.

 Cầm ngang ngọn giáo ( hoành sóc) là một tư thế chiến đấu vô cùng hiên ngang  dũng mãnh . Câu thơ Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu là một câu thơ có hình tượng kì vĩ , tráng lệ ,vừa mang tầm vóc không gian (giang sơn) vừa mang kích thước thời gian chiều dài lịch sử (kháp kỷ thu). Nó thể hiện tư thế người chiến sĩ thuở bình Nguyên ra trận hiên ngang hào hùng như các dũng sĩ trong huyền thoại . Chủ nghĩa yêu nước được biểu hiện qua một vần thơ cổ kính trang nghêm : cầm ngang ngọn giáo xông pha trận mạc suốt mấy mùa thu để bảo vệ giang sơn yêu quý . Cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ non sông , ngọn giáo ấy phải đo bằng chiều dài của non sông , chiều rộng của sông núi , lại được đẩy cao thăm thẳm tới tận sao Ngưu trải dài theo thời gian không kể ngày tháng . Thế thì con người cầm ngang ngọn giáo  bảo vệ tổ quốc ấy tất phải được đo bằng kích thước của trời đất. Con người có tầm vóc vũ trụ như vậy đã đồng nhất với non sông. Tầm vóc hoành tráng , tư thế vững chắc ấy của dân tộc ta có cơ  sở từ tinh thần làm chủ đất nước rất sâu sắc , từ ý chí bảo vệ đất nước rất kiên cường. Với tinh thần ấy , nhân dân ta đã làm nên chiến công oanh liệt ở Chương Dương , Hàm Tử ,Chi Lăng,….. và nhất là Bạch Đằng .

 Từ hình ảnh một tráng sĩ thời Trần tác giả đã khái quát thành sức mạnh của ba đội quân nhà Trần . Đội quân Sát Thát ra trận vô cùng đông đảo , trùng điệp (ba quân ) với sức mạnh khi thường , mạnh như hổ báo ( tỳ hổ )quyết đánh tan mọi kẻ thì xâm lược .Khí thế của đội quân ấy ào ào ra trận . Không một thế lực nào , kẻ thù có thể ngăn cản nổi , khí thôn Ngưu nghĩa là khí thế tráng chí  suốt sao Ngưu , làm át , làm lu mờ sao Ngưu trên bầu trời . Hoặc có thể hiểu : ba quân thế mạnh nuốt  trôi trâu . Biện pháp tu từ thậm xưng sáng tạo nên một hình tượng thơ mang tầm vóc hoành tráng , vũ trụ : Tam quân tì hổ sát khí ngôn Ngưu . Hình ảnh ẩn dụ so sánh : Tam quân tì hổ … Trong thơ Phạm Ngũ Lão rất độc đáo , không chỉ có sức biểu hiện sâu sắc sức mạnh vô địch của đội quân Sát Thát đánh đâu thắng đấy mà nó còn khơi nguồn cảm hứng thơ ca ; tồn tại như một điển tích , một thi liệu sáng giá trong nền văn học dân tộc.

        Thuyền bè muôn đội;

        Tinh kỳ phấp phới 

        Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói…

                                                   (Bạch Đằng giang phú)

 Hình ảnh con người Lý – Trần là hình ảnh con người mang tầm vóc vũ trụ. Tư thế, tầm vóc này ta không chỉ nhận thấy trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão. Trong Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư, đó là hình ảnh con người có lúc trèo lên thẳng ngọn núi cao, kêu lên một tiếng dài làm lạnh cả bầu trời:

      Có khi lên thẳng đầu non thẳm,

      Cười lớn âm vang lạnh cả trời!

  Trong Cảm hoài của Đặng Dung, đó lại là nỗi niềm tiếc nuối khi chưa trả xong thù nước mà tuổi già đã đến, để bao phen đội ánh tuyết mà mài gươm báu:

        Phò vua bụng những mong xoay đất,

        Gột giáp sông kia khó vạch trời.

        Đầu bạc giang san thù chưa trả,

        Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

    Người chiến sĩ Bình Nguyên mang theo một ước mơ cháy bỏng: khao khát lập chiến công để đền ơn vua, báo nợ nước. Thời đại anh hùng mới có khát vọng anh hùng! Phá cường địch, báo hoàng ân (Trần Quốc Toản) – Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo ( Trần Thủ Độ)… Dầu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng (Trần Quốc Tuấn)… Khát vọng ấy là biểu hiện rực rỡ những tấm lòng trung quân ái quốc của tướng sĩ, khi tầng lớp quý tộc đời Trần trong xu thế đi lên đang gánh vác sứ mệnh lịch sử trọng đại. Họ mơ ước và tự hào về những chiến tích hiểm hách, về những võ công oanh liệt của mình có thể sánh ngang tầm sự nghiệp anh hùng của Vũ Hầu Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.

 Hai câu cuối sử dụng một điển tích (Vũ Hầu để nói về nợ công danh của nam nhi thời loạn lạc,giặc giã:

     Công danh nam tử còn vương nợ

     Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

  Công danh mà Phạm Ngũ Lão nói đến trong bài thơ là thứ công danh được làm nên bằng máu và tài thao lược, bằng tinh thần quả cảm và chiến công. Đó không phải là thứ công danh tầm thường , đậm màu sắc anh hùng cá nhân. Nợ công danh như một gánh nặng mà kẻ làm trai nguyện trả, nguyện đền bằng xương máu và lòng dũng cảm. Không chỉ luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu, mà tướng sĩ còn học tập binh thư, rèn luyện cung tên chiến mã, sẵn sàng chiến đấu khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai,…để tổ quốc Đại Việt được trường tồn bền vững : Non sông nghìn thuở vững âu vàng (Trần Nhân Tông).

 Nếu ở hai câu thơ đầu giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến đây âm hưởng thơ bỗng dưng như một nốt trầm lắm lại. Điều đó rất phù hợp với lời bộc bạch, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của nhà thơ. Nói cách khác âm hưởng thơ góp phần thể hiện nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão. Vẻ đẹp của người trai thời Trần không chỉ thể hiện ở cái tư thế, khí phách, tầm vóc, sức mạnh mà còn thể hiện ở cái chí cái m, tâm của người tráng sĩ. Cái chí, cái tâm ấy gắn liền với quan niệm chí làm trai. Theo Phạm Ngũ Lão chí làm trai phải gắn liền với hai chữ công danh, Chí làm trai này mang tinh thần, tư tưởng tích cực, gắn với ý thức trách nhiệm, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm cho đời). Chí làm trai đó được coi là món nợ đời phải trả. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Quan niệm lập công danh đã trở thành lý tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng khẳng định:

       Đã mang tiếng ở trong trời đất 

       Phải có danh gì với núi sông

  Đặt trong thời đại của Phạm Ngũ Lão, chí làm trai này đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỷ, sẵn sàng chiến đâu hy sinh vì sự nghiệp lớn lao cùng trời đất muôn đời bất hủ. Phạm Ngũ Lão cũng từ cái chí, cái nợ nam nhi, nam tử đó mà cùng dân tộc chiến đấu chống xâm lược bền bỉ, ròng rã bao năm. Đặc biệt ở đây cũng từ cái chí, cái nợ đó mà nảy sinh trong tâm trạng một nỗi thẹn. Nói cách khác cái tâm thể hiện qua nỗi thẹn…

 Phạm Ngũ Lão thẹn chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Thẹn bởi vì so với cha ông mình chưa có gì đáng nói.Gia Cát Lượng là quan sư của Lưu Bị, mưu trí tuyệt vời, song điểm làm cho Gia Cát Lượng nổi tiếng là lòng tuyệt đối trung thành với chủ. Vì thế luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu thực chất là một lời thể suốt đời tận tuỵ với chủ tướng Trần Hưng Đạo, thẹn còn được hiểu là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão muốn sánh với Vũ Hầu. Xưa nay,những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Phạm Ngũ Lão là danh tướng có nhiều công lao với đất nước. Nỗi thẹn thể hiện sự khiêm tốn , nghiêm khắc với bản thân, ý thức trách nhiệm lớn với vận mệnh đất nước của một người lo trước nỗi lo của thiên hạ. Cái thẹn cảo cả của một nhân cách lớn, một cái tâm trong sáng có sức mạnh cỗ vũ động viên mọi người.

 Nguyễn Khuyến trong bài thơ Thu vịnh từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiêm – một danh sĩ cao khiết đời Tần, đó là nỗi thẹn của người có nhân cách. Trong bài thơ Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa trả xong nợ nước. Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà trái lại nâng cao phẩm giá con người. Đó là cái thẹn của con người có lý tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường .  Nỗi thẹn của một con người luôn dành trọn cái tâm cho đất nước, cho cộng đồng. Như vậy, Phạm Ngũ Lão vừa đề cao cái chí, vừa đề cao cái tâm của con người Viêt Nam đời Trần. Đó chính là hữu tâm trong thơ cả trung đại Việt Nam.

 Bài thơ tỏ lòng ghi dấu một thời đại hào hùng của lịch sử dân tộc, khi lý tưởng sống của cá nhân hoà cùng lý tưởng của thời đại. Tâm nguyện của nhà thơ cũng chính là tâm nguyện của biết bao tráng sĩ thời Trần, ý thức rõ giá trị của bản thân, trách nhiệm của người công dân trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc một trong những hiện thân của đất nước. Tác phẩm là một bài ca hào sảng, với những hình tượng đẹp, kỳ vĩ, làm nổi tầm vóc, khí phách và lí tưởng của người tráng sĩ – vị dũng tướng Phạm Ngũ Lão, một trong những hiện thân của tinh thần và hào khí Đông A. Bài thơ cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn khát vọng ý chí của con người thời Trần trong những mối quan hệ chặt chẽ với dân tộc, đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *