NLXH : Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có

Đề bài: Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kì có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ trên.

 

Câu Nội dung Điểm
1 Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kì có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ trên. 8,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

 Suy nghĩ về câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kì: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”.

0,5
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; mọi kiến giải phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
* Giải thích

– Người độ lượng: Người luôn sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm, sai sót người khác phạm phải trong quan hệ ứng xử với mình và những vấn đề liên quan đến mình.

– Ý nghĩa: Câu ngạn ngữ đề cao sự độ lượng, lòng vị tha là đức tính tốt trong mỗi con người. Người độ lượng thấy mình giàu có là giàu có về tâm hồn, về đời sống tinh thần, được sống thanh thản, yêu thương, chan hòa, cởi mở với mọi người.

1,0
* Phân tích, chứng minh

– Vì sao chúng ta cần tha thứ cho người khác?

+ Cuộc sống khó khăn khó tránh khỏi lỗi lầm, sai sót. Tha thứ độ lượng với người khác cũng có nghĩa là cho người đó cơ hội sửa lỗi lầm của mình, sống tốt hơn, tự tin hơn

+  Tha thứ, độ lượng với người không chỉ giúp cho người được tha thứ nhẹ lòng và sống tốt hơn mà ngay cả người tha thứ cũng thanh thản, không phải mang tâm lí nặng nề thậm chí trong lòng.

+ Chúng ta không tha thứ, lưu giữ trong tâm trí mình những bực bội và tức  giận. Chúng ta không tha thứ, vẫn giữ mãi những điều thuộc về quá khứ sẽ trở thành người bảo thủ, cố chấp. Mọi thứ có thể đổ vỡ hoặc theo chiều ngày càng tồi tệ. Cả hai phía không thoát khỏi mâu thuẫn, hiểu lầm,…. dẫn đến những tác hại khôn lường

+ Tha thứ cũng như giải pháp có lợi nhiều hơn, nên trừ những trường hợp nguy

hiểm và nguy hại đến danh dự, tính mạng và sự sống còn của cá cộng đồng và quốc gia dân tộc.

+ Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn.

– Vì sao người độ lượng thấy mình giàu có?

+ Sống độ lượng, thẳng thắn, chân thành, cởi mở giúp ta xây dựng những mối quan hệ với xung quanh, hòa nhập với tập thể, đoàn kết và tiến bộ. Mỗi người tự hoàn thiện và sống hạn chế sai lầm, tránh hiểu lầm và phạm lỗi.

+  Tha thứ độ lượng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực:

+ Biết cách tha thứ và tha thứ kịp thời đem lại nhiều tác dụng.

+ Không biết tha thứ đôi khi cũng làm nên tội lỗi, đẩy người khác mắc tiếp sai lầm và trượt thêm xa

+ Tha thứ, độ lượng không đồng nghĩa là dung túng cho lỗi lầm cho người khác . Đôi khi cần thẳng thắn phê phán , trừng trị kẻ khác, giúp họ nhận ra sai lầm

+ Điều quan trọng là tha thứ phải có tác dụng , giúp cho người khác nhận ra được lỗi lầm và chân giá trị đời sống , rút kinh nghiệm và sống tốt hơn

=> Lưu ý: Người viết cần lấy dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu minh họa, không phân tích sâu dẫn chứng

4.0
* Bài học nhận thức và hành động

– Cần độ lượng với những người xung quanh, sống hòa đồng nhân ái, bao dung…

– Trong mỗi con người đều có hai mặt xấu và tốt – xấu, đúng -sai, sáng -tối… và để chiến thắng chính là lòng tốt, độ lượng . Người xưa nói “Nhân vô thập toản” là con người ai cũng măc lỗi, có điều nhỏ hay lớn. Nhưng dù thế nào, khi người mắc lỗi được tha thứ cũng thấy nhẹ nhõm , thanh thản. Ngược lại ta tha thứ cho người khác sẽ thấy tâm thanh thản, nhẹ nhõm. Đó chính là ý nghĩ của lòng độ lượng, tha thứ.

– Cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, xung đột trong việc làm và lời nói , những khi xong, ta cần biết nhìn lại chính mình, chủ động giảng hòa, sẵn lòng tha thứ cởi oán thù, ghét bỏ …

– Ta tha thứ cho người, sẽ có lúc có người tha thứ cho ta, bởi: “Oán thù nên cởi không nên buộc”. Niềm vui của độ lượng là niềm vui to lớn, đích thực đáng là một phương châm để trước hết mình tự thanh thản. Và đó cũng là lối sống đẹp, thể hiện nhân cách con người.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo đúng nguyên tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.

0,5

Bài viết tham khảo

          Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lí do mà thế giới cần tới sự độ lượng. Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Lúc này đây, họ rất cần sự cảm thông và đặc biệt là sự độ lượng. Trong những đức tính quý báu của con người, độ lượng là đức tính được nhiều người yêu mến. Chính vì vậy mà ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kì có câu: “ Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”.

          “Hãy tha thứ và hãy quên”, sự độ lượng và vị tha là hai thứ cần thiết và quan trọng để tạo nên tình người. Bởi trong cuộc đời này, con người ta luôn muốn hướng đến sự hoàn thiện về cả tâm hồn lẫn thể xác, thành công trong công danh sự nghiệp và hướng thiện. Chính vì lẽ đó, sống độ lượng là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Trước tiên, ta cần hiểu người độ lượng là người luôn sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm, sai sót người khác phạm phải trong quan hệ ứng xử với mình và những vấn đề liên quan đến mình. Câu ngạn ngữ trên đã đề cao sự độ lượng, lòng vị tha là đức tính tốt trong mỗi con người. Người độ lượng thấy mình giàu có là giàu có về tâm hồn, về đời sống tinh thần, được sống thanh thản, yêu thương, chan hòa, cởi mở với mọi người. Cuộc sống sẽ trở nên vô vị nếu chúng ta chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết lợi ích của riêng mình. Nhưng chắc chắn một điều cuộc sống sẽ tươi đẹp, vui vẻ, hạnh phúc hơn khi trong tiềm thức tâm hồn của mình có lòng vị tha, độ lượng.

Tính độ lượng biểu hiện rõ nét qua các mối quan hệ xã hội. Người sống độ lượng thì tính tình luôn vui vẻ, hòa đồng thân thiện với mọi người và biết sẻ chia, đồng cảm và dễ dàng cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm, sai trái của người khác khi họ biết ăn năn, sửa lỗi. Trong công việc, họ luôn biết đặt lợi ích cá nhân mình ở sau, luôn nghĩ cho lợi ích của tập thể, xã hội, vì lợi ích chung. Họ ý thức, tự giác, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nhận phần khó về mình và không lười nhác. Khi gặp khó khăn họ biết đứng ra gánh vác trọng trách không sợ thiệt hơn, không so đo, ganh ghét, tính toán.

Vì sao chúng ta cần tha thứ cho người khác? Vì đó là đức hi sinh, là tinh thần trượng nghĩa, là biểu hiện tốt đẹp nhất của đạo lí làm người. Từ cổ chí kim, tính độ lương luôn là đức tính thiết yếu của cuộc sống. Người xưa từng nói “Nhân bất thập toàn”. Con người thì chẳng ai có thể hoàn hảo, tốt đẹp đến mức tuyệt đối. Trong thần thoại Hy Lạp ngay cả người con của vị thần như A Sin cũng có yếu điểm ở gót chân, để rồi chính gót chân ấy đã bị kẻ thù lợi dụng và hãm hại. Ai ai cũng hơn một lần mắc lỗi với những người xung quanh và với chính mình. Đó có thể là do suy nghĩ chưa chín chắn, hành động bồng bột hoặc do hoàn cảnh khách quan, bị đẩy vào sai trái hoặc do bản tính của người đó. Ta hãy độ lượng tha thứ, bỏ qua cho họ. Vì như vậy có nghĩa là ta đã cho người đó cơ hội sửa lỗi lầm của mình, sống tốt hơn, tự tin hơn. Tha thứ, độ lượng với người không chỉ giúp cho người được tha thứ nhẹ lòng và sống tốt hơn mà ngay cả người tha thứ cũng thanh thản, không phải mang tâm lí nặng nề thậm chí là dằn vặt trong lòng. Sự độ lượng và bao dung sẽ đem đến cho họ sự thanh thản trong tâm hồn, sự yên bình trong giấc ngủ say, hạnh phúc và hơn cả là tình yêu thương giữa con người đến với con người. So với việc chúng ta không tha thứ, lưu giữ trong tâm trí mình những bực bội và tức  giận. Chúng ta không tha thứ, vẫn giữ mãi những điều thuộc về quá khứ sẽ trở thành người bảo thủ, cố chấp. Mọi thứ có thể đổ vỡ hoặc theo chiều ngày càng tồi tệ. Cả hai phía không thoát khỏi mâu thuẫn, hiểu lầm,…. dẫn đến những tác hại khôn lường. Tuy nhiên, tha thứ cũng như giải pháp có lợi nhiều hơn nên trừ những trường hợp nguy hiểm và nguy hại đến danh dự, tính mạng và sự sống còn của cá nhân, cộng đồng và quốc gia dân tộc. Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn. Tyler Perry đã từng nói rằng: “ Khi bạn không tha thứ cho một ai đó, tức là bạn đang quay lưng lại với tương lai của mình…”. Thực vậy, trong cuộc sống này nhiều bộn bề lo toan, với biết bao điều xảy ra với mình mà mình không thể lường trước được, có những chuyện buồn, phiền muộn, trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau như sợ hãi, giận dữ, điên cuồng,…thì chính lòng rộng lượng, vị tha là điều vô cùng cần thiết để chúng ta có thể cân bằng lại cuộc sống, để tâm hồn thanh thản và dễ chịu hơn.

Một trong những tấm gương sáng về lối sống độ lượng, vị tha đó là Bác Hồ. Người luôn yêu thương con người mênh mông, sâu sắc, tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ lầm đường, lạc lối. Từ đó, Bác nhắc nhở chúng ta: “Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ”. Tấm lòng độ lượng của Bác đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi một lòng một dạ đi theo cách mạng, kháng chiến mà không quản ngại gian khổ, hi sinh. Nhân cách đạo đức đáng quý của Bác mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho con cháu hôm nay và mai sau noi theo.

Vì sao người độ lượng thấy mình giàu có? Người xưa có câu: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Chúng ta hãy rộng lượng, vị tha nếu có thể. Bởi độ lượng, thẳng thắn, chân thành, cởi mở giúp ta xây dựng những mối quan hệ với xung quanh, hòa nhập với tập thể, đoàn kết và tiến bộ. Mỗi người tự hoàn thiện và sống hạn chế sai lầm, tránh hiểu lầm và phạm lỗi. Đặc biệt, sống nhân ái, độ lượng thì chúng ta sẽ được mọi người yêu mến, tôn trọng. Ta sẽ có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhiều cơ hội lập nghiệp, tiến thân trong cuộc đời, “giàu” cả về đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất. Và trong xã hội mà mọi người đều biết sống độ lượng, bao dung thì sẽ góp phần xây dựng một đất nước văn minh, phát triển phù hợp với xu thế thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa trên cơ sở hợp tác, chia sẻ và hướng tới lối sống chân thiện mỹ.

Chúng ta đều biết làm người tốt, độ lượng, bao dung là vô cùng đáng quý. Nhưng các bạn hãy nhớ một điều phải biết tha thứ độ lượng đúng lúc, đúng chỗ và đúng mực. Khi bạn biết cách tha thứ và tha thứ kịp thời sẽ đem lại nhiều tác dụng. Còn không biết tha thứ đôi khi ta cũng làm nên tội lỗi, đẩy người khác mắc tiếp sai lầm và trượt thêm xa. Tuy nhiên, tha thứ, độ lượng không đồng nghĩa là dung túng cho lỗi lầm của người khác. Đôi khi cần thẳng thắn phê phán, trừng trị kẻ khác, giúp họ nhận ra sai lầm. Không rộng lượng một cách mù quáng, chỉ tha thứ cho những ai biết nhận ra sai trái, lỗi lầm và làm lại cuộc đời, không tha thứ cho những người liên tiếp mắc lỗi, phạm lỗi. Điều quan trọng là tha thứ phải có tác dụng, giúp cho người khác nhận ra được lỗi lầm và trân trọng giá trị đời sống, rút kinh nghiệm và sống tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần lên án, phê phán những người sống ích kỷ, nhỏ nhen, vô cảm, sống chỉ biết lợi ích của bản thân, chấp chi, so đo, tính toán với người khác.

Từ đây, bản thân em nhận thấy rằng mình cần độ lượng với những người xung quanh, sống hòa đồng, nhân ái, bao dung. Trong mỗi con người đều có hai mặt tốt – xấu, đúng – sai, sáng -tối… và điều chiến thắng chính là lòng tốt, độ lượng. Người xưa từng nói: “Nhân vô thập toàn” là con người ai cũng mắc lỗi, có điều lỗi nhỏ hay lớn. Nhưng dù thế nào, khi người mắc lỗi được tha thứ cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Ngược lại ta tha thứ cho người khác sẽ thấy tâm thanh thản, nhẹ nhõm. Cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, xung đột trong việc làm và lời nói, những khi xong, ta cần biết nhìn lại chính mình, chủ động giảng hòa, sẵn lòng tha thứ cởi oán thù, ghét bỏ. Ta tha thứ cho người, sẽ có lúc có người tha thứ cho ta, bởi: “Oán thù nên cởi không nên buộc”. Niềm vui của độ lượng là niềm vui to lớn, đích thực đáng là một phương châm để trước hết mình tự thanh thản. Và đó cũng là lối sống đẹp, thể hiện nhân cách con người.

Như vậy, độ lượng là đức tính quý báu mà mỗi người chúng ta cần cố gắng rèn luyện và phát huy. Bạn hãy sống độ lượng, vị tha để lúc nào “cũng thấy mình giàu có”, giàu tình yêu và niềm vui, hạnh phúc. Vì vậy, thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có một cái nhìn bao dung, độ lượng và biết thứ tha đối với người xung quanh. Ngày hôm nay, nếu như bạn chưa sẵn lòng tha thứ cho một ai đó, hay chưa đủ dũng cảm để đến gặp và làm lành với một ai, vậy thì hãy cố gắng lên, hãy là một đốm lửa nhỏ và tôi sẽ là ngọn gió truyền lửa cho bạn, hãy thổi bùng và lan tỏa đến mọi ngõ ngách trong trái tim và tâm hồn người đó nhé, vì yêu thương sẽ ngọt ngào hơn nếu ta cho đi lòng vị tha độ lượng.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *