Đọc văn bản Tấc đất Thành cổ, phân tích Bà lão lòa – Vũ Trọng Phụng

 

            ĐỀ CHÍNH THỨC

        (Đề thi có 02 phần, 02 trang)

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

    NĂM HỌC 2023 – 2024

                            MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

 

Họ và tên học sinh:…………….………………………… Lớp:………………

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

                                       Đọc văn bản: Tấc đất Thành cổ

Phạm Đình Lân

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào

Bạn nằm lại nơi này, nơi nao?

Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn
Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn
Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông

Thắp một nén nhang và khóc ít thôi
Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy
Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi

Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?

Bạn nằm lại nơi đồng đất quê hương
Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải
Súng trong tay và đôi mắt rực lửa
Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên

 

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bẩt tử đến vô cùng.                                                                 

                              ( Tháng 7-2002)

Chú thích

  1. Nhà thơ Phạm Đình Lân đồng thời là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu gìn giữ Thành cổ Quảng Trị (năm 1972).
  2. Bài thơ “Tấc đất Thành cổ” ra đời trong một chuyến đi tình nghĩa. Những người lính sinh viên năm xưa quay lại chiến trường để thăm viếng các đồng đội, các bạn học đã anh dũng hi sinh.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã nhắc đến địa danh lịch sử nào?

Câu 3. Tìm trong văn bản những từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của tác giả đối với đồng đội ngã xuống?

Câu 4. Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 5. Anh (chị) hiểu thế nào về câu thơ: Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật.

Câu 6. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 7. Cảm xúc, tâm tư nào của tác giả được nhấn mạnh trong văn bản?

Câu 8. Thông điệp mà anh (chị) thấy tâm đắc nhất sau khi đọc văn bản? (trình bày 5-7 dòng)

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá về nhân vật bà lão lòa trong đoạn trích sau:

         76 tuổi đầu, mỗi bữa thất thểu ăn một lưng cơm, bà lão lòa ở nhờ một đứa cháu họ, thật đã lắm phen cực nhục. Cháu bà – một bác đánh giậm, với vợ – một chị mò cua bắt ốc, khốn thay, dưới nách hai đứa con mọn, cũng đã lắm phen nhăn nhó vì chẳng đủ ăn. Hai mươi năm về trước, bà lão lòa này còn là người có của trong làng. Con trai bà nó chơi, nó phá, nó bán ruộng, cầm nhà rồi nó bỏ bà nó đi, chẳng biết đi đâu, lòng mẹ đối với con tuy có giận mà vẫn có thương, bà khóc lóc một mình đến nỗi lòa cả mắt. Trong thời bà còn giàu có, ngoài những việc cúng tiền tô tượng, đúc chuông, bà còn năng giúp đỡ kẻ nghèo khó; trong họ ngoài làng, nhiều người đã được nhờ bà mà đến khi bà gặp bước khốn cùng thì chẳng ai thương cả. Cũng vì xưa kia đã nhiều phen ngửa tay nhận lấy đồng tiền cứu giúp của bà, bác đánh giậm đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm mắt nuôi cô trong lúc hoạn nạn.

          Nhưng vốn bị ma nghèo ám ảnh, mới nuôi cô được độ ba năm, bác đánh giậm đã thấy nản lòng. Cái cảnh túng bấn nó thường đẩy người ta vào chốn bùn nhơ, nó thường buộc người vào vòng tội lỗi, đối với bác đánh giậm, ác hơn, nó làm bác quên bỏ cả lương tâm. Quên hẳn cái ơn ngày trước, bác ta chỉ còn biết xót ruột khi bà lão lòa lò rò ngồi vào mâm, cướp cơm của vợ, của con nhà bác.

          Buổi chiều hôm ấy…

         Trước túp lều tranh xiêu vẹo như chỉ còn chờ một trận gió to là đổ ụp xuống, cái sân đầy những bã mía, lá khô, một mâm cơm bát đàn đũa mộc trong để đĩa cá rô kho chuối với đĩa cá đen sịt đen sì, cầm trên tay mấy bát cơm ngô vàng ói, bà lão lòa, bác gái và hai đứa bé chỉ còn chờ bác trai rửa mặt rửa chân tay, ngồi vào là cùng cầm đũa […]

          Bác trai, người mảnh khảnh, đen như củ súng, trán răn, má hóp, mắt kèm nhèm, mặc cái áo vải vá đã đến năm mười miếng mụn, đóng khố, vừa ngồi xổm xuống đất cầm lấy bát cơm, vợ đã vội hỏi:

– Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả…? Ấy tôi chỉ được có bốn sóc cua hai xu với một mẹt tôm riu năm xu là bảy đấy thôi. Gạo ăn bữa mai hết rồi […]

      Bà lão lòa, ăn hết một lưng, tay lẩy bẩy chìa bát ra toan xin ít nữa, chưa kịp nói, bác gái đã quát:

– Hết rồi…! Còn đâu nữa mà chìa mãi bát ra… Đến tôi đây quần quật suốt ngày, đã ốm cả xác mà cũng chỉ được có ba lưng thôi đấy… Bà không phải làm gì, ngồi nhà ăn ít cũng được.

        Bà lão giật mình, đớ người ra một lúc rồi đứng lên đi vào trong nhà, ngồi xuống bậu cửa, lấy cái tăm gài trên mái tóc xuống xỉa răng

(Trích truyện ngắn Bà lão lòa – Vũ Trọng Phụng)

Chú thích:

– Vũ Trọng Phụng (1912 -1939) sinh tại Hà Nội, quê ở Hưng Yên. Ông có cuộc sống chật vật.

– Là cây bút sáng tạo dồi dào, viết văn từ 1930, không đầy 10 năm viết văn, ông đã để lại 1 số lượng tác phẩm đồ sộ với các thể loại truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết.

– Những tác phẩm của ông đều đi sâu vào hiện thực đời sống, lên án những thói hư tật xấu, mỉa mai bộ mặt giả tạo của nhiều người sống trong xã hội lúc bấy giờ.

Tóm tắt tác phẩm: Bà lão lòa đã 76 tuổi, nhưng phải sống nhờ trong gia đình vợ chồng người cháu họ – bác đánh giậm (trước kia được nhiều lần bà giúp đỡ). 20 năm trước bà là người giàu có, hiền lành, tử tế hay làm việc thiện giúp đỡ nhiều người khó khăn trong làng. Nhưng rồi, con trai bà chơi bời, phá phách nên bà đã bán nhà cửa, ruộng vườn trả nợ cho con, thương con bà đã khóc đến lòa cả 2 mắt. Gia đình bác đánh giậm nuôi ba được ba năm đã chán nản nghĩ bà là gánh nặng cướp miếng cơm của vợ con bác nên hắt hủi, bắt bà đi ăn xin. Một hôm trời mưa gió, bác sai thằng cu lớn đi dắt bà lão về, chưa kịp đi thì vợ bác đau bụng, bác mải lo cho vợ, nấu cơm nên quên. Sáng hôm sau bác đánh giậm đi làm qua chỗ gốc cây gạo –nơi bà lão ngồi thấy đàn quạ dưới ruộng, tưởng ổ rắn liền lại gần, bác bàng hoàng ngã thụp xuống khi nhìn thấy 1 cái xác đã bị quạ rỉa gần hết.

………………….. Hết………………

                 (Thí sinh không được sử dụng tài liệu, giám thị không giải thích gì thêm)

 

 

 

            ĐỀ CHÍNH THỨC

       (Hướng dẫn chấm gồm: 03 trang)

     HƯỚNG DẪN CHẤM

      ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

    NĂM HỌC 2023 – 2024

                            MÔN: NGỮ VĂN 11

 

 

Phần Câu                                                Đáp án Điểm
       
I                                              ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
2 Trong văn bản, tác giả nhắc đến địa danh Thành cổ Quảng Trị

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 – Những từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của tác giả đối với đồng đội đã ngã xuống: nghẹn ngào, khóc

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
4 Nội dung chính của văn bản:

– Đề cập đến giá trị của tấc đất Thành cổ, mỗi tấc đất ở Thành cổ đều được đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương, mạng sống của biết bao người lính trẻ

– Bày tỏ lòng tri ân đến những hi sinh của người lính để giữ gìn Thành cổ.

Hướng dẫn chấm:

HS trả lời đúng 2 ý: 1,0 điểm

HS trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm

– HS không trả lời hoặc trả lời sai: 0,0 điểm.

– HS có cách diễn đạt tương tự với đáp án: 1,0 điểm

1,0
5                     Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật.

Với tư cách là một người lính từng cầm súng tham gia giữ từng tấc đất Thành cổ, tác giả đã khẳng định:

Mỗi tấc đất ở Thành cổ đều hằn sâu dấu tích về sự khốc liệt của chiến tranh, về 81 ngày đêm không ngơi tiếng súng. Có quá nhiều những người lính, người chiến sĩ đã ngã xuống để giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Bởi vậy đó là những cuộc đời có thật, được nhớ tới, được kể lại.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương, phù hợp: 1,0 điểm.

1,0
6 – Biện pháp tu từ:

+ Điệp ngữ: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

à Tác dụng: Làm câu thơ trở nên có vần điệu, nhịp điệu. Đồng thời đề cao tính nhẹ nhàng, yên tĩnh của mỗi người khi đặt chân đến nơi đây – nơi yên nghỉ của những vị anh hùng.

Hay:

+ Đối lập: Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

+ Phóng đại: đất trời ken dày bom đạn

à Tác dụng: Làm câu thơ trở nên có vần điệu, nhịp điệu. Đồng thời nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh, tội ác của giặc Mĩ và những mất mát hi sinh của đồng đội mình

Hướng dẫn chấm:

HS trả lời như đáp án: 1,0 điểm

HS trả lời biện pháp tu từ: 0,25 điểm

HS trả lời biện pháp tu từ và tác dụng thứ 1: 0,5 điểm

– HS không trả lời hoặc trả lời sai: 0,0 điểm.

– HS có cách diễn đạt tương tự với đáp án: 1,0 điểm

1,0
7 Cảm xúc, tâm tư của tác giả được nhấn mạnh nhiều lần trong văn bản: vô cùng nhớ tiếc, xót xa; mong muốn đồng đội đã ngã xuống được yên nghỉ trong thanh thản bình yên.

HS trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– HS không trả lời hoặc trả lời sai: 0,0 điểm.

– HS có cách diễn đạt tương tự với đáp án: 1,0 điểm

1,0
8 HS trình bày thông điệp: logic đúng đắn, tích cực, hợp đạo lí.

VD: Trân trọng giá trị của hòa bình, ghi nhớ công lao sự hi sinh của các thế hệ đi trước; trách nhiệm của mình, của thế hệ mình – những con người được sống trong hòa bình với đất nước…

0,5
II                                                VIẾT 4,0
2 Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá về nhân vật bà lão lòa trong đoạn trích.  
  a. Yêu cầu: HS kết hợp được kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đầy đủ, rõ ràng; đúng kiểu bài nghị luận; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 0,25
 

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật bà lão lòa trong đoạn trích.

0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

* Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, vẻ đẹp của nhân vật bà lão lòa.

*  Thân bài:

 Hoàn cảnh, số phận: 76 tuổi, con trai ăn chơi bỏ đi, bán hết ruộng vườn, nhà cửa, không nơi nương tựa, phải ăn nhờ ở đậu người cháu họ – bác đánh giậm nghèo. Bị vợ chồng bác xỉa xói, hắt hủi…

à Cuộc đời bất hạnh, khổ sở, cay đắng, tủi nhục.

– Phẩm chất, tính cách của bà lão lòa trong đoạn trích:

+ Bà là người mẹ thương con hết mực sẵn sàng hi sinh tất cả cho con: đứa con không ra gì, phá phách, bà bán hết nhà cửa gia sản cứu con. Khóc thương con lòa cả hai mắt. Đứa con nó bỏ bà lại bơ vơ mà đi.

+ Là người hiền lành tốt bụng, tử tế: trước kia giàu có, bà làm nhiều việc thiện, cứu giúp mọi người, góp tiền xây chùa, đình…thế nhưng khi hoạn nạn không ai giúp đỡ, thương xót

+ Là người hiểu chuyện, nhẫn nhục: biết thân phận ăn nhờ ở đậu, chỉ biết khóc thầm, không phàn nàn khi bị vợ chồng bác đánh giậm hắt hủi, xỉa xói, gằn hắt.

– Đánh giá nhân vật: bà lão lòa là người nông dân khổ cực, bất hạnh, ê chề nhưng ở bà toát lên những vẻ đẹp đáng trân quý. Qua đây, tác giả phê phán xã hội đen bạc, thói đời bạc bẽo…

– Nghệ thuật: kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí nhân vật thật tinh tế; bút pháp hiện thực sâu sắc; ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giọng điệu mỉa mai châm biếm…

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5-3,0 điểm.

– Phân tích đầy đủ nhưng chưa sâu sắc:1,5 – 2,25 điểm

– Phân tích chung chung, sơ sài: dưới 1,5 điểm

3,0
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
Tổng điểm 10,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *